Vẫn còn 30% giáo viên mầm non chưa được hưởng chính sách

24/08/2013 13:09
Xuân Trung
(GDVN) - Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm học 2012-2013 của bậc học mầm non cả nước đã thực hiện được nhiều kế hoạch đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết.
Cụ thể, năm học qua các tỉnh thành đã thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em năm tuổi còn chậm, gặp rất nhiều khó khăn, không đạt được tiến độ như kế hoạch đã đề ra. Một số số địa phương có tỷ lệ số xã đạt phổ cập rất thấp (dưới 10% là Kiên Giang 4,8%, Sóc Trăng 6,4%, An Giang 9%).  Cả nước còn thiếu 27.554 giáo viên đứng lớp. Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, ở một số địa phương chậm được khắc phục. Một số tỉnh, thành phố thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp (Nghệ An 1.953 GV, Thái Bình 1.909 GV, Thanh Hoá 1.541 GV, Bắc Giang 1.212 GV….).
Nhiều giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ theo quy định.
Nhiều giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ theo quy định.
Một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở GDMN bán công chuyển sang công lập (vẫn còn 30% giáo viên chưa được hưởng chính sách theo quy định hiện hành). Bộ GD&ĐT cũng cho biết, mạng lưới, trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu huy động số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ: toàn quốc còn 365/11.124 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non; còn 2.879 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non. Đối với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở một số địa phương còn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn (vẫn còn 12.530 phòng học nhờ, mượn (chiếm 8,4%), tỷ lệ phòng kiên cố hiện nay vẫn còn thấp khoảng 59,8%. Tỷ lệ nhóm/lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt thấp (61,2%). Việc trang bị các thiết bị, đồ dùng cho các nhóm/lớp còn máy móc, thiếu chọn lọc, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số tỉnh/thành phố chậm, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt dưới 10%. Đặc biệt, theo đánh giá từ Bộ GD&ĐT, trong năm học vừa qua bậc GDMN  ở các tỉnh thành về chất lượng thực hiện Chương trình GDMN chưa cao, đặc biệt là miền núi, tồn tại lớp ghép. Thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi để hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, nhiều giáo viên chưa nắm chắc mục đích ban hành của Bộ chuẩn, áp dụng còn máy móc, đôi khi làm cho công tác xây dựng kế hoạch, sổ sách… cồng kềnh và mất nhiều thời gian, chưa kết nối được Bộ chuẩn với Chương trình giáo dục mầm non. Số nhóm/lớp ghép 2 và 3 độ tuổi còn nhiều, cả nước có 27.138/166.738 nhóm, lớp ghép, chiếm tỷ lệ 16,8%%. Trong đó, có 6.057/40.513 nhóm trẻ (chiếm 15%), ghép 2 độ tuổi mẫu giáo có 12.013/ 126.225 lớp (chiếm 9,5%), ghép 3 độ tuổi mẫu giáo có 9.968/126225 lớp (7,9%). Đặc biệt là một số điểm lẻ, trẻ 5 tuổi chưa được tách thành lớp riêng để chuẩn bị vào lớp 1. Số trẻ/lớp ở khu vực thành phố, thị xã còn đông hơn so với quy định. Để kế hoạch được thực hiện tốt trong năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh thành, các Sở GD&ĐT trong cả nước thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch đã đề ra. Theo đó, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non ở tất cả các độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng từ 0,5-1%, và từ 1- 2 % đối với trẻ mẫu giáo, phấn đấu tỷ lệ chung toàn quốc đạt ít nhất 24% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 87% trẻ độ tuổi mẫu giáo. Đối với trẻ 5 tuổi, bên cạnh việc tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường cần tạo mọi điều kiện để tăng tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày từ 2-3%, đảm bảo có ít nhất 94% trẻ 5 tuổi đến trường được học 2 buổi/ngày, trong đó 78% trẻ được ăn bán trú. Quan tâm huy động trẻ khuyết tật đến trường. Tăng cường các biện pháp chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. Đảm bảo 100% trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số được chuẩn bị Tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Ngoài ra, các địa phương tập trung chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đầu tư các điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu trong năm học, mỗi tỉnh, thành phố có thêm ít nhất 4 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Trong năm học 2012-2013, số trường mầm non tăng đáng kể, điển hình là TP. Hồ Chí Minh (tăng 50 trường), Hà Nội (39), Lâm Đồng (19), Đắk Lắc (18), Kon Tum (8)….

Hiện toàn quốc có 13.741 trường (tăng 295 trường so với năm học trước). Trong đó, công lập 12.098 trường (tăng 636 trường), dân lập 109 trường (giảm 3 trường), tư thục 1.437 trường (tăng 101 trường), bán công 97 trường (giảm 439 trường).

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23,0% (tăng 0,3%); trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 86,5% (tăng 2,1%).

Năm học 2012-2013, cả nước đã có thêm 485 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 3.331 trường, đạt tỷ lệ 24,2% (tăng 3,2% so với năm học trước). Đến hết tháng 5 năm 2013, đã có 6 tỉnh (Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình) được công nhận đạt chuẩn phổ cập.
Xuân Trung