Văn phong trong bài đọc “Kho báu” trong Tiếng Việt 2 không có gì sai

20/06/2017 06:43
Tùng Sơn
(GDVN) - Khi học sinh đọc “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu” nghe rất thuận tai vì âm thanh hài hòa.

LTS: Đồng tình với quan điểm của cô giáo Phan Tuyết trong bài viết "Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 có phải sai ngữ pháp, diễn đạt?", thầy giáo Tùng Sơn đưa ra những phân tích để khẳng định văn phong, ngữ pháp trong bài đọc "Kho báu" trong sách Tiếng Việt 2 không có gì sai.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bài “Kho báu” trong sách Tiếng Việt 2 đã gây tranh cãi trên một số trang báo.

Các nhà chuyên môn và cô giáo Phan Tuyết đã phân tích nhưng chỉ diễn giải về mặt học thuật mà không nói thêm về phương diện sư phạm nên nhiều bạn đọc vẫn e ngại vì cho rằng các cách nói trong bài đọc vượt quá nhận thức của học sinh lớp 2.

Thầy giáo Tùng Sơn xin được làm rõ thêm để hóa giải nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh.

Bài đọc trong sách Tiếng Việt 2, tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bài đọc trong sách Tiếng Việt 2, tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Về hai thành ngữ trong sách

Bài đọc nói trên đã sử dụng hai thành ngữ quen thuộc để viết câu văn “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu”.

Không phải cả hai thành ngữ trong bài bị đảo trật tự từ như một số người thắc mắc mà ở đây chỉ có một thành ngữ bị đảo vị trí các từ, còn một thành ngữ được sử dụng thành ngữ đồng nghĩa.

Về thành ngữ thứ nhất “Một nắng hai sương”, thành ngữ này có hai cách diễn đạt. Theo Từ điển tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê (Trung tâm từ điển học – Nhà xuất bản Đà Nẵng 2010) thì “Hai sương một nắng” cũng là một thành ngữ đồng nghĩa với “Một nắng hai sương”.

Trong kho thành ngữ của tiếng Việt, có rất nhiều thành ngữ có hai cách nói như vậy.

Ngay trang giải nghĩa từ “một” của cuốn từ điển uy tín này, Giáo sư Hoàng Phê đã đưa ra mấy cặp kiểu đó: một chín một mười – một mười một chín; một cốt một đồng – một đồng một cốt; …

Mở sang các trang khác thì nhiều: ngậm vành kết cỏ - kết cỏ ngậm vành; thầm yêu trộm nhớ - trộm nhớ thầm yêu; tranh tối tranh sáng – tranh sáng tranh tối; …

Ảnh chụp trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê.
Ảnh chụp trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê.

Về thành ngữ thứ hai “Cày sâu cuốc bẫm”, tra trong từ điển, quả đúng là thành ngữ này không có thành ngữ đồng nghĩa khi ta đảo trật tự từ. Tức là cụm từ “Cuốc bẫm cày sâu” không còn tư cách thành ngữ nữa.

Tuy nhiên, người viết văn và dịch văn có thể đảo trật tự từ của thành ngữ này để đảm bảo tính vần điệu trong diễn đạt.

Cụ thể, khi đã viết “hai sương một nắng” thì phải viết tiếp “cuốc bẫm cày sâu” thì nghe mới “suôn”.

Trong câu văn nói trên, rõ ràng “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu” bay bổng hơn, gợi cảm hơn cách viết giữ nguyên thứ tự các tiếng trong thành ngữ “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm”.

Sự đảo lộn vị trí từ trong thành ngữ làm nổi bật nét nghĩa tả sự vất vả của nhân vật trong truyện. Đó là nghệ thuật sử dụng ngôn từ của người viết văn, dịch văn.

Về câu văn có cụm từ “lặn mặt trời”

Văn phong trong bài đọc “Kho báu” trong Tiếng Việt 2 không có gì sai ảnh 3

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 có phải sai ngữ pháp, diễn đạt?

Câu văn trong bài đọc “Kho báu” là “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời” không những không sai diễn đạt mà còn là một câu văn biết sử dụng phép đảo ngữ để nhấn mạnh.

Cặp đôi cụm từ “gà gáy sáng” và “lặn mặt trời” có tác dụng lôi cuốn người đọc và gợi tả mạnh mẽ sự chịu thương chịu khó của vợ chồng người nông dân.

Nếu viết hay dịch là “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi mặt trời đã lặn” thì câu văn đúng là chân phương nhưng lại mất đi tính mềm mại, nuột nà, uyển chuyển.

Và thực tế, đã là nhà văn hay dịch giả, không ai lại viết và dịch như thế.

Những người nông dân xưa, dù không được đi học và không biết chữ nhưng cũng biết đảo ngữ để hát chê nhau: “Ban ngày còn mải đi chơi – Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay”.

Hoặc khoe sự đảm đang chịu khó một cách khéo léo: “Ngày thì đem thóc ra phơi  – Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay – Một đêm là ba cối đầy – Một tay xay giã, một tay giần sàng”.

Phép đảo ngữ được sử dụng nhiều trong văn học

Viết văn và làm thơ, người ta đảo ngữ rất nhiều. Cách đây hơn hai trăm năm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn – Bảy nổi ba chìm với nước non”.

Nếu viết là “…Ba chìm bảy nổi…” theo nguyên gốc thành ngữ thì có lẽ bà không được gọi là nữ sĩ.

 Nhà thơ Tố Hữu thì đảo ngữ “đều như cơm bữa”: “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”; “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều”; “Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát”;…

Đã từ lâu, học sinh mầm non, tiểu học cả nước đều hát “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương… Em yêu biết bao nhiêu, mẹ của em ở trường…”.

Nếu không đảo thứ tự các từ đi, cứ để cho “đúng văn phong” thì phải hát là “Em yêu mẹ của em ở trường biết bao nhiêu”…

Sự đảo vị trí từ ngữ trong câu văn của bài đọc “Kho báu” vẫn đảm bảo tính sư phạm.

Văn phong trong bài đọc “Kho báu” trong Tiếng Việt 2 không có gì sai ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng: Sách giáo khoa Toán 6, song ngữ dịch sai rất nhiều

Việc sử dụng phép đảo ngữ trong những câu văn nói trên của tác giả và dịch giả không hề sai cả về kiến thức lẫn học thuật.

Nó không những vẫn đảm bảo tính sư phạm mà còn làm tăng sức hấp dẫn học sinh.

Phép đảo ngữ vừa khiến câu văn tăng vần điệu, hài hòa về âm thanh, vừa khiến hình ảnh và nhân vật trong câu văn trở nên gần gũi hơn với học sinh.

Thật vậy, khi học sinh đọc “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu” nghe rất thuận tai vì âm thanh hài hòa.

Đã “hai sương một nắng” thì phải “cuốc bẫm cày sâu”.

Nếu đọc “Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm” thì âm điệu không nổi.

Về mặt sư phạm, với học sinh lớp 2, không cách nói nào khó hiểu hơn cách nói nào cả.

Còn câu văn “…đã lặn mặt trời” chứa ba tiếng “lặn mặt trời” nghe rất quen tai.

Chiều tối, các bà, các bác thường nhắc: “Về thôi cháu ơi, kẻo bố mẹ mong, tối lặn mặt trời rồi kìa”.

Hay “Nấu cơm đi con, lặn mặt trời rồi.”… Thực tế, chẳng mấy ai nói kiểu “về thôi con, mặt trời đã lặn rồi kìa.”…

Lời kết

Chỉ ra những thiếu sót cũng là góp ý mang tính xây dựng cho sách giáo khoa. Mỗi một góp ý, ta lại nên bàn xem nó đã chuẩn chưa.

Nếu chưa chuẩn thì cần “chỉnh” lại chứ không nên để sách hàm oan. Qua phân tích trên, chắc bạn đọc sẽ đồng tình là bài “Kho báu” không hề sai ngữ pháp.

Chúc đội ngũ biên soạn luôn mạnh khỏe, phụ huynh cả nước rất mong được nhìn thấy bộ sách mới thật hay và vững vàng trên sự nghiệp trồng người cao cả.

Tùng Sơn