Vào lớp 6 con chúng tôi phải học thêm tối ngày ​

21/10/2018 08:28
Mai Hoa
(GDVN) - Buổi sáng các con đến trường, buổi chiều tới nhà cô học. Đêm về nhà, nhiều phụ huynh vẫn phải bỏ công sức để kèm thêm cho con học và chuẩn bị bài.

LTS: Trước hình ảnh các em học sinh phải vất vả, mệt mỏi học thêm cả ngày để theo kịp nội dung chương trình, cô giáo Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có không ít phụ huynh than rằng “5 năm học tiểu học có tới 4 năm con tôi học chương trình VNEN. Nay, so với chúng bạn cùng trang lứa vẫn học chương trình hiện hành thì thấy rõ mức độ chênh lệch về nhận thức và một số kĩ năng”.

Có sự so sánh như thế là do năm nay vào lớp 6, trường trung học cơ sở xếp học sinh học VNEN và học sinh học chương trình hiện hành thành các lớp riêng biệt (không học chung như nhiều năm về trước).

Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).
Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo một số thầy cô, xếp riêng như thế để giáo viên dễ rèn vì học sinh học theo hai mô hình thường có lực học và kĩ năng chênh lệch nhau quá nhiều.

Sự khác biệt của học sinh khi học 2 chương trình

Vào học được 2 tuần, nhà trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm 3 môn Toán, Văn và Anh văn. Nhiều giáo viên dạy các bộ môn khác cũng cho học sinh làm bài sát hạch.

Có những lớp VNEN kết quả học sinh đạt trung bình trở lên chỉ khoảng 20-30%. Nhưng ở các lớp học theo chương trình hiện hành thì tỉ lệ này hoàn toàn ngược lại (học sinh đạt trung bình chiếm tới 70-80%).

Theo nhận xét của nhiều giáo viên, học sinh học chương trình VNEN gần như làm bài những môn học thuộc lòng quá yếu. Những môn thực hành lại chưa có kĩ năng trình bày một bài kiểm tra, kiến thức hổng quá nhiều.

Một số giáo viên bậc trung học cơ sở đã đặt câu hỏi với một số giáo viên bậc tiểu học “vì sao học sinh học chương trình VNEN kĩ năng làm bài yếu, kiến thức hổng và ít có thói quen học bài ở nhà?”.

Vào lớp 6 con chúng tôi phải học thêm tối ngày  ​ ảnh 2Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng

Nguyên nhân thì có nhiều, do cách học nhóm trong chương trình VNEN. Học nhóm triền miên, ngồi học quanh năm gần như tất cả các hoạt động của bài học.

Trong khi hoạt động nhóm chỉ một vài học sinh nổi trội trong nhóm làm việc, số khác ỉ lại và “hưởng sái” kết quả.

Ngày này qua ngày khác, thành thói quen hưởng lợi nên nhiều em chẳng chịu vận động, chịu suy nghĩ gì.

Do cách đánh giá không điểm số của Thông tư 30 rồi Thông tư 22 học sinh ít có động lực phấn đấu trong học tập.

Do các em ít được làm quen với cách kiểm tra như thế (mỗi năm học chỉ có 8 lần kiểm tra) và do đề kiểm tra đầu năm của giáo viên bậc trung học cơ sở ra khó…

Học sinh vào lớp 6 phải học miệt mài

Buổi họp phụ huynh của lớp 6 khi nghe giáo viên thông báo kết quả có gần 70% học sinh dưới điểm trung bình (có không ít học sinh đạt học sinh nổi trội) trong kì khảo sát chất lượng đầu năm nhiều phụ huynh cũng thấy bất ngờ.

Bởi, cũng những học sinh này, mới cuối năm đi họp ở trường tiểu học có kết quả về chất lượng giáo dục đạt tới 100% kia mà? Có lớp còn chiếm tới gần 50% học sinh khá giỏi.

Vào lớp 6 con chúng tôi phải học thêm tối ngày  ​ ảnh 3Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh

Vậy lý do gì chỉ trong 2 tháng hè kết quả giáo dục của các em lại tụt dốc thảm hại như thế?

Giáo viên thì đương nhiên hiểu, dù các em học theo chương trình nào (hiện hành hay VNEN) thì thầy cô cũng không được phép đánh giá yếu kém (nếu có cũng không thể quá 1%). Thế nên câu hỏi sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời.

Không thể để con có kết quả học tập bết bát, đa phần phụ huynh đã lên tiếng yêu cầu được cho con đi học thêm. Mặc dù họ biết kiến thức chương trình lớp 6 so với lớp 5 cũng không khác nhiều.

Thế là buổi sáng đến trường, buổi chiều tới nhà cô học. Đêm về nhà, nhiều phụ huynh vẫn phải bỏ công sức để kèm thêm cho con học và chuẩn bị bài.

Nhiều em học vật vã tối ngày mới có thể theo kịp chương trình. Nhìn con học khổ sở, không ít phụ huynh phải than rằng “bậc trung học cơ sở đã bỏ chương trình VNEN thì cớ gì bậc tiểu học vẫn cứ phải duy trì?”.

Câu trả lời chính xác nhất chỉ có những “cha đẻ” của mô hình trường học VNEN mới biết được.

Mai Hoa