Vì sao học sinh không thích học 2 buổi/ngày?

03/12/2017 08:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Không giống sự lý giải của tác giả Kiên Trung về vấn nạn dạy thêm học thêm mà ở đây vấn đề chủ yếu là do các trường chưa biết đặt lợi ích của học sinh lên đầu.

LTS: Sau khi đọc bài viết "Tại sao nhiều nhà trường không thích dạy học 2 buổi/ngày?"của tác giả Kiên Trung đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/11, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết nhằm trao đổi về một số vấn đề được nêu ra nhưng chưa thỏa đáng.

Ghi nhận và tôn trọng những đánh giá đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.

Trước hết chúng tôi đồng ý với Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học từ năm 2010.

Vì mục đích rất tốt đẹp “…nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh”.

Cần sớm giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: tri thức trực tuyến).
Cần sớm giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: tri thức trực tuyến).

Để triển khai theo đúng tinh thần Công văn trên, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên và chuyện dạy thêm, học thêm sẽ không còn nữa.

Thế nhưng, nhiều trường học bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong cả nước hiện nay, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không theo đúng tinh thần của công văn ấy nên chưa có sự đồng thuận, nhất trí cao trong cả giáo viên và học sinh, bởi những lý do sau:

Đặt lợi ích giáo viên lên đầu

Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày chưa lấy học sinh làm gốc mà đang đặt lợi ích của giáo viên lên trên. Đó là lợi ích về thu nhập.

Học sinh học 2 buổi/ngày ở trường vậy mà đêm đêm và ngày Chủ nhật các em vẫn phải miệt mài đi học thêm.

Học 2 buổi/ngày mà nạn học thêm càng tràn lan, lỗi lớn nhất là từ phía nhà trường chứ không phải học sinh. Đây chính là sự thất bại của chính nhà trường khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày không hiệu quả.

Việc này giáo viên biết, nhà trường biết nhưng không điều chỉnh cách tổ chức, cách dạy mà cứ làm lơ như không biết cũng xuất phát từ việc chính nhà trường đang đặt quyền lợi của giáo viên lên trên lợi ích chính đáng của học sinh.

Cụ thể, học sinh học buổi 2 buổi/ngày, tiền học phí do chính gia đình các em đóng. Vì thế, các em phải được học theo nhu cầu như được phép chọn môn học, chọn giáo viên dạy. Nhưng thực tế, hầu như trường nào cũng tự quyết theo ý mình.

Vì sao học sinh không thích học 2 buổi/ngày? ảnh 2Học thêm trong nhà trường và những “bí kíp” kéo học sinh đến lớp

Học 2 buổi/ngày đại trà, học sinh buộc phải học tất cả các môn nhà trường quy định. Trong khi đi học thêm, chính học sinh sẽ quyết định mình sẽ học môn gì còn yếu, môn gì cần nâng cao. Các em sẽ có quyền chọn giáo viên mình yêu thích, tin tưởng.

Bởi không phải thầy cô nào cũng có kĩ năng sư phạm tốt để dạy học trò tiếp thu bài hiệu quả. Không phải giáo viên nào cũng có đủ trình độ dạy học nâng cao, dạy vượt chuẩn. Không phải giáo viên nào cũng dạy nhiệt tình, tận tâm với trò trong từng bài giảng.

Thế nhưng các em phải học đúng lớp chính khóa, học với một giáo viên mình vốn không thích thì làm sao có thể nâng cao chất lượng?

Nhiều trường không dám phân lớp theo trình độ (giỏi, khá, trung bình, yếu) vì sẽ có lớp chỉ có vài em nhưng có lớp đến vài chục em.

Nhà trường không dám cho học sinh chọn thầy cô vì sẽ có cảnh giáo viên dạy không hết học trò, có giáo viên lại chẳng ai đăng kí.

Nhà trường tự ấn môn học mà không cho học sinh tự chọn vì sẽ có môn được chọn học đông, có môn cũng chỉ vài ba em đến khoảng chục em là nhiều. Thế là cứ tự trường phân công, lên lịch, ấn định giáo viên theo kiểu may nhờ rủi chịu.

Việc này đương nhiên giáo viên được lợi nhiều. Giáo viên trong trường vừa được tăng thu nhập khá đều, vừa không bị mất danh dự vì chẳng trò nào chịu học.

Phần thiệt chỉ học trò gánh chịu như chán nản, mệt mỏi thì lên lớp ngồi chơi, học lơ là cho xong buổi, rồi tối về cày trên lớp học thêm. Hãy nghe tâm sự của một số học sinh 12 để hiểu được các em đang nghĩ gì.

“Chúng con chẳng sung sướng gì khi cả ngày học trên trường, tối về còn phải đi học thêm, khuya về lại phải học bài cho ngày mai. Nhiều khi mệt mỏi muốn ngã khụy mà vẫn phải cố.

Nếu không đi học thêm buổi tối, chẳng mơ đến việc sẽ đỗ đại học nói gì đến những trường đại học tốp cao mình đang kì vọng”.

Có em bất bình: “Sáng học với giáo viên ấy đã không thích, chiều lại phải gặp mặt thì ngán muốn chết còn đâu tinh thần mà học nữa”.

Giả sử buổi học thứ hai các em được chọn giáo viên, được chọn môn học, được xếp học đúng trình độ thì chắc chắn chẳng em nào tối đến phải lọ mọ đi học thêm nữa.

Học sinh không thích học 2 buổi/ngày vì lẽ đó. Còn giáo viên, Ban Giám hiệu thì sao?

Ban Giám hiệu nhà trường đương nhiên sẽ ủng hộ việc dạy 2 buổi/ngày. Khoan hãy nói đến chất lượng giáo dục sẽ tăng khi chúng ta thực hiện đúng.

Hàng tháng, từ tiền đóng góp của học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ có một khoản thu nhập ít nhất 10% trong tổng mức thu của nhà trường.

Vì sao học sinh không thích học 2 buổi/ngày? ảnh 3Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường?

Học sinh càng đông, mức trích cho Ban Giám hiệu càng nhiều. Có người không phải dạy nhưng tiền nhận được một tháng còn nhiều hơn một giáo viên đứng lớp và có thể gấp đôi lương của một giáo viên mới ra trường.

Giáo viên có thích dạy 2 buổi/ngày hay không còn xem giáo viên ấy là ai? (chỉ đề cập đến những giáo viên có môn dạy thêm được).

Ví như cũng là giáo viên Toán nhưng thầy A thích dạy thêm do nhà trường tổ chức nhưng thầy B lại hoàn toàn không.

Đơn giản vì nếu dạy ở nhà thầy A sẽ không có học sinh theo học bởi thầy dạy không uy tín, chưa được lòng học sinh.

Còn thầy B là giáo viên mà học sinh nào cũng muốn học, thế nên dạy thêm ở nhà thu nhập sẽ gấp chục lần dạy trên trường.

Nhưng dạy ở trường, dựa vào sự phân công của nhà trường thì thầy A và thầy B sẽ có mức thu nhập ngang nhau.

“Tại sao giáo dục phổ thông của chúng ta vẫn ỳ ạch, chậm tiến và vấn nạn dạy học thêm tràn lan, trái phép gây nhức nhối dư luận xã hội bao nhiêu năm qua không giải quyết được?” không phải giống sự lý giải của tác giả Kiên Trung mà chủ yếu là do chính các trường học chưa biết đặt lợi ích của học sinh lên đầu.

Phan Tuyết