Vì sao "kế hoạch nhỏ" ở Đà Nẵng bỏ thu gom vỏ lon bia, giấy vụn?

13/02/2017 07:14
An Nguyên
(GDVN) - Phong trào thu gom, đóng góp giấy loại hoặc vỏ lon bia đã qua sử dụng không còn phù hợp, gây phiền hà cho học sinh và phụ huynh, tạo dư luận không tốt.

Nếu như các địa phương khác vẫn thực hiện chương trình kế hoạch nhỏ bằng hình thức vận động học sinh nộp vỏ lon bia thì tại Đà Nẵng, hình thức này đã bị loại bỏ từ lâu.

Thay vào đó là những phong trào thiết thực, ý nghĩa hơn như: “ngôi nhà khăn quàng đỏ”, “đàn gà khăn quàng đỏ”...

Gây phiền hà, phản cảm

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng chính trị, tư tưởng (Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng) cho biết, chương trình “kế hoạch nhỏ” là một phong trào lớn của Đội thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh.

Chương trình "kế hoạch nhỏ" bằng hình thức nộp vỏ lon bia gây phiền hà, phản cảm nên nghành giáo dục Đà Nẵng đã loại bỏ. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Chương trình "kế hoạch nhỏ" bằng hình thức nộp vỏ lon bia gây phiền hà, phản cảm nên nghành giáo dục Đà Nẵng đã loại bỏ. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Mục đích của chương trình là nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động và đóng góp quỹ vào các công trình có ý nghĩa của thiếu nhi thành phố và cả nước.

Trong những năm qua, Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng đã phát động, vận động các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia phong trào bằng cách thu gom, đóng góp giấy loại hoặc vỏ lon đã qua sử dụng.

“Kế hoạch nhỏ” mà chỉ tiêu, thành tích thì nên bỏ sớm

“Kế hoạch nhỏ” mà chỉ tiêu, thành tích thì nên bỏ sớm

“Tuy nhiên, hình thức triển khai này đã không còn phù hợp, gây phiền hà cho học sinh và phụ huynh, tạo dư luận không tốt” thầy Vương cho hay.

Thực tiễn đã có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khi các thầy, cô thực hiện vận động học sinh thu gom vỏ lon bia, vỏ nước ngọt đã qua sử dụng.

“Nhiều em trong khi đi chúc Tết không dám vui chơi mà chỉ chờ để xin vỏ lon bia.

Gia đình nào hoàn cảnh khá giả thì mới có vỏ lon bia nộp. Còn gia đình nghèo thì áp lực phải có vỏ lon bia cho con đi nộp nên phải đi xin, đi lượm nhặt” thầy Vương chia sẻ.

Tại nhiều Trường còn trao tặng danh hiệu “chiến sĩ kế hoạch nhỏ” cho những học sinh thu gom được nhiều lon bia hay giấy vụn (vượt chỉ tiêu đề ra).

“Do những hạn chế nêu trên nên Sở GD&ĐT đã thống nhất với Hội đồng Đội thành phố yêu cầu các đơn vị, trường học (trực thuộc Sở) không tổ chức thu gom vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt đã qua sử dụng và giấy vụn … để làm “kế hoạch nhỏ” từ năm học 2014-2015.

Việc thực hiện “kế hoạch nhỏ” sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức khác, phù hợp hơn với lứa tuổi học sinh” thầy Vương cho hay.

“Nuôi heo đất” ủng hộ các bạn học sinh khó khăn

Sau khi bỏ hình thức thu gom vỏ lon bia, giấy vụn, tại các trường học ở Đà Nẵng thực hiện triển khai phong trào kế hoạch nhỏ năm học 2016 – 2017 với chủ đề: “Ngôi nhà khăn quàng đỏ tặng bạn nghèo” và “Đàn gà khăn quàng đỏ”.

Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không?

Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không?

Thầy Vương cho hay, “Hình thức triển khai như sau: các liên đội vận động đội viên, thiếu niên, nhi đồng tiết kiệm nuôi heo đất trong dịp Tết Nguyên Đán”.

Tại một số trường thì vận động học sinh “nuôi heo đất” bằng tiền lì xì. Những phong bao lì xì sẽ được các bạn nhỏ dành để ủng hộ những học sinh nghèo, gia đình khó khăn.

“Thầy cô sẽ vận động, giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái.

Mỗi phong bao lì xì quyên góp sẽ không phân biệt ít hay nhiều mà do tinh thần tự nguyện của các em.

Các Trường cũng không áp đặt các chỉ tiêu bắt buộc khi thực hiện ‘kế hoạch nhỏ’” thầy Vương thông tin thêm.

Ngoài ra, chương trình cũng không vận động đội viên, thiếu niên, nhi đồng là con gia đình chính sách, hộ giải tỏa đền bù, gia đình kinh tế khó khăn.

Từ những đóng góp này, chương trình “kế hoạch nhỏ” của Đà Nẵng đã vận động kinh phí xây dựng được ba ngôi nhà cho học sinh đặc biệt khó khăn tại ba quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Số kinh phí còn lại  dùng để mua các “đàn gà khăn quàng đỏ” tặng cho các bạn học sinh nghèo ở Quảng Nam.

An Nguyên