Vì sao nhiều trường học cứ muốn giáo viên phải thu tiền?

03/09/2018 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên không chỉ đóng vai trò “kẻ đòi nợ” không công mà nhiều tiết học trên lớp còn bị gián đoạn khi cha mẹ các em đến nộp tiền.

LTS: Hầu như ở các trường học hiện nay, giáo viên thường phải kiêm nhiệm công tác thu tiền học.

Cô giáo Phan Tuyết chỉ ra lý do vì sao các trường lại muốn giáo viên trực tiếp đứng ra làm công tác này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ám ảnh nhất của nhiều giáo viên hiện nay là việc nhắc nhở và trực tiếp đứng ra thu các khoản tiền mà phụ huynh phải nộp cho nhà trường.

Giáo viên không chỉ đóng vai trò “kẻ đòi nợ” không công mà nhiều tiết học trên lớp còn bị gián đoạn khi cha mẹ các em đến nộp tiền.

Như cảm thông với những nỗi khổ của giáo viên, mới đây, một số tỉnh thành như thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định “giáo viên không được trực tiếp thu chi các khoản tiền”.

Còn ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa lại yêu cầu nhà trường, giáo viên không được nhắc học sinh việc nộp các khoản tiền trong năm học.

Đây chắc chắn sẽ là tin vui nhất đối với tất cả thầy cô đang giảng dạy tại những địa phương này.

Các giáo viên thường là người trực tiếp thu các khoản tiền học. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn
Các giáo viên thường là người trực tiếp thu các khoản tiền học. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Vài ba tỉnh thành lên tiếng bảo vệ người thầy không bị cuốn vào vòng xoáy “kêu gọi-nhắc nhở-thu tiền và đòi nợ” so với 63 tỉnh thành trong cả nước thì con số quả là quá ít.

Dù biết để thầy cô vừa dạy vừa làm người tư vấn, thủ quỹ và đòi nợ cũng không phải.

Thế nhưng bao năm nay nhiều nhà quản lý của ngành, của trường vẫn im lặng để âm thầm thực hiện. Nguyên do bởi vì đâu?

Nhân viên thu không đạt

Chưa nói đến những khoản tiền ủng hộ, chỉ nói những khoản tiền bắt buộc học sinh phải đóng như tiền học phí, ấn phẩm, bảo hiểm… vẫn còn không ít cha mẹ học sinh dây dưa không chịu đóng tiền cho con dù nhà trường đã viết giấy, gọi điện về nhà các em biết bao nhiêu lần. 

Vì sao nhiều trường học cứ muốn giáo viên phải thu tiền? ảnh 2

Lại áp lực tiền trường 

Không thể để thất thu vì nhà trường sẽ không biết lấy khoản nào để bù vào những thiếu hụt ấy.

Vì vậy, giải pháp buộc thầy cô phải tham gia vào chuyện tiền bạc vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất.

Muốn thu nhiều, thu nhanh, thu đủ

Kêu gọi đóng góp trong nhà trường không ai làm hiệu quả hơn giáo viên.

Với tâm lý vị nể (thầy cô dạy con mình) hoặc sợ (sợ con mình bị phân biệt) nêu khi nghe thầy cô vận động đóng góp, nhiều phụ huynh đã lên tiếng ủng hộ khá nhiều.

Những phụ huynh còn lại dù không muốn cũng không thể lên tiếng phản đối.

Vì những lẽ trên, nhiều trường học đã cột việc kêu gọi ủng hộ, thu các khoản tiền cũng như trực tiếp đóng vai nhân viên bảo hiểm để tư vấn và bán bảo hiểm cho học sinh vào việc xét thi đua cuối năm học.

Chẳng giáo viên nào đi dạy lại muốn mình bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì những chuyện như thế, nên ai ai cũng phải ra sức thực hiện.

Vì sao nhiều trường học cứ muốn giáo viên phải thu tiền? ảnh 3

Cô giáo 20 năm tuổi nghề chia sẻ nỗi vất vả thu tiền đầu năm

Không ít giáo viên đang trong thời gian phấn đấu để rộng mở đường công danh càng phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Vì thế, nhiều thầy cô đã tìm mọi cách để thu nhiều, thu nhanh và thu đủ.

Cũng nhờ cách làm như thế, những con số về doanh thu đáng mừng đã hiện ra như thu đạt 100% về học phí, 100% về mua bảo hiểm hay vượt chỉ tiêu về số tiền ủng hộ…

Phụ huynh phải chung tay

Phụ huynh có thể phản đối những khoản thu bất hợp lý từ trường nhưng những khoản tiền học sinh phải nộp theo quy định của nhà nước cần được đóng đúng thời gian và đóng đủ.

Tránh tình trạng dây dưa không chịu hợp tác (dù gia đình không phải diện khó khăn).

Thực hiện được điều này thì chẳng cần công văn nghiêm cấm giáo viên nhắc nhở và thu tiền như một vài tỉnh thành nêu trên thì giáo viên chắc chắn không còn bị nhà trường ép buộc phải đóng nhiều vai như thế.

Phan Tuyết