Vị trí của người thầy trong giáo dục hiện đại

22/02/2017 07:26
TS.Nguyễn Khánh Trung
(GDVN) - Hình ảnh người giáo viên thường thấy hiện nay là cấp trên bảo sao làm vậy, ngại sáng tạo, ngại làm khác vì sợ trái quy định, sợ gặp rắc rối với đoàn thanh tra.

LTS: Thời gian qua, thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy có nhiều tín hiệu tích cực được phát ra từ Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – GS.Nguyễn Minh Thuyết.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, công cuộc đổi mới sẽ là hết sức khó khăn bởi những lực cản đến từ một cỗ máy đồ sộ đã vận hành trong nhiều thập kỷ qua mà quán tính của nó đang rất mạnh, có thể cuốn phăng mọi nỗ lực muốn làm chuyển hướng quay của nó.

Vậy làm sao để công cuộc đổi mới đạt được kết quả như mong muốn? Hôm nay, trong bài viết này, TS.Nguyễn Khánh Trung (công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED) chỉ ra yếu tố đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Khó khăn đến từ người thầy

Một trong những lực cản quan trọng đó là yếu tố con người, mà trong bài viết ngắn này tôi muốn nói riêng về yếu tố người thầy. 

Các giáo viên hiện nay đã được đào tạo và làm việc quá lâu trong một bộ máy quản lý tập quyền, họ chỉ đóng vai trò là những người thừa hành, những “phát ngôn viên” của sách giáo khoa và những gì có sẵn. 

Hệ thống này đã san bằng những khác biệt, lấy đi những nhiệt huyết và ham muốn sáng tạo, không cho họ nhiều chỗ trống để có thể phát huy vai trò của những chủ thể. 

Lâu dần, họ trở thành thụ động, chỉ đóng vai như một mắt xích trong một cỗ máy lầm lũi quay theo ý chí của những người điều khiển trên cao. 

Người thầy trong giáo dục hiện đại phải được tuyển lựa và đào tạo một cách kỹ lưỡng. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Người thầy trong giáo dục hiện đại phải được tuyển lựa và đào tạo một cách kỹ lưỡng. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Tính chủ thể, sự duy biệt vốn có của từng người không được khuyến khích và không có điều kiện phát triển. 

Hình ảnh người giáo viên thường thấy hiện nay là cấp trên bảo sao làm vậy, ngại sáng tạo, ngại làm khác vì sợ trái quy định, sợ gặp rắc rối với các đoàn thanh tra. 

Lâu dần, tất cả biến thành thói quen, thành tập tính trong cách tư duy và hành động của từng cá nhân, của từng trường học và của cả một xã hội, tạo ra một thứ “văn hóa” thụ động, cản trở những nỗ lực thay đổi. 

Tập tính này là hệ quả của “hệ điều hành” hiện tại trên bình diện vĩ mô nên không dễ gì có thể thay đổi nó một sớm một chiều, cũng không dễ gì cài đặt và vận hành “chương trình mới” vốn như những “ứng dụng” mới mà không thay đổi hệ điều hành.

Hệ thống giáo dục phải được phân quyền

Để giải quyết “lỗi hệ thống” đến từ cấp vĩ mô với một “hệ điều hành” không mấy tương thích với các “ứng dụng” mới trong giáo dục hiện đại, thì thiết nghĩ nên để cho giáo dục một quy chế tự chủ đặc biệt và một hình thức quản lý phân quyền như các nước phát triển đã áp dụng. 

Chẳng hạn như hệ thống quản lý phân quyền về cấp địa phương, cấp trường và từng giáo viên tại Phần Lan. 

Chúng ta sử dụng hẳn “hệ điều hành” chung với thế giới tiến bộ, lấy mục tiêu khai phóng con người, đào tạo con người tự do, tự chủ làm đích đến cho nền giáo dục quốc gia.  

Người thầy trong nền giáo dục hiện đại

Khi xác định đích đến và tạo ra một môi trường, một hình thức quản lý như đã nói thì chúng ta cần phải có những giáo viên thực sự hiểu, sống, suy nghĩ và hành động như những con người được khai phóng, có tự do, trung lập và có khả năng tự chủ.

Trước hết, người thầy trong nền giáo dục hiện đại không phải chỉ là cái loa phóng thanh thụ động của sách giáo khoa và những thứ có sẵn mà phải là chủ thể chủ động và sáng tạo, tham gia kiến tạo nên các khâu chủ chốt trong giáo dục. 

Vị trí của người thầy trong giáo dục hiện đại ảnh 2

Nhóm Việt Cường lên tiếng về sự lộn xộn của hệ thống quản lý giáo viên

Lớp học phải là lãnh địa riêng của họ, nơi họ chịu trách nhiệm và có quyền sư phạm, có quyền đem ra những chất liệu, nghiên cứu các phương pháp thích hợp trong sự phối kết với học sinh và các phụ huynh. 

Khuynh hướng giáo dục hiện đại ngày nay đang nhấn mạnh phương pháp “khác biệt hóa” vì mỗi đứa trẻ vốn dĩ là một chủ thể duy nhất và khác biệt.

Do vậy, giáo viên phải được trang bị vững các kiến thức về sư phạm, về tâm lý để có thể am hiểu sâu sắc tâm tính, khuynh hướng, loại hình thông minh của từng trẻ. 

Và có khả năng phối hợp với các phụ huynh và từng học sinh để soạn từng “giáo án” riêng cho từng em nhằm giúp các em phát triển một cách tối đa theo cách riêng của mình. 

Không nên áp đặt trên họ một khuôn mẫu nào đó cứng nhắc, vì chẳng có khuôn mẫu nhất định nào có thể phù hợp với tất cả học sinh.
 
Ngược lại, hãy cho họ nhiều khoảng trống để họ có thể linh động thích ứng với từng học sinh, bởi chẳng có ai hiểu từng học sinh trong lớp như người giáo viên, đặc biệt đối với các giáo viên tiểu học.

Người thầy cũng phải thực sự là những kỹ sư tâm hồn để giáo dục, làm gương tốt giúp các em phát triển về nhân cách, đạo đức, giúp các em hình thành những chuẩn mực, những giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp từ bên trong nội tâm. 

Tôi còn nhớ những cái xoa đầu, những lời nói ân cần của các thầy cô giáo của mình từ khi còn học tiểu học, thái độ, tấm gương của các thầy cô quả là quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của mỗi người.

Vị trí của người thầy trong giáo dục hiện đại ảnh 3

Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi!

(GDVN) - Mục đích của giáo dục, không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải quy phục theo nhưng tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, nhưng để soi sáng những điều này.

Muốn thế, người thầy phải được tuyển lựa và đào tạo một cách kỹ lưỡng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nền giáo dục Phần Lan thành công đó là yếu tố người thầy. 

Người thầy trong xã hội Phần Lan được tuyển lựa và đào tạo một cách bài bản, kỹ lưỡng, được xã hội trọng vọng tin tưởng. 

Chúng tôi đã tiếp xúc, nói chuyện với một số giáo viên và hiệu trưởng thì thấy họ quả là những chủ thể sáng tạo có nhiều tự do; 

Họ là những chuyên gia sư phạm trong việc chuyển tải các tri thức và kỹ năng cho học sinh; 

Họ là những nhà giáo dục biết rõ tâm tính, đặc điểm và khuynh hướng của từng trẻ và biết cách làm thể nào để giúp từng học sinh phát triển tốt nhất theo cách riêng của từng em; 

Họ là những kỹ sư tâm hồn yêu thương, gần gũi săn sóc từng học sinh như những người cha người mẹ thứ hai thực sự.

Chúng ta hơn Phần Lan là chúng ta có đông người (hơn 90 triệu dân trong nước trong khi Phần Lan chỉ có hơn 5 triệu người), chúng ta lại đã có một quá khứ, một văn hóa Nho giáo mà điểm lợi trong trường hợp này là truyền thống xem trọng người thầy. 

Nếu biết làm mới lại và làm sống lại truyền thống này với một chính sách lương bổng hợp lý dành cho các giáo viên thì sẽ thu hút nhiều người trẻ đến với nghề giáo, tạo ra được nguồn tuyển chọn dồi dào.

TS.Nguyễn Khánh Trung