Việc theo mùa... chạy mãi

06/06/2017 06:16
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Sự lặp lại theo mùa việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở nước ta rất nhiều, việc chồng việc, liên tục và luân canh nhưng thiếu sáng tạo và đổi mới.

LTS: Phản ánh tình trạng những mùa việc cứ liên tục lặp lại và thiếu sáng tạo trong ngành giáo dục, tác giả Nguyễn Văn Lự cho rằng cần phải thay đổi tư duy tổ chức, điều hành trong giáo dục.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một thời gian dài, các chuyên gia tầm vĩ mô tư vấn rằng Giáo dục Việt Nam như “trận đánh lớn” và guồng máy giáo dục vận hành với chiến lược của các Siêu Dự án, các Đề án, Chương trình… lớn ngang tầm [1]!

Tư duy chiến lược coi trọng lý luận, đặt ra nhiều chỉ tiêu phấn đấu để được bằng và vượt các nước khu vực, hướng tới mục tiêu phổ cập Đại học cho người Việt, nâng cao dân trí qua số lượng Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân cùng với hệ thống trường, quy mô và loại hình đào tạo Đại học từ xa, tại chức, chuyên tu đua nhau vượt mốc mọi chỉ tiêu và chất lượng đào tạo.

Chiến lược giáo dục con người của ta đề ra lại chẳng giúp gì con người Việt. Những người ưu tú mà cả bộ máy nhà nước tập trung sức người, sức của tạo ra sau 12 năm đều không làm cho nhà nước Việt Nam.

Sản phẩm sinh viên tốt nghiệp hầu như phải đào tạo lại hoặc thất nghiệp, hoặc cất giấu bằng để làm công nhân. Trong top 300 trường Đại học tốt nhất châu Á năm 2017, Việt Nam không có tên trường nào[2].

Việc theo mùa... chạy mãi ảnh 1

Tìm đầu mối để tháo gỡ cuộn chỉ rối

Con người Việt hiền lành và ưa giản dị với sức khỏe và trí tuệ trời phú và cha mẹ truyền cho.

Gần trăm triệu người Việt đang tồn tại và kiếm sống, giao tiếp và ứng xử theo kỹ thuật và kỹ năng bản năng bình thường cần thiết.

Người ta tư vấn và thực hiện giáo dục theo cách biến học sinh ngây thơ trong sáng thành những tiểu siêu nhân, dạy cách tìm chiến thắng và lòng dũng cảm lao vào các cuộc tỉ thí các cấp quanh năm suốt tháng.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo trang bị và rèn học trò làm tốt các kỹ năng kỹ xảo, học thuộc lòng, gian dối học và thi phải đỗ… để con số thành tích năm sau không thấp hơn năm trước.

Theo cách tư vấn “đem con bỏ chợ”, dạy cứ dạy học cứ học còn sau đó thế nào, dùng được hay không thì tự giải quyết hoặc người kế nhiệm giải quyết.

Tư duy giáo dục và tư vấn khập khiễng, và vô lý về nội dung chương trình và phương pháp nên mỗi lần đổi mới, thay đổi là một lần lo thay cho con em mình phải thí điểm!

Kiến thức và kỹ năng không ai tư vấn để đưa vào dạy học sinh những gì cần, ai cũng cần và tuổi nào cũng cần…

Không cần liệt kê những kiến thức trên mây của giáo dục hiện nay chắc các quý vị cũng hiểu.

Học sinh đã trở thành chiến sĩ nhỏ với ước mơ lập công, lập danh và vinh danh Tiến Tiến, Giỏi, Nhất, Nhì, Ba… Thứ còn lại trong tâm trí phần lớn học trò là tiến lên phía trước, phải chiến thắng.

Tài sản còn lại của 12 năm với học sinh giỏi là những tệp dày giấy khen đủ các loại mà không biết treo thế nào cho hết! Và thứ còn nhức nhối hơn là nhiều em học giỏi phổ thông nhưng lại thất nghiệp khi ra trường học nghề.

Chính tả của giáo dục thời @. Ảnh sưu tầm.
Chính tả của giáo dục thời @. Ảnh sưu tầm.

Khâu tư vấn vẫn nhiều người đủ tầm nhưng tiếng nói của họ chỉ đơn điệu, lạc điệu so với số người chỉ theo ý của lãnh đạo.

Đội ngũ tư vấn như thế đã góp phần không nhỏ vào phối màu sắc và đường nét của bức tranh giáo dục hiện nay.

Sự điều hành tổ chức giám sát, thực thi của các ngành liên quan lại thiếu nhất quán và đồng bộ.

Ủy ban Đổi mới giáo dục năm 2017 trao nhiệm vụ và quyền hạn cho những bộ ngành liên quan đến chính sách, biện pháp, giải pháp về đào tạo nghề và giáo dục.

Chúng ta vui mừng khi một số chính sách đã bị loại khỏi mâm cỗ giáo dục (loại bớt các cuộc thi, không lấy làm căn cứ tuyển thẳng và xét thi đua; không bắt buộc làm sáng kiến kinh nghiệm, Thông tư 22, Tuyển sinh, đào tạo; thời gian thực hiện chương trình mới…[3]

Có thể nói, không ít các nhà hoạch định chính sách và tư vấn đã chỉ dựa vào thuần túy lý thuyết và các cứ liệu khảo sát ở những trọng điểm theo gợi ý có chuẩn bị trước.

Những mũi khoan thăm dò thành thử thiếu khách quan và tính thực tiễn nên con đường tới đích giáo dục vừa làm đã sụt lún, hoặc khó thực hiện.

Hàng loạt chính sách, giải pháp ban hành chưa được bao lâu đã phải chỉnh sửa [4].

Việc theo mùa... chạy mãi ảnh 3

Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!

Các chuyên viên phòng ban, dù có công nghệ thông tin kết nối nội bộ, nhưng vẫn còn trùng chéo việc, trùng lặp ngày giờ nên nhiều văn bản phải điều chỉnh, thay đổi làm khó cho người thực hiện.

Việc điều hành cũng thiếu minh bạch và đồng bộ giữa các sở giáo dục và nhà trường, giữa các trường và giữa các tổ chuyên môn.

Công tác kiểm định và thanh kiểm tra hoạt động giáo dục có nơi chú trọng nhiều đến hồ sơ, sổ sách; có nơi chỉ coi trọng giờ dạy và hiệu quả; có trường coi chỉ tiêu học sinh giỏi quan trọng hơn chất lượng đại trà;

Nơi này đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp dựa theo các tiêu chỉ nội bộ đề ra, cho điểm cộng điểm khi xét thi đua; nơi chú trọng bồi dưỡng thường xuyên qua số bài tập giao hàng tháng cho mỗi thầy cô, nơi để họ tự xoay sở;

Công tác thu chi tài chính và tự thanh kiểm tra hầu như ít trường làm nghiêm túc; quy chế dân chủ phần lớn chưa được thực thi nghiêm túc…

Các cuộc họp chi bộ, họp hội đồng giáo dục hầu như theo kịch bản độc diễn của các thủ trưởng, các trưởng ban, rất hiếm có các hình thức linh hoạt và dân chủ.

Hiệu trưởng kiểm điểm việc đã làm, nêu các việc và giải pháp tháng này; các Hiệu phó, Chủ tịch công đoàn, đoàn thanh niên nêu các nội dung cần phổ biến và hiếm khi còn thời gian cho thảo luận, phát biểu…

Thành ra, cuộc họp chủ yếu là phổ biến các đầu công việc. Các cuộc nhỏ hơn như họp tổ nhóm cũng hình thức, nhanh chóng kết thúc.

Thường thường người ta làm nhiều việc khi họp (mở điện thoại, chấm bài, vào điểm,…) nên họp xong làm việc gì và như thế nào lại là chuyện khác. 

Chất lượng họp như thế làm sao công việc có chất lượng? Điều hành giáo dục như thế làm sao hiệu quả?

Việc theo mùa... chạy mãi ảnh 4

Chương mới của giáo dục Việt Nam

Thầy cô quen với các nhận xét: nếu đạt thành tích nào đó kha khá thì mọi việc đều tuyệt; còn nếu không thì mệt cả người khác vì những điều xem lại, rút kinh nghiệm, điều chỉnh ngay…

Có lẽ vì vậy, nên đâu đó vẫn tồn tại động lực thầy trò hãy làm tất cả những gì có thể để bằng mọi giá đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch.

Hình như, tôn chỉ việc điều hành chỉ còn là làm theo kế hoạch, việc theo mùa, theo tháng từ trên Bộ xuống Sở, từ Sở đến trường, đến Phòng, rồi đến giáo viên, cuối cùng là học trò.

Nguyên tắc chỉ đạo thống nhất và đồng bộ trong từng ngành của cơ quan hành chính từ trung ương đến cơ sở không thể thay đổi với mọi quốc gia, mọi ngành nghề.

Nhưng chất lượng và hiệu quả công việc lại phụ thuộc vào chuyên gia, chuyên viên tư vấn, nghĩ ra việc gì cần làm để triển khai. (Có những văn bản người ta vô tình quên không sửa ngày tháng năm).

Sự lặp lại theo mùa việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở nước ta rất nhiều, việc chồng việc, liên tục và luân canh nhưng thiếu sáng tạo và đổi mới.

Nhiều công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, sợ trách nhiệm nên cứ theo trước mà làm; hoặc làm gì còn tính thu nhập thêm bao nhiêu; hoặc làm theo gợi ý từ cấp trên cho tiện…

Chúng ta cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp tốt và thiết thực của một số công chức có lương tâm và trách nhiệm trong tư vấn và điều hành công việc giáo dục từ trung ương đến cơ sở.

Mỗi phòng ban vài ba chuyên viên, mỗi chuyên viên nghĩ ra cần làm hai, ba việc thiết thực (nhiệm vụ và quyền hạn của họ như thế) nên anh em cơ sở luôn luôn không sợ thất nghiệp.

Việc nào cũng cần và cũng quan trọng, thành thử, thực hiện các việc đó chủ yếu là văn thư và lãnh đạo.

Cấp bề trên ban cho việc, cấp cơ sở sẽ làm ... kịp thời báo cáo đúng yêu cầu và thời gian, không chỉ các việc gấp quá mà đôi lúc cả những việc dài hơi vài tuần.

Một năm học 2016-2017 đã khép lại, chúng ta mong đợi những tư duy tư vấn, tổ chức và điều hành thực hiện linh hoạt và chuẩn xác các chủ trương, đường lối, các kế hoạch và giải pháp giáo dục hơn nữa trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Pham-Vu-Luan-Tien-si-Nguyen-Vinh-Hien-va-nhung-sieu-de-an-ngan-ti-post173521.gd

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-khong-co-dai-hoc-nao-lot-top-300-dai-hoc-tot-nhat-chau-a-20170318121157252.htm

[3] http://vietnammoi.vn/3-chinh-sach-moi-ve-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-32017-22019.html

 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-52017-post176277.gd

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-22-2016-TT-BGDDT-sua-doi-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thong-tu-30-2014-TT-BGDDT-323463.aspx

Nguyễn Văn Lự