Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh? (kỳ 2)

30/10/2012 07:27
Vũ Diệu
(GDVN) - Nói đến hệ thống giáo dục của một quốc gia là nói đến một chuỗi các vấn đề trong giáo dục có quan hệ phụ thuộc chặt chẽ với nhau, từ mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu để học, cách dạy, cách học, phương tiện để học, vai trò nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, cách kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, mô hình tổ chức quản trị. Nói đổi mới giáo dục không đơn giản là chỉ thay đổi quỹ thời gian giáo dục chẳng hạn từ giáo dục trung học 12 năm trở về 11 năm hay ngược lại.
Chi nhiều tiền chưa chắc giáo dục đã tốt hơn

Thế giới có nhiều cách xếp hạng đại học có chất lượng đào tạo tốt nhất. Trong số đó đang được nhiều quốc gia ưa dùng là cách xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải. Bảng xếp hạng của họ từ năm 2007 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo bảng xếp hạng đó, 37 quốc gia đã có tên trong danh sách 500 trường đại học có chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới. Trong đó 15 quốc gia đã chia nhau thứ tự xếp hạng từ 1 đến 15 là: Mỹ - Anh - Nhật - Đức - Canada - Pháp - Thuỵ Điển - Thuỵ Sĩ - Hà Lan - Australia - Italia - Israel - Đan Mạch - Na Uy - Phần Lan (Nga thứ 16, Trung quốc thứ 18).

Mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa kinh tế và giáo dục: 15 quốc gia này đều trong hàng ngũ các nước phát triển. Riêng 9 trong số 15 quốc gia đó đã nằm trong danh sách 11 quốc gia giầu nhất thế giới năm 2009 theo thứ tư sau: Mỹ - Nhật - Đức - Anh - Pháp - Italia - Canada - Australia - Hà Lan .
Năm 2009, tài sản tài chính quốc gia và thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia đó như sau:

Mỹ là 41.590 tỉ USD và 43.563 USD. Nhật là 14.642 tỉ USD và 36.952 USD. Đức là 6.068 tỉ USD và 39.339 USD. Anh là 6.064 tỉ USD và 34.209 USD. Pháp là 4.975 tỉ USD và 41.000 USD. Quốc gia càng giàu thì Ngân sách chi cho giáo dục càng lớn. Năm 2000 Mỹ chi cho giáo dục bậc cao 260 tỉ USD (bằng 2,6 % PIB - PIB tương tự GDP). Năm 2008 Pháp chi cho giáo dục bậc cao 23,7 tỉ Euros ( bằng 1,3% PIB) tương đương 33,85 tỉ USD; mức chi bình quân cho mỗi sinh viên Pháp trong 1 năm học là 10.150 Euros ( tương đương 304 triệu VND). Giáo dục càng phát triển thúc đẩy kinh tế càng phát triển và ngược lại.

Mỹ, Đức, Pháp, Anh luôn là các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Mỹ, Đức, Pháp, Anh luôn là các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Tuy vậy cũng có trường hợp chi lớn cho giáo dục nhưng chất lượng giáo dục lại không cao. Ví dụ: Theo số liệu điều tra của INSEE năm 2008 thì 69,2% tổng số dân Pháp có bằng đại học. Cũng năm đó 27,2% tổng số dân Mỹ có bằng đại học. Theo chương trình PISA của tổ chức quốc tế OCDE đánh giá học sinh trung học quốc tế, năm 2009 Phần Lan đứng đầu, đang được thế giới suy tôn là cường quốc giáo dục, còn Mỹ chỉ xếp hạng dưới mức trung bình, nhất là về mức am hiểu Toán và Khoa học. OCDE kết luận cách chi vào giáo dục như thế nào là điều quan trọng, các nước đã chi nhiều tiền hơn cho giáo dục không nhất thiết là đã làm giáo dục tốt hơn.

Bài học từ Nhật Bản

Xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và phù hợp xu hướng tiến bộ của thời đại cần có quá trình tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm. Nói đến hệ thống giáo dục của một quốc gia là nói đến một chuỗi các vấn đề trong giáo dục có quan hệ phụ thuộc chặt chẽ với nhau, từ mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu để học, cách dạy, cách học, phương tiện để học, vai trò nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, cách kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, mô hình tổ chức quản trị. Nói đổi mới giáo dục không đơn giản là chỉ thay đổi quỹ thời gian giáo dục chẳng hạn từ giáo dục trung học 12 năm trở về 11 năm hay ngược lại.

Nền giáo dục đại học hiện đại trên khắp thế giới bắt nguồn từ chiếc nôi ở Châu Âu, đã có truyền thống gần một thiên niên kỷ. Trường đại học đầu tiên của Italia là Đại học Bologna thành lập năm 1088 cách đây 924 năm. Đại học Oxford của Anh thành lập năm 1096 cách đây 916 năm. Đại học Paris Sorbonne của Pháp thành lập năm 1253 cách đây 758 năm. Đại học Heidenberg của Đức thành lập năm 1386 cách đây 626 năm.
Tuy vậy, có những quốc gia đi tắt như Nhật Bản và nước Nga Sa hoàng, đã lựa chọn nhập khẩu mô hình giáo dục tiến bộ của nước ngoài để đổi mới giáo dục trong nước thành công và các quốc gia đó đang đứng trong danh sách các quốc gia có những trường đại học chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới.

Ở Nhật, thời Nhật hoàng Minh Trị (Mutsuhito 1867-1912) đã cử nhiều phái đoàn đến Phương Tây học hỏi rồi trở về áp dụng mô hình giáo dục Anglo - Saxon của Anh và Mỹ, thành lập các Đại học. Đưa những thành tựu khoa học kỹ thuật của Phương Tây vào giảng dạy, đào tạo những tầng lớp lãnh đạo chính quyền và các doanh nhân mới. Từ đó làm người Nhật nhiệt tình với “văn minh khai hoá” (bunmei kaiko), đặt nền móng cho “sự thần kỳ Nhật Bản”.

Ở nước Nga Sa Hoàng, Vua Piotr I đã chu du 18 tháng sang Tây Âu trong hai năm 1697 và 1698 để học hỏi rồi trở về nước Nga cải cách hệ thống giáo dục trong nước, thành lập Viện Hàn Lâm khoa học Nga, thành lập nền tảng ban đầu cho nền công nghiệp Nga, đưa nước Nga lạc hậu đi sau Tây Âu hàng trăm năm, vượt lên trở thành 1 trong 5 đế quốc lớn mạnh ở Châu Âu chỉ trong 1 thời gian ngắn, tạo nên khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Nga. Vì thế, Vua Piotr I được nhân dân Nga ca ngợi là Người đã chế ngự được quá khứ, thúc đẩy nước Nga đi lên con đường tiến bộ và Vladimir Vladimirovich Putin, tổng thống Nga hiện nay đề cao Piotr I là nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga.

Thế giới đang tồn tại hai hệ thống giáo dục khác nhau

15 quốc gia có chất lượng đào tạo đại học tốt nhất thế giới nói trên nằm trong 2 hệ thống giáo dục khác nhau là Hệ thống giáo dục Anglo-Saxon với đại diện là Anh, Mỹ và Hệ thống Bologna của Châu Âu với đại diện là Đức, Pháp. Thuộc hệ thống Anglo - Saxon có Mỹ – Anh – Canada – Australia – Nhật. Thuộc hệ thống Bologna là Đức – Pháp – Italia – Hà Lan – Phần Lan – Đan mạch – Na Uy – Thuỵ Điển – Thuỵ Sĩ . Riêng hệ thống giáo dục đại học của Anh còn được gọi là hệ thống nửa tư nhân hoá ( Système Semi-Privatisé ). Chương trình giáo dục phổ thông của tất cả 15 quốc gia nói trên đều là 12 năm (riêng ở Anh và 1 số Bang ở Đức là 13 năm). Các bậc đại học và sau đại học trong 2 hệ thống tương tự nhau nhưng có khác nhau về thời lượng đào tạo.

Điểm khác biệt cơ bản chi phối cách tổ chức khác nhau giữa 2 hệ thống là: Hệ thống Anglo - Saxon thiên về tính cạnh tranh cao. Hệ thống Bologna cũng có cạnh tranh nhưng thiên về sự bình đẳng cơ hội học tập của công dân.

Ở Mỹ và ở Anh, khả năng tài chính của các trường đại học rất khác nhau. Chẳng hạn ngân sách năm 2008 của Đại học Harvard là 34,9 tỉ USD nhưng ngân sách của đại học công lập University of Virginia chỉ có 5,24 triệu USD. Ở Mỹ, đại học công lập cũng thu học phí. Học phí giữa các trường đại học rất khác nhau. Học phí trung bình 1 năm học của 1 trường đại học tư ở Mỹ khoảng 25.143 USD, tương đương 528 triệu VND. Không phải gia đình nào ở Mỹ cũng lo liệu được. Học phí năm học 2010 của Đại học Notingham Trent ở nước Anh là 14.000 GBP, tương đương 499 triệu VND.

Ở Đức và ở Pháp, sinh viên các trường đại học công lập được miễn học phí. Vì vậy, nhu cầu tài chính mức trung bình cho năm học 2010 ở đại học Pháp (và ở Đức) khoảng 8.570 Euros, tương đương 257 triệu VND là mức hầu hết gia đình người Pháp có thể lo liệu được.

Chỉ ở Đức, Pháp và một số nước Bắc Âu mới đào tạo Kỹ sư khoa học ứng dụng (Engineer of Applied Science). Đào tạo kỹ sư khoa học ứng dụng là kinh nghiệm của Tây Đức rút ra trong thời kỳ phục hồi và phát triển kinh tế thần kỳ ở thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970. Học sinh trung học của Đức và Pháp, sau khi học xong chương trình trung học giai đoạn I (tương tự THCS của Việt Nam) có thể vào học Trường nghề (Fachschule ở Đức) hoặc trường THPT dạy nghề (Lycée Professionnel ở Pháp) để sau khi ra trường có thể hoà nhập ngay vào xã hội nghề nghiệp.

Chỉ riêng 45 quốc gia Châu Âu tham gia Thoả ước Bologna mới có sự tương thích trong hệ thống đại học quốc gia, để chuẩn hoá bằng cấp giữa các đại học, tạo thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên, dịch chuyển sinh viên giữa các nước và sử dụng họ trong toàn Châu Âu, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế của Châu Âu.

Sự nhận biết về 2 hệ thống giáo dục này cho chúng ta khả năng lựa chọn học hỏi phù hợp, tránh được sự học hỏi và vận dụng kinh nghiệm nước ngoài theo cách “đầu Ngô mình Sở”. Ý kiến của Giáo sư Viện sĩ khoa học Nga Sergei Petrovich trả lời Báo nước Nga đáng để chúng ta suy nghĩ khi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Sergei Petrovich thừa nhận kinh nghiệm phát triển khoa học của Mỹ trong các trường đại học là ưu việt, nhưng ông nói: “Trước hết, chúng ta phải giầu như nước Mỹ để có thể thực thi kinh nghiệm phát triển khoa học của họ trong các trường đại học”.

(Còn nữa)

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

PGS Văn Như Cương: "Toán phổ thông quá nhiều phần vô bổ"

Clip hot: Màn trình diễn siêu Robot của học sinh Việt Nam 

Lá thư từ Pháp: 15 điểm "cốt tử" cần đổi mới của giáo dục Việt Nam

Bộ Giáo dục "đẻ" ra trường ngoài công lập, nhưng không "nuôi"

GS Hoàng Xuân Sính: "Tại sao Bộ GD lại dồn trường NCL vào thế bí?"

Chùm ảnh: Học sinh 5 nước tranh tài trong ngày hội Robotics 2012

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Vũ Diệu