Vụ “canh gà Thọ Xương”: Nhiều độc giả thương cảm cô giáo Thủy

15/10/2012 06:10
Đông Phong
(GDVN) - “Tôi không tin cô giáo với bằng cấp kiến thức mà lại sai như vậy. Đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp + thêm những người ăn không ngồi rồi thổi phồng sự việc lên. Mong rằng cô giáo vượt qua được búa rìu dư luận, làm lại từ đầu, không nhất thiết phải đứng trên bục giảng mới có thể đóng góp tốt cho xã hội bằng tài nằng của mình cô giáo nhé. Cố lên cố lên, tôi ủng hộ cô”.
Sau khi câu chuyện về món “canh gà Thọ Xương” được một phụ huynh học sinh trường Lômônôxốp phản ánh trên các báo, đã có rất nhiều độc giả bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến “món canh” này. Nhiều ý kiến cho rằng kiến thức của cô giáo “có vấn đề”, người lại đổ lỗi cho hệ thống giáo dục Việt Nam đang có quá nhiều bất cập...
Học sinh lập hội trên facebook để ủng hộ cô Thủy và mong cô quay trở lại tiếp tục giảng dạy.
Học sinh lập hội trên facebook để ủng hộ cô Thủy và mong cô quay trở lại tiếp tục giảng dạy.
Độc giả có tên Lâm Thanh Vị Nhân cho rằng: “Bài tự cảm nhận để rồi học sinh tự sửa? Rồi thì gần hết giờ lớp ồn ào nên "quên"? Tôi e rằng cô giáo này cũng không hiểu được câu đó thì làm sao mà dạy học sinh được. Ôi thiệt là trình độ đáng báo động, người kém thì làm sao đào tạo người giỏi được. Yêu cầu kiểm tra lại trình độ giáo viên này”. “Bài tự cảm nhận sao các em đều viết giống nhau và các em nói cô giáo dạy như thế? Làm gì có chuyện tự cảm nhận mà không điểu chỉnh cho đúng cảm nhận. Cô giáo này còn không biết rõ thì làm sao dạy học sinh được. Tôi không đồng ý với cách giải bày của cô giáo. Thầy cô giáo nào cũng như vậy thì các con em chúng ta mai này ra sao. Tôi đề nghị kiểm tra lại trình độ chuyên môn của cô này và có hình thức phạt phù hợp” - độc giả Thuận Trần nghi ngờ. Độc giả có tên DoThang lại cho đây là sự xuống cấp của giáo dục “Phải làm rõ xem lỗi của cô giáo hay của học sinh mà cô giáo đổ hết lỗi cho học sinh như vậy. Có lẽ đây là sự xuống cấp của giáo dục?”. Nhưng bên cạnh đó, lại có rất nhiều độc giả cảm thấy đồng cảm với cô Thủy và cho rằng một số bạn đọc đã quá vội vàng khi đưa ra những phán xét mang tính chủ quan, chưa công tâm, gây bất lợi cũng như tạo áp lực lớn cho cô giáo dạy văn còn quá trẻ.
Độc giả có tên Mr Hoang than thở: “Đây là một đề văn mở, tùy học sinh tưởng tượng, cho nên học sinh tưởng tượng ra như vậy là đúng. Tôi thấy cô Thủy không sai. Có sai là những người chỉ nhìn bề nổi để đánh giá, và không hiểu rằng cô Thủy đang muốn xem học sinh của mình tưởng tượng ra cái gì từ câu ca dao này. Phụ huynh chỉ đợi thầy cô có sơ hở là chụp ngay, buồn thay”. “Trong cuộc đời và trong công việc khó tránh sai sót, rủi ro. Bản lĩnh của một người là khi có sai sót, rủi ro thì vượt qua như thế nào. Tôi cũng gặp nhiều trường hợp học sinh giỏi trở nên tâm thần, thậm chí tự tử vì thành tích học tập hay thi cử bị thấp. Có cán bộ khi gặp chuyện oan ức đã mất khả năng vượt qua. Ngay từ bé gia đình và nhà trường cần quan tâm để trẻ em có thể vượt qua những trở ngại có thể gặp trong cuộc đời, những nỗi khổ đau, oan ức có thể gặp phải để mỗi người rèn luyện khả năng vượt qua gian khó. Chỉ số vượt khó AQ quan trọng không kém chỉ số thông minh IQ, chỉ số giao tiếp EQ đối với mỗi người, nhất là đối với người dân nước ta, khi cuộc đời "không như là mơ". Mong cô Thủy biết vượt lên mọi nỗi đau để tự khẳng định mình” - độc giả có tên Quang Vinh động viên. Độc giả NguyenHanh cho rằng phụ huynh của học sinh đã hấp tấp khi chưa tìm hiểu rõ đã phản ánh lên báo: “Các bạn thử nghĩ xem làm sao cô giáo có đủ thời gian mà sửa bài hết cho từng em trong cả lớp? Cô chỉ sửa chung trên bảng và các em phải ghi vào vở những điều cô sửa chứ. Một chùm bài tập 8 bài, 1 bài sai, còn tất cả bài kia đều đúng thì cho 8 điểm có gì là sai. Tôi tin là cô giáo không sai, nhưng chỉ có phụ huynh hơi hấp tấp chưa tìm hiểu rõ vấn đề đã vội đưa ra thông tin đại chúng mới sai thôi”. “Tôi không tin cô giáo với bằng cấp kiến thức mà lại sai như vậy. Đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp + thêm những người ăn không ngồi rồi thổi phồng sự việc lên. Mong rằng cô giáo vượt qua được búa rìu dư luận, làm lại từ đầu, không nhất thiết phải đứng trên bục giảng mới có thể đóng góp tốt cho xã hội bằng tài nằng của mình cô giáo nhé. Cố lên cố lên, tôi ủng hộ cô” - Độc giả có tên LucBinh tin tưởng và ủng hộ cô Thủy. Chia sẻ khó khăn mà lực lượng giáo viên đang phải trải qua, độc giả Nguyễn Khôi ủng hộ cô giáo Thủy và than thở: “Xã hội giờ quá nhẫn tâm với nghề giáo, họ cho mình cái quyền được phán xét một cách độc ác. Ủng hộ cô giáo Thủy. Nghề giáo lương thì thấp, SGK thì lởm khởm, chương trình thì nặng, giờ lại thêm áp lực nặng nề từ xã hội. Mệt mỏi lắm thay”.
Bài kiểm tra được đăng trên Hội Tìm lại công bằng cho cô Hà Thuỷ và danh dự của trường Lômônôxốp.
Bài kiểm tra được đăng trên Hội Tìm lại công bằng cho cô Hà Thuỷ và danh dự của trường Lômônôxốp.
Độc giả Sĩ Lê (Trà Vinh) rất tâm huyết rằng “Theo những gì phản ảnh từ bài báo, bản thân tôi cho rằng cô giáo không mắc lỗi nghiệp vụ, mà đúng ra là lỗi về non kinh nghiệm trong xử lý bài làm học sinh. Cụ thể, việc thí sinh làm bài sai không phải cô giáo không nhận ra, càng không phải cô giáo đã không xử lý. Bằng chứng là cô giáo đã xem xét, trừ điểm phần làm sai của học sinh; cạnh đó, khi nhà trường làm cuộc khảo sát thì nhiều học sinh đã khẳng định cô giáo có nhắc nhở, đề cập cái sai nói trên trong bài làm. Vậy nên, vấn đề ở đây, như đã nói, là cô giáo đã "sai lầm" khi còn non kinh nghiệm xử lý bài làm. Theo đó, thay vì chủ động và trực tiếp sửa lỗi cho học sinh THCS thì cô giáo đã để tự học sinh khắc phục như cách làm của nhiều giáo viên đối với học sinh cấp học lớn hơn. Tôi cho rằng, tuy có lỗi, song cô giáo không đáng bị "ném đá" hay đáng bị nhận một hình thức kỷ luật khắt khe như ai đó từng có ý kiến. Ngược lại, theo hồ sơ và theo đánh giá, nhận xét của các đồng nghiệp, cô Thủy là một giáo viên tuy trẻ nhưng có trình độ, chuyên môn xuất sắc, có sáng tạo trong phương pháp dạy học. Vì lẽ đó, tôi cho rằng nhà trường cần gặp gỡ cô Thủy, nói rõ quan điểm của nhà trường về vụ việc, tạo điều kiện để cô Thủy - một giáo viên xuất sắc và sáng tạo, nhận ra sai sót vốn rất thường tình của mình, đồng thời tạo điều kiện để cô trở lại đứng lớp trong niềm tin yêu và quý trọng của nhiều học sinh và phụ huynh. Đừng vì một sai sót cỏn con thường tình mà lẽ thường ai cũng có để "triệt" con đường tiến thân và cống hiến của một người trẻ có tài, có tâm. Bởi, dụng nhân như dụng mộc, đừng vì chút chỗ mục mà bỏ cả cây to...”.
Điểm cho phần ôn tập mà cô Thủy giao cho các em học sinh làm. Ảnh: Độc giả cung cấp.
Điểm cho phần ôn tập mà cô Thủy giao cho các em học sinh làm. Ảnh: Độc giả cung cấp.
Độc giả TrungKien lại cho cần dạy sai có chủ đích để tìm cái đúng: "Chúng ta đang ngồi để phán xét những gì đã xảy ra ở tiết học đó. Ai cũng cho rằng đó là sai, và tôi cũng cho đó là sai. Bạn nghĩ là mình là giáo viên thì không nên làm sai? Đúng là vậy, nhưng trong phuơng pháp dạy học vẫn cho phép giáo viên dạy sai có chủ đích, để kiểm tra học sinh có hiểu bài hay không, và trong cuộc sống chúng ta đôi khi vẫn lấy những điều sai để dạy con người ta làm đúng. Tôi chỉ trách cô Thủy đó là cô chưa kịp sửa lỗi sai kiến thức đó cho học sinh để các em có kiến thức đúng. Có lẽ chỉ có những học sinh hiểu bài hôm đó mới không viết như vây? Và cũng chỉ có học sinh học vẹt mới làm như vậy? Chúng ta hãy nhìn nhận sự việc thật đúng rồi phán xét, đừng quy chụp tất cả như vậy? Chúc cô vẫn mãi yêu nghề đưa đò! "Giáo viên thì cũng chỉ là người bình thường thôi đâu ai dám vỗ ngực là chưa phạm sai lầm bao giờ. Hơn nữa sự việc này cô Thủy không sai, có chăng chỉ do cô là 1 GV trẻ nên chưa nhiều kinh nghiệm thôi mà đa phần GV cũng làm như cô Thủy, chữa bài trên lớp cho học sinh hiểu rồi học sinh tự chữa thôi, nhiều bài như vậy chữa sao hết được chẳng lẽ bắt cô không ăn, không ngủ? Cô Thủy từng học chuyên văn của Chuyên Hùng Vương, lại là sinh viên khoa văn của ĐH Sư Phạm HN, hơn nữa lại tốt nghiệp loại giỏi, 1 điều chắc chắn cô không thiếu kiến thức! Mọi người bình luận về sự việc này nên theo dõi kỹ và tiếp nhận thông tin từ nhiều chiều tránh để ảnh hưởng xấu tới cô ấy. Tránh để nền giáo dục mất đi 1 giáo viên giỏi. Giáo viên mà được nhiều học sinh và đồng nghiệp quý trọng, yêu mến như cô Thủy không có nhiều. Và chắc chắn cô phải là giáo viên như thế nào thì học sinh mới đứng về phía cô ấy như vậy!" - độc giả Bùi Phú Sơn mong mọi người có cái nhìn nhiều chiều và tin vào kiến thức của cô Thủy. Một độc giả cũng là giáo viên đồng cảm "Tôi nhận thấy xã hội quá khắt khe với nghề giáo. Mọi người chỉ có 1 -2 con ở nhà mà thậm chí còn chưa chắc đã dạy được. Vậy chúng tôi, cũng có chồng con, cũng có vô vàn mối quan hệ bình thường trong cuộc sống có thể đảm bảo lúc nào cũng hoàn hảo trong việc dạy dỗ gần 50 HS/ lớp. Hãy nghĩ đến áp lực đang đè nặng lên vai chúng tôi. Chúng tôi đã chọn nghề giáo tức là chúng tôi yêu nghề, chúng tôi muốn dạy dỗ lớp trẻ cho tương lai. Nói thực, nếu không có tình yêu nghề, chúng tôi hoàn toàn có thể chọn 1 con đường dễ đi hơn - 1 con đường không bị toàn xã hội nhìn vào và chỉ biết phê phán. Công nhận nghề nào cũng có áp lực. Nhưng chẳng nghề nào lại có kiểu áp lực đến từ mọi phía: HS muốn cô giáo phải giỏi, tâm lí, không hiền cũng không quá nghiêm; phụ huynh thì phó mặc con cái mình sinh ra cho nhà trường, lúc nào cũng "Trăm sự nhờ thầy cô"; Còn sức ép từ BGH, từ đồng nghiệp, từ dư luận xã hội... Xin mọi người hãy nhìn nhận chúng tôi cũng là con người bình thường với hỉ nộ ái ố, với những sai lầm có thể mắc phải.... CHÚNG TÔI CŨNG CHỈ LÀ CON NGƯỜI NHƯ CÁC BẠN MÀ THÔI!".

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối"

"Tôi buồn vì sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm"

"Không nên coi sách giáo khoa là trọng tâm đổi mới giáo dục"

GS Hoàng Tụy: "Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"

TGS Trần Hồng Quân: "Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đông Phong