Vụ lùm xùm ĐH Hùng Vương: Dằng dai, ai có lợi?

17/03/2012 14:00
Theo VietNamNet
(GDVN) - Không thể để cho hàng ngàn con người non trẻ là sinh viên bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp của quyền lực và lợi ích, bất kể họ là ai, nhân danh cái gì! Nguyên tắc tiên quyết của mọi nền giáo dục hết sức giản dị: Tất cả vì sự nghiệp trồng người. Mọi hành vi cản trở hay phá hoại tiến trình đó đều đồng nghĩa với tội ác!
Vừa thiếu năng lực, vừa thiếu minh bạch?
ĐH Hùng Vương TP.HCM
ĐH Hùng Vương TP.HCM

Chuyện của ĐH Hùng Vương TPHCM đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, cho đến thời điểm này (14.3.2012), vẫn dường như đang 'giẫm chân tại chỗ' bởi những nhùng nhằng:

Con dấu thì ông hiệu trưởng hết quyền hạn cứ giữ. Cơ quan điều tra thì chạy vòng quanh. Cán bộ, sinh viên thì bất an làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành của hàng ngàn con người vô tội... Thiết nghĩ, tái lập lại trật tự, ổn định trong thời gian ngắn nhất là yêu cầu bức thiết của nhà trường, để giảng viên, sinh viên yên tâm học tập, giảng dạy.

Đọc lại bài báo có cách đây tám tháng, thấy nội tình của vụ việc hé mở đến 90%. Theo lời của ông Phạm Ngọ, Phó Trưởng phòng Thiết bị, phát biểu tại hội nghị cán bộ công chức ngày 14.7.2011: Tôi chỉ quan tâm đến những người lao động làm công ăn lương. Chúng tôi sẽ ra sao khi trường bị một cá nhân nào đó thâu tóm rồi ngày nào đó, tất cả chúng tôi sẽ bị thất nghiệp (SGGP, 15.7.2011)

Phát biểu trên phản ánh rất rõ sự tranh chấp về quyền lợi giữa nhà đầu tư, và những cán bộ vừa thiếu năng lực lại vừa có sự tư lợi kém minh bạch. Về hình thức, ông Phạm Ngọ đang đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng vấn đề không phải là như thế.

Trên thực tế, người lao động chỉ bị thất nghiệp trong hai trường hợp oan ức: Bị đuổi việc vô lý, vi phạm luật lao động và, công ty (hay doanh nghiệp) bị phá sản. Cả hai trường hợp này đều chưa xảy ra nên không thể quy kết theo cách làm phân tâm dư luận để trục lợi cho ý đồ riêng.

Điều tiếp theo cần phải thống nhất là: Một khi đã chuyển sang cơ chế tư thục kể từ ngày 19.5.2010, thì hội đồng quản trị là cơ quan quyền lực cao nhất, hiệu trưởng chỉ là người làm thuê và hoàn toàn tuỳ thuộc quyền của HĐQT trên cơ sở căn cứ của hợp đồng lao động.

Cơ sở pháp lý này là cái tối giản có thể hoá giải mọi sự dằng dai vô lý về tranh chấp quyền điều hành thực tế giữa một bên là HĐQT, phía còn lại là hiệu trưởng cùng thiểu số hậu thuẫn.

Nếu đã thống nhất về căn cứ pháp lý thì các cơ quan có trách nhiệm cần phải có ngay các biện pháp kiên quyết để tái lập trật tự. Làm sao có thể dung túng cho tình trạng "vô chính phủ" - muốn làm gì thì làm, mặc cho sự cậy quyền, ỉ thế thao túng của một vài cá nhân?

Lập luận của ông Hiệu trưởng Lê Văn Lý cho rằng "sợ trường rơi vào tay ai đó" là cách cố tình nghiêm trọng hoá vấn đề bởi trong một doanh nghiệp tư nhân, hàng chục hay hàng ngàn cổ đông không phải là tập thể theo nghĩa của mô hình kinh tế XHCN mà chỉ là một tổ hợp các quyền lợi cá nhân được ràng buộc bởi các quy định của luật pháp.

Những khuất tất của ĐH Hùng Vương là căn nguyên của mọi căn nguyên làm cho sự dằng dai trở nên hỗn loạn, khó lường. Chỉ cần nêu ra dẫn chứng sau đây, bản chất của sự tranh chấp sẽ bộc lộ rõ ràng.
Cần có thời gian để "phù phép"?

Sự việc đi vào "ngõ tối" bắt đầu từ năm 2008. Được biết, mỗi năm trường ĐH Hùng Vương thu về không dưới 50 tỷ đồng từ học phí, lệ phí... của sinh viên. Tuy nhiên, mỗi năm trường này lại chi tiền thuê mặt bằng đến hơn 42 tỷ đồng nhưng nhiều mặt bằng lại không được sử dụng.

Năm học 2008-2009, trường này thu được 46,954 tỷ đồng nhưng đã chi ra 42,541 tỷ đồng, trong đó chi cho việc thuê cơ sở để giảng dạy và khấu hao sửa chữa lên đến hơn 16 tỷ đồng"(!)?

Từ những chứng cứ trên đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng việc ông Hiệu trưởng Lê Văn Lý cố tình dằng dai không trả con dấu, chấp hành quyết định của HĐQT là nhằm những mục đích thiếu minh bạch và hết sức kém thuyết phục.

Dư luận đòi hỏi các quan có trách nhiệm cần làm rõ tội danh lợi dụng quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng; tội danh trốn thuế, chậm thuế; tội bất chấp quy định hành chính để bãi nhiệm hay bổ nhiệm cán bộ một cách tuỳ tiện.

Không thể để cho hàng ngàn con người non trẻ là sinh viên  bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp của quyền lực và lợi ích, bất kể họ là ai, nhân danh cái gì! Nguyên tắc tiên quyết của mọi nền giáo dục hết sức giản dị: Tất cả vì sự nghiệp trồng người. Mọi hành vi cản trở hay phá hoại tiến trình đó đều đồng nghĩa với tội ác!

Theo VietNamNet