Xin đừng làm khổ phụ huynh

15/06/2018 08:12
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bộ sách chúng tôi mua năm ngoái cho thằng anh học còn mới, ngỡ để lại cho em nay lại phải bỏ đi thật là uổng phí. Sao nhà nước cứ thay đổi xoành xoạch như thế?

LTS: Chia sẻ trước nỗi khổ của các vị phụ huynh có con em đang học chương trình VNEN khi phải mua sách giáo khoa VNEN mới để sử dụng vào năm sau vì sách mới có chỉnh sửa về nội dung lẫn hình thức, tác giả Đỗ Quyên gửi đến độc giả bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trường tôi vốn là một trong hai ngôi trường được dự án VNEN chọn dạy thí điểm đầu tiên của thị xã.

Bởi thế, nhà trường được dự án cấp cho hàng trăm bộ sách giáo khoa và đã lập nên tủ sách dùng chung cho học sinh toàn trường.

Vì vậy, những học sinh trường tôi mấy năm nay đều được học sách VNEN một cách miễn phí.

Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).
Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).

Mỗi bộ sách giáo khoa VNEN (chỉ tính riêng sách tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội) cũng ngót nghét gần hai trăm ngàn đồng.

Phụ huynh nghèo nơi đây nhờ thế mà đỡ đi một khoản tiền mua sách giáo khoa cho con.

Thế mà năm học này, giáo viên chúng tôi được thông báo rằng, trong cuộc họp phụ huynh cuối năm, thầy cô phải phổ biến cho phụ huynh việc mua sách giáo khoa VNEN mới để các em học vào năm sau vì sách mới có chỉnh sửa về nội dung lẫn hình thức.

Giáo viên sẽ lấy danh sách phụ huynh đăng kí mua để nhà trường báo về Phòng Giáo dục đặt sách.

Giáo viên có người phản đối: “Tủ sách hàng mấy trăm cuốn, nhiều cuốn còn như mới nguyên. Nay bắt học sinh mua sách mới đồng nghĩa với việc tủ sách cũ này phải bỏ đi, làm vậy có lãng phí quá không?”.

Nhưng đại diện Ban giám hiệu trả lời rằng: “Sách mới được in 2 cuốn (sách cũ Toán, tiếng Việt được in 4 cuốn) lại chỉnh sửa nội dung nên không thể học sách cũ”.

Giáo viên bức xúc vì thời gian thay sách đã cận kề nên không có ai rảnh để chỉnh sửa lại sách cũ. Nhưng nếu có chỉnh sửa thì nội dung chỉnh sửa cũng không nhiều.

Phụ huynh mất rất nhiều tiền cho sách VNEN

Nay bỏ sách cũ bắt phụ huynh mua sách mới là làm khổ phụ huynh đặc biệt là những phụ huynh nghèo.

Thế nhưng người có trách nhiệm vẫn khăng khăng rằng, nếu học sinh nào gia đình nghèo quá thì cho các em học sách cũ? Đây là cấp trên chỉ đạo sao dám cãi lệnh cấp trên?

Theo tinh thần chỉ đạo này, sẽ có 2 trường học nơi đây phải bỏ đi gần ngàn cuốn sách.

Còn phụ huynh toàn thị xã sẽ phải bỏ đi những bộ sách cũ mới mua năm ngoái để mua lại sách mới cho con học năm nay trong khi chương trình giáo dục mới đã cận kề.

Trong cuộc họp phụ huynh cuối năm, khi nghe giáo viên thông báo như vậy đã có nhiều cha mẹ bất bình lên tiếng:

“Bộ sách chúng tôi mua năm ngoái cho thằng anh học còn mới, ngỡ để lại cho em nay lại phải bỏ đi thật là uổng phí. Sao nhà nước cứ thay đổi xoành xoạch như thế?”

Phụ huynh thấy bất bình thì lên tiếng vậy thôi chứ giáo viên ai chẳng biết, chẳng có nhà nước nào thay đổi xoành xoạch sách giáo khoa mà chỉ là một bộ phận nào đấy lợi dụng cơ hội để trục lợi kiếm chác.

Giáo viên tiếc cho những bộ sách giáo khoa còn mới phải trở thành đống giấy vụn, thương cho phụ huynh phải bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ để mua sách mới không thật sự cần thiết.

Hà Tĩnh: Sách giáo khoa VNEN đã mua có trả lại được không?

Thầy cô cũng thương cho chính bản thân mình vì đã đứng ra kêu gọi phụ huynh đăng kí mua và bán sách.

Dù những bộ sách được bán đúng theo giá bìa nhưng không ít người vẫn nhỏ to, thầy cô bán đắt hơn bên ngoài.

Mỗi bộ sách giáo khoa thầy cô được nhà trường trích lại 2 ngàn đồng trong khi theo phản ánh của phụ huynh, nếu mua một bộ sách giáo khoa như thế bên ngoài, nhà sách sẽ được giảm giá bán đến vài chục ngàn đồng một bộ.

Đỗ Quyên