Xúc động một thời trường Bưởi “xếp bút nghiên”

07/07/2013 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Trường Bưởi – Chu Văn An, khi mới thàng lập chính quyền thực dân có âm mưu biến nơi đây thành nơi cải tạo đội ngũ trí thức cho tay sai thực dân, nhưng mưu đồ đã không thành, ngược lại nơi đây đã từng ươm mầm cách mạng cho các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc...
Cũng tại ngôi trường giàu truyền thống này trong thời kỳ kháng chiến đã chứng kiến nhiều lớp thầy và trò “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Những tấm gương như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều, liệt sĩ Nguyễn Văn Khâm...

Tiến tới kỷ niệm 105 năm ngày thành lập trường (1908-2013), sáng ngày 6/7 Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức buổi gặp mặt những cựu học sinh, các thầy cô giáo đã từng công tác tại trường Bưởi thuở nào. Buổi gặp mặt các lớp “xếp bút nghiên” hết sức xúc động khi các lớp học sinh thời đó giờ đã thành các ông, các bà và là những anh hùng trong quân đội.
Những người thầy đầu tiên của tướng Phạm Hồng Cư

Nhớ lại quãng thời gian đầu khi được học dưới mái trường Bưởi năm xưa, nhân chứng sống, Trung  tướng Phạm Hồng Cư, cựu học sinh trường Chu Văn An hồi ức, ông ra Hà Nội những năm 1940, ông học niên khóa 1940-1945 đúng trong giai đoạn đỉnh cao của cuộc cách mạng tháng tám. Lúc đó ông mới chỉ 19 tuổi, cái tuổi đầy hoài bão và căng tràn sức sống.

Cái tuổi cống hiến đầy lí tưởng ấy, và những người thầy mà ông không bao giờ quên ở trường Bưởi năm đó là GS. TS Vật lí Ngụy Như Kon Tum hay  GS Nguyễn Mạnh Tường, các thầy đã từng bước chỉ bảo cho ông về những tấm gương qua các bài học lịch sử.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, cựu học sinh trường Bưởi - Chu Văn An kể lại những ngày tháng được học dưới mái trường yêu dấu. Ảnh Xuân Trung
Trung tướng Phạm Hồng Cư, cựu học sinh trường Bưởi - Chu Văn An kể lại những ngày tháng được học dưới mái trường yêu dấu. Ảnh Xuân Trung

Trong trí nhớ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, sự kiện 1942 Nhật nhảy vào Đông Dương khiến ông không thể nào quên vì đó là thời điểm bắt đầu cho cuộc chiến đấu gay go của dân tộc, lúc đó Pháp đã quỳ gối nhường Đông Dương cho Nhật và nước ta chịu một cổ hai tròng. Tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại quãng thời gian còn học ở trường Bưởi dưới sự dìu dắt những người thầy đầu tiên. 

Đầu tiên là Trần Văn Khang dạy lịch sử Việt Nam, mỗi lần học sử của thầy tướng Cư đều nhớ như in những bài dạy thấu da, thấu thịt. Thầy Khang nói rằng chúng ta đều tự hào có một nền văn hóa mà nòng cốt là chủ nghĩa yêu nước, chính vì sức mạng của chủ nghĩa yêu nước mà sau 1.000 năm bắc thuộc đã không bị đồng hóa. 

“Thầy dạy chúng tôi về Ha Bà Trưng, lúc đó là năm 1942 ở trường có kỷ niệm lễ hai bà, thầy Trần Văn Khang (ba Khang) tổ chức một cuộc diễu hành của học sinh trường Bưởi, lúc đó trường không có học sinh nữ nên đành chọn ra 2 nam sinh có gương mặt giống nữ đóng Trưng Trắc và Trưng Nhị, chúng tôi cầm cờ diễu hành quanh sân vận động của trường.

Thầy Khang có nhắc rằng nước Việt Nam có cuộc khởi nghĩa ngay đầu công nguyên mà những người đó lại là nữ thì quả là anh hùng” Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại kỷ niệm với người thầy của mình tại trường Bưởi.

Phương pháp dạy học tại trường Bưởi thời đó là sách vở thì phải có thực tế. Nhớ lại một phương pháp dạy bài mới của thầy Ngụy Như Kon Tum, ông Cư cho biết thầy dẫn cả lớp đi thực tế bằng xe đạp về đến Bạch Đằng, thầy nói nơi đây ba lần quân Nguyên Mông (lúc đó là quân mạnh nhất thế giới đã chiếm khắp thế giới và toàn Trung Quốc) ba lần tới Việt Nam thì cả ba  lần đều thất bại, để nói về khí phách và sự gan dạ của người Việt Nam.

Sau thời gian học tập tại trường Bưởi, đến đầu tháng giêng năm 1945 toàn bộ học sinh trường Bưởi phải đi sơ tán vào trường Dòng, Thanh Hóa do thời cuộc có biến đổi. Mới chỉ học được 1 tháng ngôi trường bị mật thám bao vây, chính trung tướng Phạm Hồng Cư là một nhân chứng sống.

Ông kể, mật thám vào trường đọc từng danh sách, họ nắm được người nào đang hoạt động và bắt lên ô tô đưa về nhà giam, trong đó có ông. Một số học sinh khác nhảy qua cửa sổ định thoát nhưng ra tới cổng cũng bị bọn chúng bắt đi. Về xà lim đáng chỉ cho 1 người ở, nhưng bọn giặc đã nhốt 3 người 1 phòng nhỏ, hẹp, mùi hôi thối. 

Nhưng nơi hầm tối là nơi sáng nhất, chính ở đây Trung tướng Phạm Hồng Cư đã được đồng chí Hồ Trúc (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục) giác ngộ cách mạng. Sức mạnh của chiến sĩ cộng sản không có gì khuất phục được, ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, ông Cư cùng các học sinh phá tù trở ra Hà Nội để hoạt động cách mạng.

Ra tới Hà Nội chính đồng chí Nguyễn Viết Tiếp (cũng là học sinh trường Bưởi) đã đưa Trung tướng Phạm Hồng Cư về Đội tự vệ chiến đấu Thủ đô. Đội tự vệ này phần lớn là học sinh của trường Bưởi, đó là những người được chọn lọc để bảo vệ Trung ương, bảo vệ Bác, bảo vệ Thành ủy. Và đây chính là đội hình bảo vệ cho Bác Hồ trong ngày 2/9 đọc Tuyên ngôn độc lập.

Thế hệ học sinh trường Bưởi ngày nay chăm chú lắng nghe những câu chuyện từ các cô, các bác là cựu học sinh. Ảnh Xuân Trung
Thế hệ học sinh trường Bưởi ngày nay chăm chú lắng nghe những câu chuyện từ các cô, các bác là cựu học sinh. Ảnh Xuân Trung

“Lúc Bác Hồ đọc tuyên ngôn thì thế hệ học sinh đầu tiên trường Bưởi này giơ tay thề độc lập và cũng là thế hệ đầu tiên mang lời thề ấy trong tim mình đi suốt 30 năm và 10.000 ngày cho tới ngày toàn thắng 30/4/1975. Thế hệ chúng tôi gọi là thế hệ Lời thề độc lập đã hoàn thành nhiệm vụ với tổ quốc” trung tướng Phạm Hồng Cư tự hào.
Sáng lắm Tiểu đoàn Bình Ca

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những học sinh, thầy cô trường Bưởi –Chu Văn An đã đồng loạt ký tên vào danh sách xin ra trận chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhắc lại một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại khiến trung tướng Phạm Hồng Cư không khởi xúc động, ông cho biết mỗi lần nhắc lại những người bạn là nhắc tới những liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, sự hi sinh của các liệt sĩ sẽ không bao giờ khuất, họ vẫn nằm trong trái tim của chúng ta.

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể, đầu năm 1947 ông được bổ sung vào làm Chính trị viên Tiểu đoàn bảo vệ của Tổng tham mưu trấn ngự bến Bình Ca (Thái Nguyên). Cũng tại đây đã xảy ra một trận đánh mà ông không quên được, ông gọi đó là “mối tình đầu” của mình.

Ngày 7/10 giặc Pháp tổ chức một cuộc tấn công đại quy mô lên Việt Bắc tiêu diệt Chính phủ của ta còn no trẻ. Tiểu đoàn ông có nhiệm vụ trấn ngự cửa ngõ phía tây ở Tân Trào (Tuyên Quang), lúc này có hai nhiệm vụ: Tàu địch lên sông Lô là phải đánh, thứ hai nếu địch đổ bộ vào phải bằng mọi giá đuổi chúng ra không cho vào Tân Trào.

Hôm đó giặc nhảy dù xuống Bắc Cạn, chúng cho lính và xe tăng đi từ Cao Bằng xuống,  mũi dùi thủy quân lại đi từ Sông Lô lên. Lúc 12 giờ ngày 7/10 Trung tướng Phạm Hồng Cư đang ăn cơm cùng tiểu đoàn  trưởng thì có một sĩ quan của bộ Tổng tham mưu đi ngựa và đứng ở ngoài hét to: “Tiểu đoàn trưởng Cúc Phương, Chính trị viên Hồng Cư nhận lệnh”, bỏ tất cả đứng dậy nhận lệnh với một tờ giất trong đó có ghi: “Tiểu đoàn 42 (hiện nay là Tiểu đoàn 7 Trung đoàn Thủ đô) sống chết với con đường Bình Ca Thái Nguyên, ký tên: Văn”. 

“Ai cũng hiểu “Văn” tức là bí danh của Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tôi đọc xong thì toàn thân xúc động. Đó không phải là mệnh lệnh mà là lời hịch của Tổ quốc giao cho tiểu đoàn này sống chết với con đường Bình Ca. Tôi đã bàn với tiểu đoàn trưởng cho kiểm tra trận địa còn tôi đi xuống các đơn vị động viên anh em”.
Trở lại trường xưa nhiều cựu học sinh đã lên chức ông, chức bà, họ rất xúc động, trường xưa bạn cũ những kĩ ức trỗi dậy. Ảnh Xuân Trung
Trở lại trường xưa nhiều cựu học sinh đã lên chức ông, chức bà, họ rất xúc động, trường xưa bạn cũ những kĩ ức trỗi dậy. Ảnh Xuân Trung

Trung tướng Phạm Hồng Cư nói tiếp, khi xuống các đơn vị thấy rất nhiều đồng chí nằm ngổn ngang đắp chăn run cầm cập vì sốt rét, đó là những chàng học sinh trường Bưởi mới từ Hà Nội lên với rừng núi nên chưa quên khí hậu. Sau khi nghe trung tướng Cư đọc to lệnh của Tổng tư lệnh thì tất cả dăm dắp vùng dậy vứt chăn và cầm súng ra trận địa. 

Cho tới chiều ngày 12/10/1945  đoàn tàu của giặc theo sông Lô lên qua Đoan Hùng (Phú Thọ), qua Tam Dương (Vĩnh Phúc), đến Bình Ca địa đầu của tỉnh Tuyên Quang giáp với Thái Nguyên thì dừng lại do gặp phải trận địa Badôca của ta. Ngày hôm sau giặc tiếp tục đổ bộ lên lại gặp trận địa của quân giới ta. Sau trận này Tiểu đoàn nhận được điện khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung ương quyết định đặt tên là Tiểu đoàn Bình Ca.

Viết tiếp câu truyện của Đội tự vệ ngày nào với lời thề độc lập đã  rửa được nỗi nhục mất nước, Trung tướng Phạm Hồng Cư mong muốn gửi một thông điệp tới thế hệ ngày nay, đó là những thế hệ trẻ hãy xóa cái nhục nghèo nàn và lạc hậu, đưa đất nước ta phát triển ngang và sánh vai với các cường quốc như Bác Hồ đã từng mong muốn.
Bài tới: Học sinh trường Bưởi “lén lút” học phi công bắn máy bay
Xuân Trung