Xứng đáng là trường đầu tàu về Khoa học Nhân văn của cả nước

01/10/2015 14:36
Xuân Trung
(GDVN) -“Tôi nghĩ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi nguồn khoa học nhân văn cao hơn. Trường cần đổi mới phương thức tuyển sinh để thu hút sinh viên có năng lực cao”

NGND. GS. TS Nguyễn Văn Khánh, hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin với báo chí nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ 2) sáng nay (1/10).

GS. TS. Nguyễn Văn Khánh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuần lễ kỷ niệm sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó có Đại lễ kỷ niệm và Diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng là những trọng tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một lần về thăm trường. Ảnh nhà trường cung cấp
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một lần về thăm trường. Ảnh nhà trường cung cấp

Với 70 năm truyền thống (ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay), trường luôn xác định là một trường đại học khoa học cơ bản.

Trường là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng. Nhiều nhà hoạt động chính trị tiêu biểu, nhà lãnh đạo, quản lý tài năng của đất nước. 

Trong 70 năm qua, trường đã đào tạo được hàng vạn cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ và tiến sĩ. Trường đã đào tạo tiếng Việt và chuyên môn cho trên 5000 lưu học sinh, trong đó có 7 người đã trở thành Đại sứ các nước tại Hà Nội.

GS. Nguyễn Văn Khánh cũng cho rằng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với tư cách là trường đầu đàn về khoa học xã hội nhân văn, ngoài đào tạo kiến thức cho sinh viên thì còn đào tạo kỹ nắng sống với tư cách là công dân của nước hội nhập trong thời đại mới.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năng động trong việc học tập.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năng động trong việc học tập.

Tính đến nay, Trường đã ký 200 hiệp định hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều trường đại học nổi tiếng như: Đại học Princeton, Đại học San José State, Đại học Utah (Hoa Kỳ), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp quốc gia Maxcơva (Liên bang Nga), Đại học Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Toulouse II, Đại học Paris VII, Paris I, Paris II (Cộng hòa Pháp), Đại học Lund (Thuỵ Điển), Đại học Quốc gia Úc, Đại học Yonsei (Hàn Quốc) ...

Trước thử thách ngành học khoa học xã hội có sức hút với người học thấp, đáng lo ngại trong những năm gần đây. GS. Nguyễn Văn Khánh cho biết, để phát triển một lĩnh vực khoa học còn phụ thuộc nhiều yếu tố, do đó phải có chính sách định hướng của nhà nuớc, cần có đầu tư thích đáng. 

Trên thế giới, nước nào cũng vậy ngành khoa học xã hội rất khó phát triển, càng khó kiếm được việc làm đúng nguyện vọng.

Với khoa học nhân văn tại Việt Nam, theo GS. Khánh khi nào mà nền kinh tế phát triển thì nhu cầu khoa học nhân văn càng cao. 

“Tôi nghĩ sắp tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi nguồn khoa học nhân văn cao hơn. Trường cần đổi mới phương thức tuyển sinh để thu hút sinh viên có năng lực cao. Trường sẽ chủ trương không mở rộng quy mô ở bậc đại học, chú trọng đào tạo chất lượng.

Với trường, trong thời gian qua đã thực hiện đổi mới phương thức đào tạo theo chiều sâu, đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá để giúp người học chủ động hơn” GS. Nguyễn Văn Khánh cho biết.

Định hướng của trường sẽ xây dựng đại học nghiên cứu đứng đầu Việt Nam, phấn đấu top từ 50-100 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2020. 

Sắp thành lập thêm Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội Nhân văn

GS. TS. Nguyễn Văn Khánh thông tin, hiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã hoàn thành đề án thành lập trường THPT chuyên khối Khoa học xã hội nhân văn (bên cạnh các trường Chuyên Ngữ - Đại học Ngoại ngữ và Chuyên Khoa học tự nhiên – Đại học Khoa học Tự nhiên).

Hiện tại đề án đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua và đang trong lộ trình thực hiện để đến năm 2016 sẽ là năm đầu tiên tuyển sinh với các lớp chuyên và Ngữ văn và Lịch sử, tiếp theo đó là Địa lí. 

“Trường THPT chuyên khoa học xã hội nhân văn để thu hút những học sinh có năng khiếu về ngành khoa học xã hội. Hy vọng đây là cái nôi bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về khoa học xã hội” GS. Khánh cho biết.

Xuân Trung