Ấn Độ có khả năng phá truyền số liệu của 19 vệ tinh Trung Quốc

26/10/2013 08:21
Đông Bình
(GDVN) - Mặc dù Trung-Ấn vừa có dấu hiệu hợp tác nồng ấm mới, nhưng hai bên vẫn tồn tại đề phòng, cảnh giác lẫn nhau.
Ngày 23 tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Ngày 23 tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc đưa tin, ngày 24 tháng 10, tại trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có bài phát biểu, nhấn mạnh, giữa Ấn Độ và Trung Quốc có đủ không gian hợp tác.

Đối với việc Trung-Ấn ký kết 9 thỏa thuận hợp tác quan trọng, hai chữ "hợp tác" lúc này đã áp chế "bất đồng", đặc biệt là thỏa thuận hợp tác biên phòng và các quyết định hợp tác kinh tế, theo đó, các phương tiện truyền thông Ấn Độ bắt đầu bàn thảo về các bước hợp tác Ấn-Trung tiếp theo, đương nhiên còn tồn tại sự đề phòng, cảnh giác.

Ngày 24 tháng 10, tại cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thỏa thuận hợp tác biên phòng Trung-Ấn đã trở thành điểm nóng quan tâm của dư luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Lần này, Trung-Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác biên phòng, tái khẳng định hai bên sẽ không sử dụng năng lực quân sự của mình nhằm vào đối phương".

Trung-Ấn hợp tác đã gây sự chú ý của dư luận Ấn Độ. Tờ "The Hindu" ngày 24 đăng bài viết trên trang nhất "Khi xảy ra đối đầu, Ấn-Trung sẽ không sử dụng vũ lực".

Trung-Ấn đã ký Hiệp định hợp tác biên phòng, cam kết không sử dụng vũ lực
Trung-Ấn đã ký Hiệp định hợp tác biên phòng, cam kết không sử dụng vũ lực

Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc của Ấn Độ, ông Mohanty nói với phóng viên "Thời báo Hoàn Cầu" rằng, ông rất vui về việc ký kết thỏa thuận hợp tác biên phòng này, bởi vì trước đó ông luôn kêu gọi hai nước có thể tiến hành đối thoại thường xuyên và ở các cấp khác nhau về khu vực tuyến kiểm soát thực tế để tăng cường lòng tin, tránh xung đột.

Bài báo đồng thời đăng bài viết trên trang nhất nhan đề "Doanh nghiệp điện lực Trung Quốc đã đồng ý xây dựng trung tâm dịch vụ thiết bị điện lực ở Ấn Độ để giải quyết các vấn đề của khách hàng Ấn Độ". Theo tiết lộ của phía Ấn Độ, doanh nghiệp Trung Quốc này có thể là Điện khí Thượng Hải hoặc Điện khí Phương Đông.

Bài báo dẫn lời một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết, đây là một sự kiện mang tính cột mốc, đồng thời sẽ mở đường cho Trung Quốc cuối cùng xây dựng cơ sở sản xuất tại Ấn Độ.

Theo báo Trung Quốc, đầu năm nay, Ấn Độ thu 20% thuế quan đối với thiết bị điện lực đến từ Trung Quốc, điều này đã tác động nặng nề đối với hoạt động xuất khẩu thiết bị điện lực của Trung Quốc vào Ấn Độ, thậm chí có chủ doanh nghiệp tiết lộ từ bỏ ý định tham gia vào thị trường Ấn Độ. Việc xây dựng cơ sở sản xuất lần này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc tránh được thuế nhập khẩu.

Giao lưu quân sự Trung-Ấn (ảnh tư liệu)
Giao lưu quân sự Trung-Ấn (ảnh tư liệu)

Đối với thỏa thuận này, Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ Montek cho biết, họ sẽ tạo lập cơ chế mới để đi sâu hợp tác kinh tế hai nước trong các lĩnh vực trọng điểm.

Nhà chế tạo thiết bị điện lực Trung Quốc hy vọng xây dựng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ, đồng thời hy vọng Ấn Độ đơn giản hóa thủ tục thị thực (visa). Tờ "Thời báo Kinh tế" Ấn Độ ngày 24 cho rằng, Trung Quốc mong muốn Ấn Độ thực hiện đơn giản hóa thể chế thị thực, nhưng cuối cùng bị từ chối do Ấn Độ nghi ngờ.

Bài báo dẫn lời Kondapalli, chuyên gia vấn đề Trung Quốc của Ấn Độ cho rằng, "trong tương lai, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Trung Quốc, có thể hai nước Ấn-Trung có triển vọng đạt được thỏa thuận đơn giản hóa thị thực".

Về việc hai nước Trung-Ấn không thể đạt được thỏa thuận trong vấn đề vườn công nghiệp tại Trung Quốc, truyền thông Ấn Độ cho rằng, đây là do phía Trung Quốc không đưa ra quyết định về 5 địa điểm lựa chọn do phía Ấn Độ đưa ra. Theo bài báo, nhân tố gác lại vườn công nghiệp Trung Quốc rất phức tạp. Trước hết là vấn đề trưng thu đất đai. Quốc hội Ấn Độ gần đây thông qua Luật trưng thu đất đai mới, có yêu cầu khắt khe hơn về trưng thu đất đai.

Trung Quốc phóng vệ tinh (ảnh minh họa)
Trung Quốc phóng vệ tinh (ảnh minh họa)

Thứ hai là hạ tầng cơ sở lạc hậu, điện lực thiếu thốn, tình trạng đường sá tương đối kém. Thứ ba chính là sự hạn chế của chế độ chính trị, do Ấn Độ thực hiện chế độ liên bang, thường xuất hiện tình trạng Chính quyền Trung ương và địa phương thuộc các đảng phái khác nhau, điều này rất dễ dẫn đến sự xuất hiện tình trạng bế tắc.

Một số phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng hoàn toàn không từ bỏ thái độ đề phòng, cảnh giác. Một bài báo của tờ "The Times of India" dẫn lời một chuyên gia cho rằng: "Nếu bạn cho rằng, thâm nhập kinh tế sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, thì Ấn Độ cần phải làm tốt công tác chuẩn bị. Thị trường và sản phẩm của Trung Quốc sẽ thống trị thị trường châu Á trong một giai đoạn rất dài tương lai. Đồng nhân dân tệ sẽ trở thành vũ khí hiệu quả nhất của Trung Quốc, chứ không phải tên lửa".

Ngoài ra, người phụ trách Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ Avinash Chad ngày 24 tháng 10 cho biết, hiện nay, vùng biển Ấn Độ đang bị 19 vệ tinh Trung Quốc theo dõi toàn diện, Ấn Độ muốn tiến hành đáp trả đối với vấn đề này, phá hoại thông tin số liệu được truyền từ các vệ tinh này, đồng thời còn muốn tập trung vào khắc phục khó khăn trong nghiên cứu khoa học, thực hiện theo dõi toàn diện, ba chiều đối với vùng biển của mình.

Tên lửa đánh chặn của Ấn Độ (ảnh minh họa)
Tên lửa đánh chặn của Ấn Độ (ảnh minh họa)
Đông Bình