Ấn Độ đã bắt tay vào phát triển tên lửa xuyên lục địa

11/01/2012 07:52
Theo QĐND/Vietnamplus
Cơ quan nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã bắt đầu phác thảo dự án phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Cơ quan nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã bắt đầu phác thảo dự án phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới. ICBM mới với tên gọi Agni-VI sẽ là “thành viên” đầu tiên của gia đình tên lửa Agni có tầm bắn đạt ngưỡng của các dòng ICBM trên thế giới. Theo trang tin Express Buzz, tầm bắn của  ICBM Agni-VI có thể đạt tới 10.000 km. Tuy nhiên, thông tin kỹ-chiến thuật của dòng ICBM đầu tiên của Ấn Độ này không được tiết lộ.

Một vụ phóng thử tên lửa Agni - IV
Một vụ phóng thử tên lửa Agni - IV

Dự kiến, trang bị của ICBM Agni-VI sẽ là các đầu đạn hạt nhân độc lập hoặc loại đầu đạn có khả năng tự dẫn để xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương. Căn cứ vào các thông tin hiện tại, Ấn Độ chưa sở hữu công nghệ của dạng đầu đạn hạt nhân như vậy.

Cùng với việc phác thảo ICBM Agni-VI, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho vụ phóng thử đầu tiên của dòng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) Agni-V trong vài tháng tới.

Các chuyên gia của DRDO đã hoàn tất việc lắp đặt mẫu thử đầu tiên của IRBM Agni-V, dòng tên lửa được phát triển từ phiên bản tên lửa Agni-III.

Hiện tại, lực lượng tên lửa Ấn Độ đang sở hữu các tên lửa đạn đạo thuộc gia đình Agni với tầm bắn từ 700 tới 5.500 km.

Phiên bản trước của IRBM Agni-V là Agni-IV với tầm bắn đạt 3.700 km vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Toàn bộ các đạn tên lửa trong gia đình Agni đều được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.

Thời gian gần đây các nhà khoa học Ấn Độ vừa phát triển thành công một loại hợp kim đặc biệt với thành phần chính là titan giúp giảm đáng kể giá thành chế tạo tên lửa.

Tiến sĩ V.K Saraswwat, cố vấn khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết Viện nghiên cứu luyện kim quốc phòng (DMRL) và Công ty Misr Dhathu Nigam Ltd (MIDHANI),

công ty nghiên cứu kim loại và hợp kim hàng đầu Ấn Độ, đã phát triển thành công loại hợp kim đặc biệt siêu bền và siêu cứng mang tên DMR 1700 có thể được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Hợp kim thép DMR 1700 là kết quả nghiên cứu kéo dài suốt 20 năm qua của các nhà khoa học Ấn Độ, và sẽ giúp giảm gần 2/3 giá thành chế tạo tên lửa so với chi phí hiện nay.

Ngoài độ bền cao, hợp kim thép DMR 1700 còn có tác dụng chống ăn mòn kim loại, do vậy, nó có thể được sử dụng để chế tạo vỏ tàu thuỷ.

Theo QĐND/Vietnamplus