Ấn Độ đưa máy bay C-130 hạ cánh đã răn đe thẳng thừng Trung Quốc

23/08/2013 09:48
Việt Dũng
(GDVN) - Quân đội Ấn Độ tiếp tục tìm cách tăng cường năng lực hậu cần-tiếp tế vật tư và điều động lực lượng tác chiến tới khu vực biên giới, ngăn chặn TQ.
Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ hạ cánh bất ngờ ở biên giới Trung-Ấn
Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ hạ cánh bất ngờ ở biên giới Trung-Ấn

Báo Tân Hoa Xã, TQ ngày 21 tháng 8, cho biết trang mạng "Nhật báo phố Wall" Mỹ đưa tin, gần đây Không quân Ấn Độ đã phô diễn thực lực quân sự của họ với bên ngoài, một chiếc máy bay vận tải C-130J Super Hercules đã hạ cánh xuống một đường băng đơn giản ở khu vực tranh chấp biên giới Trung-Ấn. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, đây là một cuộc phô diễn thực lực không quân mạnh.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống sân bay Daulat Beg Oldi vào 6 giờ 54 phút sáng sớm ngày thứ Ba (theo giờ địa phương). Sân bay này có độ cao 5.065 m so với mực nước biển, là sân bay quân dụng cao nhất trên thế giới. Sân bay đơn giản này tọa lạc ở khu vực Aksai Chin “tồn tại tranh chấp” ở biên giới Trung-Ấn, được Ấn Độ xây dựng khi nổ ra tranh chấp biên giới Trung-Ấn năm 1962.

Tháng 4 năm 2013, quan hệ song phương Trung-Ấn đã bị thách thức. Khi đó, Quân đội Trung Quốc đã dựng lều vải ở Jammu và Ladakh của Kashmir, dẫn đến xảy ra sự kiện "đối đầu lều vải" kéo dài 3 tuần.

Ngày thứ Ba, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố cho biết, triển khai máy bay vận tải C-130J có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của lực lượng mặt đất ở những khu vực vùng cao và nguy hiểm. Máy bay Super Hercules do công ty Lockheed Martin Mỹ chế tạo, tải trọng lớn nhất là 20 tấn. Sân bay đơn giản ở Daulat Beg Oldi chấm dứt hoạt động vào năm 1965 và kéo dài tình trạng này trong 43 năm tiếp theo.

Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ hạ cánh bất ngờ ở biên giới Trung-Ấn
Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ hạ cánh bất ngờ ở biên giới Trung-Ấn

Tuyên bố vào ngày thứ Ba của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã gọi sân bay Daulat Beg Oldi là một sở chỉ huy tuyến đầu quan trọng của quân đội.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, việc hạ cánh thành công máy bay Super Hercules nên đưa vào kỷ lục thế giới, đây là lần đầu tiên trong lịch sử có loại máy bay loại này hạ cánh xuống sân bay cao nhất so với mực nước biển trên thế giới.

Tuyên bố còn cho rằng, sau khi năng lực vận tải đường không lần này tăng mạnh, Không quân Ấn Độ hiện đã làm tốt chuẩn bị đầy đủ hơn để đáp ứng nhu cầu của lực lượng mặt đất, lực lượng mặt đất triển khai ở khu vực tương đối cao và nguy hiểm có thể dựa vào tuyến vận tải đường không này để tiến hành bổ sung vật tư.

Ngày 20 tháng 8 trang mạng Rediff Ấn Độ đưa tin, Ấn Độ sử dụng phương thức tinh tế để răn đe Trung Quốc. Theo bài báo, Không quân Ấn Độ gần đây đã bắt đầu triển khai máy bay vận tải C-130J Super Hercules ở đường băng Daulat Beg Oldi cao nhất thế giới. Đường băng Daulat Beg Oldi nằm ở khu vực Ladakh gần tuyến kiểm soát biên giới thực tế Trung-Ấn.

"Hành động vĩ đại" này sẽ giúp cho lực lượng vũ trang Ấn Độ có thể sử dụng máy bay vận tải điều động lực lượng, vân chuyển tiếp tế, cải thiện mạng lưới thông tin và duy trì tinh thần chiến đấu cho lực lượng đồn trú tại khu vực này.

Một tuyên bố của Không quân Ấn Độ cho biết: "Một chiếc máy bay vận tải C-130J Super Hercules đã hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi cao nhất thế giới vào 6 giờ 54 phút hôm nay. Sĩ quan chỉ huy T. Singh, thành viên tổ lái và sĩ quan cao cấp hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi, khu vực Aksai Chin, có độ cao 5.065 m so với mặt nước biển".

Không quân Ấn Độ cho biết: "Dưới nỗ lực chung của Không quân và Lục quân Ấn Độ, căn cứ chiến lược nằm ở dãy Himalayas này có thể được sử dụng trở lại. Sau 43 năm (tức là năm 2008), căn cứ này đã bước vào trạng thái hoạt động, khi đó có một chiếc máy bay 2 động cơ An-32 đến từ Chandighar đã hạ cánh xuống đó, từ đó căn cứ này tiếp tục có được vị trí quan trọng".

Ngày 20 tháng 8, trang mạng "Deccan Herald" Ấn Độ đưa tin, máy bay vận  tải C-130J Super Hercules tiên tiến nhất của Không quân Ấn Độ ngày hôm nay (20/8) đã hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi ở Ladakh. Khu vực này cách tuyến kiểm soát biên giới Trung-Ấn chưa đầy 10 km.

Điều có ý nghĩa quan trọng là, lần hạ cánh này đúng vào thời điểm Đối thoại chiến lược Trung-Ấn hôm nay bắt đầu. Hội đàm được tổ chức giữa Thư ký Ngoại giao Ấn Độ S. Singh và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Đối thoại ngoại giao được tái khởi động sau 3 năm.

Chiếc máy bay vận tải do Mỹ sản xuất này được Ấn Độ mua để tác chiến đặc biệt, vào lúc 6 giờ 54 phút đã hạ cánh xuống đường băng đơn giản Daulat Beg Oldi, sau 40 phút đậu trên đường băng, đã cất cánh và bay trở về căn cứ ở phía đông Ghaziabad. Chiếc máy bay vận tải của phi đội "rắn cạp nong che mặt" Ấn Độ này do Thượng tá không quân T. Singh chỉ huy.

Có nguồn tin cho biết, hành động lần này đánh dấu máy bay vận tải C-130J bắt đầu định kỳ bay đến sân bay hoang vu này để chi viện cho Lục quân Ấn Độ đóng ở tuyến kiểm soát thực tế.

Người phát ngôn của Không quân Ấn Độ cho biết: "Thành tựu này cho thấy, Ấn Độ có năng lực tiên tiến điều động quân đội ở khu vực tuyến kiểm soát thực tế và cải thiện mạng lưới thông tin, đã khích lệ rất lớn đối với tinh thần của lực lượng đóng tại khu vực này, phô diễn khả năng tác chiến chi viện cho Lục quân của Không quân Ấn Độ ở địa hình phức tạp, nguy hiểm như vậy".

Daulat Beg Oldi nằm ở khu vực lân cận đồng bằng Depsang. Tháng 4 năm 2013, Quân đội Trung Quốc đã xâm phạm 19 km vào lãnh thổ Ấn Độ ở đó, gây ra đối đầu giữa hai bên kéo dài 21 ngày. Vì vậy, canh phòng, bảo vệ Daulat Beg Oldi rất quan trọng về chiến lược đối với việc Ấn Độ ngăn chặn kẻ thù "tiến quân thần tốc" vào Lech.

Daulat Beg Oldi cũng đã cung cấp cơ hội cho Ấn Độ theo dõi cửa núi Karakorum và đường quốc lộ 219 của Trung Quốc. Đường quốc lộ 219 chạy xuyên qua khu vực Aksai Chin và song song với tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn, nối liền với Yecheng, Tân Cương và Lhazê, Tây Tạng.

Ngày 21 tháng 8, trang mạng "Nhật báo phố Wall" cho rằng, máy bay vận tải Super Hercules tiên tiến nhất Ấn Độ hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi, Ladakh. Đồng thời, vòng Đối thoại chiến lược vòng thứ năm giữa Trung-Ấn đã tiến hành ở New Delhi, Ấn Độ vào thứ Ba. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung-Ấn là một trong những chủ đề đối thoại lần này.

Ngày 20 tháng 8, trang mạng "The Times of India" đưa tin, từ căn cứ không quân Hindon ở vùng ngoại ô Thủ đô bay đến đó có thời gian tương đối ngắn, chỉ 90 phút, nhưng đã phát đi tín hiệu chiến lược rõ ràng đối với toàn bộ tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn.

Đường băng nằm ở Daulat Beg Oldi này là nơi hạ cánh tuyến đầu cao nhất trên thế giới so với mặt nước biển, độ cao này là 5.065 m. Điều quan trọng hơn là, nơi hạ cánh này nhìn xuống cửa núi Karakoram - nơi có ý nghĩa chiến lược, cách tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn và khu vực Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát cũng chỉ khoảng 7 km.

Điều có ý nghĩa là, chiếc máy bay C-130J được sử dụng cho "tác chiến đặc biệt" (đặc nhiệm) này vào 6 giờ 54 phút đã hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi, sao đó vài giờ, hai nước Trung-Ấn tổ chức Đối thoại chiến lược vòng thứ 5 tại New Delhi.

Sĩ quan trên cho biết: "Đây là lần đầu tiên máy bay lớp 60-70 tấn hạ cánh ở Daulat Beg Oldi, điều này cũng đã xác lập kỷ lục thế giới về hạ cánh ở độ cao so với mặt nước biển".

Ngày 20 tháng 8, trang mạng "Hindustan Times" cho rằng, việc máy bay vận tải C-130J Super Hercules hạ cánh xuống khu vực cách tuyến kiểm soát biên giới Ấn-Trung chỉ khoảng 8 km cho thấy, Ấn Độ thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, thông qua hoạt động hạ cánh này, Không quân Ấn Độ đã phô diễn thực lực mạnh. Vị trí hạ cánh nằm ở khu vực đối đầu kéo dài 3 tuần giữa quân đội hai nước Ấn-Trung gần đây.

Máy bay C-130J lần đầu tiên hạ cánh xuống Daulat Beg Oldi dự báo sẽ gây ra lo ngại cho Bắc Kinh, bởi vì Bắc  Kinh luôn hoài nghi về ý đồ sử dụng lại đường băng tuyến đầu này của Không quân Ấn Độ tại khu vực Ladakh trong những năm gần đây.

5 năm qua, để nâng cao tốc độ triển khai của Quân đội Ấn Độ và tiến hành hỗ trợ hậu cần trong điều kiện xảy ra xung đột với kẻ thù, Không quân Ấn Độ ít nhất đã sử dụng lại 3 đường băng hạ cánh nơi tuyến đầu.

Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ bất ngờ hạ cánh ở Daulat Beg Oldi
Máy bay vận tải C-130J Ấn Độ bất ngờ hạ cánh ở Daulat Beg Oldi

Trang mạng thông tin Zee Ấn Độ ngày 20 tháng 8 cho rằng, Ấn Độ đã sử dụng máy bay C-130J để phô diễn thực lực với Trung Quốc. Sau cuộc đối đầu vài tháng với Quân đội Trung Quốc ở Daulat Beg Oldi, Ấn Độ giờ đây đã phát đi tín hiệu với Trung Quốc. Năng lực gia tăng quy mô vận chuyển tiếp tế ở tuyến kiểm soát biên giới thực tế của Ấn Độ đã được tăng cường.

Theo tờ "Học giả ngoại giao" Nhật Bản, rõ ràng, một số người Trung Quốc cho rằng, tranh chấp biên giới Trung-Ấn (vẫn chưa được giải quyết) có lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc tích cực tuần tra ở dọc tuyến biên giới Trung-Ấn làm cho Quân đội Ấn Độ bị kiềm chế ở nhiều mặt trận, thách thức quyết tâm của New Delhi, làm trầm trọng hơn mối lo ngại của họ, làm cho điểm yếu chiến lược của Ấn Độ bộc lộ, đồng thời chiếm lấy nguồn vốn quý báu vốn dùng để hiện đại hóa hải quân.

Cùng với không khí căng thẳng giữa Trung-Ấn nóng lên, hai bên tuyến kiểm soát thực tế đã được canh phòng nghiêm ngặt. Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở phức tạp ở Tây Tạng: 5 căn cứ không quân, vài đường băng hạ cánh máy bay trực thăng, 1 mạng lưới đường sắt rộng lớn, 36.000 dặm Anh đường bộ.

Như vậy, họ có thể nhanh chóng triển khai 30 sư đoàn (mỗi sư đoàn khoảng 15.000 quân) ở dọc tuyến biên giới, tạo ưu  thế "3 chọi 1" đối với Ấn Độ. Kinh tế và chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã gấp 3 lần Ấn Độ.

Ngoài ra, cùng với việc mạng lưới đường bộ và đường sắt thông giữa Trung Quốc với khu vực Kashmir (do Pakistan kiểm soát), Nepal, Myanmar và Bangladesh được cải thiện, sự lựa chọn chiến lược trong việc đối phó với Ấn Độ của Quân đội Trung Quốc tăng mạnh.

Thông qua kết hợp viện trợ thương mại, khai thác tài nguyên, xây dựng hạ tầng cơ sở, tiêu thụ vũ khí và căn cứ hải quân, Bắc Kinh đã mở rộng biên giới chiến lược tới khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương.

Máy bay vận tải C-130J của Không quân Ấn Độ
Máy bay vận tải C-130J của Không quân Ấn Độ

Đối mặt với động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ đã công bố chương trình phát triển hạ tầng cơ sở biên giới của họ, đã triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và sư đoàn tác chiến miền núi để tăng cường phòng thủ biên giới phía bắc.

Gần đây, Chính phủ Ấn Độ còn phê chuẩn thành lập thêm 1 quân đoàn tấn công miền núi mới (40.000 quân), ngoài 2 lữ đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn bọc thép, khắc phục điểm yếu tác chiến ở dọc tuyến biên giới. Nhưng, tác phong quan liêu và hạn chế về kinh tế của New Delhi có thể sẽ làm cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của họ bị trì hoãn.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng