Ấn Độ khám phá sao Hỏa thúc đẩy chạy đua vũ trụ và hợp tác châu Á

27/10/2013 09:42
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ muốn thúc đẩy các chương trình hàng không vũ trụ đem lại lợi ích cho người nghèo, sắp phóng máy thăm dò lên sao Hỏa.
Máy thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ (tưởng tượng)
Máy thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ (tưởng tượng)

BBC ngày 21 tháng 10 có bài viết cho rằng, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đang làm công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng một máy thăm dò bay quanh sao Hỏa.

Mục đích chủ yếu của chương trình thăm dò sao Hỏa này là thử nghiệm công nghệ không gian của Ấn Độ và thực lực của Ấn Độ với tư cách là một nước mới nổi về vũ trụ, làm công tác chuẩn bị cho thăm dò sao Hỏa trong tương lai.

Máy thăm dò sao Hỏa này sẽ còn thu thập các thông tin khoa học về khí quyển của sao Hỏa và bề mặt sao Hỏa.

Máy thăm dò sao Hỏa vốn mang tên Mangalyaan (trong tiếng Ấn Độ nghĩa là "phi thuyền sao Hỏa"), kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh chuẩn, nó mang theo 4 thiết bị nghiên cứu và 1 máy ảnh, vốn có kế hoạch phóng sớm nhất vào ngày 28 tháng 10 năm 2013. Nhưng, thời tiết xấu trên bầu trời Thái Bình Dương buộc kế hoạch phóng phải đẩy lùi ít nhất một tuần.

Cơ hội phóng "máy bay quỹ đạo" không có người điều khiển này sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 19 tháng 11. Nếu phóng thành công, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ sẽ trở thành tổ chức hàng không vũ trụ thứ tư phóng thành công máy thăm dò tới sao Hỏa, sau Mỹ, EU và Nga; đồng thời đây sẽ là một thắng lợi "dựa vào sức mình" của Ấn Độ.

Ảnh minh họa (báo Quang Minh, TQ)
Ảnh minh họa (báo Quang Minh, TQ)

Trong ngày kỷ niệm độc lập của Ấn Độ vào tháng 8 năm 2012, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố, Ấn Độ sẽ phóng máy thăm dò lên sao Hỏa, coi đây là "bước đi to lớn" của khoa học Ấn Độ. Chỉ sau 1 năm, Ấn Độ sắp thực hiện được mục tiêu của họ.

Chương trình vũ trụ của Ấn Độ đã có lịch sử 30 năm. Nhưng, mãi đến gần đây, nhiệm vụ chủ yếu của nó là phát triển chương trình có thể trực tiếp đem lại lợi ích cho dân nghèo của Ấn Độ, chẳng hạn cải thiện hạ tầng cơ sở thông tin và vệ tinh giám sát môi trường.

Nhưng, vào năm 2008, ISRO tập trung nguồn lực vào chế tạo và phóng vệ tinh dò tìm, đồng thời đã phóng một máy thăm dò lên Mặt Trăng, đó là Chandrayaan-1. Ấn Độ phải chi cho chương trình khám phá Mặt Trăng này 55 triệu bảng Anh. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ sẽ chi 60 triệu bảng Anh cho thăm dò sao Hỏa.

Sự chuyển hướng từ xây dựng hạ tầng cơ sở sang thăm dò không gian của Chính phủ Ấn Độ đã gây hoài nghi cho một số người. Những nguồn tài chính này phải chăng nên tiêu vào những chỗ cấp bách hơn?

Ấn Độ sắp phóng máy thăm dò lên sao Hỏa
Ấn Độ sắp phóng máy thăm dò lên sao Hỏa

Nhưng, có quan điểm cho rằng, dùng 60 triệu bảng Anh không thể làm cho 400 triệu người nghèo Ấn Độ thoát nghèo. Giáo sư Cortes, Phòng nghiên cứu khoa học không gian Surrey, Đại học London Anh cho rằng, Ấn Độ nghiêng về khám phá không gian cũng là do quan chức Ấn Độ hy vọng nó sẽ đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt.

Cortes cho rằng, chương trình khám phá vũ trụ là một mục tiêu rất cao. Nếu người Ấn Độ có thể chứng minh với thế giới là họ có năng lực phóng phi thuyền lên các vì sao khác, họ sẽ có thể bán cho các tổ chức khoa học trên thế giới máy thăm dò và các thiết bị có liên quan.

Theo Giáo sư Cortes, chương trình này đương nhiên còn có thể giúp nâng Ấn Độ lên vị thế nước lớn khám phá khoa học vũ trụ quốc tế. Nghiên cứu phát triển vệ tinh và máy thăm dò là một cộng việc làm ăn to lớn.

Chatra, người phụ trách tổ chức từ thiện hỗ trợ đói nghèo của Ấn Độ - Action Aid cho rằng, đầu tư vào khám phá vũ trụ cuối cùng cũng có thể giúp cho những người nghèo nhất Ấn Độ hưởng lợi.

Máy thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ (tưởng tượng)
Máy thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ (tưởng tượng)

Theo Chatra, việc đầu tư cho khoa học công nghệ cao, trong đó có đầu tư cho công nghệ không gian rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế giống như Ấn Độ. Ở một nước có rất nhiều người nghèo như Ấn Độ, phát triển khoa học công nghệ cao, tiên tiến hoàn toàn không phải là một mâu thuẫn đơn giản. Những tiến bộ đạt được về công nghệ cao có thể thúc đẩy, cổ vũ một thế hệ tương lai.

Cục hàng không vũ trụ Nhật Bản cũng giúp Nhật Bản trở thành nước lớn về vũ trụ ở khu vực châu Á. Hơn nữa, trong các tổ chức hàng không vũ trụ của các nước châu Á, Nhật Bản có kinh nghiệm phong phú nhất, đã tiến hành nhiều lần phóng thăm dò khoa học giữa các hành tinh không mang theo con người.

Cuộc chạy đua ngày càng quyết liệt sẽ thúc đẩy một làn sóng mới về khám phá vũ trụ. Điều này cũng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các nước châu Á mới nổi về vũ trụ, cuối cùng trở thành một phần của các nỗ lực toàn cầu đưa con người lên sao Hỏa.

Tên lửa đẩy chủ lực PSLV-C24 của Ấn Độ
Tên lửa đẩy chủ lực PSLV-C24 của Ấn Độ
Tên lửa đẩy chủ lực của Ấn Độ
Tên lửa đẩy chủ lực của Ấn Độ
Vệ tinh nhân tạo Ấn Độ
Vệ tinh nhân tạo Ấn Độ
Đông Bình