Ấn Độ lập dự án gắn với ASEAN, đối chọi với kế hoạch của Tập Cận Bình

03/03/2015 14:53
Lê Cường
(GDVN) - Năng lực kinh tế của Ấn Độ có thể sẽ làm Trung Quốc bị lu mờ trong tương lai rất gần.
Lãnh đạo Trung - Ấn (ảnh minh hoạ)
Lãnh đạo Trung - Ấn (ảnh minh hoạ)
Lãnh đạo Ấn Độ chưa bao giờ thể hiện thái độ ủng hộ đối với dự án tham vọng mang tên “Một vành đai, một con đường” do lãnh đạo Trung Quốc là ông Tập Cận Bình đưa ra.

Truyền thông Đài Loan đưa tin cho biết, trong một tương lai rất gần, sáng kiến chiến lược mang tên “một Vành đai, một con đường” nối liền Trung Quốc với châu Âu thông qua khu vực Trung và Tây Á đồng thời kết nối với cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà ông Tập Cận Bình đưa ra sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn hơn từ Ấn Độ bởi nước này cũng đưa ra một kế hoạch với tham vọng không kém cạnh.

Kế hoạch tham vọng chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ông Tập được đưa ra vào năm ngoài gồm các dự án “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (là một hành lang vành đai trên đất liền từ Trung Quốc qua Trung Á, Nga đến châu Âu) và “Con đường tơ lụa trên Biển thế kỷ 21” chạy từ Eo biển Malacca tới Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi.

Pang Zhongying – giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Renminh ở Bắc Kinh Trung Quốc cho biết, khi ông Tập Cận Bình đích thân mời Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi tham gia đại dự án của Bắc Kinh thì lãnh đạo của Ấn Độ chưa bao giờ thể hiện thái độ ủng hộ.

Trái lại, Ấn Độ đã có kế hoạch và đang chuẩn bị phát động một kế hoạch khác mang tên Dự án Mausam.

Dự án Mausam được xem là một sáng kiến kế hoạch chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vị thế của Ấn Độ.

Dự án này mang âm hưởng và dư vị của các tuyến đường hàng hải cổ đại, có đặc trưng văn hoá gắn kết các quốc gia trong khu vực.

Theo Pang Zhongying Dự án Mausam là một sáng kiến cạnh tranh và đe doạ, có thể tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với chiến lược “một Vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Chuyên gia Trung Quốc này cho rằng mục tiêu của dự án là kéo dài kết nối từ Đông Phi đến bán đảo A Rập, lục địa Ấn Độ và Sri Lanka và dừng lại ở Đông Nam Á – nơi có dấu ấn và ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ.

Là một trong những người nắm lợi thế trong bố trí an ninh, thương mại ở Ấn Độ Dương, New Delhi hiện vẫn duy trì được vai trò và vị thế độc nhất vô nhị tại khu vực này – chuyên gia Trung Quốc thừa nhận.

Cũng theo nhận định của Pang Zhongying sự cạnh tranh giữa các dự án lớn ở khu vực có thể đưa hai cường quốc đang lên lớn nhất thế giới này rơi vào tình cảnh đối đầu gay gắt.

Hiện nay, ảnh hưởng của nền kinh tế Ấn Độ đối với khu vực đang ngày càng phát triển mạnh. Theo nhiều dự báo, GDP của Ấn Độ trong năm tới sẽ có thể vượt cấp độ của Trung Quốc và duy trì tăng trưởng ở mức 8,5 % trong 4 năm liên tiếp.

Tờ The Economist từng mô tả sự năng động cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều đặc điểm như câu truyện ngụ ngôn về cuộc chạy đua giữa Thỏ và Rùa trong đó đưa ra các dự báo khả quan nói rằng năng lực kinh tế của Ấn Độ có thể sẽ làm Trung Quốc bị lu mờ trong tương lai rất gần.

Lê Cường