Ấn Độ muốn máy bay Rafale lắp tên lửa nội, mua sắm lại rơi vào bế tắc

31/07/2015 07:30
Việt Dũng (nguồn Tin tức Trung Quốc)
(GDVN) - Ấn Độ muốn nội địa hóa các hệ thống và vũ khí của máy bay chiến đấu Rafale, điều này làm cho đàm phán khó khăn, giá cả mua bán tăng lên.

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 30 tháng 7 dẫn trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 28 tháng 7 đăng bài viết "Nguồn tin cho biết yêu cầu của Ấn Độ làm cho thỏa thuận máy bay chiến đấu Rafale rơi vào nguy cơ" của tác giả Rahul Bedi.

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp

Theo nguồn tin trong ngành, do Không quân Ấn Độ yêu cầu nội địa hóa một số hệ thống của máy bay chiến đấu Rafale, bất đồng giữa Ấn Độ và Pháp về giá cả 36 máy bay chiến đấu Rafale của Công ty Dassault nghe nói đã tiếp tục trở nên phức tạp.

Nguồn tin cho hay, Không quân Ấn Độ hy vọng tiến hành cải tạo và bố trí lại đối với một số hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử hàng không của máy bay chiến đấu Rafale để cuối cùng có thể lắp hệ thống và vũ khí do Ấn Độ tự nghiên cứu phát triển và có tính chất hàng thương mại sẵn có.

Điều này có thể bao gồm tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra tầm bắn 80 km do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo, loại tên lửa này hiện nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.

Theo nguồn tin, những phương án cải tạo dự tính này và vấn đề chứng nhận lại kèm theo sẽ làm tăng chi phí sản xuất máy bay chiến đấu Rafale, hơn nữa, do vấn đề bồi thường, thỏa thuận cuối cùng mua sắm máy bay chiến đấu chậm chạm, vẫn chưa ký kết.

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp

Những chương trình cải tạo dự tính này sẽ còn làm cho thời hạn bàn giao máy bay chiến đấu Rafale cho Không quân Ấn Độ bị kéo dài. Kế tiếp sau Ai Cập và Qatar, Ấn Độ là đối tượng bàn giao thứ ba của máy bay chiến đấu Rafale do Công ty chế tạo máy bay Dassault Pháp sản xuất.

Đồng thời, căn cứ vào thỏa thuận chính phủ mua sắm 36 máy bay chiến đấu Rafale do Ấn Độ với Pháp ký kết, Ấn Độ luôn kiên trì việc Công ty công ty Dassault cần đầu tư 50% kim ngạch hợp đồng vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh nội địa của Ấn Độ để bồi thường.

Nhưng Pháp đã nói với đoàn đại biểu Ấn Độ khi đàm phán ở Paris rằng, vấn đề bồi thường sẽ làm cho giá cả mua sắm máy bay chiến đấu Rafale cao hơn giá cả thỏa thuận đạt được vào tháng 4 giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Nguồn tin cho hay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Hollande trước đó đã quyết định, Không quân Ấn Độ sẽ mua sắm 36 máy bay chiến đấu Rafale theo giá tiêu thụ của Công ty Dassault đối với Không quân Pháp.

Máy bay chiến đấu Rafale M của Hải quân Pháp
Máy bay chiến đấu Rafale M của Hải quân Pháp

Được biết, các nhà lãnh đạo hai nước còn đồng ý, các điều khoản và quy định bán Rafale cho Không quân Ấn Độ sẽ thống nhất cơ bản với bán cho Không quân Pháp, trong đó bao gồm trách nhiệm sửa chữa.

Nhưng, sau khi các nhà lãnh đạo hai nước gặp gỡ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã trả lời phỏng vấn truyền thông cho biết, Ấn Độ lấy "giá chiết khấu" 8 tỷ USD để có được thỏa thuận mua sắm Rafale, trong đó bao gồm điều khoản bồi thường chiếm 50% kim ngạch hợp đồng.

Ngày 24 tháng 7, tại Quốc hội Ấn Độ, ông Manohar Parrikar cho biết, căn cứ vào thỏa thuận liên chính phủ, điều khoản mua sắm máy bay chiến đấu Rafale sẽ "ưu đãi hơn điều khoản do Công ty chế tạo máy bay Dassault đưa ra", đây là một trong những nội dung đàm phán khác đang được tiến hành, nhưng ông từ chối tiết lộ chi tiết.

Gần đây, phát biểu của quan chức Ấn Độ liên quan đến máy bay chiến đấu Rafale đã dẫn đến những suy đoán không cần thiết, tiếp tục khiến cho đàm phán lâm vào cục diện bế tắc.

Một quan chức cấp cao ngành quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Ông Parrikar công khai nói ra nói vào về thỏa thuận máy bay chiến đấu Rafale đang được đàm phán là sai lầm, điều này sẽ làm cho đàm phán khó mà triển khai thuận lợi, hơn nữa không thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận cuối cùng".

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp

Đặc biệt là, nếu như giá thành máy bay chiến đấu của thỏa thuận cuối cùng không bao gồm điều khoản bồi thường, tuyên bố công khai của ông Parrikar liên quan đến nội dung bồi thường sẽ làm cho chính quyền Ấn Độ lâm vào tình cảnh khó khăn.

Nhưng, nếu như thỏa thuận cuối cùng quả thật gồm có điều khoản bồi thường, hầu như có thể khẳng định, điều này sẽ làm cho giá cả mua sắm máy bay chiến đấu tăng mạnh, điều này cũng sẽ làm cho ông Parrikar khó có thể bào chữa cho mình.

Việt Dũng (nguồn Tin tức Trung Quốc)