Ấn Độ rất tức giận Nga vì bàn giao chậm tàu sân bay

17/10/2012 13:25
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Mặc dù Nga chậm trễ bàn giao tàu sân bay, nhưng Ấn Độ vừa không thể xử phạt, vừa không thể rút khỏi hợp đồng này.
Tàu sân bay INS Vikramaditya vừa gặp sự cố động cơ
Tàu sân bay INS Vikramaditya vừa gặp sự cố động cơ

Trang mạng tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ vừa có bài viết “Việc bàn giao chậm trễ tàu sân bay khiến người Ấn Độ cảm thấy chán nản” của phóng viên Vivek Raghuvanshi.

Bài viết cho rằng, mặc dù vì một chiếc tàu sân bay cũ của Nga, Ấn Độ đã chi 1,7 tỷ USD theo số tiền của hợp đồng, nhưng hiện nay lại ở trong hoàn cảnh khó xử; vừa không thể tiến hành xử phạt đối với việc bàn giao chậm chạp tàu sân bay “Đô đốc Gorshkov” mà họ đang cần  gấp, vừa không thể rút khỏi giao dịch này.

Tàu sân bay này – được Ấn Độ gọi là Vikramaditya, vốn định bàn giao vào năm 2008, sau đó đã bị trì hoãn tới năm nay. Hiện nay, do vấn đề sự cố động cơ nồi hơi, phải đến cuối năm 2013 mới có thể bàn giao.

Thông tin này được chứng thực trong thời gian hội đàm vào ngày 10/10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov.

Căn cứ vào nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Antony không thể thuyết phục Serdyukov tiến hành xử phạt vấn đề bàn giao chậm tàu sân bay.

Rahul Gunjal, người phụ trách Công ty Tư vấn Hàng không vũ trụ và Công nghiệp hàng không Quốc phòng Ấn Độ cho biết, trước khi tàu sân bay nội địa được biên chế vào năm 2019-2020, Ấn Độ đều phải dựa vào chiếc tàu sân bay này của Nga.

“Điều còn phải quan tâm là, nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha hoặc Chính phủ Tây Ban Nha phải chăng có thể đưa ra một số lựa chọn, bởi vì họ có chương trình chế tạo hoàn thiện và đã trải qua nghiệm chứng/xác nhận, đồng thời cũng có khả năng cạnh tranh về thời gian”.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, yêu cầu phạt tiền của Ấn Độ đã bị người Nga từ chối, người Nga nói, bàn giao chậm trễ là do linh kiện mà Hải quân Ấn Độ mua có vấn đề.

Nhưng, không có bất cứ quan chức nào khác sẵn sàng phát biểu ý kiến về lời nói của nguồn tin này.

Hải quân Ấn Độ hiện có một chiếc tàu sân bay đã có lịch sử 50 năm – tàu sân bay Virrat, thời hạn hoạt động của tàu sân bay này đã được kéo dài đến năm 2017.

Một quan chức Hải quân Ấn Độ nói: “Nga bàn giao chậm trễ tàu sân bay đã gây ảnh hưởng bất lợi đối với kế hoạch triển khai 2 cụm chiến đấu tàu sân bay độc lập trong thập niên thứ hai của thế kỷ này”.

Trong hội đàm lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ còn chính thức bày tỏ lo ngại của Ấn Độ đối với việc bàn giao chậm trễ tàu sân bay. Sau đó, ông nói với phóng viên rằng, chiếc tàu sân bay này rất quan trọng đối với Ấn Độ.

Nitin Mehta, nhà phân tích quốc phòng cho rằng: “Ấn Độ cảm thấy lo lắng là hợp tình hợp lý, bởi vì tháng trước Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh vào hoạt động”.

Trong một bản báo cáo trình Quốc hội Ấn Độ ngày 24/7/2009, Tổng kiểm toán Ấn Độ nói: “Thông qua nhập khẩu (tàu sân bay Đô đốc Gorshkov) kịp thời bổ sung điểm yếu của lực lượng Hải quân Ấn Độ, mục tiêu này đã tuyên cáo thất bại. Quyết định tiến hành cải tạo tổng thể đối với tàu sân bay cũ này là có vấn đề, bởi vì giá thành chế tạo tàu sân bay mới thấp hơn nhiều, trong khi đó tuổi thọ lại gấp đôi tàu sân bay cũ”.

Ngoài 700 triệu USD chi phí sửa chữa tổng thể theo quy định hợp đồng năm 2005, Hải quân Ấn Độ còn phải chi 1,7 tỷ USD cho người Nga. Vị quan chức này nói, ngoài ra, thời gian chứng nhận máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm cũng từ năm 2017 kéo dài đến năm 2020.

Ấn Độ có kế hoạch mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Ấn Độ và Nga hợp tác nghiên cứu chế tạo. Nguồn kinh phí này sẽ hơn 25 tỷ USD.

Tàu sân bay INS Vikramaditya
Tàu sân bay INS Vikramaditya
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)