Ấn Độ sẽ tự chế tạo lô tàu chiến-tàu ngầm tiếp theo, trị giá trên 50 tỷ USD

05/05/2015 06:54
Việt Dũng
(GDVN) - Hải quân Ấn Độ đang nỗ lực tiến hành hiện đại hóa ngành đóng tàu, nhiều kế hoạch với nhiều tỷ USD mới sẽ giúp nước này tăng cường kiểm soát trên biển.
Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)
Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)

Trang mạng “Quan chức Ngoại giao” Nhật Bản ngày 3 tháng 5 đăng bài “Lô tàu chiến và tàu ngầm tiếp theo của Ấn Độ sẽ được chế tạo ở trong nước”.

Bài báo dẫn “Tin tức Quốc phòng” cho hay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định, tàu chiến tương lai bao gồm đơn đặt hàng tàu ngầm sẽ chỉ cung cấp cho các nhà máy đóng tàu trong nước. Trong 10 năm tới, hợp đồng dùng cho tàu chiến và tàu ngầm mới của Hải quân Ấn Độ có khả năng sẽ trên 50 tỷ USD.

Hải quân Ấn Độ đang nỗ lực tiến hành hiện đại hóa quan trọng ngành đóng tàu của họ. Tờ “Học giả ngoại giao” gần đây cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua một kế hoạch trị giá 8 tỷ USD để thực hiện chương trình tự nghiên cứu phát triển đối với các tài sản hải quân quan trọng, trong đó bao gồm 6 tàu ngầm động cơ hạt nhân, 7 tàu hộ vệ tàng hình.

Mùa thu năm 2014, Ủy ban mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn một chương trình trị giá 12 tỷ USD, mua 6 tàu ngầm thông thường. Theo “Tin tức Quốc phòng”, chương trình này sẽ vẫn cho phép “trong giai đoạn thiết kế” để cho nhà máy nước ngoài tham gia. Những tàu ngầm này sẽ chế tạo ở nhà máy đóng tàu của Ấn Độ.

Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)
Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)

Căn cứ vào chỉ lệnh mới, nhà máy đóng tàu tư nhân Ấn Độ có thể sẽ là người được lợi lớn nhất. Nhà máy đóng tàu quốc doanh Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện chương trình. Công ty TNHH đóng tàu Mazagon đang chế tạo 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Scorpene cho Ấn Độ.

Trước đó, New Delhi hầu như đã chính thức từ bỏ đấu thầu máy bay chiến đấu đa năng hạng trung kéo dài vài năm, đã lựa chọn mua 36 máy bay chiến đấu Rafale thành phẩm của Pháp. Công ty TNHH nhà máy đóng tàu Cochin đang tự chế tạo tàu sân bay lớp Vikrant đầu tiên. Đồng thời, Công ty TNHH đóng tàu Hindustan đang chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant thứ hai có tên là INS Aridhaman, chiếc thứ nhất INS Arihant đang chạy thử trên biển.

Căn cứ vào phán đoán, Công ty TNHH Hindustan sẽ sản xuất một phần máy bay chiến đấu Rafale ở trong nước. Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi quyết định trực tiếp mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp là một trở ngại lớn của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, không chuyển nhượng công nghệ và không giúp cho các công ty quốc phòng Ấn Độ tự sản xuất ở trong nước.

Quyết định chế tạo tàu chiến tương lai ở trong nước sẽ an ủi những người phê phán mua sắm máy bay chiến đấu Rafale, nhưng Ấn Độ vẫn cần đầu tư vào công nghệ và hệ thống vũ khí của nước ngoài để trang bị cho tàu chiến của họ.

Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)
Tàu hộ vệ tàng hình P-17A Ấn Độ (tưởng tượng, nguồn mạng sina TQ)

Ngoài ra, theo các nguồn tin khác, gần đây, có rất nhiều thông tin quân sự, quốc phòng đáng quan tâm của Ấn Độ như sau:

- Công ty công trình đóng tàu GRSE nhận được đơn đặt hàng trị giá 200 tỷ rupee từ Hải quân Ấn Độ, sẽ chế tạo 3 tàu hộ vệ tàng hình P-17A. Đây là đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử của công ty này.

- Tàu khu trục tàng hình INS Visakhapatnam do Ấn Độ tự chế tạo gần đây đã hạ thủy, có kế hoạch biên chế vào năm 2018, nó sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hành động trên biển cho Hải quân Ấn Độ. Tàu này thuộc chương trình 15B, do nhà máy đóng tàu Mazagon chế tạo.

Tàu dài 163 m, lượng giãn nước khoảng 7.300 tấn, có thể chạy với tốc độ 30 hải lý/giờ. Tàu này có thể hoạt động tốt hơn trong môi trường hạt nhân, sinh hóa. Tàu này sẽ trang bị tên lửa BrahMos tốc độ 3 Mach. Một khi chính thức đưa vào hoạt động, tàu Visakhapatnam sẽ là tàu khu trục lớn nhất của hạm đội Hải quân Ấn Độ.

Tàu khu trục INS Visakhapatnam Ấn Độ
Tàu khu trục INS Visakhapatnam Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ đã có 10 tàu chiến trang bị thành công tên lửa BrahMos. Ngoài tàu Kolkata (chiếc đầu tiên của chương trình 15A, bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 8 năm 2014), còn có 3 tàu khu trục tên lửa lớp Rajput, 3 tàu hộ vệ tên lửa chương trình 1135.6 và 3 tàu hộ vệ lớp Shivalik do Ấn Độ tự chế tạo.

- Hải quân Ấn Độ sẽ lần đầu tiên ứng dụng vật liệu composite sợi carbon cho chế tạo tàu chiến. Hải quân Ấn Độ đã nhập khẩu vật liệu composite sợi carbon từ Thụy Điển và sử dụng nó cho chế tạo 2 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Kamorta.

Những vật liệu composite sợi carbon này nhập khẩu từ Công ty Kockumo Thụy Điển, độ dày nhẹ hơn inox truyền thống dùng để chế tạo tàu chiến. Ứng dụng vật liệu composite mới không chỉ có thể giảm trọng lượng tàu chiến, mà còn có lợi cho nâng cao năng lực tàng hình. 2 tàu hộ vệ ứng dụng loại vật liệu mới này lần lượt là INS Kiltan và INS Kavaratti, hiện đang tiến hành chế tạo ở Công ty TNHH công trình và đóng tàu Calcutta (GRSE).

Theo quan chức công ty này, tính tàng hình là ưu điểm nổi bật nhất của loại vật liệu composite, so với vật liệu thép, tàu chiến sử dụng vật liệu composite sẽ khó bị dò tìm hơn.

Tàu khu trục Kolkata bắn tên lửa BrahMos
Tàu khu trục Kolkata bắn tên lửa BrahMos

Thông qua sử dụng vật liệu composite, kiến trúc tầng trên của tàu hộ vệ sẽ giảm 30%, mặc dù giá thành tăng lên, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Về lâu dài, ưu thế kiến trúc tầng trên vật liệu composite rất nổi bật.

Tàu INS Kiltan và tàu INS Kavaratti sẽ trang bị hệ thống vũ khí và bộ cảm biến do Ấn Độ tự chế tạo, tốc độ tuần tra có thể đạt 25 hải lý/giờ. Dự tính, 2 tàu chiến này sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2017.

- Bắt đầu từ năm 2013, Ấn Độ đã cân nhắc mua 12 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản và thảo luận với Nhật về khả năng hợp tác sản xuất thủy phi cơ US-2.

Theo nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ, nhập khẩu thủy phi cơ US-2 không chỉ có thể nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn cho Hải quân Ấn Độ, mà còn có thể tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược và quốc phòng giữa Tokyo và New Delhi, đồng thời tiến hành mở đường mang tính chiến lược cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xây dựng cơ chế hợp tác với Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Thủy phi cơ US-2 do hãng ShinMaywa Nhật Bản nghiên cứu chế tạo, sản xuất trên nền tảng thủy phi cơ US-1, tốc độ tuần tra là 490 km/giờ, đơn giá khoảng 12 tỷ yên (khoảng 600 triệu nhân dân tệ). Máy bay này được sử dụng rộng rãi cho đảo nhỏ và cứu giúp sự cố ở bãi biển, khi cần thiết có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến như tuần tra trên biển và săn ngầm.  

Thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản chế tạo
Thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản chế tạo

- Hải quân Ấn Độ có kế hoạch mua 50 máy bay không người lái để trang bị cho tàu chiến, dùng cho thực hiện nhiệm vụ thu thập tình báo, giám sát biển và trinh sát. Những hệ thống không người lái trên tàu này sẽ do tàu có độ dài ít nhất 50 m điều khiển bất kể tàu có sàn đỗ trực thăng hay không, đồng thời có năng lực trinh sát ban đêm.

Theo các nguồn tin, hiện nay, Quân đội Ấn Độ trang bị hơn 200 máy bay không người lái các loại, trong đó Lục quân có hơn 100 chiếc (80 chiếc Searcher-1), Hải quân có 10 chiếc Heron và số ít bia bắn UAV tự chế; Không quân có 15 máy bay không người lái Heron và 65 máy bay không người lái Searcher-2.

Trước năm 2020, Ấn Độ có kế hoạch mua sắm khoảng 1.500 máy bay không người lái, đây là một kế hoạch đầy tham vọng, nếu được thực hiện, trong tương lai, Quân đội Ấn Độ sẽ sở hữu một hệ thống máy bay không người lái có quy mô khổng lồ, lĩnh vực nhiệm vụ đa dạng, bao quát nhiều tầng nấc: cao, vừa và thấp.

Máy bay không người lái Heron do Israel chế tạo
Máy bay không người lái Heron do Israel chế tạo
Việt Dũng