Ấn-Mỹ chia sẻ công nghệ tàu sân bay kiềm chế Trung Quốc

14/02/2015 06:00
Việt Dũng
(GDVN) - Nếu Mỹ chia sẻ công nghệ phóng điện từ tàu sân bay với Ấn Độ thì Mỹ sẽ có cơ hội thương mại, có thể hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu.
Hải quân Ấn Độ đang biên chế 2 tàu sân bay
Hải quân Ấn Độ đang biên chế 2 tàu sân bay

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 6 tháng 2 dẫn trang mạng "Deccan Chronicle" Ấn Độ ngày 4 tháng 2 đưa tin, nguồn tin quốc phòng Ấn Độ vừa cho biết, Ấn Độ hy vọng có thể sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường đẳng cấp và thực lực của tàu sân bay Ấn Độ trong kế hoạch của nước này. Động thái này có thể tiếp tục kéo gần quan hệ hợp tác quân sự của hai nước Ấn-Mỹ, từ đó ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của lực lượng quân sự Trung Quốc tại khu vực này.

Sau khi bị coi nhẹ trong nhiều năm, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Hải quân Ấn Độ đang được đẩy nhanh hiện đại hóa.

Do tàu sân bay hạng nhẹ Ấn Độ mua sắm của Anh trước đây có thể sẽ nghỉ hưu vào năm 2018, để lấp lỗ hổng này, Ấn Độ đã mua một tàu sân bay cũ của Nga. Sau khi lên cầm quyền vào năm 2014, ông Narendra Modi tuyên bố chi tiền để bảo đảm tàu sân bay nội đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ có thể hoàn thành thuận lợi, đồng thời đưa vào hoạt động trong năm 2018.

Mỹ có thể sẽ trực tiếp tham gia

Hãng tin Reuters Anh ngày 4 tháng 2 dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết, Ấn Độ hy vọng sử dụng công nghệ mới nhất của Mỹ để tăng cường phạm vi vươn xa và uy lực của tàu sân bay được chế tạo trong kế hoạch. Hành động này sẽ giúp cho quan hệ hai nước trong các chương trình vũ khí trở nên chặt chẽ hơn, chống lại vai trò ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở khu vực này.

Đề nghị này chỉ được đề cập mơ hồ trong Tuyên bố chung đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc thăm New Delhi gần đây, nhưng lại là tín hiệu rõ ràng nhất đến nay cho thấy Washington sẵn sàng giúp Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ

Mặc dù tàu sân bay nội thứ hai INS Vishal trong kế hoạch của Ấn Độ ít nhất 10 năm nữa cũng sẽ chưa chế tạo xong, nhưng đối với vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương không ngừng mở rộng, sự hợp tác này có thể phát huy vai trò đối kháng.

Điều này cũng có nghĩa là sự lệ thuộc truyền thống của Ấn Độ vào trang bị quân sự của Nga có sự thay đổi, đặc biệt là, như một số chuyên gia dự đoán, nhìn về lâu dài hơn, điều này sẽ đem lại đơn đặt hàng mua sắm máy bay Mỹ.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ và 2 cựu tướng lĩnh hải quân có liên hệ với lãnh đạo hải quân cho biết, ông Narendra Modi cũng đã phê chuẩn kế hoạch tiếp tục chế tạo 1 chiếc tàu sân bay lớn hơn của hải quân, có thể mua sắm công nghệ Mỹ.

Tuyên bố chung được ông Barack Obama và Narendra Modi đưa ra cho biết "một tiểu ban công tác sẽ bàn bạc chia sẻ công nghệ và thiết kế tàu sân bay" - xác định đây là một phần của "Kế hoạch hợp tác kỹ thuật và thương mại quốc phòng".

Các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, điều này có thể làm cho Mỹ trực tiếp tham gia chế tạo tàu sân bay INS Vishal lớp 65.000 tấn.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho rằng: "Hải quân Mỹ là hải quân duy nhất có thể sử dụng tàu sân bay cỡ lớn hiện nay, vì vậy chúng ta phải xem xem họ có thể cung cấp cái gì".

Ấn Độ muốn sở hữu công nghệ phóng điện từ

Cựu trung tướng hải quân Ấn Độ Arun Kumar Singh cho rằng, cơ quan quy hoạch hải quân muốn có 1 chiếc tàu sân bay có thể cất hạ cánh máy bay hạng nặng, biện pháp duy nhất là mua công nghệ đường băng "bằng" trên tàu sân bay Mỹ chứ không phải công nghệ "cất cánh kiểu nhảy cầu" của tàu sân bay Nga.

Mỹ-Ấn tăng cường quan hệ
Mỹ-Ấn tăng cường quan hệ

Ông nói: "Tôi tin tưởng, Mỹ đã nói 'được, chúng tôi sẽ giúp các anh thiết kế một chiếc tàu sân bay, các anh cũng có thể mua thiết bị phóng của chúng tôi' để máy bay cất hạ cánh".

Cựu thiếu tướng hải quân Ravi Vohra cho biết, mục tiêu cuối cùng của Hải quân Ấn Độ là xây dựng một hạm đội có khoảng 5 chiếc tàu sân bay.

Hạt nhân của kiến nghị hợp tác song phương là, Mỹ sẵn sàng chia sẻ hệ thống phóng điện từ máy bay do Công ty năng lượng nguyên tử thông dụng (General Atomics) nghiên cứu chế tạo, tàu sân bay lớp Ford sắp đưa vào hoạt động trang bị hệ thống này.

Sử dụng hệ thống mới này có nghĩa là máy bay có thể điều động nhanh hơn từ đường băng "bằng", hơn nữa giảm cường độ lao động của máy bay.

Quan chức của ngành quốc phòng và công nghiệp Mỹ cho rằng, bán hệ thống phóng điện từ máy bay tiên tiến cho Ấn Độ rất nhạy cảm, vì vậy, trong ngắn hạn, sẽ không có động thái lớn trong vấn đề tàu sân bay.

Nguồn tin hiểu rõ nội tình cũng chỉ ra, đối với việc lấy lòng Ấn Độ, Mỹ luôn rất lạnh nhạt mãi cho tới gần đây.

Một nguồn tin cho rằng: "Xem ra, tình hình cuối cùng bắt đầu có không ít tích cực".

Đây là một tiến bộ lớn đối với Ấn Độ. Tàu sân bay hiện có của họ sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu để máy bay cất cánh, sử dụng cáp hãm đà để tốc độ máy bay chậm lại. Vì vậy, trọng lượng máy bay phải nhẹ, số lượng lại ít.

Khi sở hữu hệ thống phóng điện từ trên đường băng, cơ quan quy hoạch của Hải quân Ấn Độ hy vọng tăng số lượng máy bay trên tàu sân bay INS Vishal từ 34 chiếc lên 50 chiếc, hơn nữa có thể mang theo máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm trên không nặng hơn, hành trình lớn hơn.

Ấn Độ tự chế tạo tàu sân bay
Ấn Độ tự chế tạo tàu sân bay

Biên tập khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tờ "Jane's Defense Weekly" James Hardy cho rằng: "Hệ thống phóng điện từ là một trong những công nghệ tàu sân bay mới nhất, bởi vì nó đã hoàn toàn làm thay đổi phương thức phóng máy bay của tàu sân bay".

"Người Trung Quốc từ lâu luôn muốn sử dụng loại công nghệ này cho tàu sân bay của họ, nhưng yêu cầu công nghệ rất cao".

Có thể sẽ hợp tác chế tạo máy bay hải quân

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, ngay từ năm 2013, đại diện của Công ty General Atomics đã trưng bày công nghệ này với Cục thiết kế Hải quân Ấn Độ - cơ quan đang nỗ lực nghiên cứu chế tạo tàu sân bay thế hệ tiếp theo.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Tàu sân bay Liêu Ninh 60.000 tấn mua của Ukraine là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, nhưng bài báo cho rằng Trung Quốc đang chế tạo chiếc tàu sân bay thứ hai.

Cùng với việc Trung Quốc áp dụng lập trường cứng rắn hơn (thích đe dọa vũ lực hơn) trong tranh chấp Biển Đông với các nước láng giềng, họ hy vọng xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa có thể "bảo vệ lợi ích của mình" (cố giữ những hòn đảo đã ăn cướp, đòi cướp thêm các đảo đá và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cùng các nước khác).

Máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-29KUB của Hải quân Ấn Độ
Máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-29KUB của Hải quân Ấn Độ

Theo bài báo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, coi họ là đối tác kinh tế quan trọng. Nhưng, đối với việc Hải quân Trung Quốc chen chân vào Ấn Độ Dương, đặc biệt, năm 2014, Trung Quốc cũng điều 1 chiếc tàu ngầm tới Sri Lanka, điều này khiến cho Chính phủ Ấn Độ cảm thấy bất an.

Vijay Sakhuja - giám đốc Quỹ hàng hải Ấn Độ - cơ quan nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tài trợ cho rằng, Mỹ tham gia phát triển công nghệ phóng máy bay của tàu sân bay Ấn Độ có thể sẽ đem lại cơ hội thương mại cho nhà chế tạo máy bay Mỹ.

"Hiện nay thời gian còn quá sớm, nhưng một khi chúng tôi có được công nghệ đường băng tàu sân bay từ Mỹ, có thể sẽ từ đó hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu".

Việt Dũng