Anh cắt giảm chi tiêu quân sự làm Mỹ lo ngại không thể ứng phó Nga

10/07/2015 07:00
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: "Quốc gia cảm thấy tự hào về lịch sử và vị thế mà không tiến hành can dự quân sự thì đây là một sự tổn thất".
Binh sĩ Anh tại Iraq (ảnh tư liệu)
Binh sĩ Anh tại Iraq (ảnh tư liệu)

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 9 tháng 7 dẫn tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 7 tháng 7 đăng bài viết "Anh cắt giảm chi tiêu quốc phòng làm cho Mỹ cảm thấy lo ngại" cho rằng, quan hệ giữa Anh - quốc gia không ngừng kiểm soát chi tiêu quốc phòng và Mỹ - đồng minh lớn nhất đã xảy ra va chạm.

Sự "đoàn kết" của châu Âu đã bị thách thức bởi vấn đề Hy Lạp, trong khi đó, chính quyền David Cameron ưu tiên cân nhắc vấn đề tài chính của nước này, còn đề xuất sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục ở lại EU hay không, vì vậy, Mỹ ngày càng cảm thấy lo ngại đối với họ.

Trên chương trình BBC Anh vào tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter nhấn mạnh: "Quốc gia cảm thấy tự hào về lịch sử và vị thế mà không tiến hành can dự quân sự thì đây là một sự tổn thất",

bởi vì từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, sức mạnh quan sự của đồng minh vững chắc này giảm đi đã làm cho Mỹ cảm thấy vô cùng lo ngại.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Trafalgar, Hải quân hoàng gia Anh
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Trafalgar, Hải quân hoàng gia Anh

Năm 2010, chính quyền David Cameron đề xuất "trong 4 năm sẽ cắt giảm 8% chi tiêu quốc phòng", Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh cho biết, binh sĩ tại ngũ của Quân đội Anh sẽ cắt giảm khoảng 10%, từ 175.690 xuống còn 159.150 quân, sức chiến đấu của vũ khí thông thường sẽ giảm 20 - 30%.

Theo bài báo, Anh có khả năng không hoàn thành mục tiêu "chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP" do họ đưa ra. Mục tiêu này được đưa ra vào năm 2002, tiếp tục được xác nhận tại Hội nghị các nhà lãnh đạo NATO vào tháng 9 năm 2014.

Ông David Cameron từng khoe Anh là một trong 4 nước đóng góp chi tiêu quốc phòng 2% GDP trong số 28 nước thành viên NATO, yêu cầu các nước thành viên khác chi tiêu quốc phòng nhiều hơn.

Tuy nhiên, căn cứ vào tính toán của Viện nghiên cứu quân sự liên hợp hoàng gia Anh, chi tiêu quân sự của Anh trong năm tài khóa này chiếm 1,95% trong GDP, trong khi đó, đến năm tài khóa 2019 sẽ giảm tới 1,75%.

Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth Anh hạ thủy ngày 4 tháng 7 năm 2014
Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth Anh hạ thủy ngày 4 tháng 7 năm 2014

Bài báo cho biết, do cắt giảm chi tiêu quốc phòng, nội bộ Anh bắt đầu lo ngại sức mạnh quân sự của họ giảm đi. Có quan điểm cho rằng, trong tình hình mối đe dọa Nga tăng lớn, phòng thủ bờ biển của Anh không đủ.

Tờ "The Financial Times" Anh cho biết, tháng 11 năm ngoái, ở khu vực lân cận cảng chính của tàu ngầm hạt nhân duy nhất có lắp tên lửa đạn đạo của Anh, từng tình nghi có tàu ngầm Nga tiếp cận. Nhưng, bản thân Quân đội Anh không thể ứng phó, từng yêu cầu quân đội các nước Mỹ, Pháp và Canada can thiệp.

Năm 2010, Anh đã chấm dứt hoạt động của máy bay tuần tra săn ngầm, vì vậy, có quan điểm cho rằng, làm như vậy rất có thể ảnh hưởng tới sức chiến đấu hạt nhân của Anh.

Quan hệ Anh-Mỹ rốt cuộc đã xuất hiện vấn đề gì? Theo bài báo, Mỹ lo ngại Anh đang chấm dứt can thiệp đối với bên ngoài.

Tàu khu trục HMS Dauntless D33, Hải quân hoàng gia Anh
Tàu khu trục HMS Dauntless D33, Hải quân hoàng gia Anh

Năm 2013, Quốc hội Anh đã phủ quyết đề nghị triển khai hành động quân sự đối với Syria, hiện nay còn dự định tiến hành trưng cầu dân ý về khả năng ở lại EU, ngoài ra còn tồn tại vấn đề độc lập của Scotland ở miền bắc.

Ở châu Phi, Pháp có thái độ tích cực can thiệp quân sự, trong khi đó, Anh có cách tiếp cận thận trọng.

Bản thân Thủ tướng David Cameron rất quan tâm tới việc tiếp tục xác nhận mục tiêu đóng góp chi tiêu quốc phòng đối với NATO, nhưng không thể tiến hành thỏa thuận đầy đủ với Bộ Tài chính - cơ quan không sẵn sàng cho việc thực hiện mục tiêu.

Sau Hội nghị các nhà lãnh đạo NATO, Chính phủ Anh đã không còn đề cập rõ ràng về mục tiêu 2%.

Theo bài báo, rất nhiều người trong nội bộ Chính phủ Mỹ lo ngại, chi tiêu quốc phòng Anh không đủ 2% GDP. Tuy nhiên, Anh cho rằng, đây là vấn đề tài chính của nước này, không hề cho thấy dấu hiệu đáp ứng yêu cầu của Mỹ.

Trong báo cáo chính sách quốc phòng sắp công bố vào mùa thu năm nay, hầu như có thể khẳng định Anh sẽ không thể thực hiện cam kết 2%. Điều này chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề ở trong và ngoài nước. 

Máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Anh
Máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Anh
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)