TÂN HOA XÃ - TRUNG QUỐC

Áp lực tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ngày càng tăng

17/03/2012 18:49
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Sức ép tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc rất nhiều: lợi ích toàn cầu tăng lên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, sự bao vây của Mỹ…
Biên đội hộ tống số 11 trên Ấn Độ Dương vào trung tuần tháng 3/2012.
Biên đội hộ tống số 11 trên Ấn Độ Dương vào trung tuần tháng 3/2012.

Trung Quốc bắt đầu cảm thấy sức ép tăng chi tiêu quân sự

Trang mạng "Hoàn Cầu" dẫn bài viết gần đây trên tờ “Nhật báo phố Wall” cho biết, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn là một vấn đề gây tranh cãi, năm nay vẫn là tiêu điểm quan tâm của dư luận.

Cùng với việc Mỹ tiến hành cắt giảm chi tiêu quân sự quy mô lớn, chi tiêu quân sự của Trung Quốc lại đang tăng nhanh. Số liệu chính thức cho biết, chi tiêu quân sự năm 2012 của Trung Quốc tăng 11,2% so với năm 2011 là 670,2 tỷ nhân dân tệ (106,4 tỷ USD).

Con số này hoàn toàn không bao gồm tất cả chi tiêu liên quan đến quốc phòng, mà những chi tiêu quân sự khác của quốc gia thường bao gồm tất cả những chi tiêu liên quan đến quốc phòng, Mỹ cũng như vậy.

Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như đã ý thức được, cắt giảm chi tiêu quân sự không có lợi cho tăng cường sức mạnh quân sự, cũng không xóa bỏ được sự nghi ngờ của các đối thủ tiềm tàng.

Báo Mỹ cho rằng, mặc dù chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng nhanh, nhưng giống như Mỹ, Trung Quốc cũng bắt đầu cảm thấy sức ép tăng chi tiêu quân sự.

Hiện nay, phạm vi nhiệm vụ mà Trung Quốc phải đối mặt ngày càng lớn, những chi phí dùng để chi tiêu cho công nghệ và nhân viên cũng tăng nhanh. Lợi ích toàn cầu của Trung Quốc tăng lên làm cho phạm vi hoạt động của Quân đội Trung Quốc đã vượt ra khỏi eo biển Đài Loan và vùng biển xung quanh.

Vào trung tuần tháng 2/2012, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tập trận đổ bộ trong thời gian hơn 10 ngày.
Vào trung tuần tháng 2/2012, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tập trận đổ bộ trong thời gian hơn 10 ngày.

Đồng thời, lập trường cứng rắn của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông cũng đã kích động rất mạnh đối với các nước láng giềng, buộc họ dồn dập thông qua nâng cấp trang bị quân sự và tăng cường quan hệ với Mỹ.

Còn Trung Quốc lại thiếu đồng minh hỗ trợ an ninh cho mình, những điều này đều có thể thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự.

Theo bài báo, do người Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng nhiều, đồng thời đầu tư và lợi ích kinh tế ở nước ngoài cũng đang tăng lên một cách ổn định; trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ chú trọng tăng cường khả năng tác chiến biển xa.

Hoạt động tấn công cướp biển ở vịnh Aden của Hải quân Trung Quốc đã duy trì hơn 3 năm qua, trong thời gian đó có 11 biên đội tiến hành hộ tống cho hơn 4.400 tàu thuyền.

Nếu nói hoạt động tấn công cướp biển là sự khởi đầu cho hoạt động biển xa của Hải quân Trung Quốc, thì chiến dịch rút người Hoa ở Libya lại là một bước tăng cường hoạt động biển xa.

Theo thời gian, Hải quân Trung Quốc có thể tìm cách bình thường hóa hoạt động triển khai quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương cho tới khu vực vịnh Péc-xích. Những hoạt động này có lợi cho xây dựng nhanh chóng hải quân “xanh lam” tiên tiến, nhưng muốn thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc hiện nhất định phải tiến hành đầu tư rất nhiều trên phương diện này.

Bài báo viết, nếu hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương được bình thường hóa, có thể sẽ làm cho Ấn Độ cảm thấy lo lắng, cũng sẽ làm cho khu vực này xuất hiện chạy đua vũ trang mang tính tiêu cực.

Sự trỗi dậy và lập trường cứng rắn của Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nước láng giềng nâng cấp trang bị quân sự, tăng cường quan hệ lẫn nhau; nhưng ngược lại cũng sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự, bởi vì họ sẽ cảm thấy các nước láng giềng liên kết bao vây mình.

Trung Quốc có kế hoạch đưa tàu sân bay Varyag đi vào hoạt động trong năm nay, đồng thời có khả năng chế tạo thêm các tàu sân bay nội địa.
Trung Quốc có kế hoạch đưa tàu sân bay Varyag đi vào hoạt động trong năm nay, đồng thời có khả năng chế tạo thêm các tàu sân bay nội địa.

Nhìn vào mặt tài chính, cho dù là xây dựng khả năng tác chiến toàn cầu quy mô trung bình (nếu Trung Quốc cuối cùng có thể chế tạo 3 chiếc tàu sân bay hoặc nhiều hơn), thì cũng cần đầu tư bổ sung tương đối lớn; hơn nữa sau khi triển khai trang bị, việc huấn luyện và bảo đảm hậu cần có liên quan cũng cần được đầu tư quy mô lớn.

Theo bài báo, việc sử dụng tàu hộ tống Từ Châu và máy bay vận tải IL-76 hỗ trợ cho hoạt động rút người Hoa từ Libya đã giúp cho tầng lớp cấp cao Trung Quốc ý thức được rằng, cùng với lợi ích toàn cầu của Trung Quốc tăng lên, vai trò triển khai trang bị ở phía trước (tuyến đầu) cũng sẽ ngày càng quan trọng.

Ở góc độ tài chính, điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Bởi vì, một khi Trung Quốc tiến hành hỗ trợ thể chế cho xây dựng khả năng tác chiến biển xa, quán tính và tham vọng sẽ thúc đẩy Trung Quốc thông qua chế tạo nhiều trang bị hơn, tiến hành triển khai nhiều hơn để theo đuổi khả năng quân sự mạnh hơn.

Nhìn vào trang bị, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc hầu như tập trung rất lớn cho Hải quân, trang bị không gian/do thám và Không quân.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc đã chế tạo 4 tàu vận tải đổ bộ lớp 071; hơn nữa tàu hộ tống 054A đang tiến hành sản xuất hàng loạt sẽ là những thành phần quan trọng của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Trung Quốc còn chuẩn bị chế tạo tàu hộ tống 056, nó có thể trở thành trang bị then chốt xử lý những tình huống bất ngờ trên biển Đông trong tương lai.

Tàu hộ tống tên lửa Châu Sơn - Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ tống tên lửa Châu Sơn - Hải quân Trung Quốc.

Bài báo viết, đồng thời, hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu được Trung Quốc đang xây dựng hoàn thiện có thể tăng cường khả năng tấn công cho Quân đội Trung Quốc.

Điều này cho thấy, cấp cao Quân đội Trung Quốc tập trung cho tác chiến hợp nhất (nhất thể hóa) của tàu chiến kiểu mới, vệ tinh và máy bay.

Hệ thống Bắc Đẩu hiện đã cung cấp dịch vụ ở trong nước, đồng thời chuẩn bị vào cuối năm nay sẽ phủ sóng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; và đến năm 2020, phủ sóng toàn cầu.

Hoạt động phóng vệ tinh dày đặc của Trung Quốc đã phản ánh sự tăng cường nhanh chóng khả năng do thám không gian của họ, phản ánh đây vẫn là lĩnh vực ưu tiên phát triển của họ. (Số lần phóng năm 2010 tương đương Mỹ, nhưng số lần phóng năm 2011 là 19 lần, đã vượt Mỹ).

Ngoài ra, sức mạnh của Không quân Trung Quốc cũng đang tăng lên nhanh chóng. Những tiến triển của máy bay chiến đấu thế hệ mới J-20 cho thấy, Không quân Trung Quốc và lực lượng hàng không của Hải quân Trung Quốc muốn trở thành những lực lượng không quân khu vực mạnh, xây dựng được khả năng tác chiến tầm xa toàn cầu hạn chế,

muốn có nhiều hơn máy bay chiến đấu J-10, J-11 và J-20; máy bay tiếp dầu trên không; máy bay cảnh báo sớm trên không; máy bay ném bom tầm xa tiên tiến và vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa phóng từ trên không trong đó có tên lửa hành trình đối đất.

Những vũ khí này cộng với việc nghiên cứu chế tạo động cơ quân dụng đều sẽ trở thành phương hướng xem xét ưu tiên chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong tương lai.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Chi phí hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có thể tăng lớn

Bài báo cho rằng, nhu cầu vũ khí công nghệ cao cho thấy, chi phí chế tạo tàu chiến của Trung Quốc có thể sẽ rẻ hơn nhiều so với phương Tây.

Nhưng, ưu thế giá thành của Trung Quốc đang giảm nhanh; bởi vì, trang bị của Quân đội Trung Quốc phụ thuộc vào số lượng nhân viên đang dần dần giảm xuống, ngày càng phát triển theo hướng tích hợp công nghệ và tích hợp vật liệu. Điểm này rất rõ trong ngành hàng không.

Mặc dù tính toán giá thành chế tạo máy bay rất phức tạp, nhưng vẫn có khả năng tiến hành đánh giá sơ bộ về chi phí chế tạo. Ví dụ, giá thành của J-10 Trung Quốc khoảng 28 triệu USD, về cơ bản không khác nhiều với 29 triệu USD chế tạo máy bay F/A-18C/D, 36 triệu USD chế tạo Su-34; hai loại máy bay chiến đấu sau đều ưu thế hơn J-10 trên nhiều phương diện.

Còn chi phí chế tạo máy bay chiến đấu J-20 có thể là 110 triệu USD, con số này hơi thấp so với F-35 và F-22, nhưng cơ bản tương đương với chi phí chế tạo T-50 của Nga (100 triệu USD).

Máy bay chiến đấu J-10
Máy bay chiến đấu J-10

Chi tiêu cho nhân viên và huấn luyện tăng có thể hạn chế sự phát triển trang bị hiện đại của Quân đội Trung Quốc

Bài báo cho rằng, do sự gia tăng giá thành mua vũ khí trang bị, các chi phí dành cho bảo trì trang bị, huấn luyện, hoạt động và nhân viên cũng đang tăng lên. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới việc tăng chi tiêu quân sự.

Chi tiêu cho nhân viên của Quân đội Trung Quốc tăng lên có một số nhân tố chủ yếu sau: Các binh chủng đều đang nỗ lực giữ lại những tài năng và cải thiện chất lượng đời sống nhân viên; quân đội cần tuyển dụng nhiều tài năng hơn để vận hành các trang bị phức tạp tiên tiến, điều này làm cho quân đội buộc phải tiến hành cạnh tranh quyết liệt với khu vực tư nhân về nguồn nhân lực.

Chẳng hạn, sĩ quan Quân đội Trung Quốc thu nhập bình quân mỗi tháng ít nhất là 5.400 nhân dân tệ (845 USD, hay 18 triệu đồng), so với tiền lương của doanh nghiệp nhà nước (thu nhập bình quân hàng tháng là 626 USD, tương đương với hơn 13 triệu đồng), đây là một con số rất có sức cạnh tranh.

Theo bài báo, trong tương lai không xa, chi tiêu cho nhân viên của Quân đội Trung Quốc có thể sẽ cao hơn nhiều so với chi tiêu mua sắm vũ khí trang bị, thậm chí có thể nhanh hơn so với sự trông đợi của mọi người.

Đây cũng là thách thức hiện nay của Quân đội Mỹ, còn đối với Trung Quốc, vấn đề này có thể sẽ càng gai góc hơn.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Trung Quốc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Trung Quốc vẫn đang nỗ lực xây dựng một thực lực công nghệ tổng hợp và lực lượng quân sự tương đồng với quân đội NATO cuối thập niên 1980; nhưng Mỹ đã có trang bị hiện đại và đang duy trì huấn luyện với mật độ cao, hơn nữa trong tương lai sẽ còn giảm chi tiêu nhân viên để mua sắm nhiều trang bị tiên tiến hơn.

Vì vậy, thách thức mà tầng lớp cấp cao Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để cân bằng chi tiêu giữa nhân viên, huấn luyện và trang bị.

Những điều này tương tự với nền kinh tế Trung Quốc ở nghĩa rộng (tổng sản lượng của nền kinh tế rất lớn, nhưng bình quân đầu người tương đối thấp).

Chiếc “bánh” ngân sách quân sự của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, nhưng chi phí cho các nguyên liệu chính lại đang tăng còn nhanh hơn.
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)