GÓC NHÌN:

Australia - “Bàn đạp hoàn hảo” của Hoa Kỳ ở châu Á

19/11/2011 10:13
Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - Chuyến thăm của tổng thống Barack Obama tới Australia không đơn giản chỉ là để tăng cường sự hợp tác quân sự Mỹ - Úc.

Hôm 17/11/2011 vừa qua, Tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày tới Australia và sau đó tiếp tục đến Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) từ ngày 17 đến 19/11.

Trọng tâm của chuyến thăm Australia lần này là việc hợp tác quân sự Mỹ - Australia, đồng thời kỳ vọng củng cố vững chắc hơn quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh của Mỹ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại miền đất đang tăng trưởng mạnh mẽ này. 

Tuy nhiên, mục đích chính của chuyến thăm là việc ký kết một hợp đồng cho phép Lầu Năm Góc sử dụng căn cứ quân đội trên lãnh thổ quốc gia Nam bán cầu này. Dự kiến Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận về việc triển khai các nhóm máy bay ném bom chiến lược của không quân Hoa Kỳ tại đây.

Washington luôn có mối quan tâm ngày càng tăng về tiềm năng quân sự của Trung Quốc do đó sau khi việc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, Lầu Năm Góc đã có kế hoạch tập trung lực lượng chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của tổng thống Barack Obama tới Australia không đơn giản chỉ là để tăng cường sự hợp tác quân sự Mỹ - Úc
Chuyến thăm của tổng thống Barack Obama tới Australia không đơn giản
chỉ là để tăng cường sự hợp tác quân sự Mỹ - Úc

Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama gắn liền với tuyên bố gần đây của Nhà Trắng về sự cần thiết thay đổi chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á. "Trong lịch sử, chính sách quân sự Mỹ tập trung ở khu vực Bắc Á - Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) Patrick Cronin cho biết - Nhưng trong những năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực trong việc phát triển vũ khí mới và chúng ta cần xem xét về việc tạo ra một chiến lược quân sự mới.".

Từ quan điểm này, Úc được xem như là một “bàn đạp hoàn hảo”. Căn cứ quân sự trên lục địa này nằm ngoài tầm với của tên lửa đạn đạo hiện đại Trung Quốc và đồng thời cho phép Mỹ kiểm soát sự di chuyển của các tàu chiến và máy bay ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập liên minh quân sự Mỹ - Australia tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard hôm qua đã đến thăm căn cứ quân sự tại Darwin ở miền Bắc Australia và đã ký một thỏa thuận cho phép Hải quân Hoa Kỳ sử dụng nơi này để thử nghiệm, bố trí các trang thiết bị kỹ thuật.

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố việc thành lập một cơ quan mới, được gọi là “Air See Battle Command”. Nó sẽ giúp cho Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ kiểm soát đẩy lùi các cuộc tấn công có thể xuất phát từ Trung Quốc.

Mục tiêu của các cuộc tấn công có thể là "hệ thống vệ tinh, tàu ngầm, máy bay, tàu sân bay và người đang thi hành công vụ." Trong một cuộc họp kín tại Lầu Năm Góc, đại diện của Nhà Trắng nói rằng chính quyền mới sẽ "chiến đấu chống lại một nhà nước cụ thể."

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định mục tiêu chính của chiến lược này là Trung Quốc và ông giải thích rằng:"Không, Hải quân phải cho Bắc Kinh thấy một tín hiệu rõ ràng giống như chiến lược biển của chúng ta đối với Liên Xô".

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên xuất hiện ở gần vùng lãnh hải của Liên Xô. Từ góc nhìn của các chuyên gia Lầu Năm Góc, chiến lược này đã cho Moscow thấy rằng trong trường hợp có nguy cơ xung đột quân sự, Washington sẽ có thể tấn công phủ đầu bất cứ lúc nào.

Mỹ xem Úc như là một “bàn đạp hoàn hảo” để chống lại Trung Quốc
Mỹ xem Úc như là một “bàn đạp hoàn hảo” để chống lại Trung Quốc

Vào đầu tháng 11 năm nay, trong chuyến công du châu Á của mình, người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta khẳng định rằng sau khi việc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, Washington dự định sẽ thực hiện tái triển khai quy mô lớn của các lực lượng quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Như vậy, chuyến thăm của tổng thống Barack Obama tới Australia không chỉ nhằm củng cố liên minh quân sự giữa hai nước mà còn nhằm mở rộng sự có mặt quân sự của Mỹ tại xứ Chuột túi, nơi được xem là khởi điểm của một trong 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới có liên quan tới Biển Đông (tuyến Đông Á đi Australia, New Zealand, Nam Thái Bình Dương).

Và quan trọng hơn đó là việc Mỹ xem Úc như là một “bàn đạp hoàn hảo” để chống lại Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương lần này của ông chủ Nhà Trắng còn nhằm mục đích khởi động cho cuộc tái tranh cử năm 2012 khi mà uy tín của Tổng thống Barack Obama đã giảm xuống trầm trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế.

Tăng cường quan hệ với một châu Á đang phát triển năng động sẽ giúp nước Mỹ hiện thực hóa mục tiêu đưa cường quốc số 1 thế giới này thoát khỏi sự suy thoái.

Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)