Australia nhập khẩu tàu ngầm, liên kết Mỹ-Nhật phong tỏa Biển Đông?

10/07/2014 08:43
Đông Bình
(GDVN) - Hợp tác tàu ngầm Nhật Bản-Australia sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn cho Trung Quốc, vì tàu ngầm sẽ điều đến Biển Đông phong tỏa TQ.
Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại và quốc phòng.
Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại và quốc phòng.

Ngày 9 tháng 7 đưa tin, theo truyền thông Australia ngày 8 tháng 7, hai nước Nhật Bản và Australia đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ tàu ngầm mới trong thời gian Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Australia, điều này có nghĩa là hai nước đã có bước đi đầu tiên trong hợp tác thiết kế tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Australia.

Báo Hoàn Cầu Trung Quốc tự đặt câu hỏi: Tại sao Australia "chung tình" với công nghệ tàu ngầm Nhật Bản? Nhật Bản phải chăng lôi kéo Australia làm đối tác, xây dựng "quân đoàn dưới nước" bao vây Trung Quốc? Tàu ngầm kiểu Nhật của Australia sẽ tạo ra mối đe dọa lớn thế nào đối với an ninh và cái gọi là "lợi ích chiến lược" của Trung Quốc?

Lý do lựa chọn tàu ngầm Nhật Bản

Mạng tin tức Australia cho rằng, thỏa thuận này sẽ cho phép hai nước hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm. Căn cứ vào thỏa thuận này, Australia có thể mua giấy phép tàu ngầm do Nhật Bản thiết kế, đồng thời chế tạo tại Adelaide. 

Trước đó, Australia đã xác định kế hoạch tàu ngầm thế hệ tiếp theo của họ - "Chương trình trên biển 1000", kế hoạch này nhằm chế tạo 12 tàu ngầm động cơ thông thường cỡ lớn để thay thế 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins cũ.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Australia lựa chọn công nghệ tàu ngầm Nhật Bản, ngoài nguyên nhân chính trị, một nguyên nhân quan trọng ở chỗ, tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản là tàu ngầm thông thường ít có trên thị trường có thể đáp ứng được nhu cầu của Australia.

Do đường bờ biển dài của Australia và nhu cầu mở rộng vùng biển hoạt động, khi mua sắm tàu ngầm lớp Collins, Australia sớm đã yêu cầu có thể hoạt động ở cách xa căn cứ (2.500 hải lý), điều này yêu cầu kéo dài thời gian và khả năng hoạt động liên tục dưới nước (khoảng 70 ngày). Cuối cùng, Australia lựa chọn tàu ngầm lớp Collins, loại tàu này được Công ty Kockums Thụy Điển tiến hành tăng kích cỡ trên nền tảng tàu hiện có.

Một bản báo cáo về tàu ngầm thế hệ mới do Hiệp hội chính sách chiến lược của giới nghiên cứu Australia đưa ra vào ngày 30 tháng 1 năm 2008 cho rằng, tàu ngầm thế hệ mới dùng để thay thế tàu ngầm diesel-điện lớp Collins hiện có phải lớn hơn.

Bởi vì, tàu ngầm thế hệ mới vẫn phải trang bị tàu lặn không người lái để mở rộng phạm vi hoạt động của tàu mẹ, thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở đường biển hẹp hoặc vùng biển nguy hiểm. Điều này tất yếu sẽ tiếp tục tăng lớn kích cỡ của tàu ngầm.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Trong khi đó, tàu ngầm diesel-điện trên thị trường quốc tế hiện nay phần lớn có kích cỡ nhỏ, chẳng hạn tàu ngầm lớp 212 của Đức, lớp Agosta và dòng Scorpene của Pháp, tàu ngầm A26 của Thuỵ Điển, lượng giãn nước khi lặn của chúng phần lớn không đến 2.000 tấn, khả năng tác chiến biển xa có hạn.

Lượng giãn nước khi lặn của tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga trên 3.000 tấn, tính năng biển xa tương đối tốt, nhưng xuất phát từ sự cân nhắc về chính trị và chuyển giao công nghệ, Australia không có khả năng mua lắm.

Trong tình hình này, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản liền trở thành tàu ngầm duy nhất phù hợp điều kiện. Tàu ngầm này có lượng giãn nước khi lặn là 4.200 tấn (cũng có tài liệu nói là 3.300 tấn), là tàu ngầm động cơ thông thường lớn nhất trên thế giới, có tính năng biển xa "hơn người".

Liên kết xây dựng mạng lưới theo dõi, kiểm soát Trung Quốc

Truyền thông Australia cho biết, thỏa thuận mới có nghĩa là những nước như Australia có thể tự do kết thành liên minh quân sự với kẻ thù trước đây của họ. Hơn nữa, sau khi có thỏa thuận về huấn luyện, có thể dư luận sẽ thấy được, rất nhiều Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ xuất hiện ở lãnh thổ Australia để huấn luyện.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Tháng 6 năm 2014, cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, giao dịch tàu ngầm Nhật Bản-Australia báo trước một quan hệ chiến lược mới giữa hai nước Nhật Bản-Australia. 

Là một phần của giao dịch, Australia còn đồng ý xây dựng quan hệ quốc phòng mới với Nhật Bản. Theo đó, báo Trung Quốc đặt câu hỏi: Tàu ngầm hai nước phải chăng sẽ cùng bao vây Trung Quốc ở dưới nước?

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lưu Giang Bình ngày 8 tháng 7 trả lời phỏng vấn cho rằng, hợp tác tàu ngầm Nhật Bản-Australia sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn cho an ninh và lợi ích của Trung Quốc, bởi vì thỏa thuận này có thể giúp Nhật Bản xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ dưới nước – giúp theo dõi, ngăn chặn tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Trung Quốc.

Nhật Bản-Australia có thể cùng sử dụng liên kết dữ liệu tác chiến trong khuôn khổ NATO, tác chiến liên hợp ở cấp độ chiến thuật được hỗ trợ công nghệ, hoàn toàn có thể thực hiện kết nối và chia sẻ tình báo trong thời bình và thời chiến.

Tình hình dưới lòng Biển Đông sẽ phức tạp hơn

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt ngày 8 tháng 7 cho rằng, Mỹ đã tiến hành rất nhiều công việc trong hợp tác tàu ngầm Nhật Bản-Australia, đồng thời dựa vào đó, họ đang bày ra một đại cuộc. 

Sự sắp đặt này ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Trước hết, sau khi tàu ngầm kiểu Nhật của Australia đi vào hoạt động, sẽ được Mỹ điều đến Biển Đông hoạt động, gia tăng mức độ phong tỏa dưới nước đối với đoạn phía nam của chuỗi đảo thứ nhất.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Thứ hai, Australia sẽ làm “quân cảnh trên biển” trên hướng Biển Đông và eo biển Malacca theo yêu cầu của Mỹ, điều này sẽ làm cho sức ép trên tuyến đường biển của Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Cuối cùng, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản-Australia tiếp tục tăng cường, tăng thêm hậu thuẫn cho chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ. 

Đồng thời, ông Shinzo Abe cũng dựa vào sự sắp đặt của Mỹ, chào hàng chiến lược bao vây hình thoi của mình, nhằm thực hiện tham vọng bao vây, phong tỏa, ngăn chặn Trung Quốc.

Đông Bình