Báo Anh, Nga, Mỹ, TQ: "Việt Nam muốn mua máy bay săn tàu ngầm P-3"

16/04/2013 06:58
Đông Bình
(GDVN) - Hãng Lockheed Martin sẽ đề nghị Việt Nam lựa chọn máy bay săn ngầm trên biển P-3C tiên tiến nhất, có thể cung cấp hệ thống vũ khí khi quan hệ cải thiện.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân Mỹ

Tân Hoa xã ngày 14/4 dẫn bài viết trên trang mạng “Jane’s Defense Weekly” của Anh có nhan đề “Mỹ xem xét bán máy bay săn ngầm trên biển P-3 cho Việt Nam”.

Bài viết dẫn lời một quan chức cấp cao của hãng Lockheed Martin ngày 10/4 cho biết, Việt Nam dự tính đề nghị với Mỹ mua máy bay săn ngầm trên biển P-3 Orion.

Khi phát biểu tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Brazil năm 2013 (tại Rio de Janeiro), giám đốc điều hành chương trình tuần tra trên biển của hãng Lockheed Martin, ông Clay Fearnow cho biết, Hải quân Việt Nam muốn mua 6 máy bay săn ngầm trên biển P-3 để tuần tra gần 3.500 km đường bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế trên biển của mình. 

Fearnow cho rằng, Mỹ nếu bán máy bay săn ngầm trên biển P-3 cho Việt Nam, thì trước hết đó là phiên bản không được trang bị vũ khí, nhưng sẽ lắp thiết bị tuần tra, giám sát tàu ngầm trên biển riêng, chẳng hạn thiết bị cảm biến hồng ngoại tầm xa và các hệ thống khác. Nhưng, ông cũng chỉ ra, cùng với quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục không ngừng cải thiện, qua một thời gian Mỹ có thể cung cấp các hệ thống vũ khí quốc phòng cho Việt Nam.

Căn cứ không quân Davis Monthan tại bang Arizona hiện có vài trăm máy bay P-3A/B/C. Fearnow cho biết, hãng Lockheed Martin sẽ đề nghị Việt Nam lựa chọn máy bay săn ngầm trên biển P-3C, bởi vì chúng là máy bay săn ngầm trên biển tiên tiến nhất.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sở hữu hơn 100 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sở hữu hơn 100 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C.

Trong khi đó, dưới tiêu đề "Việt Nam có kế hoạch mua vũ khí Mỹ",  Đài tiếng nói nước Nga cho hay: "Việt Nam dự kiến sẽ đề nghị chính phủ Mỹ thông qua một thỏa thuận cung cấp các máy bay tuần tra hải quân P-3 Orion của hãng Lockheed Martin, một quan chức cấp cao của công ty này cho biết".

"Phát biểu tại triển lãm An ninh và Quốc phòng LAAD 2013 diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Giám đốc các chương trình tuần tra hải quân của Lockheed Martin, ông Clay Fearnow nói rằng, Hải quân Việt Nam quan tâm đến việc mua được 6 máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion mà hiện Hải quân Mỹ đang "còn dư" để tăng cường khả năng tuần tra và chống tàu ngầm dọc theo đường bờ biển.

"Hải quân Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm lớn đến các máy bay P-3 và chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ để thỏa thuận mới được tiến triển", ông Fearnow cho biết.Ông Fearnow nói rằng, công ty Lockheed Martin sẽ đề xuất cho Việt Nam nên lựa chọn những máy bay P-3C mới nhất, bởi đây là những máy bay trang bị công nghệ tiên tiến nhất.P-3C Orion không chỉ có khả năng săn lùng tàu ngầm mà còn tiêu diệt mục tiêu trên mặt nước và cả mục tiêu trên bộ.

Máy bay P-3 Orion được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ: chống tàu ngầm; chống tàu mặt nước; tuần tra biển; trinh sát. P-3 Orion được vận hành bởi phi hành đoàn đông đảo lên tới 11 người. Máy bay có khả năng mang hơn 9 tấn vũ khí.

Theo nội dung được báo chí Trung Quốc đăng tải, một khi Việt Nam đã lựa chọn loại máy bay cần mua, chúng sẽ được chuyển đến nhà máy của hãng Lockheed Martin ở bang South Carolina để tiến hành tân trang/cải tạo.

Fearnow không tiết lộ tình hình cụ thể ký kết hợp đồng với Việt Nam và thời gian giao hàng. Ông chỉ nói, Việt Nam rất có thể muốn nhanh chóng trang bị những máy bay săn ngầm trên biển này. Ông nói: “Tình hình khu vực này không còn tốt như trước đây...”.

Được biết, máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion được biên chế cho Hải quân Mỹ từ thập niên 1960, có nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra chống tàu ngầm. Phiên bản hiện đại P-3C của loại máy bay này được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 1969, sau đó đã trải qua nhiều lần nâng cấp.

P-3C được trang bị nhiều loại vũ khí sử dụng cho nhiều nhiệm vụ trên biển, trên bộ khác nhau gồm tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54, đạn tên lửa, thủy lôi MK-60, bom nước sâu và vũ khí đặc biệt.

Mỗi phi đội tiêu chuẩn có 11 người vận hành máy bay P-3C Orion, trong đó có 3 phi công, 1 sĩ quan giám sát bay, 2 nhân viên kỹ thuật bay, 3 sĩ quan điều khiển thiết bị trinh sát và 1 nhân viên kỹ thuật tổng hợp.

Máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập săn ngầm
Máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập săn ngầm

Ngoài ra, với nhiệm vụ chính là săn ngầm, P-3C được trang bị rất nhiều thiết bị điện tử hiện đại như hệ thống định vị toàn cầu, radar tìm kiếm AN/APS-137B (V) 5, hệ thống cảm biến quang điện AN/AVX-1, hệ thống dò hồng ngoại AN/AAS-36A. Thông tin thu được sẽ được truyền tới máy tính trung tâm, sau đó qua phân tích, lưu giữ, rồi gửi tới các cấp chỉ huy hoặc điều khiển tự động các loại vũ khí trên máy bay.

Máy bay săn ngầm P-3C có thể hoạt động độc lập, cũng có thể hỗ trợ cho tàu nổi tác chiến. Trong chiến dịch phong tỏa Nam Tư của NATO, máy bay săn ngầm P-3C ngoài cung cấp thông tin theo dõi theo thời gian thực, nó còn phóng 14 quả tên lửa SLAM, thể hiện đầy đủ khả năng đa dụng (đa năng) của nó.

P-3 Orion có chiều dài 35,61 m, cao 10,27 m, sải cánh 30,37 m, trọng lượng cất cánh tối đa 63 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-65-A-14 của công ty Arison (mỗi chiếc 4.900 mã lực); tốc độ tối đa 745 km/giờ, tốc độ tuần tra 644 km/giờ; trần bay cao nhất 8.625,84 m, hành trình tối đa 4.410 km, bán kính tác chiến tối đa 2.380 hải lý. Được biết, giá mỗi chiếc P-3C Orion là 1,96 tỷ USD (tính theo hợp đồng 12 mua bán máy bay P-3C Orion giữa Đài Loan và Mỹ).

Hiện nay, có 15 quốc gia đang sử dụng máy bay tuần tra săn ngầm dòng P-3 (tính đến cuối năm 2001) trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (8 chiếc P-3C), Na Uy (4 chiếc P-3C), Hà Lan, Tây Ban Nha (2 chiếc P-3A, 5 chiếc P-3B), New Zealand (6 chiếc P-3K), Australia (18 máy bay P-3C) và Canada (18 chiếc P-3C)…

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion do Mỹ chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion do Mỹ chế tạo
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. 

CÁC TIN BÀI ĐƯỢC BẠN ĐỌC QUAN TÂM

>> Hình ảnh mới nhất về siêu hạm USS Independence có thể có mặt ở Biển Đông

>> Thời báo Hoàn Cầu:Không tin Việt Nam có thể nâng cấp được xe tăng T-55

>> Sức mạnh siêu hạm đổ bộ Zurb của Hải quân Nga

>> Su-30MK2 của Việt Nam lại xuất hiện trên báo Trung Quốc

>> Siêu hạm tuần duyên, bảo vệ chủ quyền USS Freedom của Hải quân Mỹ

>> Báo Trung Quốc đăng ảnh phi đội trực thăng EC-225 mới của Việt Nam

>> Cận cảnh trực thăng tấn công AH-64 Apache của Lục quân Mỹ

>> Báo Trung Quốc: Việt Nam có khả năng công, thủ mạnh nhất ĐNA

>> Mãn nhãn với những hình ảnh siêu nét chụp tiêm kích F-35 của Mỹ

>> Xem các tàu ngầm tương lai của Hải quân Việt Nam

>> Thời báo Hoàn Cầu: Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng lực lượng hải quân

>> Các tuần tra hạm của Hải quân nhân dân Việt Nam

 >> Sức mạnh chiến hạm tên lửa Molnya của Hải quân Việt Nam  >> Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận máy bay tuần tra biển CASA-212-400
 >> Báo Trung Quốc đăng ảnh các học viên tàu ngầm Việt Nam tại Nga  >> Thăm “vua” Đinh Tiên Hoàng tại quân cảng Cam Ranh
Đông Bình