Báo Canada so sánh tương quan sức mạnh không quân Nhật Bản - TQ

26/01/2013 08:36
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết tập trung phân tích điểm mạnh, điểm yếu của lực lượng trên không giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ rõ khả năng tham chiến.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Tờ “Kanwa Defense Review” Canada vừa có bài viết cho rằng, trong 10 năm qua, về chất lượng máy bay, lực lượng trên không của Trung Quốc và Nhật Bản đã bước vào thời đại cạnh tranh về máy bay cùng một thế hệ, đồng thời Không quân Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba.

Ở đây đương nhiên phải xét tới vấn đề chiều sâu lãnh thổ, vùng trời (không phận). Vùng trời của Trung Quốc lớn hơn  so với Nhật Bản, thực ra trong cuộc chiến đường không có thể xảy ra ở biển Hoa Đông, số lượng máy bay chiến đấu và máy bay tấn công có thể “tiếp đón” trong vùng trời này là có hạn.

Máy bay chiến đấu: thời đại quyết đấu máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba

Theo bài báo, không quân hai nước đã bước vào thời đại quyết đấu máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba, đó là Su-27SK, J-11B, J-10 đối với F-15J/DJ, F-2A/B, đặc biệt F-15 và Su-27 được coi là kẻ thù cũ của nhau.

Về số lượng, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản hiện trang bị 157 máy bay chiến đấu một chỗ ngồi F-15J, 45 máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi F-15DJ, tổng cộng 202 chiếc.

Máy bay chiến đấu F-2A/B lần lượt có 62 và 32 chiếc, trong đó một phần đã bị hỏng do sóng thần, hiện nay còn lại 80 chiếc có thể triển khai. Ngoài ra, còn có 67 máy bay chiến đấu F-4EJ và phiên bản cải tiến của F-4EJ.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Hải quân Trung Quốc

Không quân Trung Quốc đã trang bị 143 máy bay chiến đấu Su-27SK, 28 máy bay Su-27UBK cùng với 100 chiếc Su-30MKK, Su-30MK2. Máy bay chiến đấu J-11B có 62 chiếc.

Như vậy, Không quân Trung Quốc trang bị tổng cộng 333 máy bay chiến đấu dòng Su và máy bay chiến đấu bản sao chép Su. Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu tổng cộng 220 máy bay chiến đấu J-10.

Công ty máy bay Sukhoi đã tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với 70 máy bay chiến đấu J-11A, Su-27SK, để chúng có khả năng sử dụng tên lửa không đối không tầm trung. Còn máy bay chiến đấu J-11B, Su-30MKK và J-10A đều có khả năng mang theo tên lửa không đối không  PL-12 nội địa hoặc R-77.

Máy bay chiến đấu F-15J/DJ hiện đang tiến hành cải tiến nhiều giai đoạn, có kế hoạch cải tiến tổng cộng 105 chiếc, trang bị tên lửa không đối không AAM-4 (sử dụng radar chủ động kiểu mới dẫn đường), tầm phóng 100 km. Đồng thời còn có thể sử dụng tên lửa không đối không AIM-120B. Ngoài ra có thể lắp thêm radar cảnh giới phía sau J/APQ-1.

Như vậy có thể thấy, phiên bản cải tiến của F-15J/DJ và phiên bản cải tiến của J-11B, J-11A của không quân hai nước Nhật Bản, Trung Quốc, về tính năng đều có khả năng sử dụng radar chủ động để dẫn đường cho tên lửa không đối không. Hai loại máy bay chiến đấu này chưa từng giao chiến với nhau, nhưng về tính cơ động, đến nay, Su-27 vẫn duy trì kỷ lục thế giới về tốc độ leo cao.

Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Vấn đề còn lại là huấn luyện của phi công và khả năng chỉ huy tác chiến liên hợp. Máy bay F-15 có khả năng chiến đấu thực tế nhiều lần, được chứng minh là máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba tốt nhất thế giới, còn Su-27 không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

J-10A và F-2 là máy bay chiến đấu đa năng cùng một chủng loại. F-2A/B là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động, bán kính tác chiến khoảng 900 km, lượng tải đạn 8 tấn, điều này có lợi cho sử dụng lượng lớn vật liệu composite, hầu như tốt hơn J-10A.

Khi dùng để tác chiến đường không, F-2A/B có thể mang theo 2 loại tên lửa không đối không tiên tiến AAM-4, AAM-5, còn J-10A có thể mang theo tên lửa không đối không PL-12, PL-8.

Tính cơ động của AAM-5 hầu như đã đạt trình độ tốt nhất của ATM-9X. Trong không chiến, hai loại máy bay chiến đấu có đặc điểm riêng, J-10A rất có thể tốt hơn F-2 về tính cơ động như lượn vòng ở tầng trời thấp. Còn về hệ thống vũ khí và radar, F-2 hoàn thiện hơn.

Máy bay cảnh sớm: Nhật Bản có kinh nghiệm sử dụng hơn

Về số lượng máy bay cảnh báo sớm, Nhật Bản chiếm ưu thế. Nhật Bản hiện có 4 máy bay cảnh báo sớm E-767, 13 máy bay cảnh báo sớm E-2C. Máy bay cảnh báo sớm chiến lược của Không quân, Hải quân Trung Quốc có 4 chiếc KJ-2000, 4+1 chiếc KJ-200. Khoảng cách về số lượng sẽ không còn khi Không quân Trung Quốc tăng số lượng máy bay cảnh báo sớm.

Máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn E-767 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (hình ảnh lớn nhất).
Máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn E-767 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (hình ảnh lớn nhất).

Về công nghệ, hai loại máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động. Trong khi đó, máy bay cảnh báo sớm E-767 của các nước NATO và Nhật Bản lắp radar quét hình cơ học AN/APY-2. Vì vậy, về cơ chế, máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc không kém hơn Nhật Bản, thậm chí tốc độ quét nhanh hơn.

Nhưng, tại sao NATO không sử dụng radar mảng pha? Vấn đề cần xem xét là sự hoàn thiện công nghệ. Đồng thời, phải tính đến khả năng xử lý số liệu, điểm này rất quan trọng, nếu không, tốc độ quét hình có nhanh nữa, số liệu xử lý không kịp, vẫn không có ý nghĩa lớn lắm.

Ngoài ra, với tính cách là máy bay cảnh báo sớm, góc quét rất quan trọng, về điểm này, máy bay cảnh báo sớm quét cơ học có hiệu quả tốt hơn. NATO nghiên cứu phát triển máy bay cảnh báo sớm từ rất sớm, đương nhiên có công nghệ tin cậy hơn so với máy bay cảnh báo sớm cùng loại của Nga, Trung Quốc.

Theo bài báo, Không quân Trung Quốc đã có tiến bộ khá lớn về khả năng cảnh báo sớm, nhưng kinh nghiệm sử dụng rất có thể không bằng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản – họ bắt đầu trang bị máy bay cảnh báo sớm ngay từ năm 1983.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo

Không đối hạm

Sau khi đã nắm chắc ưu thế trên không thì sẽ nắm chắc quyền ưu tiên của tấn công đối hạm. Ở đây, điều cần phải nói rõ là, bất cứ có cuộc xung đột lớn nào nổ ra giữa Trung-Nhật, hải, không quân Mỹ nhất định sẽ toàn lực can thiệp, ban đầu rất có thể là trợ giúp tin tức tình báo, sau đó máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm của Không quân Mỹ hoàn toàn có khả năng trực tiếp tham chiến.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đã nhiều lần triển khai ngắn hạn ở Okinawa đã là một tín hiệu rõ ràng. Một khi xảy ra sự cố, F-22 có thể lần đầu tiên tham chiến.

Trung Quốc chiếm ưu thế về chủng loại, số lượng máy bay tấn công đối hạm, gồm: 100 máy bay chiến đấu Su-30MKK, Su-30MK2, có thể sử dụng tên lửa chống hạm Kh-31A có tầm phóng 70 km.

Hải quân ít nhất có 48 máy bay chiến đấu JH-7A, mỗi chiếc có thể mang theo 4 quả tên lửa chống hạm YJ-83 tầm phóng trên 220 km. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng máy bay H-6 thuộc lực lượng hàng không của hải quân, mang theo tên lửa chống hạm YJ-63 để tiến hành tấn công.

Khả năng tấn công đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chủ yếu dựa vào máy bay chiến đấu đa năng F-2A/B, mỗi chiếc có thể mang theo 4 quả tên lửa không đối hạm Type 93, tầm phóng lớn khoảng 93 km.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Không quân Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Không quân Mỹ

Trên thực tế, lực lượng chính tấn công đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Trên không còn có khoảng 67 máy bay F-4EJ và F-4EJ cải tiến. F-4EJ cải tiến đã chuyển sang trang bị máy tính trung tâm J/AYK-1 mới, đã tích hợp phần mềm sử dụng công nghệ của tên lửa không đối hạm Type 93.

Khi thực sự xảy ra đối đầu, cuộc đối đầu giữa Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản và không quân, lực lượng hàng không của hải quân Trung Quốc trước tiên sẽ diễn ra ở biển Hoa Đông, đồng thời vùng biển Kyushu sẽ trở thành vùng trời kiềm chế/ngăn chặn tác chiến. Không quân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đều có máy bay tiếp dầu trên không, nhưng lượng tải dầu, hành trình của máy bay KC-767 Nhật Bản tốt hơn HY-6 của Không quân Trung Quốc.

Về tổng thể, lực lượng trên không của Trung Quốc và Nhật Bản đã bước vào thời đại mỗi bên có ưu thế riêng.

Máy bay tiếp dầu HY-6 Trung Quốc
Máy bay tiếp dầu HY-6 Trung Quốc
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình