Báo “Học giả ngoại giao” viết gì về vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi?

19/07/2014 10:59
Bình Nguyên
(GDVN) - Chiếc MH370 còn chưa thấy xác, giờ lại đến MH17. Xung đột ở nơi nào trên thế giới cũng gây đau thương, chịu tổn thất đầu tiên đó là những người vô tội.

Ngày 18/7/2014, ngay sau khi xảy ra vụ việc chiếc máy bay Boeing – 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines bị bắn hạ khi đang bay ngang qua không phận Ucraine gần biên giới Nga, nơi đang xảy ra chiến sự giữa lực lượng li khai và quân đội chính quyền Kiev, tạo chí Học giả ngoại giao phiên bản điện tử đã đăng tải bài viết phản ảnh những nhận định cá nhân của Biên tập viên Zachary Keck – một trong những cây viết, nhà bình luận nổi tiếng của tờ báo này.

Xác chiếc máy bay Boeing – 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines
Xác chiếc máy bay Boeing – 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines
Cũng giống như một số tờ báo lớn khác của thế giới, bài viết của tác giả Zachary Keck đăng trên tạp chí Học giả ngoại giao cũng đặt ra câu hỏi là ai đã bắn hạ máy bay Boeing – 777 của Malaysia trong số các “nghi can” là lực lượng li khai ở Donetsk, quân chính phủ Ucraine và lực lượng quân đội của Nga bố trí gần biên giới Ucraine.


Được biết, chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines đã rơi xuống địa bàn thị trấn Shakhtyorsk, tỉnh Donetsk miền Đông Ucraine sau khi gặp nạn.

Chiếc máy bay được cho là đã trúng phải môt quả tên lửa đất đối không khi đang bay ở độ cao hành trình khoảng 10.000 mét. Đây là chuyến bay khởi hành từ thủ đô Amsterdam của Hà Lan đến thành phố Kuala Lumpur của Malaysia hôm 17/7.
Xác chiếc máy bay lại nằm cách biên giới phía Tây của Nga chỉ khoảng 32 km và chính điều này đã kéo Nga vào danh sách những lực lượng bị “tình nghi” mặc dù giả thuyết này không có tính thuyết phục.

Theo nhà bình luận giả Zachary Keck, dù thế nào đi nữa, sự việc máy bay Boeing chở khách của Malaysia bị bắn hạ có lẽ là một sự nhầm lẫn chứ không phải chủ đích hay được giật dây bằng các động cơ chính trị nào khác.

Và từ trước đến nay cũng không có quá nhiều tiền lệ về việc các lực lượng đối lập nhau trên thế giới sử dụng máy bay dân dụng làm các mục tiêu để thực hiện mưu đồ và động cơ chính trị của mình.

Đối với những vấn đề nóng, phức tạp và tiềm ẩn nhiều hệ luỵ xấu đã, đang và sẽ xảy ra trên thế giới, chúng ta hãy quan sát các đánh giá, phân tích đa chiều của giới truyền thông, học giả quốc tế để có cái nhìn sâu và toàn diện hơn về sự việc.
Báo GDVN xin trích đăng ý kiến của nhà bình luận Zachary Keck để độc giả có thêm thông tin tham khảo, đối chiếu. Bài viết không phản ánh quan điểm của báo GDVN.

Theo Zachary Keck, hiện có nhiều giả thuyết khác nhau về vụ tai nạn thảm khốc này nhưng kết quả điều tra chưa có, tất cả các bên bị cáo buộc đều có những lập luận để chối bỏ trách nhiệm thuộc về mình, tuy nhiên, có 3 lực lượng chính bị tình nghi có thể đã vô tình bắn nhầm chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia đó là:

Lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk, Ucraine


Tên lửa Buk do Nga sản xuất
Tên lửa Buk do Nga sản xuất

Ngay sau khi có thông tin về vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến máy bay của Malaysia ở miền Đông Ucraine, một số quan chức của Ucraine đã lên tiếng buộc tội lực lượng phiến quân thân Nga ở Donetsk đã bắn hạ chiếc máy bay dân sự Boeing-777 MH17.

Lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk là đối tượng tình nghi số một trong vụ việc này bởi có rất nhiều cơ sở để phán đoán, thứ nhất, lực lượng này có tiền lệ, thói quen săn tìm và tiêu diệt máy bay quân sự của Ucraine khi chúng bay qua vùng không phận mà họ kiểm soát hoặc đang giao tranh.

Nhiều khả năng lực lượng phiến quân đã nhầm chiếc Boeing-777 chở khách của Malaysia với một máy bay vận tải quân sự kiểu IL-76 của Không quân Ucraine và đã phóng tên lửa bắn hạ nó.

Đáng lưu ý nhất là đường bay của chiếc Boeing – 777 lại đang hướng từ phía Tây sang phía Đông và nó chắc chắn sẽ bị các ra đa tên lửa theo dõi vì là vật thể bay từ hướng không phận Ucraine sang miền Đông Donetsk nơi có nước cộng hoà tự phóng vừa được thành lập.

Đường bay này cũng thẳng hướng sang không phận Nga và nó là điều dẫn đến các tình nghi tiếp theo.

Đáng chú ý, trong các đoạn video được cho là quay cảnh hiện trường vụ tai nạn ngay khi chiếc máy bay rơi xuống mặt đất có xuất hiện hình ảnh lực lượng phiến quân ngay từ đầu.

Theo thông tin của tờ Chính sách ngoại giao, đa phần người dân ở Đông Ucraine đều là những người trung thành với lực lượng phiến quân, một số xuất hiện trong các video đầu tiên tại hiện trường đã hò reo rằng “nó cháy đẹp quá” khi thấy chiếc máy bay phát nổ.

Trước đó, trên một số bản tin được mạng xã hội Tweet đăng tải đã xuất hiện các ảnh chụp màn hình một số bài báo xuất bản sớm (có lẽ sau đó đã xuống) xác nhận phiến quân ở Donetsk đã bắn hạ một chiếc máy bay vận tải của Ucraine nhưng nào ngờ đây là một chiếc máy bay dân sự, hoàn toàn có thể phiến quân ở Donetsk đã bắn nhầm máy bay vì tưởng đó là phương tiện của quân đội Kiev.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác nữa đáng chú ý đó là liệu lực lượng ly khai có loại vũ khí để bắn máy bay phản lực đang bay ở vỹ độ cao hay không. Trên những thông tin công khai, nhiều người cho rằng lực lượng phiến quân ở Donetsk không sở hữu các loại vũ khí phòng không có thể vươn tầm bắn đến khoảng cách chiếc Boeing-777 đang bay.

Chính lực lượng li khai cũng đã lên tiếng phủ nhận họ chỉ sở hữu các tên lửa phòng không vác vai để bắn trực thăng, máy bay bay thấp và không có tên lửa tầm trung, tầm xa để bắn các máy bay bay cao trên 10.000 mét.

Tuy nhiên, chính quyền Ucraine đã từng cáo buộc răng máy bay của họ đã từng bị tên lừa phòng không tầm trung BUK-M1 (định danh của NATO là aka SA-11) của lực lượng ly khai bắn hạ, đồng thời nói rằng quân đội Nga đã cung cấp cho quân đội ly khai ở Donetsk các hệ thống BUK-M1 này.

Đáng chú ý, trong các báo cáo của hãng thông tấn Mỹ AP, người ta cũng đã thấy phóng viên thường trực của AP ở Đông Ucraine báo cáo rằng có xuất hiện tên lửa phòng không tầm trung tại một số địa điểm có phiến quân đòi ly khai canh giữ.
Tầm bắn tối đa của tên lửa BUK-M1 là ở độ cao 22.000 mét tính từ nơi phóng tên lửa.

Nga

Nhà bình luận Zachary Keck cho rằng thực tế thì hiện nay chưa có kết quả điều tra chính thức khẳng định ai đã bắn máy bay dân dụng của Malaysia, chính vì vậy khách quan mà nói Nga cũng là lực lượng bị tình nghi, mặc dù giả thuyết cáo buộc này không có nhiều căn cứ thuyết phục.

Zachary Keck cho rằng, khu vực xảy ra vụ việc chỉ nằm cách biên giới Nga hơn 30 km. Đây là nơi quân đội Nga đã bố trí lực lượng vũ trang hùng hậu ngay từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ucraine, đặc biệt là sau khi Moscow sát nhập bán đảo Crimea vào chính thể lãnh thổ Nga.

Trong những ngày gần đây, lực lượng của Nga ở khu vực này cũng đã được huy động mạnh do những căng thẳng và giao tranh liên quan đến quân đội của Kiev và lực lượng ly khai thân Moscow.

Gần đây, Kiev đã tố cáo Nga bắn rơi máy bay chiến đấu Su-25 của Không quân Ucraine trong lúc chiếc máy bay này đang tham gia một chiến dịch quân sự. Đồng thời Ucraine cũng thông báo về một trường hợp một chiếc Su-25 khác của nước này bị 1 quả tên lửa đất đối không bắn từ lãnh thổ Nga tấn công.

Hôm thứ Hai đầu tuần vừa qua, Kiev đã cáo buộc Nga phóng một tên lửa đất đối không từ lãnh thổ Moscow đồng thời bắn hạ một máy bay vận tải của không quân Kiev.

Cũng không thể loại trừ máy bay từ Ucraine hướng về phía Tây của Nga cũng bị nhầm là một mục tiêu quân sự của quân đội Kiev và việc nó bị bắn hạ cũng không phải chuyện không thể xảy ra.

Tuy nhiên, về vấn đề này, tác giả Zachary Keck nói rằng cách đây không lâu Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc nói rằng quân đội của Moscow đã bắn máy bay của Kiev.

Moscow cũng khẳng định công nghệ ra dar phòng không của họ không thể cho phép việc nhầm lẫn giữa một máy bay dân sự như chiếc Boeing – 777 MH17 và máy bay quân sự của Ucraine.

Ukraine

Lực lượng bị tình nghi cuối cùng đó chính là quân đội của chính quyền Kiev. Hoàn toàn có khả năng lực lượng phòng không của Kiev với trang bị là các tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung Buk, tầm xa S-300 đã nhầm chiếc máy bay dân dụng của Malaysia thành máy bay quân sự của Nga.

Trước đó, báo chí Nga cho biết quân đội Ucraine đã bố trí nhiều tổ hợp tên lửa Buk và các loại vũ khí phòng không khác ở khu vực biên giới phía Đông.

Kiev cũng đã tuyên bố vùng không phận phía Đông của nước này là khu vực đang  thực hiện chiến dịch chống khủng bố và đã yêu cần các máy bay dân sự khi bay qua khu vực này phải bay cao hơn 7.9000 mét.

Nghi vấn khó lý giải về sự liên quan của Kiev

Điều không rõ ràng nếu điều đó chính xác thì trong trường hợp này tại sao chiếc Boeing – 777 của Malaysia lại bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao cao hơn giới hạn yêu cầu.

Cũng không thể loại trừ việc cơ quan quản lý đường không của Ucraine đã đọc nhầm, nghe nhầm thông báo độ cao từ chiếc MH-17.

Một lý do đáng chú ý nữa là chiếc máy bay này đang hướng đến Nga, chính điều này đã là lý do khiến nó khó có thể bị chính quyền Kiev yêu cầu quân đội bắn hạ.
Đáng lưu ý là quân đội Ucraine chưa từng có tiền lệ bắn hạ máy bay kể từ khi nổ ra xung đột. Kiev cũng đã kêu gọi các tổ chức quốc tế tiến hành điều tra sự việc.

Lời người viết: Sự việc chiếc máy bay Boeing-777 số hiệu MH17 của Malaysia vừa bị bắn rơi ở Ucraine là một cú sốc lớn đối với thế giới, gây thiệt hại sinh mạng, đau thương, mất mát không gì bù đắp cho những thường dân vô tội của Hà Lan, Maylaysia và nhiều công dân của các quốc gia khác có mặt trên chuyến bay định mệnh này.

Cho đến giờ chiếc máy bay MH370 vẫn chưa tìm thấy xác, người ta vẫn cầu nguyện cho nó quay trở về dù biết đó là điều vô vọng
Cho đến giờ chiếc máy bay MH370 vẫn chưa tìm thấy xác, người ta vẫn cầu nguyện cho nó quay trở về dù biết đó là điều vô vọng

Nó cũng là cú sốc đối với sự an toàn và tâm lý muốn an toàn của ngành hàng không thế giới. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra là lần thứ hai trong vòng vài tháng qua đối với hãng hàng không Malaysian Airlines khi trước đó vào đầu tháng 3/2014 vừa qua một chiếc máy bay cũng của hãng Malaysia Airlines MH370 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Trung Quốc đã đột nhiên mất tích.

Cho đến bây giờ chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines cũng vẫn chưa được tìm thấy xác, còn để lại đó nhiều giả thuyết gây tò mò (trong đó cũng có giả thuyết bị tên lửa của quân đội nước nào đó bắn hạ).

Theo cảm quan, vụ việc tại Ucraine cũng khó có thể tìm ra, xác định, công bố ngay ai là chủ nhân của quả tên lửa đã bắn chiếc Boeing-777 MH17 mặc dù xác của  chiếc máy bay là đã tìm thấy bởi trường hợp này là một mớ hỗn độn, còn ẩn chứa nhiều nhân tố chính trị, sự liên quan lợi ích, ảnh hưởng của các bên, các cường quốc đứng đầu thế giới.

Chắc chắn vụ việc sẽ còn gây nhiều tranh cãi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không hề tốt đẹp. Nói tóm lại xung đột ở nơi nào trên thế giới cũng tạo ra đau thương, chết chóc và những người chịu tổn thất đầu tiên đó là những người vô tội.

Bình Nguyên