Báo Mỹ: TQ cảnh báo Việt Nam, Ấn Độ về thỏa thuận dầu khí

29/10/2014 10:00
Bình Nguyên
(GDVN) - Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối một cách vô lý Việt Nam và các đối tác hợp tác của Hà Nội mỗi khi họ triển khai các dự án thăm dò dầu khí.

Trang thông tin điện tử đa phương tiện của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 28/10/2014 đưa tin cho biết cùng ngày, Trung Quốc thông qua người phát ngôn bộ ngoại giao của nước này lên tiếng Việt Nam và Ấn Độ không nên "gây tổn hại" cho cái ông này gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" ở biển Đông, trong khi Hà Nội và New Delhi tiến ành ký kết các thỏa thuận thăm dò dầu khí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Hồng Lỗi
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Hồng Lỗi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Hồng Lỗi đã lại một lần nữa đưa ra tuyên bố nực cười khi cho rằng “ TQ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước lân cận” bất chấp một thực tế là chủ quyền của Trung Quốc không bao giờ được ghi nhận bằng chính chứng cứ lịch sử của nước này - cực nam, tận cùng của TQ kết thúc ở địa phận đảo Hải Nam, còn những đảo, đá có người Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là các đảo Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm, gây đau thương và ăn cướp của Việt Nam.

Bộ ngoại giao TQ đưa ra tuyên bố nực cười như vậy sau khi chính phủ Việt Nam mới ra một thông cáo, cho biết nhiều thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm kéo dài hai ngày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, trong đó có thỏa thuận khung hơp tác và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC Videsh) và Tổng Công ty dầu khí Việt Nam PetroVietnam.

Trong khi đó đối tác của Việt Nam, người đồng cấp của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã tuyên bố về vấn đề hợp tác dầu khí  chung giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối một cách vô lý Việt Nam và các đối tác hợp tác của Hà Nội mỗi khi họ triển khai các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở  Biển Đông. Năm 2012, ONGC Videsh đã phải từ bỏ việc thăm dò một lô ở Biển Đông một phần cũng là vì vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.

Bình Nguyên