Báo Mỹ: Trung Quốc phô diễn sức mạnh vì chính trị,dầu khí Biển Đông

31/10/2014 13:41
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc tăng cường phô diễn sức mạnh ở Biển Đông phần lớn là tính toán chính trị, ngoài ra còn tham lam dầu khí, tích cực thăm dò khai thác nước sâu.
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 cùng với một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 cùng với một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Trang mạng Đại Công báo Hồng Kông ngày 30 tháng 10 dẫn tờ "Thời báo New York" Mỹ đưa tin, mấy năm qua, Trung Quốc "thi triển quyền cước" (khoe cơ bắp) ở Biển Đông. Vùng biển điểm xuyết với các đá san hô này không chỉ tiếp giáp bờ biển của Trung Quốc, mà còn tiếp giáp bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Trung Quốc sẽ điều tàu (tùy tiện) đến các nơi ở Biển Đông để "tuyên bố chủ quyền" (bất hợp pháp, vô hiệu), đặc biệt là năm 2013, một hạm đội Trung Quốc trong đó có tàu đổ bộ tiên tiến nhất của nước này, đã đến tận bãi ngầm James - nơi cách bờ biển Malaysia 50 dặm Anh (khoảng 80 km) về phía đông.

Trung Quốc phô diễn thực lực như vậy phần nhiều xuất phát từ sự tính toán về chính trị. Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy, muốn tìm khu vực để phô trương sức mạnh đang trỗi dậy không ngừng, Biển Đông là một sự lựa chọn hợp logic.

Biển Đông là tuyến đường thương mại trên biển quan trọng, đã đảm đương 1/3 lượng giao thông vận tải biển trên thế giới. Nó cũng là một tiêu điểm quan trọng trong cuộc chiến địa-chính trị giữa Trung-Mỹ, trong khi đó, Mỹ luôn tăng cường quan hệ với Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Tàu Hải cảnh-2337 hộ tống cho giàn khoan 981 ngang nhiên hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tàu Hải cảnh-2337 hộ tống cho giàn khoan 981 ngang nhiên hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, Trung Quốc sở dĩ quan tâm đối với Biển Đông còn có một nguyên nhân khác: Đáy biển ở đây có thể có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Tháng 5 năm nay, Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam để hoạt động (bất hợp pháp), đã lộ rõ mối quan tâm (lòng tham) của họ đối với những tài nguyên này. Giàn khoan này thuộc Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất năng lượng trên biển lớn nhất của nước này.

Sau khi hành động (bất hợp pháp, lố bịch) này gây ra đối đầu Trung-Việt, Trung Quốc lại kéo giàn khoan 981 về một vùng biển lân cận đảo Hải Nam. Tháng 9, CNOOC tuyên bố, giàn khoan này đã phát hiện một mỏ khí đốt lớn. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã trở nên thông thạo hơn đối với hoạt động của giàn khoan trên biển.

Theo dự đoán của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu mỏ của Biển Đông là 11 tỷ thùng, trữ lượng khí đốt khoảng 5.400 tỷ m3. Những con số này bao gồm trữ lượng đã làm rõ và tiềm năng. Nếu dự đoán không sai, Biển Đông sẽ ở "cùng một cấp độ" với nước sản xuất dầu mỏ quy mô trung bình Mexico, trữ lượng khí đốt sẽ đứng vào top 10 của thế giới.

Biển Đông từ lâu không phải là một vùng “bỏ hoang”, nhưng đến nay, việc thăm dò và sản xuất dầu khí ở đây chủ yếu được tiến hành ở vùng biển duyên hải của Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Những vùng biển này cùng với Đài Loan đã hình thành giới tuyến bao quanh của Biển Đông.

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054 cùng với máy bay quân sự của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vào vùng biển chủ quyền Việt Nam đe dọa vũ lực, uy hiếp Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054 cùng với máy bay quân sự của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vào vùng biển chủ quyền Việt Nam đe dọa vũ lực, uy hiếp Việt Nam (ảnh tư liệu)

Theo dự đoán của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm 2011, dầu mỏ sản xuất ở Biển Đông của những nước này khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, khí đốt khoảng 90,6 tỷ m3. Hai con số này lần lượt tương đương với sản lượng dầu thô hiện nay của bang North Dakota Mỹ và sản lượng khí đốt năm 2012 của Saudi Arabia.

Hoạt động thăm dò dầu khí không chỉ bị hạn chế bởi tranh chấp lãnh thổ, mà còn tồn tại thách thức về bão và công nghệ, chẳng hạn thiếu năng lực khai thác nước sâu đầy đủ. Năm 2012, CNOOC Trung Quốc đã thu mua công ty năng lượng Nexen của Canada với giá khoảng 15 tỷ USD. Động thái này là để tìm cách tăng cường năng lực tự thân. Nexen hoạt động ở vịnh Mexico, đã có được kinh nghiệm về giếng khoan nước sâu.

Nhân viên nghiên cứu cũng đang xem xét một số vùng biển tương đối sâu.

Từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 30 tháng 3 năm 2014, tàu khảo sát khoa học Joides Resolution đến khu vực nước sâu ở giữa Biển Đông và đã khoan ở đó. Đây là một phần nội dung của chuyến đi 349 trong "Kế hoạch khám phá đại dương quốc tế" (International Ocean Discovery Program).

Nhà khoa học đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đã tham gia chuyến đi lần này. Tiến sĩ Lý Xuân Phong đến từ phòng thực nghiệm trọng điểm quốc gia địa chất biển, Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, Trung Quốc là một trong những người điều hành của chuyến đi này.

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc

Cùng với việc nhấn mạnh mục đích khảo sát lần này lấy nghiên cứu khoa học làm chính, ông Lý Xuân Phong cũng cho biết, có chứng cứ cho thấy, dưới vùng biển này có thể có trữ lượng dầu khí "to lớn".

Lý Xuân Phong nói: "Ở rìa lục địa ngoại vi nhất và vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, đội khảo sát đã phát hiện nham thạch và đá ráp giàu chất hữu cơ, đã tiếp tục củng cố khả năng ở đó có trữ lượng dầu khí rất lớn".

Mỏ dầu và khí đốt mới cũng đang từng bước được phát hiện. Công ty năng lượng Husky (Husky Energy Inc.), nhà sản xuất dầu khí Canada hợp tác với CNOOC Trung Quốc, dự án mỏ khí đốt được hai bên triển khai ở Lệ Oan, phía bắc Biển Đông đưa vào sản xuất thương mại từ hạ tuần tháng 3 năm 2014.

Năm 2006, mỏ khí đốt này được công ty Husky (do thương nhân Hồng Kông Li Ka-shing nắm cổ phần khống chế) phát hiện. Nó nằm ở khu vực cách Hồng Kông khoảng 190 dặm Anh về phía đông nam, là mỏ khí lớn nhất mà công ty này phát hiện cho đến nay. Khí đốt sản xuất ở đây sẽ được vận chuyển tới khu vực tam giác sông Chu trong đó có thành phố công nghiệp Thâm Quyến và Quảng Châu.

Năm 2012, khí đốt chiếm khoảng 5% tổng lượng sử dụng năng lượng của Trung Quốc. Để giảm ô nhiễm không khí nghiêm trọng do than đá gây ra, Trung Quốc hy vọng đến năm 2020 đưa tỷ lệ này nâng lên 10%.

Khí đốt đến từ Biển Đông rất “khớp” với kế hoạch này.

Đông Bình