Báo Mỹ: Trung Quốc sẽ xem xét lập Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông

01/06/2015 07:27
Đông Bình (nguồn Thời báo New York)
(GDVN) - Trung Quốc nếu lập ra “Vùng nhận dạng phòng không” sẽ tăng cường hiện diện quân sự, sẽ bị Mỹ và các nước Đông Nam Á coi là một loại khiêu khích to lớn.
Hình ảnh vệ tinh ngày 17 tháng 3 năm 2015 về đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1995 và đang xây dựng bất hợp pháp thành đảo nhân tạo (nguồn Thời báo New York)
Hình ảnh vệ tinh ngày 17 tháng 3 năm 2015 về đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1995 và đang xây dựng bất hợp pháp thành đảo nhân tạo (nguồn Thời báo New York)

Tờ "The New York Times" Mỹ ngày 1 tháng 6 đưa tin, theo truyền thông Trung Quốc, một Đô đốc Trung Quốc ngày Chủ nhật cho rằng, nếu như Trung Quốc cho rằng vùng biển tranh chấp Biển Đông đối mặt với mối đe dọa đủ lớn, Chính phủ Trung Quốc có thể thiết lập một “vùng phòng không” ở đó.

Tại một diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói rằng, mặc dù Trung Quốc vẫn chưa cho biết sẽ lập cái gọi là một “vùng nhận dạng phòng không”, nhưng quyết định liên quan sẽ tùy thuộc vào dự đoán đối với mối đe dọa trên không và tình hình an ninh chung. Ông còn nói, các nước khác không nên nhấn mạnh quá mức vấn đề này.

Nếu Trung Quốc lập ra “Vùng nhận dạng phòng không” sẽ bị Mỹ và các nước Đông Nam Á coi là một loại khiêu khích to lớn. Những năm gần đây, quan chức các nước sôi nổi suy đoán hành động tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông phải chăng sẽ là thiết lập loại “vùng nhận dạng” này, sự tồn tại của “vùng nhận dạng” sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tháng 11 năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển tranh chấp biển Hoa Đông, làm cho Nhật Bản và Mỹ bất an.

Ngày 26 tháng 11 năm 2013, Mỹ điều máy bay ném bom B-52 đến Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra ở biển Hoa Đông
Ngày 26 tháng 11 năm 2013, Mỹ điều máy bay ném bom B-52 đến Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra ở biển Hoa Đông

Khi đó, máy bay quân sự Trung Quốc bắt đầu yêu cầu tất cả các máy bay khác bay qua vùng nhận dạng thông báo thân phận, các máy bay chở khách thương mại đã tuân thủ yêu cầu. Nhưng, Mỹ đã thách thức Bắc Kinh, điều máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này mà không tiến hành thông báo trước.

Tại Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh được tổ chức hàng năm ở Singapore, Tôn Kiến Quốc đã phát biểu các quan điểm của Trung Quốc. Giống như các hội nghị trước, hội nghị lần này chủ yếu quan tâm tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á đều có chủ trương lãnh thổ của mình.

Vài tuần gần đây, Mỹ luôn phê phán Trung Quốc thi công đảo nhân tạo trên các đá ngầm tranh chấp, gần đây, những đá ngầm này vẫn không có người cư trú.

Vào thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B.Carter đã tái khẳng định một yêu cầu trước đó đối với Trung Quốc và các nước khác, hy vọng chấm dứt hoạt động xây đảo này. Mỹ từng cho biết, các bước xây dựng của Trung Quốc nhanh hơn nhiều bất cứ nước nào khác, đã tăng thêm 2.000 mẫu Anh đất trong vòng 18 tháng.

Việt Nam và Philippines cũng đã thi công kết cấu trên một số khu vực lộ trên mặt biển, nhưng đều trước năm 2002. Năm 2002, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận không có tính ràng buộc với những nước có chủ trương lãnh thổ này để chấm dứt bất cứ hoạt động khiêu khích nào ở vùng biển này.

Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở gần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị tàu hộ vệ Diêm Thành (biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc vào năm 2012) bám đuôi (nguồn báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)
Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở gần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị tàu hộ vệ Diêm Thành (biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc vào năm 2012) bám đuôi (nguồn báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)

Tuần trước, quan chức Mỹ cho rằng, khoảng một tháng trước, Quân đội Mỹ đã phát hiện 2 chiếc xe pháo cơ động trên một đảo mới xây, nhưng chúng rất nhanh đã biến mất. Trung Quốc nói rằng, đảo mới xây sẽ được dùng để "cứu viện trên biển" và "phòng thủ quân sự".

"Trung Quốc và Quân đội Trung Quốc xưa nay không sợ ma quỷ, không tin tà đạo, phục lý lẽ chứ không phục bá quyền" - theo dự thảo phát biểu do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, Tôn Kiến Quốc vào ngày Chủ nhật đã nói như vậy.

Ông nói: "Tuyệt đối không nên trông chờ chúng tôi sẽ khuất phục trước tà thuyết ngụy biện và bá quyền cường quyền, tuyệt đối không nên trông chờ chúng tôi sẽ nuốt lấy quả đắng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia".

Ông ta nói thêm rằng, Mỹ một mặt phê phán Trung Quốc triển khai cơ sở quân sự ở những hòn đảo này, trong khi đó quan chức Mỹ mặt khác lại cho biết, họ sẽ dùng vũ khí của Mỹ gây ảnh hưởng tới tình hình khu vực, điều này rất đạo đức giả.

Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ông này không dám trả lời trực diện các câu hỏi của phóng viên về Biển Đông - Trung Quốc vẫn có hành vi kiểu này
Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ông này không dám trả lời trực diện các câu hỏi của phóng viên về Biển Đông - Trung Quốc vẫn có hành vi kiểu này

Trung Quốc luôn kiên trì cho rằng, quyền thi công đảo nhân tạo của Trung Quốc là căn cứ vào sự “hiểu biết” của Trung Quốc.

Vào thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã đưa ra phản bác 6 điểm đối với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong đó bao gồm một số từ ngữ được dùng trong bài phát biểu của Tôn Kiến Quốc.

Bà ta nói: "Mỹ coi thường lịch sử, pháp lý và sự thực, nói ra nói vào đối với chủ quyền và quyền lợi sớm đã hình thành của Trung Quốc ở Biển Đông, khiêu khích ly gián, đồng thời tiến hành chỉ trích đối với hoạt động xây đảo bình thường, hợp lý của Trung Quốc".

Tôn Kiến Quốc vào Chủ nhật cho biết, Biển Đông luôn duy trì tình hình "hòa bình và ổn định", tự do hàng hải trên biển chưa từng xuất hiện bất cứ vấn đề nào.

Ông ta còn nói, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Nhưng Trung Quốc từ trước tới nay luôn kiên trì cho rằng, bất cứ loại đàm phán nào đều phải là "song phương", chứ không nên đồng thời liên quan đến 2 nước trở lên.

Lưu Hỉ Trung - viên chỉ huy từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, nay vừa qua đời
Lưu Hỉ Trung - viên chỉ huy từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, nay vừa qua đời

Tôn Kiến Quốc nói: "Chúng ta không thể để thân thể đã bước vào thế kỷ 21, mà đầu óc vẫn để ở quá khứ, để ở thời đại cũ bành trướng thực dân, để ở trong khuôn khổ cũ tư duy Chiến tranh Lạnh, trò chơi tổng bằng không". Ông nói thêm rằng, Trung Quốc hy vọng thúc đẩy "hợp tác cùng thắng".

Phải luôn khẳng định rằng, yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam, phi pháp của Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng lịch sử, pháp lý thuyết phục nào, thực chất đó là yêu sách bành trướng xâm lược. Trung Quốc đã dùng chiến tranh xâm lược để chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý hết sức tin cậy khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, chứ không như Trung Quốc chỉ dựa vào bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp -  PV.

Mọi hành động xây dựng bất hợp pháp trên các đảo đá ở hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam – chủ nhân của nó thì đều là những hành động bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng DOC, cản trở tiến tới COC - PV.

Yêu sách “đường lưỡi bò” chính là tà đạo, là bá quyền cường quyền, thực hiện nó chính là đã trở thành cướp biển, thực dân. Kẻ nào theo đuổi tham vọng đó chắc chắn sẽ nuốt quả đắng! - PV.

Tàu chiến Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Tàu chiến Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974

Bất cứ những nỗ lực nào dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng, tiếp tục chiến tranh xâm lược để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” thì cuối cùng đều thất bại thảm hại. Bất cứ nước nào đều không nên coi thường quyết tâm và ý chí kiên định bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam - PV.

Đông Bình (nguồn Thời báo New York)