Báo Mỹ nghi ngờ khả năng tàng hình như tuyên truyền của máy bay J-20

11/03/2014 10:38
Đông Bình
(GDVN) - Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc có "dáng vẻ" của máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng trên thực tế không có những chi tiết để máy bay khó bị radar dò tìm.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc (nguồn báo Phương Đông, TQ)
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc (nguồn báo Phương Đông, TQ)

Mạng "Thời báo New York" Mỹ ngày 6 tháng 3 đưa tin, không ít nhà phân tích đã chỉ ra, máy bay tượng trưng cho hiện đại hóa của Không quân Trung Quốc là J-20 có "dáng vẻ" của máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng trên thực tế không có những chi tiết để máy bay khó bị radar dò tìm, đúng như phóng viên quốc phòng David Ackles viết trên tạp chí "The Diplomat" vào năm 2011.

Theo báo Mỹ, sau khi Trung Quốc lần đầu tiên phô diễn máy bay chiến đấu tàng hình J-20 vào năm 2011, các nhà phân tích từng cho rằng, máy bay chiến đấu này có thể sẽ làm cho cân bằng sức mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục nghiêng về Không quân Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng vẫn tập trung vào đầu tư cho "phần cứng quân sự".

Ackles viết, trước hết "nhìn vào những hình ảnh chụp phía sau của máy bay, (J-20) xem ra có truyền thống, cửa phun động cơ hình tròn cố định. Trong khi đó, máy bay ném bom tàng hình B-2, F-22 và máy bay chiến đấu tàng hình F-117 hiện đã nghỉ hưu đều có cửa phun góc cạnh được thiết kế chi tiết, nhằm tản xạ sóng radar.

Đuôi máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc
Đuôi máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc

Hơn nữa, cửa ống phun của F-22 còn có thể điều chỉnh phương hướng, sử dụng véc-tơ lực đẩy động cơ để tăng cường khả năng điều khiển. Cửa phun hình tròn của động cơ máy bay chiến đấu T-50 Nga cũng có khả năng điều khiển véc-tơ tương tự".

Ackles chỉ ra: "J-20 xem ra thiếu cửa phun kiểu tàng hình và khả năng đẩy véc-tơ, đây là điểm yếu về khả năng tránh dò tìm của radar phía sau của J-20".

Theo bài báo, 3 chiếc máy bay J-20 đã được tiết lộ đều là máy bay nguyên mẫu. Nhìn vào hình ảnh được tiết lộ gần đây, nhà chế tạo của chúng - Công ty công nghiệp máy bay Thành Đô hầu như đang học được từ hoạt động bay thử.

Bài báo cho rằng, so với máy bay nguyên mẫu mới nhất số hiệu 2011, chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên có số hiệu 2001 có sự khác biệt rất lớn, thể hiện ở một số chỗ như răng cưa và vị trí của cửa khoang bánh đáp, đầu máy bay và cửa nạp động cơ (ở phía sau khoang điều khiển), cùng với cánh đuôi (cánh thắng đứng, ổn định).

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 (nguồn báo Phương Đông, TQ)
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 (nguồn báo Phương Đông, TQ)

Như trang mạng "Aviationist" đã viết, những chỗ này đều được điều chỉnh, có lẽ do liên quan đến tính năng bay và khả năng tàng hình. Phương án màu sơn của máy bay nguyên mẫu mới nhất cũng khác với trước đây, điều này có thể không có bất cứ ý nghĩa gì, nhưng cũng có thể cho thấy nó có một loại lớp sơn hấp thụ radar khác. Trên thế giới chỉ có máy bay chiến đấu tàng hình F-22, B-2 và F-35 sử dụng loại sơn này.

Theo bài báo, khi mới ra đời, J-20 đã thu hút sự chú ý của dư luận, điều này không chỉ do công nghệ của nó, mà còn do nó xuất hiện trong thời điểm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Trung Quốc.

Khi đó, ông Gates từng nghi ngờ máy bay chiến đấu của Trung Quốc "rốt cuộc tàng hình được bao nhiêu". Sau đó, Lầu Năm Góc từng ám chỉ, thời gian J-20 đưa vào sử dụng sẽ không sớm hơn năm 2018.

Bài báo cuối cùng cho rằng, thiết kế của J-20 có bao nhiêu thay đổi mang tính thực chất và tính năng hiệu quả của máy bay này như thế nào còn phải đợi quan sát. Nhưng, ít nhất có một điểm đã rõ ràng: kiểm tra bay của máy bay này nhiều hơn chỉ là một "diễn viên đóng thế" công khai (mang tính chất tuyên truyền).

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc (nguồn báo Phương Đông, TQ)
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc (nguồn báo Phương Đông, TQ)
Đông Bình