Báo Mỹ nhắc Trung Quốc đừng quên Nhật Bản có Mỹ đứng sau

23/11/2014 09:00
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa mới, tăng chi tiêu quân sự, phát triển đồng minh với Mỹ và khu vực, khả năng xảy ra xung đột tăng lên do TQ hung hăng...
Từ ngày 8 đến ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật tổ chức diễn tập quân sự liên hợp Keen Sword
Từ ngày 8 đến ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật tổ chức diễn tập quân sự liên hợp Keen Sword

Tạp chí "Business Insider" Mỹ ngày 19 tháng 11 có bài viết cho rằng, Trung Quốc là động lực chính để Nhật Bản thay đổi các hạng mục ưu tiên quốc phòng, cũng là nguyên nhân chính để Nhật Bản tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ mới.

Ngoài gia tăng chi tiêu quân sự, Nhật Bản còn đang lôi kéo đồng minh khu vực, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Trưởng phân xã VOA tại Nhật Bản cho rằng: "Không nên cho rằng, sức mạnh quân sự của Nhật Bản chỉ có Lực lượng Phòng vệ, đằng sau Nhật Bản còn có Quân đội Mỹ mạnh mẽ".

Từ lâu, Quân đội Nhật Bản luôn là một cái "mâu". Mặc dù Nhật Bản là một trong những quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, chi tiêu quân sự năm 2013 hầu như đạt 50 tỷ USD, nhưng Hiến pháp Nhật Bản lại cấm chiến tranh, thậm chí cấm Nhật Bản duy trì ba quân chủng hải, lục, không quân.

Tuy nhiên, tháng 7 năm 2014, nghị quyết nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình. Mặc dù chưa thay đổi dùng từ của Hiến pháp, nhưng, ông Shinzo Abe cho biết rõ, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự, chẳng hạn sẽ cung cấp viện trợ khi đồng minh bị tấn công.

Ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật phô diễn sức mạnh sau khi kết thúc diễn tập Keen Sword
Ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật phô diễn sức mạnh sau khi kết thúc diễn tập Keen Sword

Hiện nay, đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng chiếm 1% GDP, sau khi trải qua một thập kỷ suy thoái, con số này có khả năng sẽ tăng lên. Năm 2013, nội các Shinzo Abe đã phê chuẩn một kế hoạch chi tiêu 5 năm về phần cứng quân sự, bao gồm trang bị 3 máy bay trinh sát, máy bay tàng hình, 52 xe bộ binh đổ bộ, 28 máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (máy bay chiến đấu F-35) và 17 máy bay cánh xoay nghiêng Osprey. Theo dự đoán, tổng chi tiêu của kế hoạch này sẽ đạt 232 - 240 tỷ USD.

Ngoài mua sắm của nước ngoài, Nhật Bản còn tìm cách phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến nội địa. ATD-X được thiết kế thành một loại máy bay chiến đấu tàng hình có ưu thế trên không, trong tương lai sẽ dùng để đối phó với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc và Nga. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch lấy chương trình máy bay chiến đấu ATD-X làm nền tảng, nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu có năng lực chống tàng hình.

Nhật Bản còn hy vọng tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc lên 22 chiếc. Đối với cách làm "triển khai tàu ngầm ở rất nhiều khu vực xâm nhập quan trọng" của Nhật Bản, tạp chí "The National Interest" Mỹ giải thích, đây là sự tiếp diễn của tư duy Chiến tranh Lạnh, khi đó Nhật Bản cho rằng Liên Xô có thể sẽ xâm lược Nhật Bản trong thời chiến.

Nguồn tin của BBC tại Tokyo tán thành với quan điểm lực lượng quân sự Nhật Bản từng lấy ngăn chặn "mối đe dọa Liên Xô" làm nhiệm vụ chủ yếu, cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lực lượng quân sự Nhật Bản chủ yếu phụ trách bảo vệ Nhật Bản không bị Nga "xâm lược".

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ tham gia diễn tập Keen Sword
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ tham gia diễn tập Keen Sword

Theo bài báo, hiện nay, mối đe dọa mới của Nhật Bản là Trung Quốc. Do bị ảnh hưởng bởi Nhật Bản xâm lược trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ hai nước Trung-Nhật luôn không được hòa thuận hoàn toàn.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của họ cũng đã tăng mạnh, từ năm 2000 trở đi đã tăng lên 132 tỷ USD. Năm 2010, do ảnh hưởng từ tranh chấp đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, quan hệ căng thẳng hai nước Trung-Nhật xấu đi. Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật đối với đảo Senkaku, tăng cường "quyền kiểm soát thực tế" đối với đảo Senkaku.

Tuần trước, trước khi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản ít nhất đã có sự "nhượng bộ" trong tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, khả năng hai nước cuối cùng xảy ra xung đột vũ trang vì đảo Senkaku vẫn tồn tại. Khi trả lời phỏng vấn tạp chí "Business Insider" Mỹ, phóng viên Gordon Arthur chuyên về vấn đề quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương cho rằng: "Trung Quốc rất tự tin, cho nên rất có khả năng xảy ra sự cố bất ngờ hoặc xung đột leo thang".

Bài báo cho rằng, đây chính là động lực chính để Nhật Bản thay đổi hạng mục quốc phòng ưu tiên, cũng là nguyên nhân chủ yếu để Nhật Bản tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ mới, kể cả triển khai một trạm radar.

Ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật phô diễn sức mạnh sau khi kết thúc diễn tập Keen Sword
Ngày 19 tháng 11 năm 2014, Mỹ-Nhật phô diễn sức mạnh sau khi kết thúc diễn tập Keen Sword

Một văn kiện của Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ ra: "Trong các loại tình huống, nắm được ưu thế trên không và quyền kiểm soát biển đều là điều không thể thiếu để đưa ra phản ứng có hiệu quả và giảm tối đa tổn thất".

Ngoài tăng cường chi tiêu quân sự, Nhật Bản còn đang lôi kéo quan hệ đồng minh khu vực và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Trưởng phân xã VOA tại Bangkok cho rằng: "Không nên cho rằng, sức mạnh quân sự của Nhật Bản chỉ có Lực lượng Phòng vệ, đằng sau Nhật Bản còn có Quân đội Mỹ mạnh mẽ".

Việt Dũng