Báo Mỹ tiết lộ tình hình phát triển máy bay ném bom mới

23/08/2014 09:43
Việt Dũng
(GDVN) - Một báo cáo công bố vào ngày 2 tháng 7 của Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng đã tiết lộ thông tin của kế hoạch này.
Một phương án máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo của Không quân Mỹ
Một phương án máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo của Không quân Mỹ

Tờ nguyệt san "Quốc phòng" Mỹ tháng 9 (xuất bản trước) đăng bài viết nhan đề "Kế hoạch máy bay ném bom tuyệt mật Không quân được thúc đẩy lên phía trước", nội dung chính như sau:

Đây là một kế hoạch bí mật. Mấy năm qua, quan chức Không quân luôn rất hào hứng nói về họ cần máy bay ném bom tấn công tầm xa kiểu mới như thế nào, nhưng lại quy đây là một kế hoạch "bí mật", từ chối tiết lộ các thông tin khác. Song, sau 5 năm bàn luận, năm 2014, những thông tin về kế hoạch này được tiết lộ.

Tháng 7, Không quân Mỹ công bố hồ sơ dự thầu, trong khi đó hai đối thủ cạnh tranh – nhóm của hãng Boeing/Lockheed Martin và Công ty Northrop - Grumman có thể đưa ra phản hồi. 

Sau khi công bố hồ sơ dự thầu, Tư lệnh tác chiến trên không Không quân Mỹ Michael Hostage đã tái khẳng định quan điểm trước đây. Khi phát biểu tại Hiệp hội Không quân Mỹ Arlington, bang Virginia, ông nói, đến khoảng năm 2025, Không quân Mỹ cần một loại máy bay có thể thâm nhập lãnh thổ kẻ thù và tiến hành tấn công chí tử.

Năm 2013, một số nhà phân tích bày tỏ không lạc quan với triển vọng vốn của loại máy bay ném bom này. Họ cho rằng, chậm trễ về vốn có thể cản trở sự tiến triển của chương trình này. Nhưng, năm 2014, các nhà phân tích cho rằng, triển vọng của kế hoạch này rõ ràng và lạc quan hơn.

Phương án máy bay ném bom siêu âm của hãng Lokheed Martin
Phương án máy bay ném bom siêu âm của hãng Lokheed Martin

Nhà nghiên cứu Mark Gunzinger cho rằng: "Nội bộ Không quân Mỹ đã đưa ra thỏa hiệp khó khăn, bảo đảm vốn đầy đủ cho kế hoạch này. Tôi dự tính, Không quân Mỹ sẽ còn tiếp tục làm như vậy". Kế hoạch máy bay ném bom mới "đã bước vào con đường phát triển đúng đắn, là một kế hoạch tương đối hoàn thiện".

Một báo cáo công bố vào ngày 2 tháng 7 của Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng đã tiết lộ thông tin của kế hoạch này. Báo cáo này trước tiên được công bố trên trang mạng của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.

Trong báo cáo "Trọng điểm ngân sách: máy bay ném bom tấn công tầm xa không quân", chuyên gia không quân Jeremiah Gertler cho rằng, trong mấy năm qua, Không quân Mỹ có thể đã đầu tư không ít vốn nghiên cứu phát triển bằng hình thức ngân sách "đen".

Jeremiah Gertler đã nghiên cứu con số đánh giá dự báo ngân sách từ năm 2013 đến năm 2019, cho rằng, kế hoạch này càng giống một kế hoạch sản xuất, chứ không phải là kế hoạch nghiên cứu phát triển.

Jeremiah Gertler viết: "Điều này có thể cho thấy, công tác nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tấn công tầm xa quan trọng đã hoàn thành, kinh phí có thể là ngân sách bí mật. 

Việc hoàn thành trước nghiên cứu phát triển cũng có thể giải thích vì sao Không quân dự tính từ khi công bố hồ sơ dự thầu đến khi có được khả năng tác chiến ban đầu chỉ cần 10 năm; trong khi đó các hệ thống phức tạp tương tự như F-22 và F-35 đều đã phải trải qua thời gian trên 20 năm".

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ

Nhà phân tích Richard Aboulafia, Tập đoàn Teal cho rằng: "Có thể đã đầu tư rất nhiều tiền... Xu thế này luôn được duy trì. Họ đang toàn lực thúc đẩy kế hoạch này".

Mark Gunzinger cho rằng, chiến lược của Không quân Mỹ cần từng bước tăng cường khả năng mới. Để tiết kiệm chi tiêu, chiếc máy bay chiến đấu thứ nhất được sản xuất ra có thể không phải là "toàn năng", trong thời gian tiếp theo, có thể bổ sung chức năng mới cho nó. Như vậy có thể không cần chiếm dụng quá nhiều ngân sách quốc phòng trong mấy năm đầu. Ở đây bao gồm cả thiết kế mô đun hóa.

Mark Gunzinger cho rằng: "Đối với một hệ thống có tuổi thọ 30 - 40 năm, điều này rất quan trọng". Ông nói, nhà nước không thể gánh nổi chi phí cứ 15 - 20 năm sản xuất một loại máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu kiểu mới.

Tháng 3 năm 2014, Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Eric Fanning trả lời phỏng vấn cho biết, Không quân Mỹ sẽ tiếp tục kiên trì tiêu chuẩn chi phí mỗi chiếc máy bay không quá 550 triệu USD. Eric Fanning cho biết thêm, tiêu chuẩn này không bao gồm chi phí nghiên cứu phát triển.

Ông nói: "Chúng tôi cần mua lượng lớn những máy bay này. Điều này không chỉ là vì có tính kinh tế lớn,  mà còn nhằm thay thế cụm máy bay chiến đấu cũ". Không quân Mỹ luôn gọi chương trình này là "nhà hệ thống". Nhưng điều này cụ thể có ý nghĩa gì vẫn là một bí mật.

Trong một bài phát biểu vào tháng 7, Michael Hostage nói: "Chúng tôi sẽ không chế tạo một trang bị có tất cả... Nó sẽ là một phần trong gia tộc được hình thành bởi nhiều khả năng. Nó sẽ tạo ra thành viên mới của gia tộc này, sản xuất ra tất cả theo nhu cầu".

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ

Nhà nghiên cứu Mark Gunzinger cho rằng, ở đây có lẽ bao gồm một số hệ thống con, như máy phát gây nhiễu, vũ khí bắn xa, hệ thống nhử mồi.

Còn theo nhà phân tích Richard Aboulafia, có 3 loại khả năng: Điều này có thể có nghĩa là sản xuất 2 phiên bản có người lái và không có người lái, quan điểm này đã được nói đến từ lâu; điều này có thể có nghĩa là máy bay và hệ thống với loại hình khác nhau - tên lửa, máy bay không người lái và máy bay ném bom, phối hợp hoàn thành nhiệm vụ ném bom; cũng có thể là do các máy bay có quy cách khác nhau, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ khác nhau.

Cột mốc tiếp theo là lựa chọn một trong 2 nhóm. Có phân tích cho rằng, công việc này có khả năng hoàn thành vào đầu năm 2015.

Việt Dũng