Báo Nga: TQ đã thử nghiệm vũ khí tấn công nhanh siêu tốc lần thứ 3

05/12/2014 14:35
Bình Nguyên
(GDVN) - Những loại vũ khí như vậy thực sự là bài toán phòng thủ chưa thể giải, hay nói cách khác là chưa thể đánh chặn được.

Báo RT của Nga đưa tin cho biết Trung Quốc được cho là đã tiến hành lần thử nghiệm thứ 3 đối với vũ khí tấn công siêu nhanh hay còn được so sánh với phiên bản vũ khí tấn công nhanh toàn cầu vốn được quân đội Mỹ thử nghiệm thời gian gần đây.

Theo truyền thông Nga, loại phương tiện tấn công siêu nhanh được TQ thử nghiệm lần thứ 3 có thể đạt tốc độ nhanh gấp 8 lần vận tốc âm thanh và đây là một trong những thành phần quan trọng nhất của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh.

Mô phỏng vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ
Mô phỏng vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ

Nhiều chuyên gia quân sự cũng đã bày tỏ mối nghi ngại về hoạt động này của Trung Quốc, đặc biệt nếu nó thực sự là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược.

RT cho hay, thông tin về vụ thử nghiệm của Trung Quốc cũng đã được mạng lưới tình báo của chính phủ Mỹ ghi nhận và giám sát vào 1 thời điểm trong tuần này.

Đây được xem là lần thử nghiệm thứ 3 trong một loạt các vụ thử nghiệm phương tiện tấn công lượn siêu thanh Wu-14 của Trung Quốc. Loại phương tiện được thử nghiệm có tốc độ cao, điều khiển chính xác này cũng đã được mạng Washington Free Beacon trụ sở tại Mỹ đề cập.

Trước đó, cũng trong năm 2014, Trung Quốc cũng đã tiến hành 2 lần thử nghiệm đối với Wu-14. Một đại diện của Lầu Năm Góc cũng đã lên tiếng xác nhận vụ việc, tuy nhiên, người này từ chối cung cấp các thông tin cụ thể.

Đại tá  Jeff Pool thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho hay: “Chúng tôi có biết về các báo cáo đề cập các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc và đang cân nhắc. Hàng ngày quân đội Mỹ vẫn giám sát được các hoạt động quân sự của nước ngoài”.

“Tuy nhiên, chúng tôi không bình luận về hoạt động tình báo cũng như đưa ra các đánh giá về các hệ thống vũ khí của nước ngoài”.

Lora Saalman – một chuyên gia chính sách hạt nhân của trung tâm Carnegie Endowment for International Peace cho biết cuộc thử nghiệm lần thứ 3 liên quan đến phương tiện phóng siêu thanh Wu-4 của Trung Quốc là tín hiệu cho thấy khuynh hướng của hoạt động quân sự hóa trong tương lai gần.

“Vụ thử nghiệm vũ khí lần 3 của Trung Quốc không chỉ báo hiệu rằng đây là một chương trình tham vọng được chính quyền Bắc Kinh ưu tiên mà còn là tín hiệu cho thấy mối quan ngại lịch sử của Mỹ về việc Trung Quốc đang cố gắng bứt tốc để chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân đang bị lệnh hướng” - Lora Saalman nói trên mạng Becon.

Trong một vài thập kỷ gần đây, một số loại vũ khí siêu thanh đã thực sự tồn tại, bên cạnh đó, rất nhiều loại tên lửa tấn công khác nhau đã được Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác âm thầm phát triển dựa trên nền tảng công nghệ ứng dụng “lượn động lực” cho phép các đầu đạn có thể bay với tốc độ vượt tốc độ âm thanh nhiều lần và hướng đến mục tiêu ở góc bay phẳng.

Những loại vũ khí như vậy thực sự là bài toán phòng thủ chưa thể giải, hay nói cách khác là chưa thể đánh chặn được nếu sử dụng các hệ thống tên lửa đánh chặn mới, hiện đại nhất hiện nay.

Những đặc điểm cơ bản là các đầu đạn kiểu như vậy được phóng bởi các tên lửa đẩy cỡ lớn, tương đương với các loại tên lửa đạn đạo để bay vào không gian sau đó lao đến mục tiêu đã được xác định trước. Qúa trình phóng từ vũ trụ xuống mục tiêu mặt đất mang bản chất của quá trình lượn được thúc đẩy.

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sở hữu hay thử nghiệp vũ trí tấn công nhanh siêu thanh chiến lược là chỉ dấu của một quá trình xây dựng lực lượng quân sự quy mô cực lớn.

Mark Schneider, cựu chuyên gia chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc được tờ Washington Free Beacon trích dẫn cho biết việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí tấn công nhanh siêu thanh là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Về cơ bản, Mỹ và Trung Quốc đã nhúng chân vào một cuộc chạy đua phát triển và trang bị vũ khí siêu thanh. Gần đây, Hoa Kỳ đã thử nghiệm một loại tên lửa tấn công nhanh toàn cầu sau khi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vũ khí Wu-14 lần thứ 2.

Mặc dù trong quá khứ cả Mỹ và Trung Quốc đã thử nghiệm và đạt thành công nhất định trong các vụ thử vũ khí siêu thanh của mình nhưng trong các cuộc bắn tên lửa siêu thanh vào tháng 8/2014 vừa qua cả hai đều thất bại.

Về phần mình, quân đội Nga cũng không đứng ngoài cuộc chơi này, Moscow cũng đã tuyên bố về các kế hoạch phát triển tên lửa siêu thanh trước mốc 2020 tới đây.

Ấn Độ cũng là nước tương tự không chịu khoanh tay ngồi nhìn, nước này cũng đang âm thầm phát triển các dự án tên lửa siêu thanh như Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Bình Nguyên