Báo Nga: Trung Quốc muốn kéo dài tuổi thọ của tên lửa đạn đạo kiểu cũ

02/02/2013 09:12
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Báo Nga nhận định như vậy, mặc dù tên lửa này bị nghi ngờ về hiệu quả tác chiến trong chiến tranh hiện đại và tốn nhiều chi phí cho hạ tầng cơ sở.
Tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng kiểu cũ DF-5 của Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng kiểu cũ DF-5 của Pháo binh 2 Trung Quốc

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn tờ “Preiscope-2” Nga cho biết, cách đây không lâu, Lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc (Pháo binh 2) đã phóng thành công một quả tên lửa kiểu cũ đã biên chế có thời gian tới 21 năm.

Từ một số chi tiết do tờ “Nhật báo Khoa học công nghệ” Trung Quốc tiết lộ, có chuyên gia suy đoán, cuộc phóng thử này được tiến hành vào tháng 9/2012, tên lửa kiểu cũ được nhắc đến rất có thể là 2 loại tên lửa nhiêu liệu lỏng hiện có của Pháo binh 2 Trung Quốc, thuộc một trong hai loại tên lửa gồm DF-4 và DF-5.

Tên lửa đạn đạo DF-5 hiện vẫn là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có uy lực mạnh nhất của Trung Quốc, tầm phóng đạt 13.000 km. Tên lửa DF-4 phiên bản sớm có tầm phóng trên 4.500 km, tầm phóng của các phiên bản về sau tăng lên (theo các đánh giá khác nhau, tầm phóng từ 5.400-7.000 km trở lên).

Hai loại tên lửa này đều hoàn thành phóng lần đầu tiên vào thập niên 70 của thế kỷ trước và được dùng cho chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc, được bắt đầu chính thức triển khai vào thập niên 1980. Việc sản xuất chúng, nhất là DF-5 được duy trì cho tới đầu thập niên 1990.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5

Mặc dù tờ “Nhật báo Khoa học công nghệ” đăng hình ảnh tên lửa DF-4 làm bối cảnh, nhưng không thể phán đoán thời gian chụp chính xác của nó.

Tuy nhiên, điều có thể xác định là, mặc dù tên lửa nhiên liệu lỏng kiểu cũ đáng bị nghi ngờ về hiệu quả tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại (thời gian chuẩn bị trước khi phóng tên lửa phải mất 1 giờ, thậm chí dài hơn), đồng thời chi phí để hạ tầng cơ sở đồng bộ cũng đắt đỏ, song Trung Quốc hiện vẫn đang nghiên cứu công nghệ kéo dài giới hạn hoạt động (tuổi thọ) của loại tên lửa này.

Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)