Báo Nga tiết lộ thông tin về các tập đoàn chế tạo máy bay Trung Quốc

01/09/2013 11:11
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo đề cập nhiều về tình hình phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc, giới thiệu những sản phẩm chiến đấu cơ chính...
Tạp chí "Bình luận quân sự nước ngoài" Nga kỳ 4 năm 2013 đăng bài viết của các tác giả Ivanov và Boyarsky trên. Bài viết đã giới thiệu năng lực nghiên cứu khoa học, sản xuất và tình hình cơ bản của doanh nghiệp sản xuất máy bay tác chiến chủ yếu của công nghiệp hàng không Trung Quốc.  Sau đây là nội dung chính của bài viết:

Căn cứ vào sứ mạng của mình, máy bay tác chiến của Quân đội Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ rộng mở, việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất chúng cực kỳ quan trọng đối với bảo đảm sức mạnh quốc phòng của TQ.

Hiện nay, cấu thành nền tảng của lực lượng máy bay tác chiến Quân đội Trung Quốc là các loại máy bay ném bom H-6, máy bay tiêm kích chiến thuật như J-7, J-8-II, J-10, J-11A/B, máy bay tiêm kích ném bom JH-7/7A, máy bay cường kích Q-5 (ngừng sản xuất cuối năm 2012).

Ngoài ra, máy bay huấn luyện (chiến đấu) JL-7, JL-8, JL-9 và L-15 có thể được sử dụng như là máy bay cường kích hạng nhẹ. Phần lớn máy bay được nhập khẩu hoặc sản xuất có giấy phép, đồng thời, tỷ lệ máy bay tự nghiên cứu chế tạo đang tăng lên, mặc dù tính năng còn kém so với máy bay cùng loại của nước ngoài.

Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo quân sự, chính trị Trung Quốc rất coi trọng nâng cao năng lực nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy bay tác chiến của công nghiệp hàng không. Báo chí nước ngoài cho rằng, hiện nay, công nghiệp hàng không Trung Quốc có khoảng cách nhất định so với các nước sản xuất trang bị kỹ thuật hàng không chủ yếu, một số bộ kiện chính còn phải nhập khẩu. Vì vậy các nhà lãnh đạo quân sự, chính trị Trung Quốc tập trung vào cải tạo và hoàn thiện công nghiệp hàng không.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-7G của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-7G của Trung Quốc

Trong 5 năm qua, cơ cấu của công nghiệp hàng không Trung Quốc đã có sự thay đổi rất lớn. Trước năm 2008, những doanh  nghiệp tiến hành nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa và cải tiến trang bị kỹ thuật hàng không được sáp nhập thành 2 tập đoàn cổ phần khống chế quốc doanh lớn: Tập đoàn công nghiệp hàng không 1 và Tập đoàn công nghiệp hàng không 2. Tập đoàn công nghiệp hàng không 1 chuyên nghiên cứu chế tạo, sản xuất các loại máy bay tác chiến chủ yếu và máy bay vận tải và chở khách hạng nặng và hạng trung. Tập đoàn công nghiệp hàng không 2 chuyên nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy bay cường kích, máy bay huấn luyện chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay không người lái và các loại máy bay hạng nhẹ.

Ngoài ra, hai tập đoàn lớn còn nghiên cứu chế tạo, sản xuất động cơ hàng không, các loại bộ kiện và thiết bị, cùng sản phẩm dân dụng phi chuyên nghiệp.

Nhưng, đồng thời, hoạt động của chúng cũng bộc lộ một số điểm yếu nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là: khi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất trang bị kỹ thuật hàng không, quan hệ điều chỉnh, hợp tác của hai tập đoàn lớn khó khăn; cơ sở nghiên cứu khoa học phân tán. Điểm yếu còn có, trong khuôn khổ một bộ ngành tiến hành lãnh đạo khác nhau đối với tập đoàn, làm cho chi phí quản lý rất cao.

Còn phạm vi nghiệp vụ khác nhau dẫn đến thiếu cạnh tranh, làm cho hai tập đoàn cổ phần chế tạo hàng không độc lập song song tồn tại hoàn toàn không hợp lý. Ngoài ra, mỗi tập đoàn độc lập đều không thể bảo đảm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia chế tạo hàng không tiên tiến thế giới do các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc

Những nhân tố trên thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định sáp nhập những doanh nghiệp hiện có của hai tập đoàn thành Công ty cổ phần khống chế thống nhất. Công ty mới thành lập vào cuối năm 2008 đặt tên là Công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corporation of China——AVIC).

Khi công ty này được thành lập, vốn pháp định là 9,4 tỷ USD, tổng tài sản đạt 42,5 tỷ USD. Đến đầu năm 2012, số lượng nhân viên làm việc của công ty trên 400.000 người. AVIC có 200 doanh nghiệp, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán. Tổng tài sản của công ty đạt 79,4 tỷ USD. Năm 2011, công ty bước vào top 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới.

Trung Quốc có 9 công ty sản xuất trang bị kỹ thuật hàng không then chốt, trong đó 5 công ty sản xuất các loại máy bay tác chiến chủ yếu, gồm các công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương, Tây An, Nam Xương, Tập đoàn công nghiệp hàng không Quý Châu và Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Đô.

Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương là doanh nghiệp sản xuất trang bị kỹ thuật hàng không lớn nhất Trung Quốc. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1953, tổng số nhân viên khoảng 15.000 người, có 8.000 máy tiện. Doanh nghiệp chuyên nghiệp lớn nhất của công ty là Nhà máy máy bay Thẩm Dương, Nhà máy động cơ hàng không Thẩm Dương và Nhà máy linh kiện Thẩm Dương. Công ty này còn có một viện nghiên cứu khoa học lớn, với khoảng 2.000 nhân viên.

Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc

Trước năm 1986, Công ty Thẩm Dương sản xuất máy bay tiêm kích J-5 (nguyên mẫu là MiG-17) và J-6 (nguyên mẫu là MiG-19), hai loại máy bay này đã tạo nền tảng cho Không quân Trung Quốc trong thập niên 1960-1970. Ở đây còn lần đầu tiên tổ chức sản xuất máy bay tiêm kích J-7 (nguyên mẫu là MiG-21), sau này Công ty chế tạo máy bay Thành Đô cũng bắt đầu sản xuất loại máy bay này.

Hiện nay, Công ty Thẩm Dương đang tiếp tục chuyên nghiên cứu, chế tạo, sản xuất máy bay tiêm kích chiến thuật. Đã hợp lý hóa sản xuất máy bay J-8-II và J-11A (phiên bản Trung Quốc của Su-27SK), đồng thời tiến hành cải tiến đối với các loại phiên bản cải tiến. Năm 2006 bắt đầu sản xuất máy bay tiêm kích J-11B.

Ngoài ra còn đang gấp rút nghiên cứu, chế tạo trang bị kỹ thuật hàng không mới. Theo truyền thông phương Tây, tháng 3-4 năm 2012, máy bay tiêm kích J-16 bắt đầu thử nghiệm ở trong nhà máy. Khi nghiên cứu chế tạo loại máy bay này đã áp dụng phương án công nghệ của máy bay tiêm kích chiến thuật Su-30MKK. Để khắc phục những hạn chế được phát hiện, nâng cao tính năng kỹ chiến thuật, đang chỉnh sửa máy bay tiêm kích hải quân J-15. Có kế hoạch vào năm 2015 bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay J-15. Máy bay này đã được đưa lên tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc vào tháng 9 năm 2012.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc

Phương hướng nghiệp vụ tương lai của công ty là nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm J-20 và J-31. Hai loại máy bay này đã lần lượt bắt đầu bay thử vào ngày 11 tháng 1 năm 2011 và ngày 31 tháng 10 năm 2012.

Đến tháng 2 năm 2013, J-20 hoàn thành khoảng 60 lần bay thử. Hai loại máy bay này đều có kế hoạch trang bị trước năm 2020. Dự kiến, máy bay J-20 sẽ được sử dụng làm máy bay tiêm kích chiến thuật, còn J-31 được sử dụng làm máy bay tiêm kích chiến thuật và máy bay tiêm kích hải quân.

Ngoài ra, tại một loạt triển lãm hàng không, Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương cũng đã trưng bày mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu. Dự kiến, máy bay này trên thực tế sẽ là hệ thống điều khiển không người lái tự động hóa, cũng có thể sử dụng trong trạng thái có người lái. Bố cục khí động học của máy bay sẽ là hình dáng cánh máy bay trơn nhẵn và thân máy bay có mặt cắt thấp, điều này sẽ làm cho máy bay có tốc độ tuần tra siêu âm và tính cơ động rất cao.

Công ty chế tạo hàng không Thành Đô được thành lập trên nền tảng của Nhà máy máy bay Thành Đô xây dựng vào năm 1958, nó là doanh nghiệp chế tạo máy bay tiêm kích lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương. Tổng số nhân viên là 15.000 người, lợi nhuận năm 2010 của công ty là 1,5 tỷ USD. Nền tảng của công ty là Nhà máy máy bay Thành Đô, Nhà máy chế tạo động cơ, Viện nghiên cứu khoa học thiết kế công nghiệp hàng không (biên chế 1.800 nhân viên) và các doanh nghiệp chuyên nghiệp và phi chuyên nghiệp khác.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc

Từ năm 1960 trở đi, công ty chuyên sản xuất máy bay tiêm kích chiến thuật MiG-21 phiên bản Trung Quốc (J-7). Hiện nay, công ty đang sản xuất máy bay tiêm kích J-7MF, J-9 (cũng được gọi là FC-1 hay JF-17, hợp tác nghiên cứu chế tạo với Pakistan, chủ yếu dùng để xuất khẩu) và các loại máy bay tiêm kích nội địa J-10.

Máy bay J-9 sử dụng động cơ RD-93 do Nga chế tạo, J-10 sử dụng động cơ hàng không AL-31FN do Nga chế tạo, điều này làm cho tốc độ sản xuất hai loại máy bay này gặp phải trở ngại về cung ứng động cơ. Hiện nay, đang tích cực nghiên cứu phát triển động cơ hàng không nội địa.

Chẳng hạn, các kỹ sư Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển động cơ WS-13 Thái Sơn và WS-10 Thái Hành để thay thế cho động cơ RD-93 và AL-31FN. Cần phải chỉ ra, tuổi thọ hoạt động trước khi đại tu của động cơ WS-10 đã đạt tới 300 giờ, thời gian đầu nó chỉ đạt 40-50 giờ. Chỉ tiêu chung của WS-13 là 150 giờ.

Phương hướng ưu tiên của công ty là hợp tác với Công ty Thẩm Dương tham gia vào kế hoạch nghiên cứu phát triển máy bay tiêm kích tương lai trong đó có J-20.

Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Công ty chế tạo máy bay Tây An nằm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tống số nhân viên là 17.000 nhân viên. Từ năm 2007, thu nhập mỗi năm trên 1,5 tỷ USD.

Từ khi xây dựng nhà máy vào năm 1958 đến nay, chuyên ngành của công ty chính là sản xuất máy bay ném bom và máy bay vận tải. Hiện nay, công ty đang nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom, máy bay tiêm kích chiến thuật, máy bay vận tải và các loại máy bay khác.

Các doanh nghiệp của công ty đã hợp lý hóa sản xuất máy bay JH-7 (phiên bản hải quân), JH-7A (phiên bản không quân), H-6M (máy bay trang bị vũ khí hạt nhân, phiên bản cải tiến của H-6, H-6 được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng nguyên mẫu là máy bay ném bom Tu-16 của thập  niên 1960). Ngoài ra, Công ty chế tạo máy bay Tây An đang cải tiến hợp lý hóa máy bay sản xuất trước đây.

Phương hướng phát triển ưu tiên của công ty là nghiên cứu, chế tạo máy bay ném bom H-8 tương lai (có thể là máy bay trang bị vũ khí hạt nhân). Chuyên gia hàng không nước ngoài cho rằng, H-8 là một loại máy bay ném bom sử dụng công nghệ tàng hình radar, lắp vũ khí bên trong máy bay.

Máy bay chiến đấu JH-7 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu JH-7 Trung Quốc

Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, tải trọng tên lửa-bom của máy bay này (tên lửa hành trình) sẽ không nhỏ hơn 18 tấn, tốc độ bay tối đa là 1,2 Mach, hành trình khi được tiếp dầu trên không không nhỏ hơn 10.000 km. Máy bay có kế hoạch lắp 4 động cơ. Hiện đã công bố một số hình ảnh của máy bay này, nhưng tình hình chế tạo liên quan đến máy bay thử nghiệm chưa thể biết được.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Quý Châu Trung Quốc nằm ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, nhà máy được xây dựng năm 1964. Hiện nay, tập đoàn này có 49 doanh nghiệp, tổng số nhân viên là 55.000 người, trong đó 15.000 người là nhân viên thành thạo kỹ thuật chuyên nghiệp. Tổng tài sản là 1,9 tỷ USD.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Quý Châu sản xuất máy bay tiêm kích và máy bay huấn luyện chiến đấu, động cơ hàng không phản lực; hợp lý hóa và cải tiến trang bị kỹ thuật hàng không. Hiện nay, tập đoàn đã hợp lý hóa sản xuất hàng loạt máy bay huấn luyện chiến đấu siêu âm JL-9 (cũng được gọi là FTC-2000), lô đầu tiên đã trang bị cho Không quân Trung Quốc vào năm 2006.

JL-9 được phát triển từ máy bay huấn luyện JL-7 (nguyên mẫu là J-7). JL-9 sử dụng để huấn luyện sơ cấp và cao cấp cho phi công máy bay tiêm kích. Dự đoán, một phần loại máy bay này dùng để xuất khẩu.

Máy bay huấn luyện JL-9
Máy bay huấn luyện JL-9

Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Đô được thành lập vào năm 1951, nằm ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Hiện nay, tập đoàn này là một trong những nhà chế tạo trang bị kỹ thuật hàng không lớn nhất Trung Quốc. Tổng tài sản là 1,2 tỷ USD. Tổng số nhân viên là 10.000 người, trong đó, nhân viên kỹ thuật công trình là 6.700 người. Sở hữu 8 máy tiện.

Tập đoàn này chuyên nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy bay cường kích, máy bay huấn luyện chiến đấu, máy bay huấn luyện, máy bay vận tải hạng nhẹ, máy bay cỡ nhỏ. Sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp này là máy bay cường kích Q-5M (có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật), máy bay huấn luyện động cơ phản lực JL-8 (K-8) và máy bay huấn luyện pít-tông CJ-6 (nguyên mẫu là Yak-18).

Năm 2010, tập đoàn đã lãnh đạo sản xuất hàng loạt máy bay huấn luyện chiến đấu mới L-15. Máy bay này dùng để huấn luyện sơ cấp và cao cấp cho phi công máy bay tiêm kích, cũng có thể được sử dụng như máy bay cường kích hạng nhẹ. Điều cần chỉ ra là, Cục thiết kế Yakovlev Nga cũng đã tham gia nghiên cứu chế tạo máy bay này. Ngoài ra, doanh nghiệp của tập đoàn này cũng đã sửa chữa máy bay huấn luyện chiến đấu HJ-5 (phiên bản của máy bay IL-28U).

Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc

Có thể thấy, Trung Quốc đã có năng lực sản xuất máy bay chiến thuật mạnh, vừa có thể đáp ứng nhu cầu của Quân đội Trung Quốc, vừa có quy mô xuất khẩu rất lớn. Theo dự đoán của các chuyên gia nước ngoài, hiện nay Trung Quốc mỗi năm xuất khẩu 120-130 máy bay tác chiến. Đồng thời, trên một loạt phương diện hệ thống và thiết bị đồng bộ hàng không quan trọng (thiết bị điện tử, radar, động cơ, tên lửa của máy bay), Trung Quốc còn tiếp tục lệ thuộc vào nhập khẩu, bởi vì tính năng kỹ thuật của vũ khí và thiết bị đồng bộ nội địa còn lạc hậu so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Trung Quốc đặt ra mục tiêu phải khắc phục được những điểm yếu này và đã đạt được một số thành quả. Trong đó, sự ra đời của động cơ nội địa Thái Hành và Thái Sơn lần lượt dùng để thay thế động cơ AL-31F và RD-93 có thể coi như là thành tựu không tồi, ngoài ra, Trung Quốc còn đang nghiên cứu radar nội địa sử dụng cho máy bay dựa trên nền tảng radar Zhuk của Nga.

Động cơ máy bay WS-10 Thái Hành Trung Quốc
Động cơ máy bay WS-10 Thái Hành Trung Quốc

Mặc dù công nghiệp hàng không Trung Quốc hiện còn đang sao chép và tiếp tục cải tiến trang bị kỹ thuật hàng không nước ngoài, nhưng gần 5-10 năm nay đã xuất hiện xu thế từ sao chép chuyển sang sử dụng tư tưởng thiết kế của nước ngoài để nghiên cứu, chế tạo trang bị kỹ thuật hàng không hiện đại, điều này chứng minh Trung Quốc có ý định từng bước hình thành trường phái thiết kế của mình.

Trong tình hình máy bay tác chiến Trung Quốc duy trì tốc độ phát triển hiện nay, nhìn về trung hạn, trên thị trường chế tạo hàng không thế giới không chỉ sẽ xuất hiện một đối thủ cạnh tranh mạnh mới có thể đặt ra điều kiện của mình, mà họ cũng có thể trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Máy bay ném bom H-6M Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6M Trung Quốc
Máy bay cường kích Q-5 Trung Quốc
Máy bay cường kích Q-5 Trung Quốc
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc
Đông Bình