Báo Nhật: Trung Quốc có sở trường sao chép vũ khí của nước khác

25/04/2013 08:00
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết chỉ ra một số thiết bị sao chép của tàu sân bay Liêu Ninh, chỉ ra kế hoạch tàu sân bay các nước và xu hướng phát triển tàu sân bay hạng nhẹ.
Tờ nguyệt san “Nghiên cứu quân sự” số tháng 4 của Nhật Bản vừa đăng bài viết nhan đề “Tàu sân bay – biểu tượng nước lớn hải quân của Trung Quốc”. Bài viết cho rằng, tàu sân bay là biểu tượng nước lớn, trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng to lớn tới tình hình quân sự thế giới. Tháng 9/2012, tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi vào hoạt động, một bước đi đầu tiên sở hữu tàu sân bay.

Hiện nay, kế hoạch tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận thế giới. Được sự hậu thuẫn bởi sự phát triển kinh tế trong nước và sự tăng trưởng chi tiêu quân sự đáng kinh ngạc, Trung Quốc đang có ý đồ xây dựng một lực lượng hải quân biển xa, và tàu sân bay chính là sự mở đầu của kế hoạch này.

Copy sở trường của các nước

Trước đây, Trung Quốc đã lần lượt mua tàu sân bay nghỉ hưu Melbourne của Hải quân Australia, tàu sân bay Kiev và Minsk của Hải quân Liên Xô. Trên tàu sân bay Melbourne, Trung Quốc đã học được những chi tiết về máy phóng hơi nước, thang máy hàng không.

Cuối cùng, Trung Quốc còn mua tàu sân bay Varyag, con tàu được Ukraine chế tạo cho Hải quân Liên Xô, nhưng vẫn chưa hoàn thành chế tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cải tạo nó thành tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay. Máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay này là máy bay chiến đấu J-15, một phiên bản sao chép của máy bay chiến đấu Su-33 Nga.

Tháng 11/2012, máy bay chiến đấu J-15 đã tiến hành thử nghiệm cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ngoài ra, máy bay chiến đấu J-31, loại máy bay bay thử thành công vào mùa thu năm 2012, cũng có triển vọng trở thành máy bay hải quân.

Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Theo bài viết, trên tàu sân bay Liêu Ninh đã trang bị các “sản phẩm” nội địa nhìn thấy như sao chép sản phẩm của các nước. Trên đảo tàu mạn phải, đỉnh là radar điều phối Type 382 nội địa giống như radar Top Plate Nga, phía dưới là radar mảng pha Type 346 nội địa giống như radar Aegis của Mỹ. Thiết bị hướng dẫn hạ cánh là thiết bị trợ giúp hạ cánh quang học, giống như hệ thống hỗ trợ hạ cánh Type SPN-46 của tàu sân bay động cơ hạt nhân, Hải quân Mỹ.

Về vũ khí trang bị: 4 hệ thống tên lửa phòng không 18 nòng Type FL-3000L trên tàu rất giống với hệ thống tên lửa phòng không 21 nòng Type RAM của Hải quân Mỹ; 3 pháo chính 10 nòng 30 mm Type 1030 giống như hệ thống phòng thủ gần Goalkeeper do Hà Lan chế tạo; 2 thiết bị phóng tên lửa săn ngầm 12 nòng lại rất giống máy phóng tên lửa (rocket) săn ngầm RBU-6000 của Nga.

Kế hoạch nghiên cứu phát triển tàu sân bay của các nước

Theo bài viết, Trung Quốc còn đang phát triển tàu sân bay nội địa. Lượng giãn nước đầy của tàu sân bay nội địa khoảng 50.000-60.000 tấn, áp dụng động cơ đẩy thông thường và phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu (trượt nhảy). Trung Quốc dự định sắp tới khởi công chế tạo 2 tàu sân bay như vậy, đồng thời hoàn thành trước năm 2020.

Ngoài ra, theo đồn đoán, Trung Quốc từng có được thiết kế tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk, con tàu chưa được chế tạo xong thời kỳ Liên Xô, đồng thời họ đã học hỏi nó để chế tạo tàu ngầm động cơ hạt nhân của mình.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ, hiện chưa được biên chế cho hải quân.
Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ, hiện chưa được biên chế cho hải quân.

So với Trung Quốc, Hải quân Ấn Độ ngoài việc nhờ Nga cải tạo tàu sân bay lớp Kiev số hiệu 4 của Hải quân Liên Xô cũ, mang tên Đô đốc Gorshkov, thì họ cũng đang thúc đẩy chương trình tàu sân bay nội địa.

Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant được khởi công từ tháng 2/2009. Lượng giãn nước đầy của con tàu này là 37.500 tấn, áp dụng cất cánh kiểu nhảy cầu, vốn có kế hoạch hạ thủy vào năm 2010, đến năm 2013 bắt đầu chạy thử trên biển.

Nhưng sau khi tàu sân bay Vikrant hạ thủy với trạng thái chưa hoàn hảo vào năm 2012, các bộ phận như bánh răng của hệ thống đẩy lạc hậu nghiêm trọng, vì vậy thời gian thời gian đi vào hoạt động có thể phải trì hoãn đến năm 2018. Ngoài ra, tàu sân bay nội địa thứ hai lại hoàn toàn khác với tàu sân bay Vikrant, lượng giãn nước trên 60.000 tấn, sử dụng máy phóng để cất cánh máy bay.

Bài viết chỉ ra, Hải quân Mỹ đang chế tạo chiếc tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên, mang tên USS Gerald R. Ford (CVN-78), đồng thời nghiên cứu phát triển máy bay không người lái X-47B sử dụng cho tàu sân bay. Hải quân Anh đang chế tạo tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên mang tên Nữ hoàng Elizzbeth, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Nga tuy đã đưa ra chương trình chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân kiểu mới, nhưng tình hình tài chính của họ nghiêm trọng, hơn nữa Liên Xô sụp đổ đã làm cho họ mất đi nhà máy và thiết bị đóng tàu cần thiết cho chế tạo tàu chiến cỡ lớn. Kế tiếp tàu sân bay Charles De Gaulle R91, Pháp vốn có kế hoạch chế tạo 2 tàu sân bay Type PA2 kiểu mới, nhưng do nguyên nhân tài chính, quyết định này bị trì hoãn, chưa thể thực hiện.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp

Tàu sân bay hạng nhẹ ngày càng được sủng ái

Theo bài viết, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ dồn dập thúc đẩy chương trình tàu sân bay mới của họ. Nhưng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ sở hữu tàu chiến chở theo máy bay trực thăng. Trong khi đó, xét theo tiêu chuẩn thông dụng của thế giới, tàu khu trục trực thăng Hyuga và Ise của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể được cho là tàu sân bay trực thăng.

Hai tàu này lần lượt đi vào hoạt động năm 2009 và năm 2011, lượng giãn nước đầy là 19.000 tấn, mỗi tàu có thể mang theo 10 máy bay trực thăng. Nhưng, hai tàu này không thể mang theo máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn (V/STOL) thông dụng quốc tế.

Kế tiếp tàu khu trục lớp Hyuga, vào năm 2010, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã bắt đầu chế tạo tàu khu trục Type 22DDH lớn hơn lớp Hyuga. Tàu khu trục Type 22DDH có lượng giãn nước đầy đạt 24.000 tấn, dài 248 m, có thể mang theo 14 máy bay trực thăng. Loại tàu này được chế tạo tổng cộng 2 chiếc, chiếc đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2015, chiếc thứ hai dự kiến đi vào hoạt động tháng 3/2017.

Bài viết chỉ ra, từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, cùng với việc máy bay hải quân phát triển theo hướng tốc độ cao và cỡ lớn, trình độ công nghệ và mức độ chi tiêu tài chính cho tàu sân bay đang ngày càng cao, những nước có thể trang bị tàu sân bay cỡ lớn cũng trở nên ngày càng có hạn. Vì vậy, nhiều lực lượng hải quân hơn bắt đầu có xu hướng trang bị tàu sân bay hạng nhẹ như tàu sân bay áp dụng cất/hạ cánh V/STOL cho máy bay.

Tàu sân bay trực thăng Hyuga, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng Hyuga, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Đông Bình