Báo Nhật:Trung Quốc có thể đã xây dựng “hệ thống phòng thủ tên lửa đỏ"

14/02/2013 10:28
Việt Dũng
(GDVN) - Theo báo Nhật Bản, trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc có thể tập trung phát triển “hệ thống phòng thủ tên lửa đỏ”.
Trung Quốc phóng vệ tinh khí tượng Phong Vân-3 thứ hai
Trung Quốc phóng vệ tinh khí tượng Phong Vân-3 thứ hai

Ngày 27/1, Trung Quốc tuyên bố tiến hành thành công thử nghiệm phòng thủ tên lửa mặt đất khoảng giữa  lần thứ hai. Theo phân tích, phòng thủ tên lửa khoảng giữa muốn thực sự đi vào chiến đấu thực tế, ngoài vũ khí đánh chặn, còn phải có sự hỗ trợ của vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa.

Có truyền thông quốc tế suy đoán, Quân đội Trung Quốc có khả năng đã bắt đầu trang bị vệ tinh có khả năng cảnh báo sớm tên lửa cho hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Tạp chí “Khám phá Trung Quốc” Nhật Bản phỏng đoán, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm đánh chặn phòng thủ tên lửa khoảng giữa lần thứ hai cho thấy vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa đầu tiên của họ có thể đã được phóng, từ đó mở ra không gian cho việc xây dựng mạng lưới vệ tinh phòng thủ tên lửa.

Bài báo cho rằng, trong tháng 10/2012, tại căn cứ phóng vệ tinh Tây Xương, Quân đội Trung Quốc có thể phóng một vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa chuyên dụng. Đây là vệ tinh đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc, chủ yếu dùng để trinh sát và theo dõi tình hình phóng tên lửa của các nước khác. Vệ tinh đi vào một quỹ đạo hình ê-líp dự định, định vị cuối cùng ở quỹ đạo không gian cách Trái đất 32.500 km.

Bài viết cho rằng, phương Tây gọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc là “hệ thống phòng thủ tên lửa đỏ”. Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc có thể tập trung phát triển hệ thống này. Nó có thể trang bị 25 vệ tinh, mỗi vệ tinh đều có các đặc điểm như phản ứng nhanh nhạy, phạm vi cảnh báo sớm rộng và tuổi thọ hoạt động dài. Khả năng cảnh báo sớm của hệ thống này có thể sánh với hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ.

Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất Trung Quốc (tưởng tượng).
Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất Trung Quốc (tưởng tượng).

Trung Quốc sử dụng tên lửa đẩy dòng Trường Chinh để phóng vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa, tỷ lệ phóng thành công rất cao. Quân đội Trung Quốc có thể hoàn thành xây dựng “hệ thống phòng thủ tên lửa đỏ” trong 10 năm tới.

Bài báo cho rằng, vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa dùng để theo dõi đối phương hoặc tên lửa chiến lược và phát ra lời cảnh báo. Chúng thường hoạt động ở quỹ đạo vệ tinh tĩnh của Trái đất, sở hữu vài chiếc vệ tinh loại này là có thể xây dựng được mạng lưới cảnh báo sớm phòng thủ tên lửa.

Sử dụng thiết bị thăm dò hồng ngoại trên vệ tinh dò được bức xạ hồng ngoại được sinh ra ở đuôi động cơ sau khi tên lửa bay ra khỏi tầng khí quyển, đồng thời phối hợp với máy quay truyền hình bám theo tên lửa, có thể kịp thời phán đoán quỹ đạo bay của tên lửa.

Tờ “Tin tức hàng ngày” Tây Ban Nha phỏng đoán, cho dù Trung Quốc vẫn chưa phóng vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa chuyên dụng, cũng không có nghĩa là họ hoàn toàn không có khả năng cảnh báo sớm tên lửa. Theo bài báo, năm 2006, Trung Quốc đã phóng vệ tinh “Dao Cảm” đầu tiên, dòng vệ tinh này có thể có khả năng cảnh báo sớm nhất định.

Mặc dù phương Tây mãi chưa thể biết được chi tiết có liên quan đến dòng vệ tinh Dao Cảm, nhưng Lầu Năm Góc phỏng đoán, vệ tinh Dao Cảm đã trang bị hệ thống hình ảnh quang học và radar góc mở tổng hợp tiên tiến, thậm chí cho rằng dòng vệ tinh này thực ra chính là vệ tinh trinh sát/do thám mang tên “Người tiên phong”, tính năng của nó đạt cấp độ “vệ tinh cảnh báo sớm bán quân sự”.

Vệ tinh Dao Cảm cỡ lớn của Trung Quốc trong tương lai (nguồn: xinhuanet.com)
Vệ tinh Dao Cảm cỡ lớn của Trung Quốc trong tương lai (nguồn: xinhuanet.com)

Bài báo phỏng đoán, vệ tinh Dao Cảm đánh số lẻ (ví dụ Dao Cảm-11) đã trang bị hệ thống hình ảnh quang học, còn vệ tinh Dao Cảm đánh số chẵn (Dao Cảm-10) đã trang bị radar góc mở tổng hợp. Vì vậy, vệ tinh Dao Cảm-11 và Dao Cảm-10 trên thực tế lần lượt là vệ tinh hình ảnh quang học và vệ tinh trinh sát radar tiên tiến.

Bài báo còn cho rằng, phóng và vận hành thành công vệ tinh dòng Dao Cảm cho thấy, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt cho việc phóng vệ tinh cảnh báo sớm quân dụng đầu tiên. Trung Quốc có thể phóng nhiều vệ tinh vào năm nay, ngoài vệ tinh khí tượng “Phong Vân”, vệ tinh dẫn đường “Bắc Đẩu” và vệ tinh “Thực Tiễn”, có thể còn có một loại vệ tinh mới mang tên “Thần Thông”, nó có thể là vệ tinh cảnh báo sớm phục vụ cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Quân đội Trung Quốc.

Tờ “Nezavisimaya Gazeta” Nga cho rằng, trong tình hình chưa xây dựng được mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm độc lập, Trung Quốc có thể tìm cách hợp tác với Nga, tăng cường sức chiến đấu phòng thủ tên lửa của Quân đội Trung Quốc. Bài báo chỉ ra, hai nước Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận có liên quan đến “thông báo cho nhau tình hình phóng tên lửa đạn đạo”.

Trung Quốc phóng vệ tinh Thực Tiễn-9
Trung Quốc phóng vệ tinh Thực Tiễn-9

Phóng tên lửa là hành động quân sự quan trọng, không có nền tảng lòng tin quân sự nhất định, giữa các nước không thể thông báo cho nhau các thông tin như thời gian, địa điểm và các thông số có liên quan đến phóng tên lửa, thỏa thuận ký kết giữa Trung-Nga là hiếm có trên phạm vi toàn cầu.

Hơn nữa, những gì Trung Quốc và Nga trao đổi không chỉ là tình hình phóng tên lửa của mỗi bên, mà còn có động thái của lực lượng tên lửa nước thứ ba. Mỹ đã thiết lập hơn 10 căn cứ quân sự ở xung quanh Trung Quốc và Nga, trong đó rất nhiều căn cứ đều có thể cất/hạ cánh máy bay ném bom chiến lược tầm xa, đồng thời trang bị thiết bị phóng tên lửa. Trung Quốc và Nga chia sẻ tin tức tình báo về tên lửa Mỹ, có lợi cho Quân đội Trung Quốc tiến hành cảnh báo sớm đối với các hoạt động phóng tên lửa của Mỹ.

Những năm gần đây, ngoài việc tăng cường khả năng quân sự tự thân, Nga còn áp dụng một số “biện pháp ngoại giao”, gồm liên kết đồng minh chiến lược với Bắc Kinh nhằm chống lại Washington trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Trung Quốc cũng giống như Nga, đối mặt với vòng bao vây phòng thủ tên lửa do Mỹ dựng lên, vì vậy họ có khả năng liên minh với Nga. Trong tương lai, Nga rất có thể sẽ tích cực tìm cách xây dựng “liên minh phòng thủ tên lửa” với Trung Quốc.

Vệ tinh radar góc mở tổng hợp SAR Trung Quốc
Vệ tinh radar góc mở tổng hợp SAR Trung Quốc

>> Follow us on Facebook

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng