Báo Phượng Hoàng: Nhật Bản "dân tộc ưu tú nhất" chỉ coi TQ là hổ giấy

19/07/2013 07:06
Việt Dũng
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe có tham vọng lớn chính là đưa Nhật Bản trở thành siêu cường về chính trị, kinh tế và quân sự.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Mạng sina Trung Quốc vừa đăng bài viết của một nhà nghiên cứu thuộc Phòng Nhật Bản, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc. Bài viết cho rằng, trước đây có một báo cáo chính thức của Nhật Bản đã ám chỉ sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, làm xấu đi môi trường an ninh của Nhật Bản.

Nhưng, năm 2013, "Sách trắng Quốc phòng" của Nhật Bản không còn che đậy nữa, rõ ràng coi Trung Quốc là "kẻ thù giả tưởng", trực tiếp cho rằng "dựa trên chủ trương của mình, Trung Quốc tìm cách thông qua thực lực để làm thay đổi hiện trạng".

Đồng thời, tạp chí "SAPIO" Nhật Bản gần đây cũng khẳng định, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc chỉ là con "hổ giấy", nếu Trung-Nhật thực sự xảy ra chiến tranh, Trung Quốc không phải là đối thủ của Nhật Bản.

Những  thông tin như vậy trái ngược với những quan điểm chính thức trong "Sách trắng Quốc phòng" của Nhật Bản, cho rằng Trung Quốc không thể chịu nổi một cuộc chiến.

Đến ngày 21 tháng 7 sắp tới, Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử Thượng viện, vào thời điểm này, chính quyền Shinzo Abe công bố "Sách trắng Quốc phòng" cứng rắn với Trung Quốc đương nhiên là có tính toán cho cuộc bầu cử này, một là để tạo được "bằng chứng ủng hộ" cho ngoại giao giá trị quan và chiến lược Trung Quốc hiện nay của ông Shinzo Abe, hai là khẳng định với cử tri rằng chỉ có ông Shinzo Abe mới là "anh hùng thực sự" "bảo vệ Nhật Bản", tăng điểm cho đảng của ông.

Theo báo Trung Quốc, trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh tới "mối đe dọa Trung Quốc" là có tham vọng lớn hơn. Chiến lược tổng thể của chính quyền Shinzo Abe nói ngắn gọn chính là muốn thực hiện kế hoạch "đại nhảy vọt" đưa Nhật Bản trở thành một nước lớn (siêu cường) về chính trị, kinh tế, quân sự. "Siêu cường hóa về kinh tế" dựa vào "kinh tế học Abe"; "siêu cường hóa" về ngoại giao dựa vào "ngoại giao giá trị quan" liên minh, liên kết; "siêu cường hóa" về quân sự càng dựa nhiều hơn vào mọi phương cách, thúc đẩy nhanh chóng.

Theo bài báo, ông Shinzo Abe sở dĩ nhấn mạnh tới mối đe dọa từ Trung Quốc là muốn thể hiện bản thân Nhật Bản là một "kẻ yếu", để nước khác cũng nhận thấy, Trung Quốc thực sự là một mối đe dọa và đồng tình cùng Nhật Bản.

Về đối nội, ông Shinzo Abe nhấn mạnh tới mối đe dọa từ Trung Quốc, đưa các hình ảnh máy bay, tàu chiến cũ của Lực lượng Phòng vệ lên bìa của "Sách trắng Quốc phòng" cũng nhằm mục đích tương tự. Tức là, ông Shinzo Abe nhấn mạnh với người dân nước này rằng "chúng ta cần nhiều tiền hơn để tăng cường trang bị".

Ông Shinzo Abe nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc và tính cần thiết phải tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản, mở đường để thực hiện quyền tự vệ tập thể, hỗ trợ cho việc thành lập "Hội đồng An ninh Quốc gia", tạo cơ sở cho sửa đổi Hiến pháp và cuối cùng chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành "quân đội chính quy".

Theo bài báo, lực lượng "cánh hữu" Nhật Bản luôn cho rằng, Nhật Bản là dân tộc ưu tú nhất, trước đây ông Shinzo Abe đã có một tác phẩm mang tên "Hướng đến một quốc gia xinh đẹp" đã thể hiện rõ tư tưởng này.

Trong thời kỳ Nhật Bản đứng đầu châu Á về thực lực kinh tế, lực lượng "cánh hữu" Nhật Bản rất xem nhẹ các nước khác ở châu Á. Sau khi bị Trung Quốc vượt qua về thực lực kinh tế, lực lượng "cánh hữu" Nhật Bản rất nhạy cảm, "ra sức hạ thấp nước khác để được an ủi".

Tạp chí "SAPIO" cùng một số tuần san, tạp chí khác của Nhật Bản thường đăng những bài bình luận so sánh cán cân sức mạnh quân sự Trung-Nhật và đều đưa ra kết luận là "Trung Quốc chắc chắn thất bại, Nhật Bản chắc chắn chiến thắng".

Những chính khách "cánh hữu" miệng nói "Trung Quốc là mối đe dọa", nhưng trong lòng chưa chắc thực sự thừa nhận Trung Quốc đã thực sự mạnh; miệng nói mối đe dọa, nhưng trong lòng xem thường - đây là biểu hiện tâm trạng phức tạp của lực lượng "cánh hữu" Nhật Bản.

Các chính khách "cánh hữu" Nhật Bản thường coi quan hệ Trung-Nhật là đối kháng thực lực. Trong quan điểm của họ thì Trung Quốc cũng làm như vậy. Khi Trung Quốc trỗi dậy, lớn mạnh thì chắc chắn đi theo con đường tương tự.

Báo Trung Quốc tiếp tục luôn miệng mà rằng, Nhật Bản đang khôi phục chủ nghĩa quân phiệt, "ếch ngồi đáy giềng mà có tham vọng lớn". Theo đó, bài báo võ đoán, nếu tiếp tục "đơn phương hành động" thì sẽ bị các nước khác ở khu vực Đông Á không có quan hệ tốt, con đường của Nhật Bản sẽ chỉ có thể ngày càng "chật hẹp".

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng