Báo TQ: Việt Nam có thể mua máy bay, radar, pháo tự hành, tàu hộ vệ Mỹ

12/10/2014 08:39
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ xuyên tạc cho rằng, Việt Nam mua vũ khí của Mỹ để đối phó với Hải quân TQ, có thể mua máy bay P-3 Orion, radar TPS-77, pháo M109A5, tàu hộ vệ lớp Perry.
Radar tầm xa TPS-77 Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Radar tầm xa TPS-77 Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Tờ "Tân Kinh báo" Trung Quốc ngày 12 tháng 10 dẫn lời báo chí Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ ngày 2 tháng 10 tuyên bố, phía Mỹ đang chuẩn bị dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã duy trì tới 30 năm để giúp Việt Nam "tăng cường an ninh hàng hải". Đây là lần đầu tiên Mỹ hủy bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam gần 40 năm qua.

Quan hệ ấm lên, lệnh cấm bán vũ khí ngày càng được dỡ bỏ

Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng John Kerry đã nói với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho phép vận chuyển thiết bị liên quan đến an ninh hàng hải và phòng thủ tới Việt Nam, nhưng không có thiết bị sát thương có thể dùng cho mục đích bảo vệ an ninh trong nước.

Cựu phi công hải quân, người từng bị bắt và cầm tù lâu dài trong Chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain bày tỏ hoan nghênh đối với việc Mỹ hủy bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Việt Nam. Truyền thông Anh đồng thời cho biết, John McCain kêu gọi Chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình trong nước.

Lệnh cấm vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam bắt đầu từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975. Năm 1984, Mỹ chính thức thông qua lệnh cấm, cấm tiêu thụ vũ khí cho Việt Nam, lý do là không hài lòng với vấn đề trong nước của Việt Nam.

Pháo tự hành M109A5 Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Pháo tự hành M109A5 Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Năm 1995, hai “cựu thù” Mỹ và Việt Nam khôi phục quan hệ ngoại giao. Năm 2007, trên cơ sở xử lý trường hợp cá biệt, Mỹ nới lỏng thương mại vũ khí trang bị không sát thương đối với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam từng yêu cầu chính quyền Obama hủy bỏ lệnh cấm thương mại vũ khí sát thương, được coi là bước đi quan trọng bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ-Việt.

Những năm gần đây, cùng với Mỹ quyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ-Việt không ngừng ấm lên. Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Việt Nam tuyên bố, sẽ cung cấp 5 tàu tuần tra nhanh không trang bị vũ khí cho Cảnh sát biển Việt Nam, trị giá 18 triệu USD.

Tìm cách bỏ lệnh cấm

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đang tích cực tìm cách để Mỹ hủy bỏ cấm vận vũ khí. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa phát biểu tại Hội châu Á (Asian Society) ở New York cho rằng, do Việt-Mỹ đã thực hiện bình thường hóa quan hệ gần 20 năm, hơn nữa hai nước đã thiết lập "quan hệ đối tác toàn diện" vào năm 2013, vẫn duy trì lệnh cấm tiêu thụ vũ khí đối với Việt Nam là "không bình thường". Ông cho biết, nếu Mỹ không bán vũ khí cho Việt Nam, Việt Nam vẫn có thể mua của nước khác.
Tàu hộ vệ nghỉ hưu Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Tàu hộ vệ nghỉ hưu Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Hãng tin AP cho rằng, Nga hiện là nước cung ứng vũ khí chủ yếu của Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã cấp kinh phí vài trăm triệu USD chế tạo tàu chiến, tăng cường khả năng phòng thủ biển.

Truyền thông Mỹ ngày 25 tháng 9 đưa tin, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, hiện nay là lúc để "kẻ thù cũ" - Mỹ hủy bỏ cấm vận vũ khí "không bình thường" đối với Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh nói: "Cấn vận vũ khí sát thương là không bình thường, cho nên chúng ta cần hủy bỏ cấm vận để quan hệ được bình thường hóa".

Nới lỏng lệnh cấm, Mỹ tính toán lợi ích an ninh tự thân

Quan chức Mỹ tiết lộ với báo chí, phía Mỹ lần này quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí, mặc dù có liên quan đến việc Chính phủ Việt Nam những năm gần đây cải thiện tình hình trong nước, nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Máy bay trinh sát P-3 Orion Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Máy bay trinh sát P-3 Orion Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với truyền thông Pháp rằng, Mỹ quyết định bán vũ khí cho Việt Nam hoàn toàn không phải là "bất ngờ có cảm hứng", mà là cân nhắc tới "nhu cầu cụ thể của khu vực này", bao gồm Việt Nam thiếu năng lực hành động ở khu vực tranh chấp và lợi ích an ninh quốc gia của bản thân Mỹ. Quan chức này cho rằng, tăng cường năng lực quân sự trên biển của nước đối tác có lợi cho Mỹ xử lý tranh chấp lãnh thổ khu vực Biển Đông.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong tương lai Mỹ sẽ lần lượt xem xét đề nghị mua vũ khí của Chính phủ Việt Nam, đồng thời duy trì phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ. Quan chức Mỹ tiết lộ, loại vũ khí xuất khẩu sẽ bao gồm tàu chiến và máy bay quân sự, chủ yếu dùng để trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Nguồn tin Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ có thể cuối cùng bán máy bay trinh sát P-3 Orion của hãng Lockheed Martin cho Việt Nam. Hiện nay, Quân đội Mỹ đang sử dụng máy bay tuần tra P-8A do hãng Boeing sản xuất, thay thế loại máy bay này.

Quân đội Việt Nam dựa vào nhập khẩu khó hình thành sức chiến đấu?

"Tân Kinh báo" Trung Quốc dẫn "truyền thông" cho rằng, Việt Nam từng có ý định áp dụng phương thức tự lực cánh sinh để tiến hành hiện đại hóa quân đội, nhưng bị hạn chế bởi các nhân tố như nền tảng công nghiệp yếu, trình độ khoa học công nghệ không cao, vũ khí công nghệ mũi nhọn chỉ có thể dựa vào nhập khẩu.

Tàu tên lửa do Việt Nam chế tạo (ảnh tư liệu)
Tàu tên lửa do Việt Nam chế tạo (ảnh tư liệu)

Đầu năm 2014, tàu chiến nội địa đầu tiên của Việt Nam chính thức biên chế, đi vào hoạt động. Tàu tuần tra này dài 54 m, cự ly hoạt động 2.500 hải lý, được đẩy bằng động cơ diesel, tốc độ 32 hải lý/giờ, trang bị pháo cỡ 76,2 mm và pháo 30 mm, tàu chiến này được chế tạo trong thời gian 2 năm dưới sự trợ giúp của chuyên gia Nga.

Nhưng, dựa vào nhập khẩu làm cho Quân đội Việt Nam khó hình thành hệ thống tác chiến. Mặc dù đã lần lượt nhập khẩu trang bị tiên tiến từ các nước như Nga, Czech, Ba Lan, nhưng trình độ tiên tiến không đồng đều, năng lực đối kháng hệ thống kém, hệ thống phòng thủ tồn tại sơ hở. Đồng thời, việc bảo trì vũ khí tiên tiến cũng là một vấn đề nan giải.

Nhập khẩu vũ khí trang bị cần có số tiền lớn, thiết bị đồng bộ, nhân viên được huấn luyện, có trang bị vũ khí. Hơn nữa, chu kỳ hình thành sức chiến đấu của vũ khí dài, chi phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa sẽ là một "thùng không đáy".

Bài báo phân tích cho rằng, Việt Nam mặc dù mua máy bay trinh sát P-3 Orion của Mỹ, chắc chắn cũng là hàng cũ, bởi vì máy bay mới không mua nổi. Việt Nam càng không thể mua được máy bay tuần tra P-8A Poseidon.

Báo TQ tự tin nói rằng: nhìn vào tình hình hiện nay, nếu Việt Nam nhập những trang bị tương đối cũ này, mục tiêu chắc chắn là nhằm vào tàu ngầm hoặc năng lực tác chiến dưới mặt biển của Trung Quốc. Bởi vì, nhìn vào cán cân Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc hiện nay, Hải quân Việt Nam hầu như "bỏ trống" trên phương diện năng lực tác chiến dưới mặt biển.

Tàu ngầm lớp Tống Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm lớp Tống Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Mỹ có thể bán vũ khí gì cho Việt Nam?

1. Máy bay trinh sát P-3 Orion

P-3 Orion là một loại máy bay tuần tra săn ngầm do công ty Lockheed Martin thiết kế theo yêu cầu của Hải quân Mỹ, chủ yếu dùng cho tiến hành nhiệm vụ săn ngầm, tuần tra và trinh sát trên biển. Năm 2001, nhân vật chính của sự kiện “va chạm Biển Đông” giữa Trung-Mỹ là máy bay trinh sát EP-3E, phiên bản cải tiến của máy bay trinh sát P-3 Orion.

Sau khi máy bay chở khách MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích, máy bay trinh sát P-3 của các nước Nhật Bản, Mỹ từng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

2. Radar tầm xa TPS-77

Báo chí Việt Nam cho biết, Mỹ có thể sẽ cung cấp radar tầm xa TPS-77 cho Việt Nam. Loại radar này thiết kế bằng trạng thái cố định 3D, có thể cảnh báo sớm tên lửa chiến thuật, cũng có thể cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, có thể hiển thị hình ảnh 3D trong khoảng cách 500 km, có thể tiến hành theo dõi liên tục mục tiêu máy bay trong phạm vi 460 km.

3. Pháo tự hành M109A5

Nhà sản xuất vũ khí Mỹ còn mong muốn được phép bán cho Việt Nam vũ khí trang bị tiên tiến mà ban đầu bị cấm: Pháo tự hành M109A5, tên lửa đất đối không kiểu vác vai, hệ thống dẫn đường GPS và máy bay tuần tra tốc độ cao. Trong đó, pháo tự hành M109A5 có thể bắn đạn tên lửa tăng tầm, tầm bắn tối đa có thể đạt 30 km.

Trung Quốc xây dựng đường băng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nguồn Tân Hoa xã TQ)
Trung Quốc xây dựng đường băng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nguồn Tân Hoa xã TQ)

4. Tàu hộ vệ nghỉ hưu lớp Perry

Năm tài khóa 2014, Hải quân Mỹ có kế hoạch cho nghỉ hưu 12 tàu chiến, trong đó có 7 tàu hộ vệ lớp Perry phục vụ trong thời kỳ chính quyền Carter.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 7 tàu hộ vệ này sẽ bán cho hải quân nước ngoài. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng có cơ hội.

Đông Bình