Báo TQ lu loa: "Phải cẩn thận với tên lửa chống hạm Nga của Việt Nam"

26/06/2014 07:21
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo tuyên truyền xuyên tạc rêu rao "mối đe dọa" từ Việt Nam và Nhật Bản và chỉ ra vũ khí trang bị phòng thủ của Trung Quốc, một động thái gây chú ý.
Tên lửa chống hạm Type 88 (SSM-1) của Nhật Bản đã triển khai ở đảo Miyako dùng để kiểm soát eo biển
Tên lửa chống hạm Type 88 (SSM-1) của Nhật Bản đã triển khai ở đảo Miyako dùng để kiểm soát eo biển

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 25 tháng 6 có bài viết cho rằng, Nhật Bản triển khai tên lửa chống hạm ở khu vực tây nam và đảo Miyako "uy hiếp" tuyến đường biển của chuỗi đảo thứ nhất, Việt Nam sử dụng hệ thống tác chiến Bastion mua của Nga để xây dựng trận địa tên lửa chống hạm ở ven bờ Biển Đông... 

Báo TQ tự huyễn hoặc cho rằng: Một loạt dấu hiệu mới nhất cho thấy, hạm đội hải quân Trung Quốc đang "đối mặt với mối đe dọa hỏa lực chống hạm bờ biển tiềm tàng" ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương.

Bài báo dẫn “nhiều phương tiện truyền thông Nhật Bản” cho biết, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã triển khai tên lửa chống hạm Type 88 tại đảo Miyako, Okinawa, cách đảo Senkaku 170 km, trong khi đó, tên lửa chống hạm Type 12 tiên tiến hơn sẽ triển khai ở khu vực Kyushu phía tây nam Nhật Bản.

Theo truyền thông Nhật, một loạt triển khai này không chỉ là để bảo vệ đảo Senkaku, mà còn có ý định “uy hiếp” hạm đội Trung Quốc. Báo Trung Quốc dẫn lời “nhà phân tích quốc phòng” nhắc nhở, cuộc "đọ sức" giữa Trung-Việt xung quanh giàn khoan 981 (hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) cũng "phải cẩn thận với tên lửa chống hạm của Việt Nam - do Nga chế tạo".

“Bụi gai bờ biển châu Á-Thái Bình Dương”

Báo Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc, không hề nghĩ đến những hành động của bản thân, nhìn đâu cũng thấy đối địch cho rằng, tên lửa chống hạm mặt đất vốn là vũ khí mang tính phòng ngự, nhưng hiện nay lại hầu như đầy "sát khí" ở trong tay Nhật Bản và Việt Nam.

Tên lửa chống hạm Type 12 Nhật Bản
Tên lửa chống hạm Type 12 Nhật Bản

Theo bài báo, tên lửa chống hạm mặt đất được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dùng để cô lập đảo Senkaku, phong tỏa tuyến đường ra vào chuỗi đảo thứ nhất. Tên lửa Type 88 triển khai ở đảo Miyako có thể tiến hành tấn công đối với tàu chiến "tuần tra" ở vùng biển đảo Senkaku hoặc tiến hành "cách ly" hỏa lực đối với tàu có ý đồ điều nhân viên đến đảo Senkaku, còn có thể tạo ra mối đe dọa cho hạm đội đi qua eo biển Miyako, tiến ra Tây Thái Bình Dương.

Báo Trung Quốc dẫn nhà phân tích quốc phòng cho rằng, một đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản từng nhiều lần ngụy trang xe phóng tên lửa chống hạm Type 88, xe dẫn đường radar, ẩn nấp trong rừng cây, trinh sát trên không thông thường khó phát hiện được, loại chiến thuật ngụy trang này cũng thích hợp cho tác chiến đảo.

Tên lửa chống hạm Type 12 mà Lực lượng Phòng vệ có kế hoạch triển khai ở tỉnh Kumamoto, là loại tên lửa tiên tiến hơn. Một tờ báo Anh cho rằng, tên lửa chống hạm Type 12 có tầm bắn xa hơn, đã áp dụng công nghệ dẫn đường GPS, tính năng tổng thể vượt xa Type 88.

Còn tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho rằng, Lực lượng Phòng vệ có kế hoạch tiến hành phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không, sử dụng máy bay săn ngầm P-3C và tàu hộ vệ cung cấp tọa độ "tàu địch", dẫn đường cho tên lửa chống hạm mặt đất tiến hành tấn công, đồng thời do máy bay cảnh báo sớm E-2C cung cấp truyền dữ liệu để hỗ trợ.

Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối ham Type 88 ở căn cứ Naha, Okinawa vào ngày 11 tháng 11 năm 2013
Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối ham Type 88 ở căn cứ Naha, Okinawa vào ngày 11 tháng 11 năm 2013

Theo bài báo, thống nhất sức mạnh của 3 "quân chủng" Lực lượng Phòng vệ Mặt đất-Biển-Trên không là để nâng cao khả năng ứng phó với tàu chiến hải quân Trung Quốc.

Theo báo Trung Quốc, tên lửa chống hạm mặt đất do Nga chế tạo lại là "thẻ bài" của Việt Nam ở Biển Đông. Báo TQ cho rằng, Việt Nam đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển kiểu cơ động Bastion của Nga, không rõ số lượng. Hệ thống này gồm 4 xe phóng, 1 xe chỉ huy tác chiến, 1 xe bảo đảm hậu cần và 4 xe vận chuyển-nhồi tên lửa.

Hệ thống Bastion phóng tên lửa Yakhont của Việt Nam
Hệ thống Bastion phóng tên lửa Yakhont của Việt Nam

Theo bài báo, trong toàn bộ hệ thống Bastion, xe phóng có 2 ống phóng tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont dài 8,9 m là "đơn vị hỏa lực" chính. Một khi cần đưa vào chiến đấu, hệ thống Bastion có thể hoàn thành triển khai trong vòng 5 phút, đồng thời luôn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong 3 - 5 ngày.

Sử dụng hệ thống Bastion phóng tên lửa Yakhont có 2 loại mô hình có thể lựa chọn: Khi lựa chọn mô hình bay thấp, độ cao bay của tên lửa chỉ là 9 - 15 m, tầm bắn 120 km; còn khi lựa chọn mô hình bay hỗn hợp, tên lửa trước tiên bay ở độ cao 14.000 m, sau khi tiếp cận mục tiêu sẽ tiếp tục giảm độ cao xuống 9 - 15 m, đồng thời mở radar dẫn đường chủ động phát động tấn công đối với mục tiêu, loại mô hình bay phối hợp cao-thấp này có thể đưa tầm bắn tên lửa tăng lên 300 km. Nếu Việt Nam triển khai Bastion ở một số hòn đảo trên Biển Đông thì chắc chắn sẽ có khả năng "uy hiếp" đối với tàu chiến hải quân Trung Quốc "tuần tra, cảnh giới" (hoạt động trái phép) ở vùng biển xung quanh.

Trung Quốc trang bị tàu khu trục Type 052C gồm tàu Lan Châu số hiệu 170 và tàu Hải Khẩu số hiệu 171 cho Hạm đội Nam Hải, triển khai trên Biển Đông
Trung Quốc trang bị tàu khu trục Type 052C gồm tàu Lan Châu số hiệu 170 và tàu Hải Khẩu số hiệu 171 cho Hạm đội Nam Hải, triển khai trên Biển Đông

Báo Trung Quốc đề xuất, đối với tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông (Trung Quốc thấy của cải người khác liền đòi ăn cướp), cùng với việc tăng cường "lực lượng tuần tra (tất nhiên là phi pháp), cảnh giới", hải quân Trung Quốc "cần tập trung vào tàu chiến và máy bay của đối thủ, cần cảnh giác hơn với động thái triển khai và điều động tên lửa chống hạm" của Nhật Bản và Việt Nam.

Kỳ tới: Báo TQ quân sư cho Bắc Kinh cách đối phó với Việt Nam

Đông Bình