Báo TQ "nổ tung trời" về siêu vũ khí laser Thần Quang 3

07/11/2014 09:19
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết được cho là dẫn từ báo Nga nói rằng Trung Quốc đã đứng vào hàng ngũ tiên tiến thế giới về nghiên cứu phát triển vũ khí laser tiên tiến, đe dọa Mỹ.
Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Báo mạng TQ "dẫn" tin từ Đài tiếng nói nước Nga cho biết, Trung Quốc đã lựa chọn một phương hướng cập nhật trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển vũ khí nhằm vào máy bay không người lái - chuyên gia quân sự Nga, phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị, Sivkov đã đưa ra đánh giá như vậy khi bình luận về việc Trung Quốc dùng laser bắn rơi máy bay không người lái cỡ nhỏ cách đây không lâu (thực tế là sự kiện này). Chuyên gia này còn cho rằng, loại vũ khí này có giá thành thấp, tỷ lệ bắn trúng cao, rất có triển vọng phát triển.

Các cuộc thử nghiệm sử dụng laser bắn rơi tên lửa đạn đạo, phá huỷ xe tăng hoặc các vũ khí khác chưa trải qua được thử thách về công nghệ. Chẳng hạn, Mỹ đã từ bỏ kế hoạch nghiên cứu phát triển vũ khí laser dùng để bắn rơi tên lửa hành trình. Hơn nữa, chuyên gia Sivkov cho rằng, để bắn rơi máy bay không người lái cỡ nhỏ, laser đã rất thích hợp.

Ông nói: "Phương hướng này có lẽ sẽ rất thành công. Để bắn rơi máy bay cỡ nhỏ, sử dụng tên lửa bắn cao và đại pháo căn bản không được, giá thành rất cao. Hơn nữa, hiện nay đang nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái có kích cỡ như bọ cánh cứng, dùng tên lửa hoặc đại pháo để bắn rơi nó càng không có hiệu quả. Nhưng, sử dụng hệ thống laser bắn rơi mục tiêu trong vòng 2 km thì hoàn toàn có thể. Hơn nữa, máy bay không người lái tương đối ít được bảo vệ trước laser. Huống hồ, vũ khí laser giá rẻ".

Trung Quốc hy vọng sử dụng loại vũ khí kiểu mới này để bảo đảm an ninh cho rất nhiều hoạt động. Người phụ trách chương trình này, giám đốc Công ty trang bị công nghệ cao, Viện 9 thuộc Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật Trung Quốc, ông Dịch Kình Tùng cho rằng, máy bay không người lái cỡ nhỏ có khả năng trở thành sự lựa chọn của các phần tử khủng bố.

Vũ khí laser của Trung Quốc tiêu diệt máy bay không người lái (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Vũ khí laser của Trung Quốc tiêu diệt máy bay không người lái (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Tuy nhiên, mối đe dọa trên không đến từ các phần tử khủng bố từng bước gia tăng hoàn toàn không phải là nguyên nhân duy nhất thúc đẩy Trung Quốc nghiên cứu phát triển vũ khí laser. Điều càng làm cho Trung Quốc bất an hơn là nước khác tận dụng máy bay không người lái để “đo vẽ bản đồ phi pháp”. Chuyên gia Sivkov cho rằng, đây là một trong những mục đích tiềm tàng xâm nhập không phận Trung Quốc tiến hành trinh sát/do thám của kẻ thù.

Sivkov nói: “Tiến hành đo vẽ chính xác để bảo đảm cho các hành động tác chiến thành công là một công tác chuẩn bị quan trọng trước khi tác chiến. Không có đủ thông tin bản đồ chính xác thì không thể tiến hành chiến đấu thực sự, không thể bảo đảm tiến hành chỉ huy có hiệu quả đối với quân đội. Nếu có thông tin chi tiết trên phương diện này, thì hiệu suất tác chiến của quân đội sẽ nâng cao rất lớn”.

Hệ thống laser mà Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm đánh chặn chính xác nhiều loại máy bay cỡ nhỏ trong bán kính 2 km với thời gian 5 giây, điều kiện là độ cao bay của chúng dưới 500 m, tốc độ bay dưới 50 m/giây. Theo tiết lộ của nguồn tin từ Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật Trung Quốc, hiện nay đang bắt tay nghiên cứu phát triển vũ khí laser có công suất cao hơn, bán kính đánh chặn lớn hơn.

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 2 vụ thử nghiệm dùng vũ khí laser bắn rơi vệ tinh. Rõ ràng, việc nghiên cứu phát triển vũ khí laser sẽ trở thành một trong những phương hướng chủ yếu hoàn thiện và nâng cấp vũ khí của Quân đội Trung Quốc. Trung Quốc liên tiếp thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh từng gây ra bất an cho cấp cao Mỹ, phải biết rằng, hệ thống an ninh của Mỹ hoàn toàn do vũ trụ bảo đảm. Hiện nay, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công vũ khí có thể bắn rơi máy bay cỡ nhỏ mà người Mỹ quen dùng.

Mỹ và Nhật đều đã có năng lực vũ khí laser nhất định

Vũ khí laser chống vệ tinh là một loại vũ khí laser chiến lược tầm xa, có thể trang bị cho lực lượng mặt đất, cũng có thể trang bị cho máy bay chiến đấu, vệ tinh chiến đấu, sử dụng năng lượng “trong nháy mắt” của laser, phá hủy vệ tinh quân dụng trong vũ trụ.

Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Chùm laser được vũ khí laser chống vệ tinh bắn ra có cường độ bức xạ mạnh, có thể tập trung cao độ năng lượng, có tác dụng phá hoại, sát thương trong không gian và thời gian. Tác dụng sát thương chính của nó là hiệu ứng nóng, tức là sử dụng nhiệt độ cao để đốt cháy hoặc làm trọng thương vệ tinh quân dụng trên vũ trụ. Chùm laser cũng có hiệu ứng tác động nhất định, làm cho linh kiện của vệ tinh bị tổn hại hoặc lệch khỏi quỹ đạo.

Ngày 17 tháng 10 năm 1997, Mỹ dùng thiết bị bắn laser hóa học mặt đất bắn chùm laser tới vệ tinh khí tượng quân dụng báo hỏng của Mỹ, thời gian chiếu xạ là 10 giây, đã bắn trúng mục tiêu. Ngày 20 tháng 10, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố dùng laser bắn vệ tinh đạt được thành công, điều này cho thấy vũ khí laser chống vệ tinh trở thành sát thủ mới của vệ tinh quân dụng.

Mỹ còn nghiên cứu chế tạo một loại hệ thống laser trên máy bay, gồm một chiếc Boeing-747 cải tiến mang theo laser lực mạnh và thiết bị ngắm trúng laser, nó có thể phá hủy tên lửa bay tới trong vòng 10 - 20 giây, cũng có thể tiêu diệt vệ tinh quỹ đạo thấp.

Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, Nhật Bản đã khởi động một chương trình công nghệ tiên tiến có thể vận dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong đó có vũ khí laser chống vệ tinh. Đầu tư của Nhật Bản trong chương trình vũ khí laser lớn hơn bất cứ nước nào, hơn 4.000 nhà khoa học, kỹ sư  và 6 cơ quan nghiên cứu, khu thử nghiệm đều đã đưa vào nghiên cứu phát triển chương trình này.

Căn cứ vào tiến trình hiện nay, hệ thống phòng thủ laser mặt đất của Nhật Bản sẽ triển khai sau năm 2010. Nếu công nghệ được chứng minh khả thi, thì Nhật Bản còn có kế hoạch triển khai vũ khí phòng thủ laser vũ trụ. Những hệ thống này đều có thể dùng để tấn công vệ tinh của đối phương.

Lịch sử nghiên cứu chế tạo vũ khí laser của Trung Quốc

Trung Quốc có 3 chương trình công nghệ cao quân sự lớn, chương trình thứ nhất chính là công nghệ phản ứng nhiệt hạch hạn chế quán tính laser. Chương trình này chủ yếu thông qua phương thức phản ứng nhiệt hạch hạn chế quán tính để tạo được loạt tia laser công suất cao, từ đó cuối cùng có được chùm laser năng lượng cao bắn định hướng.

Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Vũ khí laser của Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Điểm khác với loạt laser thông thường, loại loạt laser mới này đã sử dụng máy sinh laser trạng thái rắn cỡ nhỏ thế hệ mới, chứ không phải máy sinh laser hóa học cỡ lớn thông thường. Chương trình này về quân sự sẽ có triển vọng ứng dụng rất rộng lớn. Về công nghệ này, Quân đội Mỹ đã phát triển được công nghệ laser năng lượng cao dùng để phòng thủ tên lửa và chống vệ tinh.

Trung Quốc đã nghiên cứu lĩnh vực này liên tục nhiều năm, trước sau đã nghiên cứu chế tạo ra trang bị tạo laser mạnh trạng thái rắn cỡ lớn là Thần Quang-1, Thần Quang-2. Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật Trung Quốc còn hoàn thành xây dựng công trình hạ tầng của Trung tâm nghiên cứu laser công suất cao Thần Quang-3 ở Miên Dương. Việc hoàn thành xây dựng chương trình này sẽ có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với việc đẩy nhanh phát triển vũ khí nhiệt hạch thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, thúc đẩy phát triển vũ khí laser mạnh của Trung Quốc.

Việc nghiên cứu máy laser của Trung Quốc bắt đầu vào thập niên 60. Tháng 12 năm 1963, khi lắng nghe Phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật quốc gia Niếp Vinh Trăn báo cáo quy hoạch khoa học kỹ thuật 10 năm, ông Mao Trạch Đông cho rằng: "Laser, cần tổ chức một nhóm người chuyên nghiên cứu nó". Sau đó, dưới sự dẫn dắt của Tiền Học Sâm, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu pháo laser.

Năm 1964, Viện nghiên cứu máy móc chính xác quang học Thượng Hải, Viện Khoa học Trung Quốc thành lập. Năm 1964, Trung Quốc khởi động hệ thống laser thủy tinh neodymium năng lượng cao "6403" (là "hạng mục 3" trong công trình 640), đã xây dựng hệ thống laser cỡ lớn, năng lượng phát ra tối đa đạt 320.000 Jun; đã tiến hành thử nghiệm bắn bia thành công, bắn thủng bia nhôm 80 mm trong phòng 10 m, bắn xuyên bia nhôm 0,2 mm trong khoảng cách 2 km ở ngoài trời, đồng thời đã nghiên cứu có hệ thống hiệu ứng sinh học bức xạ laser mạnh và cơ chế phá hoại vật liệt; cuối cùng về công nghệ, xác định hiệu ứng nhiệt là trở ngại công nghệ mang tính căn bản. Chương trình này tuy chấm dứt vào năm 1976, nhưng đã giúp Trung Quốc đạt trình độ mới về nghiên cứu công nghệ laser.

Mùa hè năm 1986, tướng Trung Quốc là Trương Ái Bình viết lời tựa “Thần Quang” cho thiết bị thử nghiệm Laser 12. Do đó, thiết bị này chính thức đặt tên là Thần Quang-1.

Năm 1993, Chương trình 863 quốc gia đã xác lập chủ đề phản ứng nhiệt hạch hạn chế quán tính, đã tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch hạn chế quán tính và phát triển công nghệ laser công suất cao. Năm 1994, Thần Quang-1 cho dừng hoạt động, Thần Quang-1 liên tục hoạt động 8 năm, đã đạt được một loạt thành quả nghiên cứu khoa học mà báo TQ cho là "trình độ hàng đầu quốc tế" trong các lĩnh vực dẫn trước như phản ứng nhiệt hạch hạt nhân hạn chế quán tính laser và laser tia X. Ngày 18 tháng 5 năm 1994, thiết bị Thần Quang-2 được lập chương trình, công trình chính thức khởi động, quy mô mở rộng gấp 4 lần so với thiết bị Thần Quang-1.

Vũ khí laser năng lượng cao của Quân đội Mỹ tiêu diệt đạn tên lửa (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Vũ khí laser năng lượng cao của Quân đội Mỹ tiêu diệt đạn tên lửa (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Năm 1995, phản ứng nhiệt hạch hạt nhân hạn chế quán tính laser được lập dự án trong Chương trình 863, các nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy laser khổng lồ xuyên thế kỷ - thiết bị Thần Quang-3, có kế hoạch chế tạo xong thiết bị laser cấp 100.000 Jun.

Tàu 891 Trung Quốc có thể lắp pháo laser

Chính như thuốc nổ, đại bác, máy bay, đạn tên lửa và vũ khí hạt nhân đã làm thay đổi phương hướng chiến tranh của các thời đại, vũ khí thế hệ mới thuộc giai đoạn nghiên cứu phát triển, thiết kế sẽ tiếp tục làm thay đổi hình thức của chiến tranh, ở đây bao gồm vũ khí laser. Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đều đang nghiên cứu vũ khí laser.

Vũ khí laser là một loại vũ khí khái niệm mới, có các tính năng ưu việt như tốc độ nhanh, linh hoạt, chính xác, chống gây nhiễu điện từ, loại vũ khí này ngày càng được coi trọng. Do vai trò và địa vị quan trọng của vũ khí laser, Mỹ, Nga, Israel và một số nước phát triển khác đều đã đầu tư nguồn vốn khổng lồ, đưa ra các kế hoạch to lớn, đã tổ chức ra đội ngũ khoa học công nghệ lớn, phát triển vũ khí laser.

Không quân Mỹ có một “Bộ chỉ huy năng lượng định hướng”, chủ yếu phụ trách sử dụng các công nghệ như tia gamma, tia laser, viba (sóng cực ngắn) và sóng điện từ để nghiên cứu vũ khí. Hải quân Mỹ có chương trình “trình diễn laser hàng hải”, nhằm tìm cách chế tạo được pháo laser tàu chiến trước năm 2014.

Vũ khí laser của Trung Quốc lần đầu tiên được phương tiện truyền thông Mỹ để ý đến là vào năm 2007, khi đó, tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho rằng, trong mấy năm qua, Trung Quốc từng nhiều lần sử dụng vũ khí laser tính năng cao, khi vệ tinh gián điệp Mỹ bay gần vùng trời Trung Quốc trinh sát/do thám, “từ mặt đất tiến hành gây nhiễu mang tính tấn công, làm rối loạn hoạt động bình thường của vệ tinh”.

Bài báo còn cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận thông tin này, cho rằng, có một quan chức Bộ Quốc phòng giấu tên cho biết: “Tài liệu từ các nguồn khác nhau cho thấy, những năm gần đây, Quân đội Trung Quốc đầu tư rất nhiều nguồn lực cho phát triển vũ khí chống vệ tinh, năng lực của họ đã tăng mạnh.

Hình dung vũ khí laser trên máy bay Mỹ tấn công mục tiêu mặt đất (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Hình dung vũ khí laser trên máy bay Mỹ tấn công mục tiêu mặt đất (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã hoàn thiện công nghệ chống vệ tinh laser, lo ngại vệ tinh của họ bị tấn công. Không quân Mỹ nói thẳng rằng, từ sau khi Trung Quốc tiến hành “thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh”, mối lo ngại của Mỹ đối với an toàn vệ tinh quân dụng của họ ngày càng tăng lên.

Có quan chức Mỹ tiết lộ, xét tới Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng trong xử lý vấn đề CHDCND Triều Tiên và Iran, Lầu Năm Góc đã “nói năng thận trọng” về các nỗ lực dùng laser “làm mù” vệ tinh gián điệp Mỹ của Trung Quốc, đến mức trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc mới nhất cũng không có chữ nào đề cập đến vấn đề Trung Quốc sử dụng laser đối phó vệ tinh gián điệp của Mỹ.

Nhà Trắng chỉ thị Lầu Năm Góc phải có “giới hạn” đối với vấn đề này. “Giới hạn” này chính là chỉ, việc thảo luận năng lực laser của Trung Quốc chỉ tiến hành trong nội bộ Quân đội Mỹ, thông tin tình báo về việc vũ khí laser của Trung Quốc từng vài lần “làm mù” vệ tinh gián điệp Mỹ tuyệt đối không cho phép tiết lộ ra bên ngoài (phần lớn vệ tinh bị tấn công cơ bản là báo hỏng) để tránh gây ra hoang mang không cần thiết.

Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho rằng, Trung Quốc không chỉ có năng lực "làm mù" vệ tinh gián điệp của Mỹ, thậm chí cũng đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm. Hiện nay còn chưa rõ Trung Quốc khi nào lại tiến hành thử nghiệm này, nhưng các nguồn tin xác nhận, những năm gần đây, Trung Quốc vài lần thử nghiệm laser "làm mù" vệ tinh. Để tránh gây ra cảnh giác cho Mỹ, Trung Quốc dùng vệ tinh của họ hoặc thiên thể khác làm đối tượng thử nghiệm, để kiểm nghiệm năng lực vũ khí laser của Trung Quốc.

Có tin tức cho biết, tháng 9 năm 2009, tại một căn cứ bí mật ở tây bắc Trung Quốc, Trung Quốc dùng pháo laser trạng thái rắn năng lượng cao bắn trúng đạn tên lửa tấn công, trải qua 0,075 giây chiếu xạ năng lượng cao liên tục, làm cho đạn tên lửa bị nổ và tự hủy khi đang bay. Đồng thời, đơn vị quang học quốc phòng Trung Quốc đang gia tăng khắc phục khó khăn, cấy ghép công nghệ pháo laser cho tàu thử nghiệm 891. Tranh thủ đạt đột phá công nghệ quan trọng trước năm 2014, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị cần thiết để sản xuất hàng loạt vũ khí laser chiến thuật.

Vì thế, các kỹ sư của vài doanh nghiệp viện nghiên cứu công nghiệp quân sự-quốc phòng, trong đó có Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật Trung Quốc (CAEP), Viện nghiên cứu máy móc chính xác quang học Thượng Hải đã hoàn thành thử nghiệm đối với bộ phận nguyên mẫu hệ thống "pháo laser tàu chiến". Thể tích của toàn bộ thiết bị thử nghiệm (thiết bị sản xuất điện lực mạch xung năng lượng cao, thiết bị kích thích laser, thiết bị điều khiển hỏa lực - ngắm chuẩn) tương tự một chiếc xe tải nhỏ, loại vũ khí laser năng lượng cao này thích hợp cho trang bị trên tàu chiến cỡ lớn.

Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công vũ khí laser trang bị cho tàu chiến ở Thái Bình Dương (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công vũ khí laser trang bị cho tàu chiến ở Thái Bình Dương (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Hiện nay, Bắc Kinh, Thượng Hải, Miên Dương, An Huy đã căn cứ vào nhu cầu của Tổng bộ Trang bị, bắt đầu tiến hành nghiên cứu trong giai đoạn tiến hành phát triển công trình cao cấp trang bị pháo laser phòng không và tàu chiến, có kế hoạch xây dựng được năng lực sản xuất hàng loạt ban đầu vào khoảng năm 2015.

Thần Quang-3 đứng đầu thế giới, thứ nhất châu Á?

Trong nghiên cứu vũ khí laser, Mỹ đương nhiên đứng ở vị trí dẫn trước thế giới. Theo tạp chí "Popular Science" Mỹ gần đây, cùng với việc hải quân tập trung nghiên cứu chế tạo vũ khí laser tàu chiến, không quân cũng không lơi lỏng. Thực hiện thu nhỏ vũ khí laser và đạt tiêu chuẩn trang bị cho máy bay chiến đấu phản lực, đây là một thử nghiệm chưa từng có. Lầu Năm Góc có kế hoạch tiến hành bắn thử mặt đất vũ khí này vào năm 2014, mục tiêu là bắn rơi tên lửa không đối không hoặc tên lửa đất đối không "địch" đe dọa máy bay chiến đấu Quân đội Mỹ.

Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch cho vũ khí laser máy bay chiến đấu tương lai của Không quân, có chuyên gia phân tích cho rằng, một nhân tố quan trọng thúc đẩy Không quân Mỹ nhanh chóng đưa ra chương trình "vũ khí laser máy bay chiến đấu" trong thời gian ngắn là hệ thống vũ khí laser trên máy bay phòng thủ tên lửa (ABL) bị bỏ dở, tạm dừng do Mỹ cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự. Nhưng, việc khởi đầu của vũ khí laser Không quân mới, có nghĩa là, những nỗ lực hướng tới vũ khí laser của Không quân Mỹ hoàn toàn không chấm dứt.

Tạp chí "Popular Science" tiết lộ, những vũ khí laser này chỉ là một phần của "hệ thống phòng thủ khu vực laser trạng thái rắn năng lượng cao" do Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách. Hệ thống này sẽ chủ yếu tập trung vào bắn rơi tên lửa đẩy, tên lửa đất đối không, tên lửa hạm đối không của địch hoặc vũ khí tạo ra mối đe dọa cho máy bay Mỹ khác, kế hoạch thử nghiệm mặt đất được tiến hành trong năm 2014. Có điều, những vũ khí laser này cũng có thể đóng vai trò của vũ khí tấn công, máy bay chiến đấu Quân đội Mỹ có thể dựa vào loại chùm laser này tiến hành tấn công chính xác đối với rất nhiều mục tiêu mặt đất.

Mỹ muốn triển khai pháo laser ở vùng Vịnh (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Mỹ muốn triển khai pháo laser ở vùng Vịnh (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Thực lực vũ khí laser của Trung Quốc rốt cuộc như thế nào? Căn cứ vào thông tin trên báo chí nhà nước Trung Quốc, trong điều kiện vật lý cùng cực sinh ra từ thử nghiệm, Thần Quang-2 có thể dùng để thử nghiệm khoa học, năng lượng to lớn mà nó phóng ra có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng công nghệ cao và đưa ra công nghệ mới bảo đảm an ninh quốc gia.

Triển vọng tương lai của loại máy laser này cũng rất thu hút. Có chuyên gia cho biết, phản ứng nhiệt hạch hạt nhân là nguồn hy vọng của năng lượng sạch tương lai, dự đoán đến giữa thế kỷ này, các nhà khoa học có thể sử dụng công nghệ phản ứng nhiệt hạch laser, chuyển hóa chất đồng vị đê-u-tri-um, tri-ti-um phong phú trong nước biển thành năng lượng to lớn và vô tận.

Có nguồn tin khác cho biết, tốc độ tấn công của pháo laser nhanh, tầm bắn xa, hỏa lực đổi vị trí nhanh, chi phí mỗi lần bắn thấp, là vũ khí lý tưởng để Quân đội Trung Quốc thực hiện đánh chặn mọi phương hướng, siêu thấp, có hiệu quả hơn so với tên lửa phòng không. Sự ra đời của Thần Quang-2 đánh dấu Trung Quốc đã bước vào hàng ngũ tiên tiến thế giới về nghiên cứu khoa học laser công suất cao và nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch hạt nhân laser. Hiện nay, chỉ có số ít quốc gia như Mỹ, Nhật Bản có thể chế tạo máy laser to lớn tinh vi như thế. Tính năng công nghệ tổng thể của Thần Quang-2 đã đứng ở top 5 thế giới.

Là công trình khoa học lớn lĩnh vực phản ứng nhiệt hạch hạn chế quán tính laser của Trung Quốc, nhân viên nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu Thần Quang-3 từ thập niên 90 của thế kỷ trước, thiết bị nguyên mẫu Thần Quang-3 ra đời năm 2003, năm 2006 đưa vào vận hành, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có năng lực độc lập nghiên cứu chế tạo máy điều khiển laser công suất cao thế hệ mới. Thần Quang-3 có thể thực hiện phát ra năng lượng laser 10.000 Jun trong 10-9 giây.

Súng laser tác chiến đặc biệt của Quân đội Trung Quốc (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Súng laser tác chiến đặc biệt của Quân đội Trung Quốc (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Được biết, thiết bị laser Thần Quang-3 đang xây dựng là một máy phát laser thể rắn công suất cao lớn phát ra 48 chùm, năng lượng laser THG đạt 60kJ/1ns và 180kJ/3ns, quy mô tổng thể và tính năng tổng hợp của nó sau khi chế tạo xong sẽ lớn hơn thiết bị NOVA và OMEGA của Mỹ, đứng vị trí thứ ba thế giới, thứ nhất châu Á, đưa Trung Quốc đứng vào hàng ngũ tiên tiến thế giới trong lĩnh vực này. Là một thiết bị thí nghiệm khoa học cỡ lớn siêu chính xác, chương trình chế tạo thiết bị laser Thần Quang-3 đã tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến ngành nghề, là thể hiện cụ thể của sức mạnh quốc gia tổng hợp không ngừng tăng lên của Trung Quốc.

Andrew Clevinci, "Trung tâm bình luận chiến lược và ngân sách" Washington cho rằng: "Để ngăn chặn rủi ro từ việc Quân đội Mỹ đồn trú ở khu vực Đông Á, Trung Quốc xây dựng một loạt năng lực quân sự được cho là át chủ bài, trong đó đã bao gồm vũ khí laser". Vì vậy, trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ có năng lực nghiên cứu chế tạo và phát triển loại vũ khí này, Trung Quốc trong tương lai sẽ tập trung nghiên cứu phát triển vũ khí laser có thể tiêu diệt tàu chiến và xe tăng, chứ không phải cạnh tranh chế tạo tàu chiến và xe tăng.

Thế kỷ 21 còn là thiên hạ của tàu sân bay? Rất nhiều chuyên gia quân sự hoàn toàn không cho là như vậy. Trong con mắt của họ, bất cứ tàu chiến nào nếu bị vũ khí laser bắn trúng đều sẽ bị tiêu diệt. Vũ khí laser của Hải quân Mỹ có thể sử dụng máy laser vũ trụ mới có độ chính xác cao, tiêu diệt tên lửa hành trình trong thời gian vài giây. Không quân Mỹ cũng sắp trang bị vũ khí laser công suất lớn kiểu phòng thủ cho máy bay ném bom tàng hình mới của họ, có thể suy đoán, vũ khí laser của loại máy bay ném bom này sẽ dùng để "treo cổ" tên lửa và máy bay địch.

Hệ thống laser Thần Quang của Trung Quốc (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Hệ thống laser Thần Quang của Trung Quốc (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Đông Bình