Báo TQ xuyên tạc khi CTN Trương Tấn Sang gửi điện mừng QK Mỹ

13/07/2014 09:09
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ xuyên tạc một hoạt động ngoại giao bình thường được tiến hành thường xuyên của Việt Nam là có ý “nịnh bợ” rõ ràng.
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp chuyện ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, nhấn mạnh: Lập trường chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và Biển Đông sẽ không thay đổi và không thể thay đổi (ảnh tư liệu).
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp chuyện ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, nhấn mạnh: Lập trường chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và Biển Đông sẽ không thay đổi và không thể thay đổi (ảnh tư liệu).

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 11 tháng 7 đăng bài viết thể hiện cái mà báo này gọi là "mối lo ngại rất lớn" trước cuộc đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ, hiệu quả của Đảng, Chính phủ... Việt Nam trước các hành động gây hấn, xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Báo GDVN xin trích dẫn, đăng lại một số nội dung để độc giả tham khảo, hiểu rõ bản chất truyền thông TQ.

Bài viết cho rằng, "Chính phủ Việt Nam huy động các lực lượng, lên tiếng phản đối Trung Quốc, xây dựng quyết tâm kiên định đoàn kết thống nhất trong nước, cùng đối phó Trung Quốc, buộc Trung Quốc nhượng bộ" (thực chất là Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam).

Ngày 1 tháng 7, khi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói: “Rất nhiều người hỏi tôi, nếu xảy ra chiến tranh thì làm thế nào. Chúng ta cần làm tốt chuẩn bị cho mọi khả năng”. 

Sau đó, Việt Nam còn tích cực tuyên truyền sự kiện ngư dân bị (Trung Quốc) bắt giữ, “tiếp tục đẩy tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Trung-Việt lên cao trào” (thực chất là kiên quyết đấu tranh với hành vi xâm lược biển đảo Việt Nam ngày càng trắng trợn, mang tính khủng bố của Trung Quốc). Thái độ cứng rắn “chống Trung Quốc” của Việt Nam ngày càng rõ ràng.

Hơn nữa, nhìn vào các thông tin gần đây trên báo “Nhân Dân” của Việt Nam, cấp cao Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc tiếp tục “chống Trung Quốc”. Dưới sự chỉ đạo của đồng thuận này, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp trên 2 cấp độ, đặt nền tảng vững chắc cho đối đầu lâu dài với Trung Quốc.

Đối nội: Cấp cao đồng thuận đáp trả cứng rắn với Trung Quốc

Hoàn Cầu thời báo cho rằng: Nhìn vào phạm vi nội bộ Việt Nam, lãnh đạo Đảng và cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đạt được quan điểm thống nhất về việc tiếp tục đối phó cứng rắn với Trung Quốc. Ngày 18 tháng 6, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao, ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam, đã được Tổng bí thư, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Việt Nam tiếp chuyện.

Khi tiếp ông Dương Khiết Trì, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, lập trường chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và Biển Đông “sẽ không thay đổi và không thể thay đổi”.

Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Dương Khiết Trì, tuyên bố, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không của khu vực, gây bất mãn và tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ hợp tác hai Đảng, hai nước.

Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền liên quan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, cùng triển khai đàm phán thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và đồng thuận của cấp cao hai nước để giải quyết tranh chấp và bất đồng. 

Đồng thời, Thủ tướng còn yêu cầu hai bên cùng quản lý, kiểm soát tình hình, tránh xảy ra xung đột, tiếp tục duy trì hoạt động tham vấn, đàm phán liên quan để giải quyết tranh chấp và bất đồng hiện nay. Việt Nam kiên quyết thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.

Theo bài báo, nhìn vào phát biểu, thái độ của các quan chức cấp cao Việt Nam, “Việt Nam căn bản không muốn thực hiện chính sách nhượng bộ, làm dịu xu hướng gay gắt của tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Trung-Việt” (Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam). 

Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến “quần đảo Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trên thực tế là Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam) là nguồn gốc khiến cho quan hệ Trung-Việt xấu đi.

Báo TQ cố tình xuyên tạc, không hổ thẹn khi không nhắc đến những hành động vô nhân đạo, mạnh động, nguy hiểm của tàu bè nước này trên thực địa nói rằng: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn ra sức nhấn mạnh sự ảnh hưởng nghiêm trọng của sự kiện giàn khoan đối với quan hệ cấp độ Nhà nước và Đảng giữa Trung-Việt, toàn bộ trách nhiệm làm cho quan hệ Trung-Việt xấu đi thuộc về Trung Quốc".

Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này.

Theo báo của TQ: Trên cơ sở cấp cao Đảng, Chính phủ Việt Nam đều đạt được đồng thuận, ở trong nước Chính phủ Việt Nam tiến hành “chiến tranh dư luận”, xây dựng bầu không khí yêu nước đoàn kết quân dân, cùng chống lại Trung Quốc. Cuộc chiến dư luận được phân thành 2 cấp độ, một cấp là công bố rất nhiều thông tin phê phán Trung Quốc bắt giữ vô lý ngư dân Việt Nam (tất cả đều có căn cứ, bằng chứng thể hiện rõ bản chất, thái độ và hành động vô nhân đạo của TQ đối với ngư dân Việt Nam khi họ đang hành nghề trên chính vùng biển có chủ quyền của nước mình -PV) ở quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc điều tàu chiến đâm va tàu cá Việt Nam.

Ngày 4 tháng 7 cho biết, ngày 3 tháng 7, tàu này và một tàu cá khác khi đánh  bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị nhiều tàu trong đó có tàu ngư chính của Trung Quốc bao vây và truy đuổi. Tàu Trung Quốc sau đó đã bắt giữ tàu cá này của Việt Nam, bắt 6 ngư dân trên tàu và đưa tàu cá về Trung Quốc.

Một tàu cá khác của Việt Nam đã thoát được vòng vây của tàu TQ, sau đó sử dụng hệ thống liên lạc thông báo cho cơ quan liên quan của Việt Nam. Báo TQ xuyên tạc nói  rằng : "Mặc dù sự việc được xác nhận là “xảy ra ở vịnh Bắc Bộ”, nhưng truyền thông Việt Nam “muốn thông qua sự kiện này để kích động tình cảm dân tộc”, có ý đồ đối đầu với Trung Quốc rất rõ ràng".

Tiếp tục luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắn trợn, báo Trung Quốc cho rằng, "trong sự kiệm đâm va tàu thuyền giữa Trung-Việt, Việt Nam “luôn có ý đồ làm nổi bật hình tượng kẻ yếu – tàu lớn Trung Quốc ăn hiếp tàu nhỏ Việt Nam” để gây tình cảm căm thù của nhân dân Việt Nam đối với hành động “cậy lớn hiếp bé” của Trung Quốc". Và tất nhiên cả thế giới đều biết những tuyên bố kiểu này của truyền thông TQ có đúng hay không.

Tờ “Nhân Dân” Việt Nam ngày 27 tháng 6 đăng nhiều bài viết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chính quyền Việt Nam còn tiến hành trưng bày tàu cá đã bị Trung Quốc đâm chìm để làm nổi bật mức độ thê thảm bị Trung Quốc tấn công của tàu cá Việt Nam.

Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm hỏng nặng tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam, trên thực tế, nhìn vào hướng đâm, tốc độ đâm... thì Trung Quốc có ý định cho đâm chìm tàu kiểm ngư này. Một hành động khủng bố dã man, dã thú không thuộc nền văn minh hiện đại, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm hỏng nặng tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam, trên thực tế, nhìn vào hướng đâm, tốc độ đâm... thì Trung Quốc có ý định cho đâm chìm tàu kiểm ngư này. Một hành động khủng bố dã man, dã thú không thuộc nền văn minh hiện đại, bất chấp luật pháp quốc tế.

Báo TQ tuyên truyền, chia rẽ khối đại đoàn kết của Việt Nam khi phán rằng: Một cấp độ khác của chiến tranh dư luận là Chính phủ Việt Nam khuyến khích ngư dân đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa đánh bắt cá, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam coi những ngư dân dám đến vùng biển này đánh bắt cá là những anh hùng dân tộc, ban thưởng vật chất, danh hiệu cho họ, qua đó hiệu triệu nhiều ngư dân hơn đến “vùng biển tranh chấp” (thực chất là vùng biển chủ quyền của Việt Nam) để đánh bắt cá. Chính phủ Việt Nam muốn sử dụng ngư dân trên tuyến đầu để “Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó xử không làm gì được”.

Chính phủ Việt Nam còn cấp vốn tăng cường đóng tàu cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, tăng cường thực lực cứng đối đầu với Trung Quốc. Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 4 tháng 7, Chính phủ Việt Nam quyết định chi hơn 200 triệu USD dùng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đồng thời chi trên gần 500 triệu USD để đóng tàu cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư.

Ngoài 2 cấp độ trên, Chính phủ Việt Nam còn huy động sức mạnh của các tầng lớp trong nước, lên tiếng phản đối Trung Quốc để xây dựng quyết tâm kiên định đoàn kết thống nhất, cùng chống lại Trung Quốc ở trong nước, ép Trung Quốc nhượng bộ. 

Trên tờ “Nhân Dân” Việt Nam, nhiều bài viết thể hiện tiếng nói của các tổ chức, những lời kêu gọi như cả nước ăn vải đối phó Trung Quốc… đã trở nên quen thuộc. Ngoài ra, Quân đội Việt Nam cũng liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố hỗ trợ cho các biện pháp chống Trung Quốc của Chính phủ - báo TQ tuyên truyền.

Tóm lại, theo báo của Bắc Kinh, về đối nội, Chính phủ Việt Nam muốn thông qua một loạt biện pháp thực tế từ trên xuống dưới, tạo dựng dư luận để đoàn kết toàn quân, toàn dân cùng chống Trung Quốc, khơi dậy tình cảm chống Trung Quốc để ủng hộ các biện pháp chống Trung Quốc của Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam chi tiền lớn đóng tàu chống lại hành động cướp biển, khủng bố, thực dân của Trung Quốc. Trong hình là tàu kiểm ngư KN 781 hiện đại nhất của Việt Nam vừa biên chế cho Lực lượng Kiểm ngư.
Chính phủ Việt Nam chi tiền lớn đóng tàu chống lại hành động cướp biển, khủng bố, thực dân của Trung Quốc. Trong hình là tàu kiểm ngư KN 781 hiện đại nhất của Việt Nam vừa biên chế cho Lực lượng Kiểm ngư.

Chính phủ Việt Nam muốn thông qua các biện pháp này để Trung Quốc ý thức được lập trường kiên định, lâu dài của Việt Nam trong “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” (thực chất là bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngăn chặn bành trước, cạy thế nước lớn -PV), để Trung Quốc từ bỏ mọi hành động ép buộc Chính phủ Việt Nam phải khuất phục, mục tiêu cuối cùng vẫn là buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Đối ngoại: Dùng chiến tranh pháp lý, chiến tranh ngoại giao gây sức ép với Trung Quốc

Báo Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, đằng sau việc thúc đẩy thực hiện một loạt biện pháp về đối nội, Việt Nam còn tận dụng đầy đủ các kênh quốc tế để xây dựng “hình tượng ngang ngược” – cậy lớn hiếp bé của Trung Quốc. 

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam còn thông qua nhờ sự giúp đỡ của Tòa án quốc tế để tăng cường mức độ quan tâm lâu dài của cộng đồng quốc tế đối với “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Trung-Việt” (thực chất là công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo trước hành động đơn phương khiêu khích, xâm lược của Trung Quốc), gây sức ép bên ngoài mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

Từ trang mạng “Nhân Dân” Việt Nam có thể sẽ thấy được một sự thực rõ ràng, chỉ cần nhà lãnh đạo Việt Nam hội kiến với lãnh đạo nước ngoài đều đề cập đến “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Trung-Việt” (thực ra không có tranh chấp, Trung Quốc nhảy vào ăn cướp, xâm lược), đồng thời thẳng thắn bày tỏ lập trường cứng rắn của Việt Nam. Không chỉ như vậy, Việt Nam còn tận dụng tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Philippines.

Nhìn vào báo “Nhân Dân” Việt Nam, gần đây, trao đổi chính thức Mỹ-Việt tăng lên rõ rệt. Ngoài một số cuộc hội đàm có cấp độ tương đối cao, một số chuyến thăm có tính chất nghi lễ thông thường cũng được báo “Nhân Dân” đưa tin – đây là điều rất ít thấy trước đây.

Ngày 1 tháng 7 năm 2014, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hội kiến, sau đó trao tặng quà lưu niệm biểu tượng của Bộ Quốc phòng cho Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương Mỹ
Ngày 1 tháng 7 năm 2014, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hội kiến, sau đó trao tặng quà lưu niệm biểu tượng của Bộ Quốc phòng cho Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương Mỹ

Báo Trung Quốc cố tình xuyên tạc, hạ thấp uy tín của nguyên thủ Việt Nam, cho rằng, "việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chúc mừng tròn 238 năm Quốc khánh Mỹ (ngày 4 tháng 7) – một hoạt động ngoại giao bình thường được tiến hành thường xuyên của Việt Nam là có ý “nịnh bợ” rõ ràng (?). Điều này rõ ràng cho thấy sự tính toán chiến lược của cấp cao Việt Nam trong xây dựng quan hệ chặt chẽ Việt-Mỹ".

Theo Thông tấn xã Việt Nam, chiều ngày 1 tháng 7, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn đã hội kiến với Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, Thiếu tướng Gari Her, nhân dịp Thiếu tướng sang Việt Nam dự tham vấn Lục quân song phương Việt-Mỹ lần thứ ba.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, Việt Nam cảm ơn Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh phản đối giàn khoan 981 Trung Quốc của Việt Nam. Ông còn đề nghị, lục quân hai nước trong tương lai cần xây dựng kế hoạch hợp tác lâu dài, tập trung vào các nội dung thiết thực và có tính khả thi, hy vọng Mỹ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trên phương diện xây dựng đơn vị lục quân có đủ sức mạnh tác chiến liên quan đến thảm họa thiên tai, dịch bệnh.

Thiếu tướng Gari Her cho biết, Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức tuyên bố, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh, phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc.

Ngày 2 tháng 7 năm 2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thân mật đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tại Nhà khách Chính phủ.
Ngày 2 tháng 7 năm 2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thân mật đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tại Nhà khách Chính phủ.

Trong khi đó, “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” (Trung Quốc đơn phương khiêu khích, xâm lược) gay gắt giữa Trung-Việt còn kéo gần quan hệ giữa Việt Nam-Philippines.

Ngày 2 tháng 7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã có chuyến thăm công tác tới Việt Nam. Hai bên nhất trí nâng quan hệ Việt Nam-Philippines lên tầm cao mới, bao gồm thành lập một Ủy ban liên hợp do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đứng đầu, xây dựng kế hoạch để đưa quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Hai bên còn tiếp tục khẳng định cam kết chung có liên quan đến các vấn đề như tôn trọng các quy định của luật pháp, dùng phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp. Điều này chắc chắn cho thấy Việt Nam-Philippines không chỉ sẽ có lập trường đồng minh tấn công-phòng thủ trong “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” với Trung Quốc, mà còn phản ánh sự tính toán chiến lược của Việt Nam-Philippines trong việc xây dựng liên minh chống Trung Quốc lâu dài.

Hoàn Cầu thời báo viết: Ngoài việc ra sức thúc đẩy tiến hành chiến tranh ngoại giao, Chính phủ Việt Nam còn ra sức tập trung thúc đẩy cuộc chiến pháp lý. Mặc dù cuộc chiến pháp lý của Philippines đã thể hiện “không có hiệu quả” đối với Trung Quốc (?), nhưng Việt Nam vẫn có ý định thông qua đó để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, gây thêm sức ép bên ngoài cho Trung Quốc.

Ngày 3 tháng 7 cho rằng, Trưởng đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung tiếp tục gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về việc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cho lưu hành 2 văn kiện lập trường có liên quan đến việc Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và phản bác yêu sách chủ quyền không có bằng chứng pháp lý và lịch sử của Trung Quốc đối với quần đảo này, đồng thời đề nghị Tổng thư ký lấy văn kiện lập trường của Việt Nam làm tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, phát cho các nước thành viên của Liên hợp quốc.

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc

Tờ “Thanh niên” Việt Nam ngày 3 tháng 7 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đã đưa bằng chứng “xâm phạm” của Trung Quốc lên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Đảng, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ pháp lý, tìm kiếm giải quyết vấn đề này tại cơ quan trọng tài quốc tế.

Theo mạng Vietnamnet ngày 4 tháng 7, trong cuộc họp báo ngày 3 tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam vừa ký 2 văn kiện, tăng cường hợp tác với Tòa án trọng tài thường trực La Hay.

Đông Bình