Báo Trung Quốc: Ấn Độ chi 100 tỷ USD để đối phó với TQ, Pakistan

20/11/2012 07:18
Đông Bình (nguồn Chinamil)
(GDVN) - “Các đơn đặt hàng vũ khí của Ấn Độ đều nhằm mục đích đồng thời tác chiến với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan”.
Ấn Độ mua máy bay trực thăng AH-64D Longbow Apache của Mỹ để triển khai ở biên giới Trung-Ấn
Ấn Độ mua máy bay trực thăng AH-64D Longbow Apache của Mỹ để triển khai ở biên giới Trung-Ấn

Trang mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ vừa đăng bài viết “Tham nhũng và quan liêu cản trở kế hoạch mua sắm vũ khí 100 tỷ USD của Ấn Độ” (Corruption, Bureaucracy Delay $100B India Buy) của tác giả Vivek Raghuvanshi.

Bài viết đã giới thiệu chương trình mua sắm vũ khí chính năm 2012 của Quân đội Ấn Độ, đã chỉ ra những vấn đề khó khăn trong mua sắm vũ khí của Ấn Độ. Điều đáng chú ý là bài viết tiếp tục nhấn mạnh các đơn đặt hàng vũ khí của Ấn Độ là để đồng thời triển khai tác chiến với Trung Quốc và Pakistan. Nội dung chính của bài viết như sau:

Những năm gần đây, Ấn Độ luôn là khách hàng lớn trên thị trường vũ khí quốc tế. Năm 2012, Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD dùng để mua vũ khí trang bị trong 5-7 năm tới.

Nhưng, quan chức cấp cao Lục quân Ấn Độ cho biết, nếu dựa vào chiến lược quân sự “đồng thời triển khai tác chiến với Trung Quốc và Pakistan”, con số này ít nhất phải tăng tới 150 tỷ USD.

Ấn Độ có kế hoạch tăng quân ở biên giới Ấn-Trung, Ấn-Pakistan, đồng thời trang bị vũ khí trang bị mới cho lực lượng bộ binh miền núi, hiện nay trị giá 5 chương trình mua sắm có liên quan đã lên tới 60 tỷ USD, do bị tác động bởi lạm phát, tương lai còn có thể tăng lên 20%, tức lên tới 72 tỷ USD. Theo tính toán tỷ lệ này, kim ngạch mua sắm trong 7-10 năm tới sẽ lên tới 150 tỷ USD.

Xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo
Xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo
Lục quân

Lục quân Ấn Độ có kế hoạch chi 8 tỷ USD, ưu tiên mua (lựu) pháo tự hành 155 mm, giúp cho số lượng pháo của lực lượng pháo binh dã chiến tăng lên 220 khẩu.

Ấn Độ khởi động kế hoạch đấu thầu công khai pháo tự hành đã gần 10 năm, nhưng do vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong quân đội, nên đến nay kết quả vẫn chưa rõ ràng.

Một chương trình mua pháo tự hành bánh lốp khác của Ấn Độ cũng đối mặt với thách thức bị hủy bỏ, nhà thầu chính – hãng Rheinmetall GmbH của Đức bị cấm tiến hành giao dịch vũ khí ở Ấn Độ trong 10 năm.

Năm 2012, Ấn Độ đã đặt mua lựu pháo tự hành 155 mm phiên bản nâng cấp nội địa của Ủy ban Xưởng quân khí (Tổng cục Sản xuất quân nhu/Hội đồng công nghiệp quốc phòng, hay Ordnance Factory Board, OFB) và 145 lựu pháo hạng nhẹ do chi nhánh của hãng BAE tại Mỹ sản xuất, dùng để tăng tầm phóng pháo triển khai ở biên giới Trung-Ấn.

Pháo 2 nòng 25 mm của Lục quân Ấn Độ triển khai ở biên giới
Pháo 2 nòng 25 mm của Lục quân Ấn Độ triển khai ở biên giới

Không quân

Từ khi máy bay chiến đấu MiG-23 nghỉ hưu, đổi sang trang bị máy bay MiG-29 và MiG-21 đến nay, Không quân Ấn Độ luôn đối mặt với vấn đề thiếu hụt máy bay chiến đấu.

Trong 10 năm tới, Ấn Độ có kế hoạch tăng phi đội máy bay chiến đấu từ 33 lên 44 phi đội, tạo dựng ưu thế trên không trước Pakistan.

Chương trình máy bay chiến đấu hạng trung đa dụng (MMRCA) của Ấn Độ phải chi hơn 12 tỷ USD, có kế hoạch bàn giao máy bay mẫu đầu tiên vào năm 2015-2016, khi đó Không quân Ấn Độ sẽ cho nghỉ hưu hơn 100 máy bay chiến đấu chủ lực MiG-21 và hơn 40 máy bay chiến đấu MiG-27.

Để lấp đi chỗ trống sẽ nảy sinh từ đó, Ấn Độ có kế hoạch bắt đầu từ năm 2012 đầu tư 25 tỷ USD để hợp tác với Nga sản xuất 250 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA).

Ấn Độ đang cùng với Pháp tiến hành đàm phán nhập máy bay chiến đấu Rafale, dự kiến ký kết hợp đồng vào tháng 3/2013.

Máy bay chiến đấu Mirage-2000 và Su-30 của Ấn Độ
Máy bay chiến đấu Mirage-2000 và Su-30 của Ấn Độ

Hải quân

Hải quân Ấn Độ đang cho nghỉ hưu những tàu chiến cũ của Nga, để tăng tốc nhập loại thay thế, năm 2012 Hải quân Ấn Độ đã trình lên Bộ Quốc phòng nước này phương án mua sắm tàu chiến năm, có kế hoạch đến năm 2017 thực hiện quy mô hạm đội 185 chiếc.

Nhưng, một quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết, đến năm 2017, quy mô hạm đội của Ấn Độ cũng có thể từ 140 chiếc giảm xuống còn 120 chiếc.

Năm 1999, Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch đến năm 2023 chế tạo 23 tàu ngầm; năm 2012, 6 chiếc tàu ngầm thông thường lớp Scorpene nhập của Pháp đã bắt đầu bàn giao cho Quân đội Ấn Độ.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ có kế hoạch bổ sung thêm 12 tỷ USD tiếp tục chế tạo 6 chiếc tàu ngầm thông thường lớp Scorpene.

Bắt đầu từ tháng 8/2015, cứ 6 tháng (tức nửa năm) là Công ty đóng tàu quốc doanh Mazagon Dock của New Delhi, Ấn Độ (ở Mumbai) bàn giao một chiếc tàu ngầm cho hải quân, đến năm 2018 hoàn thành bàn giao 6 chiếc theo kế hoạch.

Năm 2013, chiếc tàu ngầm hạt nhân Arihant do Ấn Độ tự sản xuất với kinh phí nghiên cứu phát triển là 6,4 tỷ USD sẽ được bàn giao cho hải quân nước này, làm thay đổi triệt để tình hình khó khăn từ thập niên 1980 đến nay – khi mà Ấn Độ chỉ sở hữu 15 tàu ngầm, có duy nhất một chiếc tàu ngàm hạt nhân thuê của Nga trong 10 năm.

Ngoài ra, Ấn Độ còn bỏ ra 7 tỷ USD, hợp tác với hãng Lockheed Martin, chế tạo 7 chiếc tàu hộ vệ tàng hình tại Công ty đóng tàu Mazagon Dock.

Tàu khu trục tên lửa INS Ranvir lớp Rajput của Hải quân Ấn Độ.
Tàu khu trục tên lửa INS Ranvir lớp Rajput của Hải quân Ấn Độ.
Đông Bình (nguồn Chinamil)