Báo Trung Quốc tâng bốc ưu thế của xe tăng Type 99 ở Trung Đông

02/08/2012 08:02
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - "Xe tăng Trung Quốc có công nghệ ngang hàng phương Tây, lại có phong cách Nga, phù hợp hơn với nhu cầu của các nước Trung Đông".
Xe tăng Type 99A2 của Trung Quốc.
Xe tăng Type 99A2 của Trung Quốc.

Ngày 31/7, trang mạng “Diễn đàn quân sự Viggen” Hàn Quốc có bài viết phân tích về  việc Qatar sẽ theo Ả-rập Xê-út mua xe tăng Leopard-2 của Đức và triển vọng Trung Quốc xuất khẩu xe tăng ở Trung Đông.

Bài viết cho rằng, xe tăng châu Âu với đại diện là Leopard-2 của Đức chịu sự chi phối bởi trọng tải xe quá cao và nhu cầu trình độ khó thích ứng với chiến trường Trung Đông.

Trái lại, báo TQ tuyên truyền rằng "xe tăng Trung Quốc, loại xe tăng có công nghệ ngang hàng với xe tăng phương Tây, nhưng rất có phong cách kiểu Nga, sẽ phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thế giới Ả-rập".

Nhưng, xe tăng Trung Quốc phải tiến hành nâng cấp động cơ và hệ thống kiểm soát hỏa lực thì mới có thể thích ứng với việc sử dụng cường độ cao ở khu vực sa mạc Trung Đông.

Báo TQ: Leopard-2 khó đáp ứng nhu cầu của chiến trường Trung Đông

Khi Liên Xô sụp đổ, một tướng lĩnh cấp cao Lục quân Mỹ từng nói rằng: “Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài, ưu thế quân bị cốt lõi của Liên Xô chỉ đem lại sự “an ủi” cho Mỹ, nhưng lực lượng thiết giáp khổng lồ của Liên Xô mới là thủ đoạn tốt nhất đe dọa người Mỹ”.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu gay gắt giữa hai lực lượng xe tăng lớn với đại diện là Mỹ-Xô đã cho ra đời xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba, theo quan điểm nhất quán của phương Tây, xe tăng Nga luôn chiếm ưu thế công nghệ nhất định.

Nhưng, xe tăng phương Tây đã tạo ra một “thần thoại” nhờ hai cuộc chiến tranh Iraq, trong khi Nga lại bị hạn chế bởi khó khăn kinh tế trong nước, không thể có chiến xa mới áp đảo toàn diện xe tăng hiện có của phương Tây.

Do đó, các nước Trung Đông đều bắt đầu mua rất nhiều xe tăng kiểu Mỹ và phương Tây làm trang bị chủ lực thời đại mới, gần đây Ả-rập Xê-út và Qatar chuẩn bị mua rất nhiều xe tăng chiến đấu Leopard-2 có thể coi là sự tiếp tục của xu thế này. Nhưng xe tăng phương Tây có lẽ khó đáp ứng được nhu cầu của chiến trường Trung Đông.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7, Đức.
Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7, Đức.

Hiện nay, các nước chính ở Trung Đông như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Oman, Iraq đều đã trang bị xe tăng tiên tiến có tính năng đỉnh cao của phương Tây, lý do rất đơn giản, đó là những chiếc xe tăng này đã thể hiện tính năng ưu việt trong 2 cuộc chiến tranh Iraq.

Nhưng, những nước Trung Đông này đã phạm phải một sai lầm có tính chất “ấn tượng ban đầu”, đó là những chiếc xe tăng này sở dĩ có thể phát huy sức chiến đấu mạnh mẽ trong chiến tranh, nguyên nhân căn bản không phải là tính năng của bản thân xe tăng, mà là binh sĩ có tố chất cao và sự phối hợp có hiệu quả về trang bị.

Trước đó, xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất trang bị cho các nước Trung Đông cơ bản là xe tăng chiến đấu T-72 của Nga, nó có sự khác biệt về khoảng cách rất lớn so với xe tăng tiên tiến của phương Tây.

Vì vậy, lực lượng thiết giáp của các nước Trung Đông sau khi trang bị “mù quáng” quá nhiều trang bị tiên tiến của phương Tây, sức chiến đấu tổng thể của họ có lẽ khó mà được cải thiện mạnh mẽ như mong muốn.

Điều này cũng giải thích một vấn đề, đó là: các nước trang bị xe tăng chiến đấu dòng M1A1 Abrams hơn 10 năm, trong các cuộc diễn tập quân sự lục quân của họ, hầu như không nhìn thấy trang bị phương Tây tiến hành diễn tập hiệp đồng có hiệu quả so với trang bị vốn có.

Đồng thời cũng làm cho người ta hiểu rằng, Israel (mối thù truyền kiếp của các nước Trung Đông) tại sao không hề có phản ứng gì với việc đồng minh trụ cột của họ - Mỹ bán rất nhiều xe tăng tiên tiến cho các nước Trung Đông.

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ ở Baghdad năm 2003
Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ ở Baghdad năm 2003
Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ
Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ

Nếu nói đơn thuần về công nghệ, xe tăng tiên tiến của phương Tây cũng không thích hợp với nhu cầu của chiến trường Trung Đông.

Trong hai cuộc chiến tranh Iraq, chiến trường chính của quân Mỹ và quân đồng minh hầu hết là khu vực sa mạc Gobi có địa hình bằng phẳng, ít có đồi núi gập ghềnh. Vì vậy, điểm yếu về trọng lượng (tương đối lớn) của xe tăng chiến đấu phương Tây hoàn toàn không thấy rõ.

Nhưng, đối tượng giả định trên bộ của các nước Ả-rập luôn là Israel, nhìn lại nhiều cuộc chiến tranh Trung Đông, chiến trường chính đều tập trung ở khu vực miền núi, cao nguyên có địa hình phức tạp như cao nguyên Golan. Trong môi trường này, xe tăng chiến đấu phương Tây nặng gần 70 tấn chắc chắn khó thích hợp với địa hình chiến trường đa dạng, gập ghềnh.

Mặc dù xe tăng chiến đấu Merkava của Israel có trọng lượng cũng không nhẹ, nhưng Israel có khả năng bảo đảm hậu cần hiệu quả cao, các nước Ả-rập khó mà sánh kịp.

Như vậy, trang bị xe tăng tương lai của các nước Trung Đông cần phải vừa có tính tiên tiến của xe tăng phương Tây vừa có tính cơ động như xe tăng Nga (tương đối nhẹ), mà xe tăng Trung Quốc lại phù hợp với hầu hết nhu cầu của các nước Trung Đông đối với xe tăng chiến đấu.

Xe Trung Quốc có thể là lựa chọn tốt của các nước Trung Đông?

Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, một chiếc xe tăng chiến đấu Challenger-1 của quân Anh từng tạo nên kỷ lục về tầm bắn - ở khoảng cách siêu xa 5.100 m, 1 pháo phá hủy xe tăng T-55 của Lục quân Iraq, kỷ lục này đến nay vẫn chưa bị phá vỡ.

Mặc dù thời cơ chiến đấu tồn tại rất nhiều tính ngẫu nhiên, nhưng nó lại phản ánh một nguyên tắc cơ bản, quan trọng của chiến tranh xe tăng Trung Đông, đó là bên nắm chắc ưu thế tầm bắn của xe tăng sẽ dễ dàng chiếm thế thượng phong hơn trên chiến trường.

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 của Anh
Xe tăng chiến đấu Challenger 2 của Anh

So với xe tăng phương Tây, pháo nòng trơn 125 mm L48 của xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba Nga với đại diện là T-72, dù về tầm bắn hay uy lực, đều dẫn trước pháo nòng trơn 120 mm L44 được trang bị rất nhiều cho xe tăng phương Tây. Phiên bản nâng cấp của nó là pháo nòng trơn 125 mm L50 cũng có tính năng tổng hợp tương đương với pháo nòng trơn 120 mm L55, có tầm bắn xa nhất, của phương Tây.

Nhưng, do hạn chế về hệ thống kiểm soát hỏa lực và đạn, ưu thế tầm bắn và hỏa lực vốn có của xe tăng Nga mãi chưa thể phát huy hiệu quả, điều này cũng giải thích vì sao Israel vẫn sử dụng pháo nòng trơn 120 mm L44 có tầm bắn và uy lực không được xuất sắc lắm cho xe tăng chiến đấu Merkava-IV kiểu mới nhất.

Nhưng, xe tăng chiến đấu Trung Quốc, kết hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến của phương Tây, mặc dù đã sử dụng pháo 125 mm truyền thống, nhưng uy lực của nó đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới - báo TQ tâng bốc.

Ngay từ thập niên 1980, Trung Quốc đã nhập khẩu công nghệ tiên tiến nhất của Thụy Sĩ, trình độ công nghệ trên lĩnh vực nghiên cứu phát triển pháo xe tăng có tính năng cao đã cơ bản sánh ngang với các nước như Mỹ, Đức, cộng với xe tăng Trung Quốc đã phá được điểm khó công nghệ đạn xuyên giáp của pháo tăng (công nghệ này hiện vẫn gây khó cho Anh, khiến cho hỏa lực xe tăng chiến đấu dòng Challenger khó được cải thiện tương đối lớn), đồng thời đã nắm được công nghệ nghiên cứu phát triển đạn xuyên thép hợp kim wolfram và uranium nghèo có tính năng cao, từ đó làm cho khả năng tiêu diệt của xe tăng Trung Quốc đã vượt Mỹ, Nga, đi lên trình độ dẫn trước thế giới.

Trung Quốc còn nghiên cứu phát triển riêng pháo nòng trơn 125 mm L50 hoàn toàn mới cho xe tăng Type 99 (trước đó là L48), kết hợp hệ thống kiểm soát hỏa lực kiểu “săn-diệt” hoàn toàn mới, hoàn toàn có khả năng tiến hành bắn chính xác cao trong tầm bắn tối đa của pháo xe tăng (3.000-4.000 m). Những điều này phù hợp với nhu cầu của các nước Trung Đông.

Xe tăng chiến đấu Type 99 Trung Quốc
Xe tăng chiến đấu Type 99 Trung Quốc

Khi tiến hành đánh giá mặt trái của xe tăng Trung Quốc, các nước phương Tây luôn cho rằng xe tăng Trung Quốc “mang rất nhiều phong cách xe tăng Nga”. Nhưng họ cũng hiểu rõ, quan điểm cho rằng đối mặt với xe tăng tinh nhuệ của phương Tây, xe tăng T-72 cũ của Nga đã hoàn toàn lạc hậu là sai lầm.

Thực ra, mang đậm phong cách xe tăng Nga có thể sẽ trở thành một nhân tố then chốt để xe tăng Trung Quốc thích hợp trang bị cho các nước Trung Đông - báo TQ bình luận. Trên thực tế, trước khi trang bị lượng lớn xe tăng tiên tiến của phương Tây, các nước chính ở Trung Đông cũng đều trang bị rất nhiều xe tăng Nga.

Trong khi đó, xe tăng kiểu mới Trung Quốc có rất nhiều điểm chung với xe tăng Nga, không chỉ giúp cho lực lượng thiết giáp của các nước Trung Đông thích ứng với trang bị mới một cách nhanh chóng, hình thành sức chiến đấu.

Điều quan trọng hơn là, còn có thể thông qua nhập công nghệ mới của xe tăng Trung Quốc, nâng cấp tổng thể trình độ công nghệ của lực lượng thiết giáp của các nước Trung Đông, làm cho những nước này từng bước có khả năng cạnh tranh tố chất lực lượng thiết giáp với Israel. Điều này chắc chắn là mong muốn căn bản nhất, cấp bách nhất của các nước Trung Đông trên phương diện xây dựng lực lượng thiết giáp.

Xe tăng Trung Quốc khó thích ứng với môi trường chiến trường Trung Đông

Mặc dù xe tăng kiểu mới của Trung Quốc tương đối thích hợp với nhu cầu thực tế của các nước Trung Đông, nhưng xe tăng Trung Quốc với đại diện là Type 99 hoàn toàn không phải ngay từ ban đầu thiết kế để dùng cho môi trường chiến trường của Trung Đông.

Xe tăng chiến đấu T-72 Nga
Xe tăng chiến đấu T-72 Nga

Hơn nữa lịch sử phát triển và dự trữ công nghệ xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba của Trung Quốc, so với các “cường quốc xe tăng” truyền thống như Mỹ, Nga, châu Âu, đều có khoảng cách tương đối. Vì vậy, Trung Quốc nếu muốn mở ra thị trường Trung Đông cho xe tăng chiến đấu kiểu mới của họ, thì phải ít nhất tiến hành nâng cấp đối với hệ thống động lực và kiểm soát hỏa lực của xe tăng.

Dư luận đều biết, động cơ luôn là “nút cổ chai” trong phát triển xe tăng kiểu mới của Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu nghiên cứu phát triển xe tăng thế hệ thứ ba của Trung Quốc, sự hỗ trợ công nghệ của Ukraine đã đóng vai trò quan trọng, động cơ diesel 6TD-2/3 của Ukraine luôn là động cơ chính của xe tăng chủ yếu kiểu mới và xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba phiên bản xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhưng, vấn đề ở chỗ, công nghệ xe tăng của Ukraine ở mức độ rất lớn là tự phát triển sau khi có được di sản của Liên Xô. Trong quá trình này, là một quốc gia mang tính khu vực, Ukraine rõ ràng không thể xem xét đầy đủ đến môi trường địa lý hiếm có trên lãnh thổ Ukraine như sa mạc Gobi. Vì vậy, động cơ xe tăng của Ukraine thiếu khả năng thích ứng với môi trường sa mạc.

Vì vậy, Trung Quốc sẽ học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước sử dụng xe tăng ở sa mạc như các nước Trung Đông hoặc Mỹ, tiến hành nâng cấp công nghệ để nâng cao tính thích ứng với sa mạc.

Ngoài ra, yêu cầu về khả năng chiến đấu tầm xa đối với xe tăng của khu vực Trung Đông rất cao, hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe tăng chiến đấu kiểu mới Trung Quốc, về công nghệ, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tấn công chính xác tầm xa.

Xe tăng chiến đấu kiểu mới Type 99 Trung Quốc.
Xe tăng chiến đấu kiểu mới Type 99 Trung Quốc.

Nhưng điều đáng chú ý là, trong 3 loạt cải tiến xe tăng chiến đấu Type 99 kiểu mới nhất của Trung Quốc, Trung Quốc đều tiến hành nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực, nhìn vào các hệ thống con của hệ thống kiểm soát hỏa lực, kết cấu chỉnh thể đã được xác định cơ bản, nhưng sự thay đổi liên tục về chi tiết cho thấy, so với Mỹ, Nga và châu Âu, Trung Quốc vẫn còn chưa hoàn toàn nghiên cứu phát triển thành công hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe tăng chiến đấu này.

Nếu tính tới đặc điểm bão cát quy mô lớn thường xuất hiện ở khu vực Trung Đông có ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe tăng, Trung Quốc sẽ tiến hành nâng cấp tính năng cần thiết tương đối nhiều để bảo đảm cho xe tăng có khả năng bắn tầm xa chính xác cao 3.000-4.000 m ở khu vực Trung Đông.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)