Báo Trung Quốc viết về trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Việt Nam

25/07/2013 08:13
Đông Bình
(GDVN) - Nga không chỉ tích cực chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam, mà còn tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm, xây dựng trung tâm huấn luyện...
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm quan tàu ngầm Hà Nội trong chuyến thăm Nga gần đây.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm quan tàu ngầm Hà Nội trong chuyến thăm Nga gần đây.


Việt Nam chuẩn bị nhận bàn giao lô 2 tàu ngầm đầu tiên

Ngày 19 tháng 7, các tờ Hoàn Cầu Thời báo, “Nhân Dân” Trung Quốc cũng dẫn nguồn tin tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore cho biết, lô tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay, lực lượng tàu ngầm của quốc gia Đông Nam Á này theo đó sẽ dần dần hình thành.

Nhân viên quản lý doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga tiết lộ, lô 2 tàu ngầm đầu tiên Nga chế tạo cho Việt Nam đang thử nghiệm, dự kiến sẽ bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong năm nay, đồng thời năm nay cũng còn có 2 tàu ngầm khác hạ thủy thử nghiệm.

Việt Nam đến nay vẫn chưa có lực lượng tàu ngầm, Nga hiện đang chế tạo 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo cho Hải quân Việt Nam.

Truyền thông Mỹ dẫn lời Andrei Baranov, phó cục trưởng Cục thiết kế Rubin - cơ quan thiết kế tàu ngầm chủ yếu nhất của Nga cho biết, lô 2 tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc tàu ngầm này đã bắt đầu hạ thủy chạy thử vào năm 2012, công tác thử nghiệm được tiến hành thuận lợi.

Lô 2 chiếc tàu ngầm thứ hai cũng sẽ hạ thủy trong năm nay. Trong tương lai, Việt Nam sẽ còn tiếp tục đặt đơn hàng lớn với Nga.

Hợp đồng 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo này được ký kết vào cuối năm 2009, chiếc cuối cùng sẽ bàn giao vào năm 2016. Tổng kim ngạch hợp đồng này là 2 tỷ USD.

Tàu ngầm diesel lớp Kilo mang tên Hà Nội sắp về Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu ngầm diesel lớp Kilo mang tên Hà Nội sắp về Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Báo chí Nga đưa tin, Nga sẽ còn trợ giúp Việt Nam thành lập lực lượng tàu ngầm, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và các công trình sửa chữa kèm theo.

Có nhà bình luận chính trị-quân sự Nga cho rằng, Việt Nam là thị trường vũ khí truyền thống của Nga, hợp tác công nghệ quân sự giữa hai nước đã duy trì mấy chục năm, Nga bán vũ khí trang bị cho Việt Nam có mục đích địa-chính trị.

Kanayev, học giả vấn đề Đông Nam Á của Nga phân tích: "Nga luôn nhấn mạnh cần hợp tác với các nước ASEAN như Việt Nam, bao gồm tăng cường hợp tác công nghệ quân sự, vì vậy giao dịch vũ khí với Việt Nam trong đó có giao dịch tàu ngầm thực sự thể hiện Nga đang thực hiện chiến lược ngoại giao này trên thực tế".

Hỗ trợ xây dựng trung tâm huấn luyện mô phỏng tàu ngầm

Ngày 23 tháng 7, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn bài viết trên trang mạng "Đài tiếng nói nước Nga" ngày 21 tháng 7 cho biết, tại vịnh Cam Ranh - căn cứ của Hải quân Việt Nam sẽ xây dựng Trung tâm huấn luyện số hóa tổng hợp “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Trung tâm này sẽ dùng để huấn luyện thủy thủ thao tác tàu ngầm động cơ diesel Việt Nam mua từ Nga.

Đại diện Hiệp hội sản xuất khoa học Avrora Nga, ông Vladimir Khoroshev cho biết, trung tâm huấn luyện này được xây dựng trên bờ biển, có hình tàu ngầm không có vỏ ngoài.

Việt Nam mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga
Việt Nam mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga

Khoroshev cho hay, trung tâm huấn luyện này do tập đoàn Avrora và gần 100 doanh nghiệp Nga cung ứng thiết bị cho tàu ngầm Việt Nam xây dựng.

Ở đó sẽ xây dựng 30 tàu mô phỏng thống nhất để làm phương tiện huấn luyện. Thông qua những trang bị này, có thể học tập phương pháp sử dụng tàu ngầm trong trạng thái bình thường, cũng có thể mô phỏng trạng thái không bình thường thậm chí tình hình khủng hoảng để huấn luyện thủy thủ.

Tập đoàn Avrora và Trung tam huấn luyện Liên bang Nga đã cùng thiết kế phương pháp học tập, trong đó đã tập hợp được kinh nghiệm của các học giả, nhà thiết kế và nhân viên tàu ngầm Nga.

Trung tâm huấn luyện có mô hình lắc lư, phác họa tình hình chân thực ở trên biển, như sóng lớn, chòng chành và nghiêng khi tàu ngầm lặn xuống hoặc nổi lên mặt nước.

Nếu thủy thủ thao tác không thích hợp, họ sẽ tự trải nghiệm được hậu quả. Những biểu hiện nghiêng hoặc lên cao của mô hình đều là mô phỏng trạng thái hoạt động thực tế của tàu ngầm. Sự vận chuyển của trang bị này cũng tiếp cận tối đa thực tế.

Theo bài báo, trung tâm huấn luyện rất quan tâm tới năng lực sống sót của thủy thủ trên tàu ngầm. Trung tâm thiết kế bể bơi chuyên nghiệp, các thủy thủ có thể học cách thức hoạt động trong trường hợp có khói lửa, sử dụng các biện pháp như thế nào để dập lửa, làm thế nào để tiến hành công tác sửa chữa và làm thế nào để thoát chết từ ống ngư lôi của tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Kilo Nga có khả năng chạy êm tuyệt vời
Tàu ngầm lớp Kilo Nga có khả năng chạy êm tuyệt vời

Trong thời gian hai năm xây dựng trung tâm huấn luyện, tổ huấn luyện viên tương lai đồng thời tiến hành huấn luyện tại St. Petersburg.

Trong tổ huấn luyện viên có khoảng 50 sĩ quan Việt Nam và giáo viên trường cao đẳng-đại học. Trong đó, cũng có lập trình viên hệ thống, giảng dạy làm thế nào để xử lý vấn đề phần mềm của trung tâm huấn luyện.

Theo Khoroshev, tất cả mệnh lệnh của tàu ngầm lớp Kilo và trung tâm huấn luyện đều được viết bằng sách tiếng Nga.

Ông cho biết, trong thời gian một năm rưỡi, các giáo viên đều đã học tiếng Nga và tìm hiểu chi tiết tình hình tất cả hệ thống của trung tâm huấn luyện, đã tiến hành hoạt động thực tế trên tàu ngầm thực sự ở trên biển.

Sau đó, các giáo viên đều thông qua sát hạch, thành tích sát hạch đều không tồi. "Những sĩ quan này đều rất ưu tú, tôi tin chắc, họ sẽ có thể đào tạo được quân nhân tàu ngầm chuyên nghiệp" - ông nói.

Hiện nay, nhóm huấn luyện viên Việt Nam này đã trở lại Việt Nam. Tháng 11 năm nay, sau khi xây dựng xong trung tâm huấn luyện, họ sẽ bắt đầu huấn luyện cho các thuỷ thủ Việt Nam tương lai.

Tàu ngầm lớp Kilo sẽ trở thành chủ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông
Tàu ngầm lớp Kilo sẽ trở thành chủ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook

Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Đông Bình