Báo cáo của Nhật Bản kêu gọi các nước sẵn sàng ứng phó với Trung Quốc

22/12/2012 07:00
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, ChinaNews)
(GDVN) - "Chính sách biển của Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh khu vực và cộng đồng quốc tế, các nước cần đề phòng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự".
Trung Quốc tham vọng mở rộng không gian sinh tồn và phát triển bằng cách vươn mạnh ra biển, chủ trương xây dựng "cường quốc biển". Trong hình là tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc tham vọng mở rộng không gian sinh tồn và phát triển bằng cách vươn mạnh ra biển, chủ trương xây dựng "cường quốc biển". Trong hình là tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, do tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung-Nhật nóng lên, Chính phủ Nhật Bản khẩn trương nỗ lực nghiên cứu mọi động thái quân sự của Trung Quốc.

Vào ngày 19/12, cơ quan nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản đã công bố “Báo cáo bảo đảm an ninh Trung Quốc năm 2012” đồng bộ cả ba thứ tiếng gồm tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Trung, tập trung phân tích vai trò của Quân đội Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên biển.

Báo cáo này cho rằng, chính sách biển của Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh khu vực và cộng đồng quốc tế. Báo cáo kêu gọi các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc cần làm tốt công tác chuẩn bị, đề phòng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự.

Báo cáo nhấn mạnh: “Quân đội Trung Quốc tìm cách khẳng định vai trò của họ trong lĩnh vực biển, trong khuôn khổ Ủy ban phòng thủ biển của Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc chiếm vị trí chủ đạo mang tính trung tâm.

Trên lĩnh vực biển, các cơ quan ban ngành của Trung Quốc thống nhất về hành động. Giữa Bộ Ngoại giao với các tổ chức sức mạnh trên biển như hải quân, hải giám và ngư chính đã tiến hành hoạt động song song”.

Lực lượng Hải giám, Ngư chính Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh ép Nhật thừa nhận có tranh chấp, mất quyền kiểm soát thực tế, từ bỏ chủ quyền đảo Senkaku.
Lực lượng Hải giám, Ngư chính Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh ép Nhật thừa nhận có tranh chấp, mất quyền kiểm soát thực tế, từ bỏ chủ quyền đảo Senkaku.

Đồng thời, báo cáo này cũng thể hiện sự cảnh giác, đề phòng rất cao đối với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh cho lực lượng chấp pháp trên biển: “Đến tháng 11/2012, Hải giám Trung Quốc có 29 tàu hải giám có lượng giãn nước trên 1.000 tấn và 10 máy bay. Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo 36 tàu hải giám có trọng tải lớn, có kế hoạch đưa vào sử dụng trước năm 2014”.

Báo cáo phân tích, đối với Trung Quốc – một nước có nền kinh tế phát triển rất nhanh, tầm quan trọng của vấn đề biển ngày càng tăng cao. Vấn đề biển liên quan đến 3 phương diện như quyền lợi kinh tế, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và an ninh.

Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động đòi hỏi chủ quyền trên biển, chủ yếu là các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng cường ý thức đối với nguy cơ an ninh trên biển, cho rằng môi trường xung quanh của Trung Quốc có sự thay đổi, đã xảy ra những vấn đề mới với các nước láng giềng trong vấn đề phòng thủ trên biển.

Rất nhiều tàu công vụ của Trung Quốc có tiền thân là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trong hình là tàu Ngư chính-206 có lượng giãn nước 5.800 tấn, vốn là tàu đo đạc biển xa Lý Tứ Quang của Hải quân Trung Quốc.
Rất nhiều tàu công vụ của Trung Quốc có tiền thân là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trong hình là tàu Ngư chính-206 có lượng giãn nước 5.800 tấn, vốn là tàu đo đạc biển xa Lý Tứ Quang của Hải quân Trung Quốc.

Trong vấn đề đảo Senkaku, ông Masayuki Masuda, chủ nhiệm Viện nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, tác giả bản báo cáo này cũng đã bổ sung thêm: “Trung Quốc điều các tàu thuyền đến vùng biển lân cận đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát là một chiến lược lâu dài, mục tiêu cuối cùng của họ là muốn thay đổi tình hình kiểm soát thực tế của Nhật Bản đối với hòn đảo này. Cá nhân tôi cho rằng, nếu Nhật Bản không tăng cường các trang bị, thì trong 2-3 năm tới Nhật Bản sẽ mất ưu thế”.

Tuy nhiên, vị cố vấn quân sự Nhật Bản này cũng cho rằng: “Hiện nay, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Nhật Bản còn rất thấp, Chính phủ Trung Quốc đang hết sức thận trọng trong việc điều động tàu thuyền, cho thấy họ cũng cố gắng tránh để tình hình căng thẳng leo thang nghiêm trọng”.

Được biết, Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ thái độ cứng rắn trên các vùng biển xung quanh như biển Hoa Đông, biển Đông. Họ đã liên tiếp đẩy tình hình căng thẳng trong tranh chấp đảo Senkaku lên mức nghiêm trọng, đáng chú ý là gần đây, Trung Quốc liên tiếp triển khai các tàu chấp pháp cỡ lớn ở vùng biển Hoa Đông, vùng biển lân cận nhóm đảo Senkaku như tàu Hải giám-137 (3.000 tấn), tàu Ngư chính-206 (5.800 tấn)… Thậm chí, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên điều máy bay hải giám B-3837 xâm nhập không phận đảo Senkaku.

Có chuyên gia cho rằng, tàu Ngư chính, Hải giám Trung Quốc có thể trang bị vũ khí hạng nặng khi xung đột quân sự xảy ra.
Có chuyên gia cho rằng, tàu Ngư chính, Hải giám Trung Quốc có thể trang bị vũ khí hạng nặng khi xung đột quân sự xảy ra.

Trước sức ép ngày càng căng thẳng từ phía Trung Quốc, Nhật Bản cũng tỏ thái độ hết sức cứng rắn, đồng thời triển khai nhiều hành động đáp trả, giữ vững sự kiểm soát thực tế của họ đối với nhóm đảo Senkaku, trong đó đáng chú ý là họ đã điều tới 8 máy bay chiến đấu F-15 để xua đuổi máy bay hải giám B-3837 khi xâm phạm bầu trời đảo Senkaku trong thời gian qua…

Bên cạnh đó, gần đây, Nhật Bản cũng có nhiều động thái thực tế như tăng chi tiêu mua tàu tuần tra cỡ lớn lớp nghìn tấn và máy bay trực thăng quân dụng có khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, tăng cường sức mạnh cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng tăng cường hoạt động trinh sát, do thám, cảnh báo sớm trên biển, theo dõi mọi động thái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nhất là vùng biển đảo Senkaku.

Các vùng biển trong khu vực như biển Hoa Đông, biển Đông đang thực sự nóng lên do sự "quần đảo" của các lực lượng tàu công vụ Trung Quốc.
Các vùng biển trong khu vực như biển Hoa Đông, biển Đông đang thực sự nóng lên do sự "quần đảo" của các lực lượng tàu công vụ Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, ChinaNews)